Nhớ lời chúc tết của Bác Hồ xuân 1946: Tết này mới thật tết dân ta

Thứ Năm, 26/01/2006, 15:18

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Tết xuân Bính Tuất năm 1946, nhân dân ta được đón cái tết của mình đúng ý nghĩa truyền thống đích thực. Trong bài “Mừng báo Quốc gia” nhân tết độc lập đầu tiên, Bác Hồ đã chúc:

“Tết này mới thật tết dân ta,
Mấy chữ chào mừng báo Quốc gia.
Độc lập đầy vơi ba cốc rượu.
Tự do vàng đỏ một rừng hoa.
Muôn nhà chào đón xuân dân chủ,
Cả nước vui chung phúc cộng hòa”.

Vào một ngày xuân 65 năm trước, ngày 28/1/1941, đất nước đón một người con của dân tộc, trước đó 30 năm đi tìm chân lý để về giúp đồng bào trong tình cảm mà nhà thơ Tố Hữu viết:

Bác đã về đây Tổ quốc ơi,
Nhớ thương hòn đất ấm hơi Người.
Ba mươi năm ấy chân không nghỉ,
Mà đến bây giờ mới tới nơi.

Bác Hồ về nước vào những ngày tết dân tộc. Những ngày tết đó, do cần phải giữ bí mật nên Bác chưa thể công khai chúc tết đồng bào. Nhưng tổ chức cũng đã bố trí đưa Bác đến vui tết với một số gia đình ở Bó Bẩm (Pắc Bó, Hà Quảng, Cao Bằng). Đó là tết đầu tiên của Bác với dân, với nước sau những năm Người đi tìm đường cứu nước.

Bắt đầu từ tết xuân năm 1942, nhân tết cổ truyền của dân tộc, Bác Hồ gửi tới mỗi người, mỗi gia đình những vần thơ chúc tết đầu tiên với những tình cảm sâu sắc:

“Tháng ngày thấm thoát chóng như thoi,
Năm cũ qua rồi, chúc năm mới:
Chúc phe xâm lược sẽ diệt vong!
Chúc phe dân chủ sẽ thắng lợi!
Chúc đồng bào ta đoàn kết mau!
Chúc Việt Minh ta càng tấn tới!
Chúc toàn quốc ta trong năm này,
Cờ đỏ ngôi sao bay phấp phới!
Năm nay là năm rất vẻ vang,
Cách mệnh thành công khắp thế giới”.

Và tết xuân này, Bác Hồ đã dự báo trước thời điểm nước nhà sẽ độc lập bằng câu kết cuối cùng trong cuốn “Lịch sử nước ta” mà Người viết tháng 2/1942: “Việt Nam độc lập 1945”.

Tháng 8/1942, lấy tên là Hồ Chí Minh, Bác sang Trung Quốc để liên lạc với các lực lượng cách mạng của người Việt Nam và lực lượng Đồng minh. Nhưng khi đến thị trấn Túc Vinh (Quảng Tây, Trung Quốc), Bác bị Quốc dân đảng Tưởng Giới Thạch bắt. Vì vậy, những ngày tết năm 1943, Bác Hồ bị Quốc dân đảng Tưởng Giới Thạch giam giữ  trong nhà lao Quảng Tây (Trung Quốc). Đến cuối tháng 9/1944, Bác mới về nước. Tháng 2 năm 1945, Bác lại sang Trung Quốc để tranh thủ sự đoàn kết quốc tế cho cuộc cách mạng của Việt Nam. Vì vậy, các năm 1943, 1944, 1945, Bác Hồ không có thơ chúc tết đồng bào.

Đúng như dự báo của Người từ tết xuân năm 1942, mùa Thu năm 1945, nước nhà giành được độc lập. Tết xuân Bính Tuất năm 1946, như Người đã chỉ cho toàn Đảng, toàn dân: Xuân “đưa quốc dân ta lên con đường mới mẻ”, là “Xuân đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình”, Xuân “đầu tiên của nước Việt Nam độc lập”. Nhờ đó, nhân dân ta được đón cái tết truyền thống của mình đúng ý nghĩa truyền thống đích thực. Trong bài “Mừng báo Quốc gia”, nhân tết độc lập đầu tiên, Người đã chúc:

“Tết này mới thật tết dân ta,
Mấy chữ chào mừng báo Quốc gia.
Độc lập đầy vơi ba cốc rượu.
Tự do vàng đỏ một rừng hoa.
Muôn nhà chào đón xuân dân chủ,
Cả nước vui chung phúc cộng hòa”.

Tết xuân năm 1946 là tết xuân đầu tiên dân ta thực hiện Tổng tuyển cử để “Tỏ cho thế giới biết rằng dân Việt Nam ta đã kiên quyết đoàn kết chặt chẽ; kiên quyết chống bọn thực dân; kiên quyết đấu tranh quyền độc lập”. Vì, “từ xưa đến nay, toàn quốc chưa bao giờ tuyển cử vì xưa dân chưa bao giờ làm chủ mình, xưa dân phải nghe theo lời vua quan, sau phải nghe thực dân Pháp, Nhật… Ta phải hy sinh nhiều mới có quyền cầm được lá phiếu… mới đòi hỏi được quyền bầu cử”. Và, ngày 6 tháng 1 năm đó, ngày quốc dân đi bỏ phiếu bầu Quốc hội đầu tiên của nước nhà, Bác Hồ, Vị lãnh tụ tối cao của dân tộc đã trúng cử với số phiếu cao nhất 98,4%.

Tết Xuân 1946, là “Toàn đồng bào từ giàu đến nghèo, từ già đến trẻ, ai cũng sửa soạn ăn tết mừng xuân… Mọi người đều được hưởng các thú vui vẻ tết xuân đầu tiên của nước Việt Nam độc lập”.

Để giữ mãi cái tết “thật tết dân ta”, Bác Hồ đã khuyên mọi người chúng ta phải sống theo “Đời sống mới” để trở nên những người công dân mới, xứng đáng với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Vì “Đời sống mới” như Người chỉ rõ trong thư gửi phụ nữ Việt Nam, ngày 2/2/1946 (tức ngày mồng một tết Bính Tuất):

“Năm mới Bính Tuất
Phụ nữ đồng bào
Phải gắng làm sao
Gây “Đời sống mới”
Việc thành là bởi
Chúng ta siêng mần
Vậy nên chữ cần
Ta thực hành trước
Lại phải kiệm ước
Bỏ thói xa hoa
Tiền của dư ra
Đem làm việc nghĩa
Thấy của bất nghĩa
Ta chớ tham thàn
Thế tức là liêm
Đã liêm thì khiết
Giữ mình làm việc
Quảng đại công bình
Vì nước quên mình
Thế tức là chính
Cần, kiệm, liêm, chính
Giữ được vẹn mười
Tức là những người
Sống “Đời sống mới”.

Nhân Xuân Bính Tuất 2006 đến, chúng ta ôn lại đôi dòng thơ chúc tết của Bác Hồ 60 năm trước - Xuân Bính Tuất 1946. Thơ chúc tết của Bác Hồ được viết rất giản dị, nhưng hàm súc, thể hiện rõ ràng đường lối cách mạng, bộc lộ sâu sắc lòng yêu nước, yêu dân, tin dân, tin cách mạng, tin vào thắng lợi, mà vẫn rất giàu tình cảm và đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Những lời chúc tết của Bác Hồ biểu hiện tư tưởng, tình cảm cao đẹp của Bác: mong cho Tổ quốc độc lập, dân sống tự do, ấm no, hạnh phúc; mọi người Việt Nam sống cho đúng đạo lý làm người Cần, Kiệm, Liêm, Chính - Đạo lý cao đẹp nhất. Bởi thế, mỗi khi xuân về, trong giờ phút giao thừa, chúng ta lại bồi hồi, xúc động như được nghe vang vọng đâu đây lời thơ chúc tết của Bác Hồ kính yêu mang đầy sức xuân, sống mãi muôn xuân

Trần Viết Hoàn
.
.