Những hiệp sĩ chống tội phạm công nghệ cao

Thứ Ba, 15/01/2013, 08:00

Chúng tôi đến thăm Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao vào một ngày cuối năm. Các chiến sĩ ở đây không tỏa đi các nẻo đường như những đơn vị chiến đấu khác mà chăm chú với màn hình máy tính và các máy móc hiện đại khác bởi mặt trận chủ yếu của họ là trên mạng Internet. Đại tá, Cục trưởng Nguyễn Thanh Hóa vừa có cuộc họp án quan trọng, lại trực tiếp xuống các phòng chỉ đạo anh em chuẩn bị cho những chuyên án lớn...

Từ một lãnh đạo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm kinh tế, năm 2009, khi Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50) được thành lập, Đại tá Nguyễn Thanh Hóa được bổ nhiệm chức vụ Cục trưởng. Một lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ không chỉ đối với đơn vị mà với cả lực lượng Công an trong nhiệm vụ đấu tranh với loại tội phạm phi truyền thống khiến anh rất lo lắng và trăn trở. Làm thế nào để đấu tranh có hiệu quả với loại tội phạm có nhiều phương thức, thủ đoạn rất tinh vi, ở trình độ cao trong khi lực lượng mỏng, trình độ còn hạn chế, cơ sở vật chất và máy móc rất thiếu thốn, hành lang pháp lý để xử lý tội phạm này còn chưa cập nhật. Đại tá Hóa kể rằng, ngày đó có đơn vị phát hiện được rất nhiều vụ việc có dấu hiệu tội phạm mà không thể xử lý hình sự các đối tượng vi phạm được vì không biết áp dụng vào điều luật nào trong Bộ luật Hình sự được. Ngay cả việc thu hút được cán bộ có trình độ cũng gặp nhiều khó khăn bởi một kỹ sư công nghệ thông tin khi ra trường - nếu đầu quân cho một công ty nước ngoài thì lương tháng có thể tới vài chục triệu đồng, trong khi làm cho ngành thì chỉ vài triệu nên việc họ không mặn mà cũng là điều tất yếu.

Không thể ngồi chờ vận may, phải chủ động nghĩ cách khắc phục từng khó khăn, Đại tá Nguyễn Thanh Hóa và đồng đội đã tham mưu tích cực cho các cơ quan chức năng và lãnh đạo Bộ Công an ra các văn bản hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo hành lang pháp lý cần thiết cho công tác đấu tranh. Việc phát triển tổ chức từ Trung ương xuống địa phương cũng được chú trọng nhằm tạo sức mạnh đồng bộ. Nhiều đãi ngộ về cơ chế làm việc được vận dụng để thu hút nhân tài, đồng thời cán bộ được gửi đi đào tạo trong và ngoài nước nhằm nâng cao trình độ. Đại tá Hóa cũng xin chủ trương hợp tác quốc tế, từ đó tranh thủ sự ủng hộ về trang thiết bị cho đơn vị. Những năm qua, tội phạm sử dụng công nghệ cao ở nước ta tăng mạnh cả về số vụ, đối tượng phạm tội cũng như mức độ thiệt hại và tính chất nguy hiểm. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, qua mỗi vụ án, các anh lại có thêm những bài học nghiệp vụ bổ ích để trưởng thành và vững tin hơn trong cuộc chiến đầy cam go của mình. Đại tá Hóa tâm sự rằng, anh cũng vừa làm vừa tranh thủ học, học cả ngày lẫn đêm, học để có thể chỉ đạo anh em và đủ trình độ để đấu tranh với tội phạm. "Phải dò đường mà đi thì mới tiến lên được. Nếu sợ hãi đứng im một chỗ thì coi như mình thua tội phạm…".

Đại tá Nguyễn Thanh Hóa - Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) chỉ đạo án.

Đến nay, hệ nghiệp vụ Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã không ngừng lớn mạnh. Ngoài C50 với quân số hùng hậu, các đơn vị chuyên trách đã được thành lập ở nhiều địa phương, tạo thế trận khép kín. Hàng chục chuyên án lớn đã được C50 phối hợp với các đơn vị phá thành công, triệt phá nhiều băng nhóm tội phạm lớn, có tiếng vang trong xã hội. Để đánh một chuyên án, Đại tá Nguyễn Thanh Hóa đã trực tiếp chỉ huy từ khâu xác minh, trinh sát đến lúc phá án trong nhiều tháng ròng rã. Bản thân anh cũng lặn lội cùng anh em nắm tình hình, nhiều đêm thức trắng, vắt óc suy nghĩ tìm cách xử lý án phù hợp nhất. Những khi tưởng như bế tắc, anh đã tìm ra cách đánh án táo bạo và độc đáo. Điển hình là chuyên án 312T, đấu tranh với mạng lưới sử dụng mạng Internet để lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Công ty cổ phần đào tạo trực tuyến (Công ty MB24); chuyên án 812C, đấu tranh triệt phá ổ nhóm sử dụng mạng Internet để chiếm đoạt tài sản dưới hình thức kinh doanh đa cấp tại Công ty Cộng Đồng Việt; chuyên án 812E, đấu tranh với nhóm đối tượng sử dụng mạng Internet để chiếm đoạt tài sản dưới hình thức kinh doanh đa cấp tại Công ty Tâm Mặt Trời; chuyên án 512T, đấu tranh với ổ nhóm đối tượng chuyên tổ chức đánh bạc xuyên quốc gia qua mạng Internet gồm các đối tượng người Việt Nam và Trung Quốc thuê đường truyền Internet tốc độ cao, thiết lập mạng VPN, lập các trạm thu phát tín hiệu Wifi trái phép tại khu vực biên giới ở Quảng Ninh, Tây Ninh để kết nối với các sòng bạc ở Campuchia tổ chức đánh bạc trực tuyến; chuyên án 129T, đấu tranh với nhóm đối tượng trộm cắp thông tin thẻ tín dụng người nước ngoài, mua hàng hóa từ Hoa Kỳ chuyển về Việt Nam tiêu thụ…

Với những nỗ lực của Cục trưởng Hóa và đồng đội, trong năm 2012, lực lượng Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao trên cả nước đã phát hiện, xác minh, điều tra 261 đầu mối vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật (bao gồm xác lập 44 chuyên án, 217 vụ việc và vụ án). Tổng thiệt hại do tội phạm gây ra ước tính hơn 2.000 tỷ đồng.

Nhiều nhân tài trong và ngoài ngành đã xin về đầu quân cho C50. C50 giờ đây đã là đơn vị với rất nhiều cán bộ trẻ, năng động, được đào tạo trong và ngoài nước và mỗi chiến sĩ khi nhắc đến thủ trưởng của mình đều bày tỏ sự quý mến và kính trọng. Đơn vị cũng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên ngành và các chuyên gia có trình độ cao để đấu tranh có hiệu quả với tội phạm. Các quy trình, quy chế công tác đã được Cục trưởng Hóa chỉ đạo dần được hoàn thiện, đảm bảo chặt chẽ trong các biện pháp nghiệp vụ, trong đó yếu tố bí mật, bất ngờ rất được coi trọng vì nếu không nhanh, gọn khi phá án thì chỉ cần trong tích tắc,  bọn tội phạm sử dụng công nghệ cao có thể xóa sạch chứng cứ, dữ liệu, gây muôn vàn khó khăn cho công tác điều tra. Do vậy, nhiều vụ án đã được đấu tranh nhanh và hiệu quả. Các đối tượng phạm tội khi phải tra tay vào còng vẫn ngơ ngác, không hiểu tại sao hành vi phạm tội và che giấu tội phạm kín đáo đến thế vẫn bị "lính của ông Hóa tóm cổ". C50 cũng có quan hệ chặt chẽ với cơ quan chuyên trách chống tội phạm công nghệ cao các nước tiên tiến như Hàn Quốc, Australia, Nhật Bản…, tranh thủ tốt sự ủng hộ về nghiệp vụ cũng như trang thiết bị của họ.

Đến thăm các phòng làm việc của C50, chúng tôi thực sự choáng ngợp trước hệ thống máy móc tiên tiến của đơn vị. Những hệ thống máy tính chuyên dụng được đánh giá ngang tầm với các nước tiên tiến. C50 đã tham mưu cho các cơ quan chức năng đề nghị Quốc hội sửa đổi một số điều trong Bộ luật Hình sự làm chỗ dựa vững chắc để xác định tội danh đối với các hành vi vi phạm của các đối tượng sử dụng công nghệ cao. Đồng thời, C50 cũng tham mưu để có thông tư liên tịch (Công an, Bưu chính - Viễn thông, Tư pháp, TANDTC, VKSNDTC) hướng dẫn thi hành chi tiết các điều này, là kim chỉ nam cho hoạt động pháp lý của lực lượng, giải quyết kịp thời những vướng mắc về mặt pháp lý. Đại tá Nguyễn Thanh Hóa cho rằng, để chống tội phạm công nghệ cao cần có ba yếu tố cốt tử, không thể thiếu yếu tố nào: Đó là hệ thống pháp luật, trang thiết bị và con người. Phải biết bao khó nhọc, nhiều lúc suy nghĩ đến bạc đầu, vị cục trưởng và đồng đội mới vượt qua những khó khăn bước đầu để lập nên những chiến công xuất sắc. Nhiều đoàn cảnh sát các nước khi đến thăm C50 đã thực sự khâm phục trước những việc mà các anh làm được trong điều kiện khó khăn như thế.

Tội phạm công nghệ cao vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Tội phạm loại này trên thế giới có thủ đoạn gì thì ở Việt Nam cũng có thủ đoạn đó, thậm chí trong nhiều vụ còn nguy hiểm hơn. Đại tá Hóa tâm sự rằng, anh biết chặng đường phía trước của các chiến sĩ chống tội phạm công nghệ cao sẽ rất gian nan với nhiều nhiệm vụ nặng nề hơn nhưng anh tin, rất tin ở các đồng đội mình sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tôi cũng tin như vậy bởi chặng đường ban đầu gian khó đã qua, anh và các đồng đội đã đặt được nền móng vững chắc cho sự trưởng thành của một lực lượng non trẻ nhưng tinh nhuệ này…

Nguyễn Tuấn - Phạm Vũ
.
.