Những ngày đầu làm tài chính cho Đảng

Thứ Sáu, 02/09/2005, 07:44

Hàng năm cứ vào những ngày trung tuần tháng 8, các “Cô gái thành Hoàng Diệu” năm ấy lại họp mặt để kể cho nhau nghe những kỷ niệm của một thời hoạt động cách mạng sôi động nhất của mình. Trong số các chị ngày ấy, có những chị đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh giữ nước, có những chị ngày nay đã trở thành các nhà khoa học, nhà quản lý ở các doanh nghiệp, các cơ quan Đảng, nhà nước, và hầu hết đều đã nghỉ hưu. Nhưng dù ở cương vị nào, những chiến công thầm lặng của các chị trong những tháng năm hoạt động cách mạng vẫn như những dấu son đi vào lịch sử.

Sau mỗi năm gặp lại nhau, mái tóc và khuôn mặt của các chị đều có sự đổi thay bởi quy luật nghiệt ngã của thời gian và tuổỉ tác. Song dường như ở bất cứ chị nào, tôi đều dễ dàng có thể ghi nhận được những cử chỉ, những cảm xúc và những kỷ niệm khó quên của một thời hoạt động sôi động của mình.

“...Hồi đó, vào đầu năm 1945, tất cả chúng tôi đều ở vào độ tuổi trăng tròn”. Chị Song Toàn, đại tá, nguyên phó Cục trưởng Bộ Nội vụ, đã nghỉ hưu mở đầu câu chuyện cuả mình bằng những lời như thế. Theo chị thì sau khi phát xít Nhật làm cuộc đảo chính Pháp, tình hình chính trị thế giới và trong nước đang có bước chuyển biến mạnh mẽ. Trên thế giới Hồng quân Liên Xô đang mở các đợt tấn công vào hang ổ cuối cùng của chủ nghĩa phát xít. Còn ở trong nước, kẻ thù cũng đang đứng trước tình thế tuyệt vọng. Đảng ta đứng đầu là Hồ Chủ Tịch đã chớp thời cơ lãnh đạo nhân dân cả nước chuẩn bị làm cuộc khởi nghĩa cướp chính quyền.

Ở Hà Nội lúc đó, cùng với việc hình thành các đoàn thể cứu quốc, nhóm phụ nữ cứu quốc thành Hoàng Diệu cũng ra đời. Tổ chức này bao gồm đại đa số là những nữ sinh Hà Nội, được chứng kiến những cảnh đời bất công, tội ác do bọn thực dân gây ra, nhất là hậu quả của nạn đói năm 1945... Rồi biết bao những luật lệ và tập tục hà khắc do chế độ phong kiến để lại đối với người lao động và phụ nữ. Do vậy khi được gia nhập tổ chức này, chị nào cũng cảm thấy mình như những con chim được xổ lồng và mong muốn được góp sức mình vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

Cuộc gặp mặt các "cô gái thành Hoàng Diệu"

Tại cuộc tiếp xúc với chúng tôi, các chị cho biết, một trong những hoạt động của các cô gái thành Hoàng Diệu ngày ấy là làm kinh tế cho Việt Minh dưới hình thức mở các cuộc vận động quyên góp tài chính cho Đảng. Để thực hiện chủ trương này, các chị đã có sáng kiến đặt tên cho đợt quyên góp tài chính là “quỹ mua súng cứu nước “.

Chị Lê Thi, nay là giáo sư, giám đốc một trung tâm nghiên cứu khoa học thuộc viện xã hội Việt Nam kể :

- Ở vào thời điểm đó, phụ nữ sống rất cực bởi chịu 3 tầng áp bức. Hầu hết chị em không được học hành... Trừ một số con nhà giàu, còn phần lớn chị em phải ở nhà làm các công việc bếp núc, sống lệ thuộc vào gia đình. Do vậy khi gia nhập tổ chức phụ nữ thành Hoàng Diệu, chúng tôi phân công nhau đến nhiều nơi trong thành phố để làm các công việc từ thiện. Qua các hoạt động này vừa tuyên truyền giải thích cho chị em vì sao phụ nữ phải sống khổ cực, phải chịu cảnh bất công, vì sao xã hội có kẻ giàu người nghèo... ở nhiều nơi, nhiều chị em sau khi nghe chúng tôi, giải thích, tuyên truyền và vận động đã tự nguyện tham gia tổ chức và cùng với chúng tôi đẩy mạnh các hoạt động quyên góp tài chính cho Đảng.

Ngoài việc mở các đợt tuyên truyền vận động chị em trong thành phố, theo chị Lê Thi kể, thì các cô gái thành Hoàng Diệu lúc đó còn mở các lớp học để dạy các nghề như đan, thêu ... Tại các lớp học này, các chị vừa thực hiện truyền nghề để có thêm tiền góp vào quỹ mua súng, vừa tuyên truyền giác ngộ các chị em phụ nữ mới. Chưa hết, vào các buổi tối, các chị còn tổ chức làm hoa và sau đó phân công nhau đưa đi bán để lấy tiền góp vào quỹ.

Chị Lê Phương, một đại tá, cán bộ cấp cục đã nghỉ hưu cũng cho biết: Sau nạn đói năm 1945, nhân dân Hà Nội cững như ở các địa phương khác sống rất khổ cực. Gia đình tôi lúc đó ở số nhà 81 phố Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm Hà Nội. Đấy cũng là một cơ sở của Khu uỷ Bắc Kỳ lúc bấy giờ. Tại đây còn là nơi thường xuyên cất dấu điện đài và diễn ra các cuộc họp của khu uỷ. Tôi được các anh lãnh đạo khu uỷ giao cho nhiệm vụ canh gác và bảo vệ vòng ngoài các cuộc họp bí mật để phục vụ cho cuộc Tổng khởi nghĩa cướp chính quyền.

Để hoàn thành nhiệm vụ trên, hàng ngày tôi vừa thực hiện nhiệm vụ do tổ chức phụ nữ cứu quốc thành Hoàng Diệu giao cho làm các công việc như đan, thêu để có thêm tiền gây quỹ, vừa che mắt bọn mật thám, bọn chỉ điểm của địch. Gần đến ngày 19/8/1945 chị em chúng tôi tham gia cướp kho thóc của Nhật, đi đầu trong cuộc tuần hành để vận động các anh em binh sĩ trong hàng ngũ địch bỏ súng trở về với nhân dân. Một số chị em khác còn được xứ uỷ giao cho các nhiệm vụ như liên lạc, vận chuyển tài liệu từ trong thành phố đưa đến các cơ sở của ta ở ngoài thành. Một vài chị em khác còn được huy động vào công việc phá các cuộc mít tinh do các đảng phái phản động tổ chức. Có chị còn dũng cảm lọt vào tổ chức địch để điều tra nắm tình hình địch phục vụ cho cuộc khởi nghĩa. Tại cuộc mít tinh lớn diễn ra ngày 17/8/1945, tổ chức tại nhà hát lớn thành phố Hà Nội, một số chị em đã lên diễn thuyết và vận động được khá đông anh em binh sĩ buông súng trở về với cách mạng, tạo điều kiện và cơ hội cho quần chúng nổi dậy.

Sau cách mạng Tháng 8 thành công, nhiều chị trong tổ chức phụ nữ cứu quốc thành Hoàng Diệu theo sự phân công của Đảng đã đảm nhận các cương vị công tác khác nhau. Có chị trở thành những điệp báo viên hoạt động trong lòng địch, có chị tiếp tục các công việc lãnh đạo các phong trào đoàn thể cứu quốc để đẩy mạnh các hoạt động gây quỹ cho Đảng, phục vụ cuộc kháng chiến của dân tộc. Có chị phải tạm dời căn nhà thân yêu của mình ở Hà Nội về chiến khu hoạt động...

Đến nay, mặc dù đã 60 năm trôi qua, hầu hết các chị đều đã ở vào cái tuổi của lớp người xưa nay hiếm nhưng những kỷ niệm của một thời cống hiến tuổi thanh xuân của mình cho cách mạng mãi mãi là những kỷ niệm không thể nào quên

Kim Liên (ghi)
.
.