Những Anh hùng tuổi đôi mươi

Thứ Năm, 16/04/2020, 08:58
Đối với cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân, gìn giữ sự bình yên cho cuộc sống là trách nhiệm thiêng liêng. Có chiến sĩ đã hy sinh nhưng không vì thế mà nản lòng...


Lực lượng Công an nhân dân trải qua 75 năm chiến đấu và trưởng thành, vinh quang và tự hào. Lớp chiến sĩ Công an tuổi đôi mươi hôm nay sinh ra sau ngày đất nước hòa bình có trách nhiệm tiếp bước truyền thống vẻ vang của chặng đường 75 năm ấy, mà tiêu biểu là những cá nhân, đơn vị anh hùng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ gìn giữ bình yên để đất nước dựng xây và phát triển. Những tấm gương sáng trung với nước, hiếu với dân luôn là bài học về lòng yêu nước, về ý chí kiên cường, về phẩm chất vì nhân dân phục vụ.

Theo dòng thời gian, chúng ta nhớ lại những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp. Trong cuộc chiến đấu ấy, đã xuất hiện nhiều tấm gương chiến đấu và hy sinh dũng cảm, toả sáng bằng những trận đánh gây chấn động đối với quân đội Pháp. Tiêu biểu trong số họ là Người con gái Đất Đỏ Võ Thị Sáu đã cùng các đồng đội trong Đội Công an xung phong huyện Đất Đỏ diệt tề, trừ gian nức tiếng một thời.

Máu của những người chiến sĩ Công an vẫn đổ xuống trong thời bình - Trong ảnh lễ truy điệu 3 liệt sĩ hi sinh khi làn nhiệm vụ tại xã Đồng Tâm.

Người đội viên Võ Thị Sáu đã bị địch bắt, bị đày ra Côn Đảo và bị tử hình tại đó khi chưa tròn 19 tuổi. Nhưng bài ca về người con gái kiên cường, hiên ngang trước mọi cực hình tra khảo, trước họng súng quân thù vẫn luôn được thanh niên hát vang trong mỗi dịp kỷ niệm ngày lễ lớn của đất nước, vào các buổi sinh hoạt chính trị, các hội diễn văn nghệ: "Mùa hoa lê-ki-ma nở... thôn xóm vẫn nhắc tên người anh hùng, đã chiến đấu cho mùa hoa lê-ki-ma nở...''. Người con gái ấy chiến đấu chỉ đơn giản vì những mùa hoa thanh bình của quê hương!

Kháng chiến chống Pháp trường kỳ qua đi, ngày vui chiến thắng chưa trọn thì đất nước ta lại đối mặt với kẻ thù mới là Đế quốc Mỹ. Cuộc chiến với chủ nghĩa thực dân kiểu mới  lại đòi hỏi cống hiến hy sinh của bao lớp người. Và một lớp anh hùng trẻ tuổi mới lại xuất hiện.

Chúng ta còn nhớ gương hi sinh của liệt sĩ công an Trần Thị Lý. Chị Lý sinh ra tại làng quê Triệu Hòa, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, bên bờ con sống Bến Hải. 15 tuổi chị đã tình nguyện tham gia làm giao liên, đưa cơm cho cán bộ ở hầm bí mật, canh gác cho tổ chức họp bàn công việc. Những đóng góp ấy đã giúp chị được chính thức gia nhập vào lực lượng An ninh vũ trang huyện Triệu Phong.

Lúc chị là cô gái quê đi tìm người thân, khi tất bật buôn bán giữa chợ, khi là chiến sĩ giả trai trong đêm tối để vượt qua các rào ngăn của địch đánh nhiều trận, diệt nhiều Mỹ, Ngụy tề ác ôn, phá thế bị kìm kẹp, hỗ trợ cho quần chúng nổi dậy đấu tranh.

Năm 1968, đất nước ta hừng hực trong khí thế dốc sức người và sức của quyết tâm giải phóng miền Nam, địch càng điên cuồng đàn áp, càn quét khắp nơi. Người nữ anh hùng ấy hy sinh khi tuổi mười tám, như chất nắng miền Trung còn đang rực rỡ thanh xuân.

Sau 30 năm, từ 1945 đến 1975, trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ, biết bao xương máu của lớp lớp thanh niên đã đổ xuống để có ngày thống nhất non sông! Người dân Việt Nam được hưởng một bầu không khí thanh bình. Thành phố thanh bình thức dậy. Làng xóm thanh bình thơm mùi rơm rạ. Ruộng nương thanh bình tươi tốt, không còn những hố bom, thay vào đó là những đường cày.

Đất nước ta được hưởng những ngày yên bình, hai miền liền một mối. Đường nối đường, sông nối sông, miền núi tới đồng bằng, tất cả đã là của chúng ta. Nhưng, vẫn có những thế lực phản động âm thầm chống phá thành quả mà cách mạng, mà nhân dân ta qua mấy chục năm dày công mới đạt được.

Lâm Đồng - nơi đây cao nguyên lộng gió với bạt ngàn thông vẫn xanh ngút mắt đã chứng kiến những lần vào trận của người chiến sĩ An ninh trẻ tuổi Lâm Văn Thạnh với bọn phản động FULRO. Lâm Văn Thạnh vào vai nhân viên của tổ chức Caritas - một tổ chức phản động quốc tế. Anh đã 11 lần thâm nhập vào tổ chức FULRO, thực hiện thành công 6 lần câu nhử, bắt được hơn 50 FULRO, đưa chúng ra quy phục, đầu hàng trước cơ quan Công an. Chuyến câu nhử thứ 7, anh và đồng đội bị lộ. Chúng đã đưa tất cả lên một quả đồi để xử bắn. Biết cái chết là không tránh khỏi, Lâm Văn Thạnh đã vùng chạy về phía chúng khi chúng còn chưa kịp lê đạn để đồng đội lăn xuống sườn đồi chạy thoát. Anh tự nhận phần hy sinh về mình. Đó là ngày 25/12/1980.

Anh nằm xuống khi mới 23 tuổi, với hơn 5 năm khoác trên mình sắc phục của người chiến sĩ An ninh. Anh nằm xuống với ước mơ giản dị vì một cao nguyên thanh bình với tiếng đàn Tơ-rưng ngân lên bên suối mỗi buổi mai đỏ nắng, cho cái bụng của người K'Hor, Ba Na, Ê Đê tin vào cách mạng, để biết yêu từng gốc sắn, từng cái bắp, từng mái nhà Rông, từng điệu cồng chiêng mỗi khi buôn làng vào hội.

Bước vào thời kỳ đổi mới, cơn lốc thị trường thổi ào ạt và đầy phức tạp. Tội phạm nảy sinh với nhiều loại, hình thành các đường dây, tổ chức buôn lậu, buôn người, buôn ma túy xuyên quốc gia… với nhiều thủ đoạn tinh vi và vô cùng manh động, gây bao hậu quả làm mất an ninh vùng biên giới. Cuộc đấu tranh của lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm ngày tiếp ngày, năm tiếp năm, vụ án này tiếp vụ án khác đầy gian khổ quyết liệt.

Km17, cửa khẩu Tây Trang, tỉnh Điện Biên, nơi đây, chiến sĩ Công an trẻ tuổi Phạm Văn Cường đã hy sinh anh dũng. Những loạt đạn kinh hoàng như còn náo động núi rừng của những kẻ buôn ma túy xối xả vào anh.

Nấm mộ bên đường, đồng đội, nhân dân đắp lên để tưởng nhớ anh. Nơi anh ngã xuống, những người dân bình thường, những người lái xe buôn chuyến mỗi lần đi qua đều dừng lại thắp nén hương tưởng nhớ người chiến sĩ Công an nhân dân trẻ tuổi đã quên mình vì sự bình yên của cuộc sống. Anh ngã xuống vì sự "trong lành" của xã hội, vì sự bình yên của cuộc sống.

Trải qua lịch sử 75 năm, đội ngũ Công an nhân dân không ngừng phát triển và lớn mạnh.

Đối với cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân, gìn giữ sự bình yên cho cuộc sống là trách nhiệm thiêng liêng. Có chiến sĩ đã hy sinh nhưng không vì thế mà nản lòng. Ở vùng biên giới xa xôi kia, đồng chí, đồng đội của anh vẫn tiếp tục gối đất nằm sương để truy tìm tội phạm khắp rừng sâu, núi thẳm dọc miền biên giới phía Bắc Tổ quốc để đem lại sự bình yên cho các bản làng. Máu của các anh vẫn đổ giữa thời bình. Cùng với mỗi tấm gương hy sinh luôn là sự tiếp bước của các thế hệ đi sau.

Công an nhân dân là đội quân tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân, đã đi qua cuộc chiến tranh sang xây dựng hòa bình, ở trận địa nào, nhiệm vụ nào cũng lập những chiến công xuất sắc. Chặng đường truyền thống của Công an nhân dân là nối tiếp các chiến công, tiếp bước các anh hùng.

Có được sự bình yên như hôm nay, bao người đã ngã xuống. Những người có thể chưa một lần được hưởng sự bình yên, những người chưa một lần có được cái nhìn lưu luyến của người bạn trong tình cảm rung động đầu đời. Những người có thể chỉ biết gói ghém cho mình một ước mơ giản dị: Hết chiến tranh sẽ về quê xưa đi cày trên cánh đồng của làng mình, hết chiến tranh sẽ đi làm công nhân trong các nhà máy,  trên các công trường xây dựng, hết chiến tranh sẽ trở lại trường đại học làm nốt những bài thi còn bỏ dở bởi tiếng gọi lên đường...

Và, mỗi người khi vào trận không ai nghĩ sẽ nằm xuống để bia đá khắc tên, để được nhận một vòng hoa tưởng nhớ hay nằm xuống để được mang danh hiệu anh hùng... ngàn lần không bao giờ nghĩ thế. Bởi, không chỉ anh hùng vì danh hiệu được trao, mà ở các anh, các chị, điều đáng để nhắc mãi là phẩm chất của người chiến sĩ Công an nhân dân đã làm nên hai tiếng "Anh hùng".

Luận về anh hùng cách mạng, nhà thơ Tố Hữu viết "Các anh hùng không chỉ tỏa sáng mà tự cháy suốt cuộc đời".

75 năm là chặng đường thắng lợi vẻ vang và sự hy sinh to lớn để xây dựng nên truyền thống vì nước quên thân, vì dân phục vụ của lực lượng Công an nhân dân. Đó là nền tảng, là tài sản vô giá, là hành trang về niềm tự hào và trách nhiệm trên vai thế hệ trẻ Công an nhân dân bước vào nhiệm vụ của thời kỳ mở cửa, hội nhập. Thời gian học tập, công tác, chiến đấu của mỗi một con người đều có ngày khép lại sau chặng hành trình nhưng truyền thống thì luôn được kế tiếp từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Cù Tuệ Minh
.
.