Những chiến sĩ Cảnh sát với nhiệm vụ đặc biệt

Thứ Ba, 28/07/2015, 08:00
Khó có thể kể hết những khó khăn vất vả của những chiến sĩ Công an làm nhiệm vụ chăn nuôi, phát triển và huấn luyện đàn chó nghiệp vụ. Nhiều người gọi vui họ là những "bác sĩ thú y" mang sắc phục Cảnh sát, bởi công việc hàng ngày của họ chỉ gắn liền với đàn chó nghiệp vụ, từ chăm sóc, nuôi dưỡng, đến đào tạo, huấn luyện và ứng trực chiến đấu. Nếu không có tình yêu với nghề, với những chú chó nghiệp vụ thông minh, đáng yêu thì có lẽ những chiến sĩ Cảnh sát sẽ không trụ được với nghề bởi những yêu cầu khắt khe, nguy hiểm từ công việc.

Đó là một loại hình công việc khá đặc biệt của những cán bộ chiến sỹ mang sắc phục cảnh sát này. Hằng ngày họ chăm sóc, nuôi dưỡng đàn chó nghiệp vụ, nghiên cứu, lai tạo để những giống mới đáp ứng yêu cầu khắt khe cho công tác huấn luyện, đào tạo chó nghiệp vụ phục vụ công tác điều tra, phá án. Chó đau, chó ốm, họ lại sốt sắng thuốc thang, túc trực bất kể ngày đêm để chăm lo và nghiên cứu tìm ra những phương thức chữa bệnh mới hiệu quả cho đàn chó nghiệp vụ không chỉ của Cục Cảnh sát Quản lý, huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ (C69), Bộ Công an mà của tất cả các đơn vị chiến đấu trên cả nước.

Đường dây "nóng"

Khó có thể kể hết những khó khăn vất vả của những chiến sĩ Công an làm nhiệm vụ chăn nuôi, phát triển và huấn luyện đàn chó nghiệp vụ. Nhiều người gọi vui họ là những "bác sĩ thú y" mang sắc phục Cảnh sát, bởi công việc hàng ngày của họ chỉ gắn liền với đàn chó nghiệp vụ, từ chăm sóc, nuôi dưỡng, đến đào tạo, huấn luyện và ứng trực chiến đấu. Nếu không có tình yêu với nghề, với những chú chó nghiệp vụ thông minh, đáng yêu thì có lẽ những chiến sĩ Cảnh sát sẽ không trụ được với nghề bởi những yêu cầu khắt khe, nguy hiểm từ công việc.

Cán bộ phòng Chăn nuôi thú y trong một chuyến công tác tại nước bạn Lào.

Đại tá Đặng Đình Hoàn, Trưởng phòng Chăn nuôi thú y đã có gần 40 năm gắn bó với công việc này. Có thời gian anh được điều sang phòng khác một năm, nhưng sau đó anh lại xin lãnh đạo đơn vị cho quay lại Phòng vì đã trót gắn bó, yêu thương với đàn chó nghiệp vụ. Anh tâm sự: "Nếu không có tình yêu với công việc, với những chú chó nghiệp vụ thông minh, tình cảm thì không thể gắn bó với nghề này được. Nghề nuôi chó phụ thuộc nhiều vào thời tiết, dịch bệnh, điều kiện làm việc lại vất vả, độc hại...

Công việc nuôi chó, huấn luyện chó bận rộn hơn con mọn, tất cả phải theo một quy trình chuẩn mực. Mỗi cán bộ phải huấn luyện 1 con chó và trực tiếp nuôi 5- 6 con chó bố mẹ để nhân giống. Đối với công nhân viên hợp đồng thì phải nuôi 10 con chó bố mẹ. Nếu nuôi chó sinh sản thì phải nuôi 4 con chó mẹ và 20 con chó con. Một ngày cho ăn đủ bốn bữa và đúng giờ quy định. Bữa cuối phải đúng 8 rưỡi hoặc 9 giờ tối. Ăn xong phải tắm rửa, lau mồm lau miệng thật sạch cho chúng".

Đó là chưa kể việc phòng bệnh, chữa bệnh cho chó cũng rất kỳ công. Hầu hết những cán bộ chiến sĩ của Phòng Chăn nuôi thú y đều tốt nghiệp từ các trường Cảnh sát nên khi về công tác tại Phòng đều được đào tạo từ đầu nghiệp vụ khám chữa bệnh, phòng bệnh cho chó từ chính những giáo trình mà các cán bộ của Cục viết nên qua công tác thực tiễn chăn nuôi và huấn luyện chó. Từ thực tiễn rút thành lý luận, rồi thành giáo trình đưa vào giảng dạy, mỗi cán bộ, chiến sĩ Phòng Chăn nuôi thú y trở thành một bác sĩ thú y chuyên nghiệp.

Nhiệm vụ của cán bộ chiến sĩ Phòng Chăn nuôi thú y không chỉ là khám chữa bệnh cho đàn chó nghiệp vụ của Cục C69 mà còn chỉ đạo, hướng dẫn phòng chữa bệnh cho các đơn vị trên toàn quốc và hợp tác quốc tế, giúp các nước bạn đào tạo, huấn luyện và chữa bệnh cho chó.

"Trung bình 1 tháng chúng tôi tiếp nhận 200 cuộc điện thoại tư vấn khám chữa bệnh cho chó. Địa phương nào có dịch phải chi viện quân xuống ngay. Có khi đang đứng lớp giảng bài, có điện thoại khẩn cấp phải ra ngoài nghe và tư vấn ngay lập tức. Chỉ cần chậm vài phút là không cứu chữa được con chó, mất bao nhiêu tiền của của nhân dân. Có đêm 2 giờ sáng vẫn có điện thoại, tư vấn xong lại tỉnh như sáo không ngủ lại được. Nói chung là chúng tôi lúc nào cũng phải trực đường dây nóng 24/24 giờ", Đại tá Đặng Đình Hoàn dí dỏm chia sẻ.

Kể lại một kỷ niệm sang Campuchia chi viện chó nghiệp vụ và đào tạo kỹ năng huấn luyện, chữa bệnh cho chó, Đại tá Đặng Đình Hoàn cho biết, khi ấy Campuchia sang Việt Nam xin chi viện chó nghiệp vụ để chống biểu tình bạo loạn. Không chỉ cung cấp những giống chó tốt nhất lúc bấy giờ, Cục C69 còn cử cán bộ trực tiếp sang đó hướng dẫn cho họ bởi khi ấy, chó nghiệp vụ của Việt Nam viện trợ sang và cả chó của bạn bị chết nhiều bởi bệnh xuất huyết. Vì nước bạn tuyển chọn cán bộ chăn nuôi chủ yếu là từ những bác sĩ thú y, lại thêm việc mê tín dị đoan, chó chết nhưng lại đi cúng ma, nên cán bộ của ta phải ở lại ba tháng liền để hỗ trợ.

Khi ấy, Phòng Chăn nuôi thú y vừa xây dựng xong quy trình phòng ve, trong khi chó bị bệnh xuất huyết chủ yếu do ve ký sinh trên mình nên đã áp dụng trực tiếp vào việc chữa bệnh cho chó nước bạn. Thấy cán bộ của ta chữa bệnh chuẩn quá, một lãnh đạo Cảnh sát Campuchia thuyết phục Đại tá Hoàn ở lại và sẽ biếu anh hẳn một ngôi nhà ở thủ đô Phnôm Pênh để đón gia đình sang, nhưng anh không đồng ý và hứa sẽ sang nếu bên họ cần giúp đỡ. Không thuyết phục được, họ nhờ anh và các cán bộ của ta đào tạo cán bộ thú y cho họ. Anh yêu cầu bên bạn tuyển chọn chính trong lực lượng Cảnh sát xem ai yêu thích nghề nuôi chó để đào tạo. Khi ấy họ tuyển chọn được 10 người, cán bộ của ta vừa đào tạo, vừa hướng dẫn kỹ thuật huấn luyện và kỹ thuật phòng chữa bệnh. Từ đợt đấy không thấy họ phản hồi xin thêm bởi bên ta đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Vượt khó khăn, đạt nhiều thành tích

Cán bộ chiến sĩ Phòng Chăn nuôi thú y luôn được coi là những những người "đa zi năng" khi không chỉ nuôi chó, chữa bệnh được cho chó mà còn đào tạo, huấn luyện và trực tiếp tham gia chiến đấu. Trong quá trình huấn luyện chó, họ gặp rất nhiều rủi ro, nguy hiểm.

 Kéo tay áo lên, Đại tá Đặng Đình Hoàn cho chúng tôi xem chi chít những vết sẹo. Đó là kết quả của những lần đóng địch cho một cán bộ khác luyện tập. Có lần anh bị chó cắn suýt đứt gân bàn tay, phải nằm viện mất 20 ngày. Anh bảo, việc huấn luyện chó bị chó cắn là bình thường, có chiến sĩ bị chó cắn nằm viện hàng tháng trời. Nguy hiểm là thế nhưng anh em trong đơn vị vẫn tếu táo với nhau rằng, "không bị chó cắn thì không phải là lính cảnh khuyển".

Một buổi huấn luyện chó nghiệp vụ của các chiến  sĩ Cục C69.

Vượt qua những khó khăn, nguy hiểm từ công việc nuôi chó, đào tạo, huấn luyện chó, cán bộ chiến sĩ Phòng Chăn nuôi thú y luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trong những năm qua, Phòng luôn thực hiện tốt nhiệm vụ nhân giống, phát triển đàn chó nghiệp vụ, bảo vệ đàn chó nhập nội vừa làm nhiệm vụ nhân giống, vừa ứng trực chiến đấu; bảo vệ sức khoẻ cho đàn chó của Cục C69 và toàn lực lượng chiến đấu trong cả nước.

Mỗi một cán bộ, chiến sĩ là một bác sĩ trực tiếp chăm sóc, đảm bảo sức khoẻ cho đàn chó của một lớp huấn luyện hoặc một phòng đào tạo, huấn luyện của Cục. Phòng Chăn nuôi thú y trở thành Bệnh viện tuyến Trung ương của chó nghiệp vụ. Những chú chó bị bệnh nặng, ngoài khả năng điều trị của một địa phương thì đều chuyển về đây điều trị.

Đại tá Đặng Đình Hoàn tự hào chia sẻ: "Phòng chúng tôi luôn chủ động phòng bệnh tốt, không có bệnh lây. Nếu chó bị bệnh thông thường điều trị khỏi 100%. Nếu bị bệnh lây thì điều trị khỏi 98,8%. 5 năm qua, Phòng tiếp nhận trên 200 ca, chữa khỏi 70%. Số còn lại do già yếu, mắc bệnh mãn tính, trên đường đưa đến nơi đã chết nên không thể cứu chữa được. Ngoài ra chúng tôi còn chi viện cán bộ kỹ thuật cho các địa phương mỗi khi có bệnh lây, bệnh dịch như Nghệ An, Hải Dương, Vĩnh Phúc…"

Về công tác chăn nuôi phát triển, đàn chó nghiệp vụ, Bộ Công an cho nhập nội 73 con, trong 5 năm vừa rồi Phòng đã cho sinh sản gần 200 đàn, với tổng số gần 1000 con chó con và tuyển chọn ngay từ đầu, nuôi hậu bị để đưa vào huấn luyện, cũng như trang bị giống cho các địa phương và các lớp huấn luyện. Số chó bố mẹ, sau 7 năm nhập (2008) phải loại bỏ nhiều vì già, yếu nhưng Phòng vẫn đảm bảo được đàn chó con thay thế.

Gần đây Phòng Chăn nuôi thú y còn thực hiện thành công chuyên đề xã hội hoá đàn chó nghiệp vụ, tức là đưa chó con đến tuổi xuất chuồng về các gia đình để nuôi, cung cấp tiền ăn cho họ, làm cho số chó giống tốt tăng lên. Nhờ đó luôn đảm bảo được nguồn gen chó tốt và cung cấp đủ cho các lớp huấn luyện cũng như các địa phương. Ngoài ra, Phòng còn thực hiện nhiều đề tài khoa học về phát triển nguồn gen chó nghiệp vụ tốt cũng như phòng, chữa bệnh cho chó có giá trị thực tiễn cao, góp phần quan trọng vào công tác của đơn vị và toàn lực lượng.

Ngọc Trâm
.
.