Cán bộ, chiến sĩ Phòng Hồ sơ nghiệp vụ Công an tỉnh Hòa Bình:

Những chiến công thầm lặng

Thứ Năm, 02/06/2016, 15:02
Mỗi chuyên án, phương án đấu tranh phòng chống tội phạm thành công ít nhiều đều có dấu ấn của các chiến sỹ Hồ sơ nghiệp vụ. Các anh âm thầm góp sức làm nên các chiến công, góp phần trả lại công bằng, sự nghiêm minh của pháp luật. Thế nhưng, không phải ai cũng hiểu vai trò và nhiệm vụ cũng như đóng góp lớn lao của các chiến sỹ Hồ sơ nghiệp vụ - Những người phá án không tên.


Đại tá Lê Việt Kỳ - Trưởng phòng Hồ sơ nghiệp vụ Công an tỉnh Hòa Bình chia sẻ: "Công tác hồ sơ có vị trí đặc biệt quan trọng trong tổng thể các biện pháp nghiệp vụ của lực lượng Công an. Thực tiễn cho thấy, nếu công tác thu thập, quản lý thông tin, tài liệu được thực hiện tốt thì sẽ sử dụng có hiệu quả cho việc khai thác thông tin, định hướng các bước điều tra, phá án. Đây là công việc đòi hỏi sự tỷ mỷ, khoa học, thận trọng, chỉ một sơ sẩy có thể gây hậu quả khó lường.

Những đóng góp của công tác hồ sơ là rất lớn song ít được nói tới khi tổng kết đánh giá các chuyên án, phương án chống tội phạm. Song chúng tôi tự hào vì thông qua hồ sơ làm sáng tỏ các uẩn khúc, bắt kẻ xấu phải chịu tội, minh oan người vô tội, mang lại cuộc sống bình yên cho nhân dân".

Các chiến sỹ hồ sơ nghiệp vụ Công an tỉnh Hòa Bình tra cứu tàng thư phục vụ công tác phòng chống tội phạm.

Hoà Bình là tỉnh miền núi, cửa ngõ vùng Tây Bắc, địa hình núi cao, chia cắt phức tạp, có 7 dân tộc anh em cùng sinh sống. Là tỉnh nằm trên trục giao thông chính nối khu vực Tây Bắc với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh đồng bằng, là quốc lộ trọng điểm về ma tuý trên vùng Tây Bắc nên tình hình tội phạm vẫn còn diễn biến phức tạp. Đặc biệt là các hủ tục và tệ nạn xã hội còn nặng nề, đã gây ra những vụ án giết người do nguyên nhân xã hội; cướp tài sản, trộm cắp… Vì thế, với trọng trách của mình, những cán bộ hồ sơ nghiệp vụ ở đây càng phải chuyên tâm với công việc.

Đại úy Trần Đăng Hải - Giám đốc Trung tâm thông tin tội phạm Công an tỉnh Hòa Bình cho biết: Theo số liệu thì trung bình hàng năm, lực lượng Cảnh sát điều tra khai thác hàng ngàn yêu cầu phục vụ công tác phòng ngừa, điều tra tội phạm. Đặc biệt nhiều thông tin tài liệu về trích lục tiền án, tiền sự của đối tượng do cơ quan hồ sơ cung cấp đã giúp lực lượng cảnh sát điều tra ra các quyết định tố tụng khởi tố hay không khởi tố.

Thực tế cho thấy, kết quả các yêu cầu tra cứu tại cơ quan hồ sơ góp phần quan trọng vào việc khai thác thông tin về thủ phạm gây án, chỉ rõ quan hệ và nơi ẩn náu của đối tượng sau khi gây án thông qua trích lục tiền án, tiền sự hay các quan hệ gia đình, xã hội, góp phần rút ngắn thời gian phá án, truy bắt đối tượng, tiết kiệm chi phí trong quá trình điều tra.

Nhiều chuyên án lớn và nhiều vụ án phức tạp, đặc biệt nghiêm trọng, liên quan đến nhiều đối tượng ở nhiều địa bàn khác nhau, nhưng nhờ có cơ sở dữ liệu của cơ quan hồ sơ nghiệp vụ đã tra cứu xác định chính xác nhiều đối tượng khai man họ tên, quê quán nhằm trốn tránh hành vi phạm tội của mình và đồng bọn.

Ngoài ra còn xác định chính xác nhiều nạn nhân chết chưa rõ tung tích hay giúp người bị thất lạc đoàn tụ gia đình sau nhiều năm xa cách… Phía sau công việc tưởng chừng tẻ nhạt, nhàm chán là những con người say nghề, trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội. Mỗi khi vụ án được sáng tỏ, hung thủ sa lưới pháp luật hay giúp người tha cơ, lỡ vận về với gia đình, các anh hạnh phúc vì có đóng góp của mình trong đó.

Trong số hàng trăm vụ án phức tạp mà các chiến sỹ hồ sơ nghiệp vụ tham gia phá án, vụ giết người, sau đó đẩy nạn nhân xuống hầm mỏ khiến các anh tốn khá nhiều công sức.

Vụ việc xảy ra vào khoảng tháng 7/2008. Trong quá trình khai thác than tại xóm Mường Vọ,  xã Cuối Hạ, huyện Kim Bôi (Hòa Bình), những người công nhân đã phát hiện dưới đáy hầm sâu gần 100m có một xác người đang ở giai đoạn phân hủy, chỉ còn lại bộ hài cốt.

Theo ghi nhận, hầu hết người dân địa phương cho rằng đây là vụ "tai nạn rủi ro", nạn nhân không may rơi xuống mỏ than dẫn đến tử vong. Ngay sau đó, lãnh đạo Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ tiến hành khám nghiệm hiện trường, thu thập dấu vết liên quan đến xác định danh tính tử thi và định hướng điều tra.

Các giám định viên phát hiện xương sọ bộ hài cốt bị rạn nứt, phía sau gáy đỉnh đầu có một vết lõm tròn và vỡ một mảnh nhỏ. Nhất là những vật chứng để lại tại hiện trường gồm: 1 đôi giày, 1 bộ quần áo và 1 chùm chìa khóa. Thông qua đó, Ban chuyên án khẳng định đây là vụ án giết người hết sức dã man. Tuy nhiên, việc xác định tung tích nạn nhân rất khó khăn, phức tạp vì không thể nhận dạng với các thông tin như vậy.

Những thông tin quan trọng được cập nhật qua hệ thống dữ liệu hồ sơ nghiệp vụ. Các chiến sỹ hồ sơ được giao nhiệm vụ phải khẩn trương xác định chính xác danh tính nạn nhân, phân tính, đánh giá các mối quan hệ xã hội và định hướng công tác điều tra. Các chiến sỹ hồ sơ được huy động tối đa, làm việc không ngừng nghỉ để rà soát, sàng lọc trong số hàng trăm ngàn cơ sơ dữ liệu lưu giữ trong hệ thống quản trị.

Trên cơ sở thông tin thu được và nghiệp vụ sắc bén, Ban chuyên án xác định nạn nhân là chị Quách Thị Vẹn, 31 tuổi, ở xã Cuối Hạ, Kim Bôi. Tiến hành điều tra, xác minh các mối quan hệ của chị Vẹn, chỉ 2 ngày sau, cơ quan điều tra đã làm rõ đối tượng phạm tội là tên Bùi Văn Cương, sinh năm 1963 ở xóm Mòi, xã Tân Lập, huyện Lạc Sơn (Hòa Bình).

Dấu vân tay, một trong những “căn cước” công dân.

Có nhiều vụ án mạng phức tạp, nếu chỉ cảm nhận trực quan khó xác định chính xác nguyên nhân dẫn đến cái chết của nạn nhân. Cái chết bất ngờ của ông Bùi Văn Phụ, 54 tuổi ở xã Thu Phong, huyện Cao Phong với lý do "bị cảm" đã làm cho người dân địa phương nghi ngờ vì trước đó ông Phụ hoàn toàn khoẻ mạnh.

Thông tin về cái chết bất thường của ông Phụ gửi về Phòng Hồ sơ nghiệp vụ để tra cứu, xác minh. Cán bộ tiếp nhận hồ sơ thận trọng đánh giá, phân tích thông tin, tài liệu thu được và thông tin lưu giữ trong hệ thống cơ sở dữ liệu. Kết hợp với biện pháp khám nghiệm tử thi, khám nghiệm hiện trường, các điều tra viên khẳng định, nạn nhân bị chết do có ngoại lực tác động gây chảy máu não.

Từ kết quả đó, giúp cơ quan điều tra vạch trần kẻ giết người chính là người con trai của ông Phụ. Hoặc vụ án mạng xảy ra tại huyện Lạc Sơn, sau 1 tuần kể từ ngày chôn cất, thông qua công tác khám nghiệm và tra cứu cơ sở dữ liệu xác định nạn nhân chết do bị ngạt nước…

Theo Đại úy Hải, công tác hồ sơ còn phục vụ đắc lực trong việc tìm tung tích nạn nhân mà các biện pháp nghiệp vụ khác khó thực hiện được. Mới đây, các anh tiếp nhận yêu cầu tra cứu từ Công an tỉnh Sơn La về một nạn nhân chết do tai nại rủi ro.

Do tác động ngoại lực mạnh, tử thi bị biến dạng, hơn nữa, nạn nhân không có giấy tờ tùy thân. Cơ quan chức năng không có cơ sở để xác định danh tính nạn nhân xấu số. Việc xác định tung tích nạn nhân tưởng rơi vào ngõ cụt. Lúc này, chỉ còn biện pháp duy nhất là tra cứu tàng thư công dân. Các chiến sỹ hồ sơ nghiệp vụ thận trọng đối chiếu, so sánh mẫu vân tay do Công an tỉnh Sơn La cung cấp, từ đó xác định nạn nhân là người ở huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình. Ngay sau đó, cơ quan chức năng thông tin để người nhà nạn nhân nhận tử thi về mai táng.

Những con số, những con chữ, hình ảnh từ những trang hồ sơ ẩn chứa cả hành trình dài sa vào "bóng tối" của nhiều đối tượng, trong đó có không ít đối tượng "giang hồ cộm cán"… Kho "tàng thư căn cước tội phạm" là cả câu chuyện dài mà nhiều người khi nghe phải giật mình. Tất cả thông tin, dữ liệu công dân toàn tỉnh đều được các chiến sỹ hồ sơ nghiệp vụ bảo quản, lưu giữ cẩn thận, khoa học là cơ sở làm sáng tỏ những vụ án uẩn khúc hay giúp gia đình nọ đoàn tụ. Chỉ có những cán bộ tâm huyết và say nghề như Đại tá Lê Việt Kỳ, Đại úy Trần Đăng Hải và các thế hệ cán bộ, chiến sỹ lực lượng hồ sơ nghiệp vụ Công an tỉnh mới thấu hiểu. Bởi với các anh, hạnh phúc đơn giản là được sống với đam mê của mình.

An Chi
.
.