Nhớ mãi một thời Cảnh sát điều tra thành Nam

Thứ Sáu, 19/08/2016, 16:07
Đó là Đội Cảnh sát Điều tra Công an Thành phố Nam Định giai đoạn 1989- 1997. Chỉ tồn tại trong 9 năm nhưng đội không chỉ từng là nỗi khiếp sợ của các băng nhóm lưu manh, giang hồ Nam Định mà từ đây, đã có nhiều cán bộ, chiến sĩ trưởng thành. Trong số đó, hiện có 4 người mang quân hàm tướng, 2 Giám đốc Công an tỉnh, 3 Phó Giám đốc Công an tỉnh, 10 Trưởng phòng, 11 đại tá và 18 thượng tá...


1.Nhờ Trung tướng Phan Văn Vĩnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát,  hẹn trước mà chúng tôi được dự một cuộc "gặp mặt không chính thức" giữa Trung tướng Phan Văn Vĩnh; Thiếu tướng Vũ Quang Hưng, Chánh Văn phòng Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an, và những người đồng đội cũ vào một ngày đầu tháng 7/2016 ngay tại thành phố Nam Định.

Gọi là "gặp không chính thức" bởi từ nhiều năm nay, các anh đã chọn ngày 13/3 hàng năm là ngày gặp mặt. Giờ đây, người đã lên tướng, người còn đang công tác, người đã về hưu cả chục năm rồi, nhưng đến với nhau, cái ranh giới cấp trên, cấp dưới, tướng và dân dường như bị xóa nhòa, chỉ có tình anh em, đồng đội. Vì thế câu chuyện giữa họ là những lời hỏi thăm nhau về sức khỏe, gia đình, con cháu, và rồi xen giữa những câu chuyện đời thường ấy,  có người nhắc lại những kỷ niệm của một gian khổ đi đánh án...

2. Tháng 6-1989, thực hiện Pháp lệnh Điều tra, 3 đội nghiệp vụ của Công an Thành phố Nam Định gồm: Cảnh sát Hình sự, Cảnh sát Điều tra xét hỏi và Cảnh sát Kinh tế được sáp nhập thành Đội Cảnh sát điều tra với quân số 86 người. Đồng chí Phan Văn Vĩnh, Phó Công an Thành phố, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra trực tiếp phụ trách; đồng chí Trần Huy Hồng, Trưởng Công an phường Nguyễn Du được điều về làm Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra.

Thành phố Nam Định cuối những năm 80 của thế kỷ trước là trung tâm của tỉnh Hà Nam Ninh. Nhưng ngày ấy, người ta biết tới Nam Định ngoài cái tên "thành phố dệt" còn bởi lắm… tội phạm, khi chiếm tới 60% số vụ phạm pháp hình sự của tỉnh.

4 vị tướng xuất thân từ Đội Cảnh sát điều tra Công an T.P Nam Định. Từ trái sang: Thiếu tướng Vũ Quang Hưng, Chánh Văn phòng Cơ quan CSĐT Bộ Công an; Thiếu tướng Nguyễn Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về Kinh tế và tham nhũng; Trung tướng Phan Văn Vĩnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát và Thiếu tướng Trần Huy Hồng, Cục trưởng Cục Ngoại tuyến.

Vào đúng thời điểm ấy, không chỉ ở Nam Định mà trên toàn quốc tình hình hình tội phạm hình sự cũng diễn biến phức tạp. Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) đã ra Chỉ thị 135/CT về tấn công các loại tội phạm, thiết lập lại kỷ cương xã hội. Thành phố Nam Định được chọn làm nơi thực hiện đầu tiên.

5h sáng ngày 27-9-1989, Công an Thành phố Nam Định nổ tiếng súng đầu tiên mở màn "chiến dịch 135" trong toàn quốc. Ngay trong ngày đầu tiên, Công an thành phố đã xóa sổ 8 băng cướp nguy hiểm, bắt 32 đối tượng, thu 5 súng các loại, 7 lựu đạn và hàng trăm viên đạn cùng nhiều lưỡi lê, dao, kiếm; bắt đưa đi tập trung giáo dục cải tạo gần 100 đối tượng hình sự nguy hiểm.

Sau khi hàng loạt đối tượng, băng nhóm bị bắt, tình hình trật tự xã hội đã ổn định trở lại. Tuy nhiên, vẫn có một số ổ nhóm liều lĩnh hoạt động.

Trưa 20-11-1989, một toán 4 tên cướp dùng súng AK, lựu đạn, lưỡi lê xông vào nhà chị Hồng ở phố Bến Ngự không chế 9 người trong gia đình, sau khi cướp tài sản chúng còn đâm hai người bị thương. Chỉ một ngày sau, Đội đã bắt được hai tên trong nhóm cướp. Chúng khai ra tên cầm đâu là Nguyễn Văn Bảy, còn gọi là Bảy "chó". Là kẻ "tiền án nhiều hơn tiền mặt", Bảy rất liều lĩnh, lúc nào trong người cũng có 2 quả lựu đạn, khi biết đồng bọn bị bắt, gã lại càng cảnh giác và sẵn sàng chống trả nếu bị vây bắt.

Ngày 22-11-1989, phát hiện Bảy đang trốn tại khu vực bến ca nô, Đội trưởng Trần Huy Hồng cùng 5 trinh sát lập tức tổ chức bao vây. Phá hiện bị Công an vây bắt, tên Bảy lẻn vào một ngõ nhỏ, sau đó luồn sang phố Máy Chai  nhưng đã bị đồng chí Hồng và trinh sát Đỗ Phiên phát hiện truy đuổi.

Khi phát hiện đồng chí Trần Huy Hồng chỉ còn cách mình vài mét, tên Bảy đã rút chốt lựu đạn ném về phía sau. Khi Trần Huy Hồng vừa kịp bay người vào gốc cây bàng ven đường thì quả lựu đạn đã phát nổ làm đồng chí Hồng và hai người dân bị thương nhẹ. Khi lực lượng vây bắt kêu gọi đầu hàng, tên Bảy vẫn ngoan cố tuyên bố nếu ai vào bắt sẽ ném tiếp lựu đạn.

Đúng lúc Bảy chuẩn bị ném tiếp quả lựu đạn thứ hai, đồng chí Hồng quyết định nổ súng tiêu diệt tên cướp. Nhưng đó chỉ là một trong hàng chục vụ mà Đội thực hiện trong "chiến dịch 135". S

au 3 tháng thực hiện chiến dịch, Công an Thành phố Nam Định  đã triệt phá, làm tan rã 52 băng nhóm tội phạm, bắt 97 đối tượng, thu 25 súng các loại, 17 lựu đạn, hàng trăm lưỡi lê, dao, kiếm. Bắt gần 200 đối tượng lưu manh chuyên nghiệp đưa đi cải tạo, đưa ra kiểm điểm trước dân 470 đối tượng trộm cắp vặt, cờ bạc, mê tín dị đoan, vận động 124 đối tượng truy nã ra đầu thú...

Chiến dịch 135 sau đó còn được thực hiện liên tục trong nhiều năm đã đánh tan các băng nhóm tội phạm, trả lại bình yên cho "thành phố dệt". Nhắc lại những ngày ấy, Trung tướng Phan Văn Vĩnh kể rằng có đợt cả tháng ông không về nhà. Còn cấp dưới của ông là Vũ Quang Hưng (hiện là Thiếu tướng, Chánh Văn phòng Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an) đi truy lùng tội phạm hơn 2 tháng không về nhà khiến chị vợ khi ấy mới đẻ sinh đôi, "tức" chồng đã ôm 2 đứa con lên gặp thủ trưởng của chồng đòi.... trả con.

Còn Đội phó Đỗ Nhâm ngày ấy vợ mới sinh được hai tháng đã phải đi làm, chồng thì cứ đi biệt, không có người trông con, chị đành liều quây chăn bông xung quanh giường rồi đặt con vào giữa, khóa cửa đi làm. Đến cơ quan, mọi người biết chuyện liền mắng cho vì liều và bắt về.   

Nhắc lại chuyện cũ, các anh đều bảo một trong những kỷ niệm đáng nhớ những năm làm lính hình sự là ngày ấy tất cả đều… nghèo, nhưng có việc là lên đường, vì thế có  nhiều chuyến đi bắt phạm, khi đi người có đồng hồ, người có cái nhẫn vàng trên tay, nhưng đến lúc về thì sạch bách vì đồng hồ, nhẫn đã phải bán dọc đường để lấy tiền... ăn.

Có một vụ án anh em ở đội Cảnh sát điều tra ngày ấy đều nhớ, đó là vụ triệt phá một băng cướp tiệm vàng 250 Hoàng Văn Thụ vào ngày 13-3-1991.

Cuối tháng 2/1991, trinh sát phát hiện toán cướp 5 tên chuyên sử dụng sung ngắn, lựu đạn đã từng gây ra một vụ cướp ở Thái Bình. Sau khi gây án, chúng dạt sang Nam Định và chuẩn bị sẵn 4 quả lựu đạn, 1 súng ngắn và lên kế hoạch cướp tiệm vàng 250 Hoàng Văn Thụ vào tối 13-3-1991.

Theo nguồn tin trinh sát thì ngoài sung, lựu đạn, khi hành sự, chúng còn luôn thủ thêm vài… quả chanh để khi không chế được nạn nhân, chúng sẽ tống chanh vào mồm cho khỏi kêu. Ban chuyên án nhanh chóng được thành lập và lên kế hoạch vây bắt.

Sau khi kiểm tra thực tế khu vực tiệm vàng, lực lượng vây bắt gồm hai nhóm. Nhóm thứ nhất mật phục ở vòng trong gồm các đồng chí: Phan Văn Vĩnh, Phó Công an Thành phố và các trinh sát Bùi Quang Đài, Bùi Tất Thịnh, Phạm Mạnh Thường (hiện là Giám đốc Công an tỉnh Bắc Giang), Nguyễn Văn Tiến. Vòng ngoài gồm các đồng chí: Đỗ Nhâm, Hoàng Hải, Lê Lân.

21 giờ 30 phút, bọn cướp xuất hiện. Một tên gõ cửa số nhà 250 giả vờ hỏi mua vàng, chủ nhà vừa mở cửa, đối tượng rút súng đe dọa bắt mọi người đứng yên. Cùng lúc đó, đồng chí Đài đã ém sẵn trong cửa hàng, đá bay khẩu súng trong tay đối tượng.

Biết bị lộ, toán cướp bỏ chạy vào ngõ Hoàng Hữu Nam, lực lượng trinh sát lập tức đuổi theo và bắt được một tên (sau này xác định là tên Quang). Các đồng chí Vĩnh, Thường, Thịnh, Đài đang vật lộn tìm cách khóa tay tên Quang thu vũ khí thì bất ngờ một tên đồng bọn ném lựu đạn vào giữa đám đông, 4 đồng chí của ta bị thương nặng. Tên Quang do bị trinh sát đè lên người nên chỉ bị thương nhẹ đã vùng dậy chạy ra phố Hàng Đồng.

Nhớ lại giây phút ấy, Trung tá Đỗ Nhâm kể khi nghe tiếng nổ, anh quay lại thấy bốn anh em nằm la liệt giữa đường, trong khi một tên trong nhóm cướp đang bỏ chạy. Lập tức Đỗ Nhâm đuổi theo. Dù đã bắn chỉ thiên cảnh cáo nhưng tên cướp vẫn vừa chạy vừa dọa sẽ cho nổ lựu đạn buộc Đỗ Nhâm phải tiêu diệt khi trong tay hắn vẫn cầm quả lựu đạn mỏ vịt. Ngày hôm sau, Công an Nam Định phối hợp với Công an Thái Bình bắt thêm được hai tên.

Trong số 4 người bị thương, Phan Văn Vĩnh bị nặng nhất khi mất một con mắt. Cả 4 người sau được xếp loại thương binh 2 và 3 nhưng vài năm sau đồng chí Bùi Tất Thịnh và Bùi Quang Đài vì vết thương tái phát đã hy sinh, được công nhận liệt sĩ; đồng chí Phan Văn Vĩnh được đề bạt Trưởng Công an thành phố và phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

3. Năm 1997, Đội Cảnh sát điều tra được chia thành các đội nghiệp vụ. Sau khi tách tỉnh Hà Nam Ninh thành 3 tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình; người thì chuyển công tác về Bộ, người thì chuyển về Công an tỉnh Ninh Bình, Hà Nam.

Thấm thoắt đã gần 20 năm trôi qua, những cán bộ chiến sĩ của đội ngày ấy, giờ đây có 4 người đeo quân hàm tướng, có người làm cục trưởng, giám đốc Công an tỉnh; trưởng, phó phòng, nhiều người đã về hưu. Nhưng họ vẫn luôn nhớ về nhau, anh em trong đội đã thành lập Hội tình nghĩa Cảnh sát điều tra TP Nam Định.

Hàng năm vào ngày 13-3, các anh lại tổ chức gặp nhau. Gặp nhau để biết sức khỏe, hoàn cảnh của nhau, nếu ai khó khăn thì giúp đỡ, nhưng quan trọng nữa là gặp nhau để cùng nhớ về một thời gian khổ nhưng oanh liệt. Với họ, những ký ức ấy mãi mãi là kỷ niệm đẹp nhất của cuộc đời.

Nguyễn Thiêm
.
.