Những chiến công lặng lẽ giữa thời bình

Thứ Năm, 04/05/2017, 08:16
Chúng tôi đến Đắk Lắk vào những ngày hoa cúc quỳ nở rộ. Dọc con đường dẫn vào thủ phủ Tây Nguyên nhuộm một màu vàng óng, tất cả toát lên một sự thanh bình, no ấm... Trưởng phòng An ninh điều tra (ANĐT) Công an tỉnh Đắk Lắk, Đại tá Đỗ Minh Hường và các cán bộ đơn vị đón chúng tôi bằng nụ cười hồn hậu, phóng khoáng của những con người sinh ra ở vùng đất đầy nắng và gió.


"Không ít người vẫn cho rằng lực lượng ANĐT đã được "dọn sẵn mâm" nghĩa là họ tiếp nhận điều tra các vụ án từ đơn vị trinh sát gửi về... nhưng trên thực tế trách nhiệm của mỗi đơn vị và mỗi lực lượng lại có sự khác nhau. Nếu đơn vị trinh sát đòi hỏi việc xử lý nhanh nhạy các tình huống xảy ra thì lực lượng điều tra, ngoài yêu cầu trên còn phải thường trực ý thức về việc xử lý đúng người, đúng tội, đúng quy định của pháp luật", Đại tá Đỗ Minh Hường bộc bạch trong khi đưa chúng tôi đi thăm đơn vị.

Anh dừng lại thật lâu ở Phòng Truyền thống... Những năm qua, nhiều thế hệ cán bộ của Phòng ANĐT Công an tỉnh Đắk Lắk đã âm thầm cống hiến, góp phần vào sự bình yên của cao nguyên màu mỡ. Với những thành tích đã đạt được, đơn vị vinh dự được tặng thưởng một Huân chương Chiến công hạng Nhất, một Huân chương Bảo vệ An ninh Tổ quốc hạng Ba; được Chính phủ, Bộ Công an, UBND tỉnh, Tổng cục An ninh và Công an tỉnh Đắk Lắk tặng 54 Bằng khen, 71 giấy khen...

Trong thực hiện phong trào thi đua "Vì An ninh Tổ quốc", đơn vị 19 năm liền (từ 1998-2016) đạt danh hiệu Đơn vị quyết thắng.

Một buổi họp án của Phòng An ninh điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk.

Những sẻ chia của người chỉ huy dày dạn kinh nghiệm giúp chúng tôi hiểu thêm về công việc của các cán bộ làm công tác điều tra, ở một đơn vị duy nhất trong lực lượng an ninh làm công tác tố tụng. Cùng điều tra một vụ án, kể cả một số loại tội phạm khác thuộc thẩm quyền của cơ quan ANĐT, nhưng góc nhìn và cách tiếp cận của lực lượng an ninh cũng có sự khác biệt.

Đối với cơ quan an ninh, quá trình điều tra vụ án không chỉ dừng lại ở việc làm rõ tội danh; đó còn là trách nhiệm bảo vệ bí mật nhà nước, của ngành. Rồi kế đó còn là những câu hỏi như hoạt động của đối tượng có xâm phạm đến an ninh quốc gia không?...

Như để minh chứng, Đại tá Đỗ Minh Hường kể cho chúng tôi vụ án Lưu Viết Tân cùng đồng bọn tàng trữ, lưu hành tiền giả. Từ vật chứng thu giữ ban đầu chỉ có 2 triệu đồng tiền giả, nhưng với quyết tâm làm rõ hành vi phạm tội của các bị can, tổ điều tra thuộc Phòng ANĐT Công an tỉnh Đắk Lắk đã không quản vất vả, lần theo dấu vết của các đối tượng trong đường dây...

Do đó, đã truy thu thêm gần 100 triệu đồng tiền giả và hơn 30 triệu đồng tiền thật, đề nghị truy tố 5 bị can. Trong vụ án này, Lưu Viết Tân là kẻ chủ mưu, cầm đầu đã lôi kéo nhiều đối tượng tham gia, hình thành đường dây cung cấp và tiêu thụ tiền giả có tổ chức, với số lượng lớn, tiêu thụ tiền giả trên địa bàn nhiều tỉnh, thủ đoạn tiêu thụ tiền khá tinh vi, xảo quyệt...

Hay như vụ án Trần Văn Chính cùng đồng bọn lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra từ cuối năm 2006 đến năm 2012. Vào thời điểm được giao, đây là loại án mới, thủ đoạn phạm tội là một lĩnh vực chưa có tiền lệ, đối tượng lợi dụng chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với người có công để trục lợi.

Hành vi của các đối tượng xâm hại trực tiếp đến việc thực hiện chế độ ưu đãi của Nhà nước đối với người có công, người là thương, bệnh binh, gây ảnh hưởng xấu đến dư luận nhân dân và những người là thương binh thực sự.

Sau khi tiếp nhận, xác minh tin báo về 4 trường hợp có dấu hiệu sử dụng hồ sơ thương binh, bệnh binh giả để nhận tiền trợ cấp của Nhà nước từ một đơn vị trinh sát, Phòng ANĐT Công an tỉnh Đắk Lắk đã tỷ mỷ lấy lời khai, điều tra, làm rõ vụ án. Từ một vụ án ban đầu, Đại tá Đỗ Minh Hường và các cộng sự đã tách thành 10 vụ án với tổng cộng 69 bị can đã làm giả 44 hồ sơ thương, bệnh binh, gây thất thoát của Nhà nước lên tới gần 2 tỷ đồng.

Đối tượng đấu tranh của lực lượng ANĐT cũng có những đặc thù riêng. Nếu tội phạm hình sự phần nhiều là hành động bột phát... thì ở lĩnh vực an ninh, đó là ý thức chống đối sâu sắc, suy nghĩ đã ăn sâu vào tư tưởng, việc cảm hóa gặp không ít khó khăn.

Với đặc thù của vùng đất Tây Nguyên, người dân có sự gắn kết cộng đồng cao, một số người dễ bị lôi kéo, kích động cả tin nghe theo lời của các đối tượng xấu..., thì đây cũng là một thử thách đối với cơ quan ANĐT. Nhưng bằng tình cảm, trách nhiệm, lực lượng ANĐT đã cảm hóa không ít đối tượng. Nhiều trường hợp sau khi ra trại, gặp lại cán bộ Phòng ANĐT Công an tỉnh Đắk Lắk vẫn luôn giữ một lòng trân trọng...

Tâm sự với chúng tôi, Đại tá Đỗ Minh Hường không giấu được trăn trở: Từ đầu năm 2001 đến 2011, tình hình an ninh chính trị ở Đắk Lắk diễn biến hết sức phức tạp, xuất hiện những đặc điểm mới, tiềm ẩn nhiều yếu tố gây mất ổn định, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Dưới sự hậu thuẫn của các thế lực thù địch, một số đối tượng cầm đầu Fulro lưu vong tìm mọi cách móc nối, ráo riết chỉ đạo số đối tượng trong nước tiến hành các hoạt động tuyên truyền, kích động  nhân dân tham gia biểu tình...

Trước tình hình đó, dưới sự chỉ đạo của Bộ Công an, UBND tỉnh Đắk Lắk, lực lượng ANĐT đã phối hợp với các đơn vị chức năng tiến hành bắt khẩn cấp những đối tượng cầm đầu, cốt cán, manh động, kịp thời ngăn chặn hậu quả xảy ra. Qua điều tra các vụ án trên, đơn vị đã làm rõ hoạt động của nhóm tổ chức phản động, kịp thời tham mưu cho lãnh đạo Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, Công an các huyện có biện pháp đấu tranh, làm trong sạch địa bàn.  

Bên cạnh đó, cùng với các đơn vị trong địa bàn, cán bộ Phòng ANĐT đã tình nguyện hướng về cơ sở, thực hiện "3 cùng" với bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Qua những buổi sinh hoạt đã tuyên truyền giáo dục pháp luật cho nhân dân, đặc biệt là với đồng bào dân tộc, đề cao ý thức cảnh giác trước âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch và tổ chức phản động; vận động nhân dân có quan điểm rõ ràng, phản bác lại các luận điệu đòi ly khai, độc lập tự trị, kích động chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân...

Câu chuyện về những người phụ nữ sau khi trở về địa phương đã vận động chồng và con không nghe theo kẻ xấu, tìm về làng an cư lạc nghiệp; một đối tượng vì nhẹ dạ tham gia phá hoại chính sách đoàn kết..., sau khi được giáo dục đã trở thành những công dân tốt là những minh chứng cụ thể. 

Trong công việc, dù còn phải đối mặt với muôn vàn gian khó, trong đó có sự khác biệt về ngôn ngữ, về phong tục tập quán, song tập thể, cán bộ Phòng ANĐT Công an tỉnh Đắk Lắk vẫn giữ vững truyền thống của đơn vị, góp phần giữ vững an ninh quốc gia, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm. Trong những năm qua, Phòng ANĐT Công an tỉnh Đắk Lắk đã tiến hành xử lý 426 vụ, bắt giữ 1861 đối tượng; khởi tố điều tra 294 vụ, 900 bị can...

Trong đó có nhiều vụ án phức tạp, tính chất đặc biệt nghiêm trọng, có liên quan nhiều đến các địa bàn. Đáng chú ý là những vụ án có liên quan đến hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia. Dưới sự chỉ đạo của Bộ Công an, UBND tỉnh Đắk Lắk, lực lượng ANĐT đã tiến hành bắt khẩn cấp các đối tượng cầm đầu, ngăn chặn hậu quả xảy ra; kịp thời tham mưu cho lãnh đạo Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh biện pháp nghiệp vụ nhằm chủ động phòng ngừa, làm trong sạch địa bàn; phối hợp với chính quyền địa phương khắc phục các sơ hở, thiếu sót, không để kẻ địch lợi dụng chống phá, xuyên tạc.

Với tinh thần trách nhiệm, cán bộ đơn vị đã vượt qua khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Ngoài công tác tuyên truyền, đơn vị còn quan tâm đến các hoạt động tình nguyện như hướng về cơ sở, chung sức về cộng đồng.

Mô hình "bếp ăn từ thiện"; các chuyến đi thực tế xuống địa bàn, cán bộ Phòng ANĐT đã tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; phát quà cho các cháu thiếu nhi, thăm hỏi các gia đình có hoàn cảnh khó khăn ... đã góp phần xây dựng hình ảnh đẹp về người chiến sỹ an ninh nói chung, an ninh điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk nói riêng.

Xuân Mai
.
.