Những cuộc đấu trí ngoạn mục

Thứ Ba, 14/07/2015, 07:55
Nếu không được trực tiếp nghe Trung tá Nguyễn Minh Tuấn, Phó trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự, quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) Công an tỉnh Phú Thọ kể lại những hành trình phá án gian nan, vất vả thì có lẽ chúng tôi cũng không hình dung được hết cuộc đấu tranh trên mặt trận kinh tế của những người lính lại kỳ công và hao tâm, tổn sức đến thế. Mỗi chuyên án đều là một cuộc đấu trí ngoạn mục, mà ở đó, người lính luôn thể hiện được sự mưu trí, sáng tạo và bản lĩnh vững vàng...

1. Cuối năm 2010, qua công tác nắm tình hình, các trinh sát Phòng PC46 phát hiện Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Hưng Yên nhập lậu lá thuốc lá từ Trung Quốc về nhưng chưa có căn cứ để bắt giữ bởi Tổng Giám đốc là Lê Đăng Lợi đã rất khôn ngoan khi lập dự án xây dựng các vùng trồng nguyên liệu thuốc lá tại các huyện Simacai, Mường Khương, Bát Sát và Bảo Thắng của Lào Cai. Nhiều lần vận chuyển lá thuốc lá từ Lào Cai qua địa bàn Phú Thọ, các lái xe ô tô đều xuất trình giấy tờ hợp pháp là "lá thuốc lá được sản xuất từ vùng trồng trong nước".

Rất may, đêm 20/2/2011, lực lượng CSGT Việt Trì đang làm nhiệm vụ đã kiểm tra, tạm giữ 4 xe ô tô vận chuyển 72,8 tấn lá thuốc lá đã tách cọng của công ty. Ngay sau đó, Ban Giám đốc Công an tỉnh yêu cầu chuyển toàn bộ hồ sơ cho Phòng PC46 để điều tra, xử lý.

Nhanh chóng và linh hoạt, Đại tá Nguyễn Khắc Hoạt, Trưởng phòng PC46 mời một chuyên gia từ Sài Gòn ra Hà Nội ngay trong sáng hôm sau. Đích thân ông cầm một bao lá thuốc lá từ Việt Trì xuống. Cuộc gặp chỉ diễn ra đúng 20 phút ở một quán cà phê và khi chuyên gia trả lời đây là nguyên liệu từ Trung Quốc, trên thế giới cũng không có loại này, ông thở phào nhẹ nhõm. Ngay sau đó là một loạt các quyết định trưng cầu giám định được lãnh đạo phòng đưa ra, chuyển xuống khẩn cấp cho Tổng Công ty thuốc lá Việt Nam, bởi đây là nơi lưu giữ tất cả các mẫu lá thuốc lá có trên thế giới. Khi Tổng Công ty khẳng định đây là thuốc lá Trung Quốc, anh em như trút được gánh nặng vì đã có căn cứ để tạm giữ hành chính đối với các xe ô tô của Lê Đăng Lợi.

Trung tá Nguyễn Minh Tuấn kể lại hành trình phá án.

Cũng ngay trong ngày hôm ấy, một tổ trinh sát được cử lên Lào Cai thu thập thông tin về các hộ trồng cây thuốc lá. Một tổ trinh sát khác bí mật được cử đi nắm tình hình các đối tượng vận chuyển thuê cho Lợi bởi ông ta chủ yếu thuê lại các đối tượng của một vụ án buôn lậu khác. Các đối tượng này đều đang được tại ngoại chờ xét xử. Đích thân lãnh đạo Công an tỉnh và lãnh đạo Phòng PC46 bí mật sang toà án làm việc, xin lệnh triệu tập khẩn cấp một đối tượng vận chuyển thuê cho Lợi là Nguyễn Thị Hiền, với mục đích phục vụ xét xử vụ án trước, tránh "rút dây động rừng" cho chuyên án này. Đúng 10h đêm, một lệnh bắt khẩn cấp được Chánh án toà án chuyển cho Công an tỉnh Phú Thọ.

Mật phục 3-4 tuần, các trinh sát mới bắt được Hiền đưa vào Trại tạm giam đấu tranh khai thác. 20 mươi ngày đêm ròng rã, di chuyển liên tục từ Phú Thọ lên Lào Cai để lấy tài liệu, các trinh sát mới chứng minh được đối tượng Lê Đăng Lợi làm giả hồ sơ giấy tờ để qua mặt cơ quan chức năng, nhập khẩu trái phép lá thuốc lá Trung Quốc vào Việt Nam trên 10.000 tấn, trị giá trên 450 tỉ.

2. Tháng 5/2011, qua công tác nắm tình hình địa bàn, các trinh sát phát hiện nhiều người đi xe ôtô, môtô giá trị mang biển kiểm soát ngoại giao thuộc diện tạm nhập miễn thuế có thời hạn ở Việt Nam. Một câu hỏi đặt ra, tại sao những người dân bình thường có thể sử dụng xe ôtô, môtô "khủng", biển kiểm soát ngoại giao một cách dễ dàng như thế?

Đi sâu vào tìm hiểu, các trinh sát phát hiện, các xe này đều đã hết thời hạn lưu hành ở Việt Nam vì người sử dụng (là nhân viên các đại sứ quán) đã về nước, nhưng không được đổi biển số, không làm thủ tục thanh khoản hải quan, không làm thủ tục nộp thuế mua bán. 

Để xác định rõ hành vi mua bán xe miễn thuế là mua bán hàng lậu, các trinh sát đã phải nghiên cứu tỉ mỉ nhiều văn bản tài liệu, bởi những xe mang biển ngoại giao thuộc diện quản lý của Cục Giám quản Hải quan, nhưng tiêu chuẩn nhập khẩu thuộc Bộ Ngoại giao, hồ sơ nhập khẩu thuộc Bộ Giao thông vận tải, quản lý về phương tiện đăng kiểm là Bộ Giao thông vận tải và Bộ Công an. Một quy trình khép kín và cũng là một công thức hoàn chỉnh chứng minh vi phạm của những người sử dụng được các trinh sát vạch ra.

Đầu tiên là xác minh tại Cục CSGT thời hạn lưu hành, chủ sở hữu phương tiện. Sau đó thông qua Cục Lễ tân Bộ Ngoại giao nhờ xác minh nhân viên sứ quán vào làm việc theo quyết định nào, năm nào, hiện còn làm việc không, xe được cấp phép tạm nhập theo thời hạn này hiện còn là tài khoản của sứ quán đó không, vì sau khi về nước, họ có quyền bàn giao cho nhân viên khác với điều kiện, nhân viên khác không được mang xe vào Việt Nam nữa. Xác minh tại C52 xem xe đó có nằm trong vụ án, vụ vi phạm nào không. Đề phòng người đi xe khai nhận là đi mượn nên các trinh sát cho đăng tin tìm chủ sở hữu trên các phương tiện thông tin đại chúng. Sau 30 ngày nếu không ai đến nhận mới bắt đầu tịch thu bán phát mại để xung vào quỹ Nhà nước.

Cán bộ Phòng PC 46 Công an tỉnh Phú Thọ hội ý trước giờ phá án.

Sau khi thử nghiệm thí điểm thành công quy trình này với hai xe cà tàng từ những năm 80 nhưng vẫn mang biển ngoại giao lưu hành ở Phú Thọ, Công an tỉnh Phú Thọ bắt đầu triển khai. Một tour du lịch Hà Nội - Lào Cai dành cho dàn xe môtô khủng ở Hà Nội được các trinh sát Phòng PC46 bí mật tổ chức. Đích thân Trung tá Nguyễn Minh Tuấn là người tham gia chuyến đi này. Lúc trở về, các anh phối hợp cùng các lực lượng chức năng đưa toàn bộ đoàn xe về Công an tỉnh Phú Thọ để xử lý. Tất cả 28 xe thu giữ được đem đi làm thủ tục đấu giá bán phát mại, thu về 33 tỷ đồng nộp ngân sách Nhà nước.

Cũng từ vụ việc này, Ban Giám đốc Công an tỉnh Phú Thọ đã tham mưu cho lãnh đạo Bộ Công an có văn bản kiến nghị với Chính phủ và các bộ có liên quan về vụ việc trên. Sau này, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã yêu cầu các bộ làm rõ trách nhiệm quản lý, đồng thời yêu cầu các bộ có liên quan ban hành thông tư mới về việc tạm nhập miễn thuế dành cho nhân viên ngoại giao.

"Đây cũng được coi là một chiến công của Phòng PC46, vì không có văn bản áp dụng riêng cho hành vi này, mà phải sử dụng tất cả các văn bản của các bộ. Phòng PC46 hai lần được Bộ Ngoại giao và Bộ Công an triệu tập về Hà Nội. Nhiều lãnh đạo các bộ phản đối cho rằng chúng tôi làm trái luật, nhưng chúng tôi đã phân tích từng hành vi theo đúng quy trình nhập, cấp phép nhập, quản lý, đăng ký, lưu hành, hạn lưu hành, quản lý của Cục Giám quản Hải quan và nêu rõ Thông tư liên tịch của Bộ Tài chính - Bộ Công thương và Bộ Ngoại giao quy định đây là hành vi tiêu thụ hàng nhập lậu. Cuối cùng tất cả đều phải công nhận Công an Phú Thọ làm hoàn toàn đúng" - Trung tá Nguyễn Minh Tuấn không giấu được niềm tự hào chia sẻ.

Từ khi thành lập (2004) đến nay, Phòng PC46 Công an tỉnh Phú Thọ đã được Nhà nước, Chính phủ, Bộ Công an, UBND tỉnh Phú Thọ, các ngành, các cấp tặng thưởng nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý. Năm 2013, Chủ tịch nước tặng Huân chương chiến công hạng Nhất. Năm 2012, Chủ tịch nước tặng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba. Năm 2005, 2009, 3 cá nhân được tặng thưởng Huân chương chiến công hạng Nhì. Năm 2013, 3 cá nhân được tặng thưởng Huân chương chiến công hạng Ba, 5 cá nhân được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. 12 năm liền đơn vị đạt danh hiệu đơn vị Quyết thắng. 3 năm liên tục (2011, 2012, 2013) được Bộ Công an tặng danh hiệu "Đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua Vì an ninh Tổ quốc cấp cơ sở"… và hiện đang được đề nghị Nhà nước phong tặng danh hiệu "Anh hùng lực lượng Vũ trang nhân dân thời kỳ đổi mới".
Phong Trâm
.
.