Trung tá Quàng Văn Thanh - Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm, Công an tỉnh Điện Biên:

Những lần đối đầu với tội phạm truy nã

Thứ Ba, 28/10/2014, 08:00
Ở Công an tỉnh Điện Biên, đến thời điểm này không có nhiều người giành "kỷ lục" như Trung tá Quàng Văn Thanh với 30 năm có lẻ theo "nghề" Cảnh sát hình sự - truy nã. Cuộc đời công tác của anh là những chuyến đi mải miết tầm nã tội phạm nơi đại ngàn. Chẳng ai thống kê xem đã có bao nhiêu kẻ thủ ác bị anh bắt giữ, nhưng những cuộc đấu sức, đấu trí của anh và đồng đội với bọn tội phạm có lệnh truy nã nguy hiểm đã làm cho bà con các dân tộc Tây Bắc yêu mến và cảm phục...

Điện Biên Phủ bây giờ đang vào cuối thu, tiết trời se lạnh. Sáng sớm, sương mù bảng lảng phủ một lớp voan mỏng manh trên cánh đồng Mường Thanh đã vàng rực màu lúa chín, tôi tìm đến trụ sở Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm (PC52) Công an tỉnh Điện Biên ở trên đỉnh đồi C2 - một di tích trong trận chiến 56 ngày đêm đỏ lửa năm nào để gặp Trung tá Quàng Văn Thanh. Khác xa với hình dung của tôi về những trinh sát hình sự "hầm hố", cắt đầu đinh, Đội trưởng của đơn vị truy nã này là một người giản dị, có nụ cười hiền lành. Là người dân tộc Thái, quê ở huyện Điện Biên, Trung tá Quàng Văn Thanh thuộc "lứa" cán bộ bổ sung cho lực lượng Công an Lai Châu (cũ) khi chiến sự biên giới phía Bắc còn hừng hực nóng và an ninh trật tự đang vào thời điểm rất phức tạp. Anh được phiên chế về đơn vị Cảnh sát hình sự. Năm 2010 Phòng Cảnh sát truy nã được thành lập, anh lại mải miết với những chuyến tầm nã tội phạm cho đến tận hôm nay.

Cũng như trinh sát ma tuý đã theo cái "nghiệp" hình sự là hằng ngày hằng giờ phải đối mặt với những tên tội phạm, đánh cược mạng sống của chính mình với cuộc chiến chống cái ác, bảo vệ bình yên cuộc sống. Trong thực tế - Trung tá Quàng Văn Thanh chia sẻ - không vụ án nào giống vụ án nào. Mỗi tên tội phạm đều có tính cách, hoàn cảnh, động cơ gây án khác nhau nhưng chúng giống nhau ở sự manh động, hung hãn. Đặc biệt với những tên tội phạm trốn lệnh truy nã thì sự gian manh, xảo quyệt đã được nâng lên một cấp độ khác. Để trốn tránh pháp luật, đối phó với sự truy đuổi của lực lượng Công an, chúng nghĩ ra cả ngàn mưu ma chước quỷ. Chính vì thế, giáp mặt với chúng không chỉ đơn giản cần sự dũng cảm mà mỗi trinh sát phải mưu trí, tương kế tựu kế để truy xét đến tận cùng "hang ổ" của chúng. "Một vụ án chỉ được coi là thành công khi chúng tôi điều tra, làm rõ và bắt giữ được hung thủ nhưng phải đảm bảo an toàn cho nhân dân và lực lượng truy bắt" - Trung tá Quàng Văn Thanh đúc kết.

Trung tá Quàng Văn Thanh (người dẫn đầu) trong một vụ truy bắt đối tượng ở khu vực Thanh Nưa, huyện Điện Biên.

Mấy chục năm giáp mặt với tội phạm nên dễ có tới vài chục lần Trung tá Thanh phải đối mặt với nguy hiểm. Hồi truy bắt tên tội phạm truy nã Lò Văn Xanh ở Nà Tấu, huyện Điện Biên, đồng đội của anh - Trung uý Hà Ngọc Thao đã anh dũng hy sinh; lần bắt tên Lù Văn Nghị ở Ảng Tở, Mường Ảng can tội buôn bán 8 bánh heroin, anh và một trinh sát khác là Ngô Minh Đức đã thoát chết trong gang tấc khi đối tượng rút chốt lựu đạn chống trả.

Vụ bắt tên Lò Văn Hồng ở Thanh Chăn, huyện Điện Biên, anh và đồng đội cũng thoát khỏi làn đạn khét lẹt của hắn. Lò Văn Hồng từng phải 7 năm bóc lịch trong trại nhưng ra tù, ngựa quen đường cũ, hắn tham gia vào một đường dây mua bán trái phép ma tuý, băng nhóm bị tóm gọn hết nên hắn "dạt" sang khu vực biên giới thuộc huyện Mường Mày, Phong Sa Lỳ (Lào) và tiếp tục gom "hàng trắng" đưa vào Việt Nam tiêu thụ. Nhiều lần trinh sát Phòng Cảnh sát truy nã đón lõng, đưa Hồng vào tròng nhưng ít nhất 3 lần Hồng sử dụng súng quân dụng bắn trả quyết liệt, rồi lợi dụng đêm tối, địa hình rừng rú bỏ trốn. Cuối tháng 10/2013, qua nguồn tin quần chúng, đơn vị PC52 phát hiện nơi Hồng ẩn náu tại một hang đá trên đỉnh Pú Hồng Mèo, giáp ranh với xã Thanh Chăn. Các trinh sát do Thượng tá Bùi Văn Hà, Phó trưởng Phòng PC52, Trung tá Quàng Văn Thanh chỉ huy đã bí mật vượt rừng 18 cây số để tiếp cận và giăng bẫy hắn. Một cuộc đấu súng đã diễn ra nhiều tiếng đồng hồ, rốt cuộc Lò Văn Hồng bị bắt. Các trinh sát còn thu giữ thêm 1 khẩu súng K59 cùng một cơ số đạn…

Gần đây nhất, máu của các trinh sát Phòng PC52 đã đổ xuống khi đối mặt với họng súng của đối tượng truy nã nguy hiểm Hạng Chù Dùa ở bản Pú Nhi B, xã Pú Nhi, huyện Điện Biên Đông. Pú Nhi là một điểm cực nóng về an ninh trật tự, xã có đến hơn 110 đối tượng liên quan đến ma tuý, hơn 30 đối tượng có lệnh truy nã đặc biệt nguy hiểm… Khi vào gần đến nhà Dùa, một tình huống ngoài dự kiến là con chó nhà hàng xóm bất ngờ từ đâu chui ra sủa ầm ĩ, Hạng Chù Dùa lao ra ngoài, tay lăm lăm khẩu AK. Trong tình huống nguy hiểm đó, các trinh sát buộc phải lao vào vật lộn vô hiệu hoá khẩu súng của hắn. Thiếu tá Nguyễn Thượng Hiền đã bị Dùa giở chiêu "cẩu xực" cắn mất cả miếng thịt trên mặt, máu chảy đầm đìa…

Ở Tây Bắc, do địa bàn chia cắt, nhiều bản, làng còn chưa có đường ôtô nên "phương tiện" chính để truy bắt đối tượng vẫn là đôi chân. Hồi huyện ngã ba biên giới Mường Nhé chưa có đường ôtô, Trung tá Quàng Văn Thanh và đồng đội từng lập kỷ lục khi cuốc bộ cả đi lẫn về gần 300km để bắt và dẫn giải một đối tượng can tội giết người lẩn trốn tận trong Na Cô Sa. Thượng tá Bùi Văn Hà, "sếp" của Trung tá Thanh cho biết: Lợi dụng khu vực biên giới, các đối tượng sau khi gây án thường bỏ trốn sang địa bàn giáp ranh hoặc bên kia biên giới để lẩn trốn; xác minh đối tượng đã khó nhưng truy bắt chúng chẳng khác gì "mò kim đáy bể".

Năm 2013 và 8 tháng đầu năm 2014, Trung tá Quàng Văn Thanh ít nhất có 5 chuyến "xuất ngoại" sang Lào để truy bắt đối tượng. Vụ bắt đối tượng Vùi Văn Xiếng, sinh năm 1967 (HKTT ở Phong Thổ - Lai Châu) và Lò Văn Tân, sinh năm 1956, (HKTT ở Sam Mứn, Điện Biên) là ví dụ điển hình. Cả 2 tên này đều can tội mua bán trái phép chất ma tuý. Xiếng đã bỏ trốn được gần 10 năm, Tân bỏ trốn đến nay đã 16 năm. Xiếng và Tân đều thay tên đổi họ, kết hôn và làm ăn trong một vỏ bọc hợp pháp tại bản Hua Lá, Hua Tạt, huyện Nậm Bạc, tỉnh Luông Pha Băng (Lào). Để truy theo giấu vết của 2 tên này, Trung tá Quàng Văn Thanh và đồng đội phải mất rất nhiều công sức, rà soát hàng trăm mối quan hệ phức tạp, đi về không biết bao lần để khoanh vùng và phối hợp với Công an tỉnh Luông Pha Băng bắt giữ đối tượng, dẫn giải về nước an toàn.

Cuộc chiến chống tội phạm hình sự - truy nã không chỉ là những cuộc rượt đuổi, truy bắt mà còn đòi hỏi sự mưu trí, tài cảm hoá của các chiến sĩ Công an. Từ khi được thành lập đến nay, Phòng PC52 Công an tỉnh Điện Biên đã vận động được gần 70 đối tượng ra đầu thú (trong tổng số gần 300 đối tượng bị bắt giữ). Nhiều trường hợp Trung tá Thanh và đồng đội vận động được cả các đối tượng cực kỳ nguy hiểm, trốn chạy hàng chục năm. Nổi bật nhất là vụ Ly A Long, sinh năm 1989, HKTT ở bản Ca Hâu, xã Na Ư, huyện Điện Biên can tội mua bán, vận chuyển trái phép 25 bánh heroin rồi Long bỏ trốn sang Lào. Sau khi tìm hiểu tâm tư, gia cảnh của đối tượng, các chiến sĩ Phòng PC52 đã gặp gỡ, vận động gia đình Long đưa Long ra đầu thú để hưởng sự khoan hồng của pháp luật...

Gần đây nhất, Trung tá Quàng Văn Thanh là người đã trực tiếp gặp gỡ, động viên gia đình đối tượng Quàng Văn Sơn, sinh năm 1992, can tội trộm cắp tài sản, quê ở bản Cang 2, xã Nà Tấu đang bỏ trốn tận trong TP. Hồ Chí Minh ra đầu thú. Năm 2013, Sơn gây án sau đó trốn biệt vô âm tín. Sau khi nghiên cứu nhân thân của Sơn, Trung tá Thanh đã nhiều lần đến gặp bố mẹ, anh chị em Sơn, động viên họ đưa con em ra đầu thú để hưởng sự khoan hồng của pháp luật. Khi được gia đình cung cấp số máy điện thoại, anh đã trực tiếp gọi điện để vận động Sơn. Biết anh ta đang làm công nhưng không có tiền, Trung tá Thanh đã bỏ tiền túi gửi hơn 1 triệu đồng vào để Sơn mua vé ôtô ra Điện Biên...

Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi với Trung tá Quàng Văn Thanh phải tạm dừng vì anh lại nhận lệnh lên đường... Ở vùng cao đúng là có những khó khăn mà nếu không dũng cảm, không am hiểu địa bàn, phong tục tập quán... thì không dễ phát hiện và truy bắt được đối tượng. Nhưng tôi tâm đắc với đúc kết mấy chục năm theo "nghề hình sự - truy nã" của Trung tá Quàng Văn Thanh, đó là bắt tội phạm vẫn rất cần tấm lòng nhân ái. Mỗi trinh sát phải biết đánh thức lòng nhân trong mỗi tên tội phạm, dùng lòng nhân ái để thức tỉnh lương tâm và nhân cách của chúng. Bởi ở miền núi, do hiểu biết pháp luật hạn chế nên không ít đối tượng gây án không lường trước hậu quả mình gây ra, nhiều vụ việc gây án vì thiếu hiểu biết. Chính vì vậy, lực lượng Công an phải tuyên truyền, vận động, phối hợp cùng gia đình để kẻ phạm tội ra đầu thú để hưởng sự khoan hồng của pháp luật. Phải chăng quan điểm đó đã giúp Công an tỉnh Điện Biên nói chung, Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm của Trung tá Quàng Văn Thanh nói riêng liên tục gặt hái nhiều chiến công, là lá cờ đầu trong phong trào thi đua Vì An ninh Tổ quốc...

Vũ Mạnh Hà
.
.