Nhớ người viết “Tiến quân ca”
Với trường ca “Những người trên cửa biển”, Văn Cao như một cây đại thụ tỏa bóng rợp xuống các nhà thơ Hải Phòng khiến ai cũng ít nhiều hấp thụ được bóng mát thơ ông. Những cây non mọc sau không những không bị cớm mà còn thừa hưởng được tố chất khỏe khoắn, chân mộc, làm nên cái chất tạm gọi là chất Hải Phòng (chất thợ, chất cần lao, lam lũ…).
Không biết tôi có duyên gì với Văn Cao mà trong các chặng đời của mình, tới đâu tôi cũng gặp bóng dáng ông. Hồi tôi được về làm văn nghệ ở báo Độc Lập (1980), ông Tổng biên tập Ngô Quân Miện bảo tôi, như muốn nhắc tới một truyền thống vẻ vang của cơ quan: - Ông Văn Cao, ông Nguyễn Đình Thi đều đã làm việc ở đây, trước chúng ta.
Mắt tôi sáng lên, bật lên một câu hỏi “vơ vào” để được hãnh diện là người kế tục “cái ghế” của Văn Cao. Nhưng ông Miện đã giội gáo nước lạnh:
- Không! Lúc đó, trước Cách mạng Tháng Tám, ông chỉ là người thợ in litô (in trên đá) của báo, không đụng gì đến bài vở cả. Cũng như ông Nguyễn Đình Thi, không văn, thơ, nhạc gì mà chỉ viết xã luận. Tờ báo hoạt động bí mật mà!
À ra thế! Buổi đầu của tài năng gặp buổi đầu của cách mạng, gặp gì làm nấy, cũng lạ như Văn Cao đã xử bắn một tên Việt gian. Nhưng người thợ in đá ấy đã làm một việc rung động cả lịch sử thông qua cái nghề rất thủ công của ông: ông đã kỳ khu, tỉ mẩn để in rõ từng nốt nhạc trên phiến đá bài “Tiến quân ca” ông viết một cách hào sảng như sự thăng hoa của đời ông gặp sự thăng hoa của cách mạng. Lúc làm cái việc tỉ mẩn trên đá ấy, ông không thể ngờ rằng có ngày bài hát của ông trở thành Quốc ca! Con đại bàng Chúa sơ sinh trước khi biết các tầng trời, chỉ là chú chim bé nhỏ! Phiến đá lịch sử ấy đã được đưa vào Bảo tàng Cách mạng! Có lẽ không có nhà viết Quốc ca nào trên thế giới lại tự tay in lấy tác phẩm như ông!
Đâu chỉ hôm ấy tôi mới gặp bóng dáng ông ở tòa soạn báo Độc Lập! Năm 1962, tôi đã có một hạnh ngộ: Sau gần chục năm xuất hiện lẻ tẻ các bài thơ trên báo, tôi được NXB Văn học gọi đến, cho xuất bản riêng một tập thơ. Niềm vui bất ngờ khiến tôi ngơ ngẩn đến cả tuần. Tôi được in sớm thế ư? Trong khi bao nhiêu bạn thơ của tôi còn lận đận!
Các biên tập viên NXB đều là bậc thầy của tôi: bác Khương Hữu Dụng người từng xướng họa với cụ Phan Bội Châu, ông Yến Lan - nhà thơ từng hút hồn tôi vì những câu thơ viết như chơi "Tỉnh nhỏ - cô em nằm xem kiếm hiệp", khi cầu kỳ thì: "Những tràng cười xỉa tiền trên nước chảy". Nữ sĩ Anh Thơ là người trực tiếp làm việc với tập thơ của tôi. Tôi chỉ biết răm rắp làm theo từng điều các cụ bảo ban.
Rồi tôi cũng được đón tập “Tia nắng” vừa in xong trong trạng thái bồi hồi, mê mẩn. Đập ngay vào mắt tôi là cái bìa tập thơ: Một khối hình chữ nhật màu nâu ở dưới và một khối hình chữ nhật màu vàng xếp đè lên góc khối nâu. Mường tượng như hai ô cửa sổ, một ô đang tràn ngập nắng vàng.
Nữ thi sĩ Anh Thơ bảo:
- Bìa Văn Cao đó! Các họa sĩ khác nhiều người vẽ đẹp hơn nhưng trông cứ như bìa tiểu thuyết, bìa kịch. Chỉ Văn Cao vẽ mới ra bìa thơ!
Quả nhiên các tập thơ giai đoạn đó, hầu hết do Văn Cao trình bày.
Thế là tôi thêm một lần sung sướng, khi đó tôi chưa được gặp ông. Tôi thầm nghĩ: “Ông này có đọc bản thảo của mình trước khi vẽ không nhỉ?”.
Sau này được gặp, ông mới nhận xét:
- Thơ cậu hay liên tưởng xưa và nay. Cả tập thơ có một chủ đề khẳng định cuộc sống mới thì dễ vẽ, nhưng đọc kỹ thì đơn điệu đó!
Tôi bừng tỉnh: Bài học lớn nhất về thơ lại không do các nhà biên tập dạy mà do họa sĩ vẽ bìa!
Sau này, cả đời thơ, tôi gắng chống lại sự đơn điệu là nhờ ông, người không chỉ bao bọc tập thơ tôi mà còn “chẩn bệnh” cho nó!
Với trường ca “Những người trên cửa biển”, Văn Cao như một cây đại thụ tỏa bóng rợp xuống các nhà thơ Hải Phòng khiến ai cũng ít nhiều hấp thụ được bóng mát thơ ông. Những cây non mọc sau không những không bị cớm mà còn thừa hưởng được tố chất khỏe khoắn, chân mộc, làm nên cái chất tạm gọi là chất Hải Phòng (chất thợ, chất cần lao, lam lũ…).
Nhờ cái chân chất, mộc mạc không biết làm dáng ấy, mà thơ ông không bao giờ cũ. Ông viết nửa thế kỷ trước mà văn phong như một nhà thơ hiện đại vừa viết xong. Tôi đã ví thơ ông mang vẻ đẹp của người bốc vác, một vẻ đẹp lực sĩ Hercule. Nếu mặc áo thì sớm muộn gì chiếc áo ấy cũng lỗi mốt (démodé). Nhưng một vẻ đẹp cơ thể con người do tạo hóa sinh ra thì có bao giờ cũ!
Lần đầu tôi đến Quy Nhơn, thành phố vừa qua một trận mưa, nắng hừng lên, trời biển phố xá sáng láng và ướt át. Nắng làm tươi lại rêu phong trên ngôi tháp cổ. Tôi đang bồi hồi nhen nhóm một ý thơ, thì bỗng:
Từ trời xanh
rơi
vài giọt tháp Chàm
(“Quy Nhơn 3” - Văn Cao)
Đó là những viên ngọc Văn Cao đã lượm được ở Quy Nhơn trước khi tôi đến, làm nhòa đi những câu thơ về Quy Nhơn đã có trước đó và làm e ngại những nhà thơ đến sau. Về sau, trong bài thơ viết tặng ông, tôi ghi lại nhận thức này:
Ông đến trước nơi tôi chưa qua
Và trụ lại, khi tôi vào quên lãng
Ông bao trùm lấy tôi một cách tự nhiên, bởi ông lớn quá!
Về quan niệm nghệ thuật, dù thể hiện mình cách nào, ông vẫn là một khối thống nhất. Có lần tôi bất chợt thấy ông cau có trước một nhà biên tập nhạc của xưởng phim:
- Nếu chữa đoạn này thì còn gì là Văn Cao! Thơ tôi thế nào, họa tôi thế nào thì nhạc tôi phải như vậy!
Quả là Thơ, Nhạc, Họa như ba cửa sổ mở ra tiếp xúc với thế giới của một tâm hồn Văn Cao. Tôi mong có một luận án mỹ học của ai đó phân tích, chứng minh được sự thống nhất trong đa dạng này!