Lớp học xóa mù chữ ở Trại giam số 3:

Những âm thanh giao tiếp của tình người

Thứ Năm, 07/01/2016, 09:39
Trại giam số 3 (Tổng Cục VIII - Bộ Công an) đóng chân trên địa bàn huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An từ nhiều năm nay đã mở lớp học xóa mù dành cho các phạm nhân không biết chữ đang trong quá trình thụ án. Lớp học không phân biệt tuổi tác, quy tụ những phạm nhân mang các mức án khác nhau, "thầy" và  "cô giáo" cũng là những người không chuyên, vì tấm lòng với phạm nhân, muốn hướng họ đến cuộc sống tốt đẹp hơn sau khi chấp hành xong án phạt tù nên đã đứng trên bục giảng để dạy chữ, dạy người.


Nét chữ hướng thiện

Bắt đầu từ năm 2010 đến nay, tại Trại giam số 3 đã mở lớp học xóa mù cho phạm nhân không biết chữ đang thụ án tại đây. Đều đặn mỗi năm, có từ 2 - 3 lớp học xóa mù được khai giảng và trong thời gian từ 6 đến 9 tháng, với sự kiên trì của những "thầy giáo", "cô giáo" không chuyên, các phạm nhân đã có thể biết đọc, biết viết.

Thực tế cho thấy, đối với các phạm nhân đã học qua lớp xóa mù tại Trại giam số 3, họ không chỉ đọc thông, viết thạo mà nhận thức về pháp luật cũng được nâng lên, qua đó đã có nhiều nỗ lực, cố gắng hơn trong quá trình lao động và cải tạo. Thậm chí, từ nhiều năm nay, theo báo cáo của các địa phương và qua theo dõi, tỉ lệ những "học sinh" này vi phạm pháp luật rất ít, cá biệt có những năm không có người vi phạm kể từ khi chấp hành xong án phạt tù, trở về tái hòa nhập cộng đồng.

Ngày cuối năm, chúng tôi ngược thành Vinh về với huyện miền núi Tân Kỳ, nơi Trại giam số 3 đứng chân. Lẫn giữa không khí tất bật chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để cho hơn 2.500 phạm nhân đang thụ án tại đây đón tết trong điều kiện ấm áp, vui tươi nhất, ở một góc nhỏ tại Phân trại K2 vẫn văng vẳng tiếng học bài của "thầy" và "trò". Đó là một lớp học hết sức đặc biệt, từ bộ quần áo mà cả "thầy" lẫn "trò" đang mang trên người, đến cả thành phần dân tộc, độ tuổi cũng không giống nhau.

Đại tá Phan Đình Thành, Giám thị Trại giam số 3 cho biết: Hằng năm, ở Trại giam số 3, ngoài các lớp học tập chính trị, pháp luật, thời sự và giáo dục công dân được tổ chức cho tất cả các phạm nhân nói chung và những phạm nhân mới nhập trại, sắp hết án trở về với xã hội, đơn vị còn phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tân Kỳ tổ chức lớp học xóa mù chữ cho phạm nhân. Trong khoảng thời gian tầm 4 tiếng đồng hồ mỗi ngày, các phạm nhân sẽ được bổ túc những kiến thức cơ bản về Toán học và Tiếng Việt, sau khi hoàn thành lớp học sẽ phải thi sát hạch cuối kỳ, sau khi vượt qua kỳ thi sẽ được cấp "Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình xóa mù chữ".

Lớp học xóa mù chữ tại Trại giam số 3, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An.

Mặc dù phối hợp với ngành giáo dục, song thực chất quá trình giảng dạy, từ chuẩn bị giáo án đến đội ngũ giáo viên, đều do Trại phụ trách, xuất phát từ đặc thù của đơn vị. Đại úy Nguyễn Bá Đường, cán bộ đội Giáo dục hồ sơ, người đã nhiều năm có kinh nghiệm "đứng lớp" tại lớp học xóa mù chia sẻ: Phần lớn "học sinh" là người nhiều tuổi, đa dân tộc, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỉ lệ rất lớn nên không đơn thuần là dạy chữ, mà bản thân mình phải biết, am hiểu phong tục, tập quán của từng dân tộc từ đó có cách truyền đạt hợp lý để các phạm nhân này vừa chịu khó học bài, vừa tiếp thu nhanh luôn là thử thách không dễ đối với cán bộ giáo dục.

"Mặc dù phần lớn các phạm nhân đều tiếp thu chậm song ai cũng có tinh thần học tập rất say mê nên bản thân tôi cũng có động lực để truyền giảng. Có những trường hợp cá biệt, những ngày đầu phải cầm tay nắn nót từng dòng chữ cái đầu tiên. Khổ nỗi, tay vốn chỉ quen với cày, với cuốc nên giờ cầm bút cứ lóng nga lóng ngóng. Dù vậy, với sự kiên trì của cả "thầy" và "trò", phạm nhân chậm tiến nhất cũng chỉ sau nửa tháng là đã biết đọc, biết viết", Đại úy Đường tâm sự.

Trung tá Phạm Mạnh Quê, Đội trưởng Đội Giáo dục hồ sơ cho hay, xuất phát từ thực tế trước đây, nhiều phạm nhân khi nhập trại không biết ký, không biết đọc thư người nhà gửi, nên bản thân anh đã nghĩ ra việc mở lớp dạy xóa mù chữ cho họ: "Thực sự chúng tôi không ngờ lớp học mở ra lại nhận được sự ủng hộ của các phạm nhân như vậy, họ xúc động lắm, có phạm nhân tâm sự họ không nghĩ được mình phạm tội phải vào trại thụ án mà lại được các cán bộ ở đây quan tâm đến vậy. Điều này khiến cán bộ chúng tôi thấy ấm lòng".

Những "học trò" đặc biệt

Phạm nhân Cư A Lữ (38 tuổi), quê ở Yên Bái, đang chịu án chung thân về tội giết người. Kể về cuộc đời của mình, Lữ ân hận cho biết: Bản thân đã có gia đình yên ấm, hạnh phúc, vợ con đề huề. Tuy nhiên, trong một phút giây không làm chủ được mình, Lữ vướng vào ma túy rồi nghiệp ngập lúc nào không hay. Nhà nghèo, để có tiền chích hút, từ trộm cắp đến cướp của, giết người là con đường rất ngắn.

Một lần, vì không làm chủ được bản thân, Lữ đã bóp cổ người hàng xóm để cướp tiền mua ma túy. Hành động này đã khiến  Lữ phải trả giá bằng bản án tù chung thân. "Lúc mới vào, tôi không ký được tên mình, thấy vậy các cán bộ bảo đi học xóa mù vì tôi không biết chữ. Ban đầu, tôi cũng ngại ngùng lắm, vì mình chẳng còn trẻ nữa. Tuy nhiên, khi được sự động viên, giúp đỡ của cán bộ quản giáo, bản thân tôi đã mạnh dạn, hăng hái hơn trong học tập và kết quả là đến nay tôi đã có thể tự viết được tên của chính mình", phạm nhân Cư A Lữ chia sẻ.

Cũng tham gia lớp học lần này có phạm nhân Sùng A Sô (59 tuổi), trú xã Pà Cò, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình, án tù 20 năm vì tội vận chuyển trái phép chất ma túy. A Sô nhập trại từ tháng 3-2014, cả tiếng Kinh lẫn chữ viết đều mù tịt. Vừa chăm chú đánh vần từng bài tập đọc, phạm nhân này vừa kể: "Nhà nghèo nên không được đến trường, toàn điểm chỉ thôi. Giờ nhờ các thầy dạy cho cho cái chữ nên cũng biết đọc rồi. Mình sẽ cố gắng cải tạo để tu sửa và chuộc lại lỗi lầm của mình. Nghĩ lại thấy ân hận nhiều lắm…".

Tại lớp học xóa mù, đối tượng không chỉ là những người dân tộc, vì những điều kiện xa xôi hẻo lánh, hoàn cảnh khó khăn mà "lỡ hẹn với con chữ", mà còn có cả những người ở phố cũng chẳng biết chữ. Đó là trường hợp của phạm nhân Nguyễn Xuân Tiến (54 tuổi), trú phường Đồng Tâm, quân Hai Bà Trưng (Hà Nội), đang thụ án vì tội tàng trữ trái phép chất ma túy.

Phạm nhân đọc sách tại thư viện của Trại giam số 3.

Phạm nhân này kể: thời gian đầu nhập trại, năm lần bảy lượt người nhà biên thư hỏi thăm nhưng do chẳng biết đọc, không biết viết để hồi âm. "Khi trại mở lớp xóa mù mình xung phong ngay. Đến nay cũng đã đọc thông viết thạo. Hai đứa con vào thăm, nghe bố đang được học chữ cũng vui lây. Học chữ, xem được báo, sách giúp mình hiểu ra nhiều điều và muốn làm người lương thiện…".

Đại úy Phan Quốc Hưng, cán bộ giáo dục đứng lớp kể lại: Vì lý do lớn tuổi, cảm thấy xấu hổ khi được thầy, cô giáo cầm tay uốn nắn từng nét chữ, có người còn nghĩ ra đủ chiêu trò để bỏ lớp. Cá biệt đã có trường hợp phạm nhân mếu máo xin quản giáo cho đi lao động vì không thể "nhồi nhét" được chữ vào đầu. Tuy nhiên, đó chỉ là số ít, phần lớn đều rất hăng hái, nhiều phạm nhân ngoài giờ học cũng mang sách đến hỏi "thầy" khi chưa hiểu.

"Khi biết đọc, biết viết thì ngay cả trong tiếng chào của họ đối với mình cũng có sự khác biệt. Đó không còn là tiếng chào khô không khốc giữa phạm nhân và quản giáo, mà đó còn là âm thanh giao tiếp của tình người".

Lớp học xóa mù được mở ra ở Trại giam số 3 không ngoài mục đích trang bị cho phạm nhân những kiến thức cơ bản, giúp phạm nhân nhận thức được quyền, nghĩa vụ của mình. Qua học văn hóa, phạm nhân cũng nắm và hiểu được chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thấy được trách nhiệm của bản thân trong lao động, học tập cải tạo để sớm trở thành người công dân có ích cho xã hội.

Được biết, lớp học lần này, ngày khai giảng có 24 phạm nhân tham gia, nhưng tính đến thời điểm này còn lại 19 "học sinh". Nguyên nhân là do một số phạm nhân chuyển trại giam, một số khác hết thời hạn chấp hành án phạt tù. Đối với những "nam sinh" còn lại, đến nay đã biết đọc, biết viết tên mình sau thời gian ngắn tiếp xúc với con chữ. Tất cả các phạm nhân tham gia lớp học xóa mù, ai cũng mang trong mình một niềm tin học cái chữ và cải tạo tốt để sớm được trở về với gia đình làm lại cuộc đời.

Thiên Thảo
.
.