Nhớ lại ngày Bác Hồ trở về tổ quốc

Thứ Năm, 26/01/2006, 16:26

Một ngày đầu xuân của 65 năm về trước (28/1/1941), khi núi rừng Pắc Bó còn chìm trong sương sớm, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cùng các đồng chí của Người đã băng qua bao đèo cao, núi hiểm, vượt mốc 108 biên giới Việt - Trung, đặt những bước chân đầu tiên lên mảnh đất Tổ quốc thân yêu sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước.

Ngày 22/6/1940, nghĩa là chỉ chưa đầy 10 tháng sau khi cuộc Chiến tranh thế giới thứ II bùng nổ, Chính phủ Pháp đã đầu hàng phát xít Đức. Ở Đông Dương, bộ máy cai trị của Pháp cũng bị phát xít hóa. Lợi dụng cơ hội nước Pháp bị Đức chiếm đóng, tháng 9/1940, phát xít Nhật nhảy vào Đông Dương với ý đồ gây sức ép với Pháp, tiến tới xâm chiếm Đông Dương. Như vậy, đến cuối năm 1940, Đông Dương nói chung và Việt Nam nói riêng bị đặt dưới hai tầng áp bức Nhật - Pháp.

Thời gian này, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đang hoạt động ở Quảng Tây (Trung Quốc). Tuy ở bên ngoài đất nước, nhưng Người hết sức chăm chú theo dõi và nắm vững mọi diễn biến tình hình trong nước. Người tìm cách liên lạc với Trung ương Đảng, đặc biệt là các đồng chí đang hoạt động ở Trung Quốc để bàn định việc trở về nước. Sau khi phân tích tình hình thế giới và trong nước, Người nhận định: “Việc Pháp mất nước là một cơ hội rất thuận lợi cho cách mạng Việt Nam. Ta phải tìm mọi cách về nước ngay để tranh thủ thời cơ. Chậm trễ lúc này là có tội với cách mạng”. Sau đó, Người điện cho các đồng chí Lâm Bá Kiệt (Phạm Văn Đồng), Dương Hoài Nam (Võ Nguyên Giáp) và Cao Hồng Lĩnh đang trên đường đi học ở Diên An quay lại, chuẩn bị về nước.

Giữa lúc ấy ở trong nước nổ ra cuộc Khởi nghĩa Bắc Sơn vào ngày 27/9/1940, tiếp đến ngày 23/11/1940 nổ ra cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ. Tuy cả hai cuộc khởi nghĩa đều thất bại nhưng đã cho thấy phong trào cách mạng Việt Nam đang có những bước chuyển biến quan trọng. Con thuyền cách mạng Việt Nam rất cần có một người vững tay chèo lái.

Tình hình đó khiến cho việc chuẩn bị về nước của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc càng trở nên khẩn trương. Vấn đề quan trọng đặt ra lúc bấy giờ là phải lựa chọn cho được một đường về thuận lợi, một điểm đứng chân an toàn và tuyệt đối bí mật, đồng thời có thể xây dựng căn cứ cách mạng lâu dài. Lúc đầu, Bác dự tính về nước bằng đường Côn Minh - Lào Cai qua huyện Khai Viễn (Trung Quốc). Người phái hai đồng chí Bùi Đức Minh và Hoàng Văn Lộc về Hồ Kiều (Hà Khẩu) để điều tra nắm tình hình trong nước và đặt cơ sở liên lạc. Nhưng cầu Hồ Kiều, một cây cầu trên tuyến đường sắt nối liền hai nước Việt Nam - Trung Quốc, bị phá sập từ ngày 10/9/1940. Vậy là kế hoạch về nước qua đường Lào Cai bị hủy bỏ. Sau một thời gian khảo sát, tìm hiểu của các cộng sự, Bác quyết định lựa chọn Cao Bằng là điểm dừng chân đầu tiên trong cuộc hành trình trở về Tổ quốc.

Bác Hồ và các đồng chí cán bộ Trung ương Đảng được đồng chí Lê Quảng Ba dẫn đường vượt mốc 108 trở về Pắc Bó.

Trước hết, Cao Bằng là tỉnh miền núi có đường biên giáp với Trung Quốc, dài 311km. Riêng vùng rừng núi đã chiếm hơn 90% diện tích toàn tỉnh. Từ Cao Bằng thông sang Trung Quốc chủ yếu là những lối mòn nhỏ tập trung ở các huyện Trùng Khánh, Quảng Hòa, Trà Lĩnh, Hà Quảng. Địa hình núi cao hiểm trở, có nhiều hang động. Dòng Bằng Giang dài 112,6km, bắt nguồn từ Trung Quốc chảy qua địa phận các huyện Hà Quảng, Hòa An rồi tới Cao Bằng hợp lưu với sông Hiến, tạo thành dòng chảy lớn xuống huyện Quảng Hòa rồi sang Thùy Khẩu, chảy tiếp đến Long Châu (Trung Quốc), là tuyến giao thông thủy thuận tiện cho việc qua lại biên giới Việt - Trung. Rõ ràng, đó là những điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các chiến sĩ cách mạng, những người bị đặt ra ngoài vòng pháp luật lúc đó. Đồng thời cũng là địa bàn mà chính quyền thực dân phong kiến khó bề kiểm soát. Một điều kiện thuận lợi nữa từ Cao Bằng có quốc lộ 3 xuôi xuống phía Nam, nối liền với Bắc Kạn - Thái Nguyên - Hà Nội.

Thái Nguyên từng được coi là trung tâm của toàn bộ vùng rừng núi Việt Bắc. Về mặt địa lý, Thái Nguyên vừa mang yếu tố trung du miền núi, vừa có diện tích đất bằng khá rộng. Nó là điểm gạch nối quan trọng giữa miền xuôi và miền ngược. Vì thế, Bác cho rằng bên cạnh việc phát huy những điều kiện thuận lợi trong việc xây dựng căn cứ địa ở Cao Bằng thì Người cũng chỉ rõ: “Từ Cao Bằng còn phải phát triển về Thái Nguyên và thông xuống nữa mới có thể tiếp xúc với toàn quốc được. Có nối phong trào được với Thái Nguyên và toàn quốc thì khi phát động phong trào đấu tranh vũ trang cách mạng, lúc thuận lợi có thể tiến công, lúc khó khăn có thể giữ”. Mặt khác, từ Cao Bằng còn có thể mở rộng địa bàn hoạt động sang các tỉnh Tuyên Quang, Lạng Sơn.--PageBreak--

Nhưng yếu tố quan trọng góp phần đi đến quyết định lựa chọn của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc là sự ra đời của cơ sở Đảng và sự hình thành phong trào cách mạng ở Cao Bằng khá sớm. Khi Đảng Cộng sản Việt Nam vừa ra đời vào đầu năm 1930 thì đến ngày 1/4/1930, Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Cao Bằng và cũng là Chi bộ Đảng đầu tiên ở vùng Việt Bắc được thành lập, đó là Chi bộ Nặm Lìn (huyện Hòa An) do đồng chí Hoàng Như (tức Hoàng Văn Nọn) làm bí thư. Tiếp đó, tại Cao Bằng lần lượt xuất hiện các Chi bộ Đảng khác ở Phúc Tăng, Xuân Phách (Hòa An), Minh Tâm, Tĩnh Túc (Nguyên Bình), Vân Trình (Thạch An), Sóc Hà (Hà Quảng), đặc biệt là Chi bộ Cốc Coóc (Quảng Hòa) giữ mối liên lạc từ Cao Bằng sang Long Châu (Trung Quốc), nơi hoạt động của Chi bộ hải ngoại của Đảng ta.

Trong hai năm 1938 và 1939, Tỉnh ủy Cao Bằng đã chỉ đạo xây dựng căn cứ cách mạng ở vùng Lục Khu - Pắc Bó (Hà Quảng) gồm 6 xã sát vùng biên giới Việt - Trung. Bằng hình thức tuyên truyền, vận động đồng bào tham gia “Hội Phòng phỉ”, “Hội Đánh Tây”, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân, nhờ vậy tổ vũ trang tuyên truyền châu Hà Quảng được quần chúng nhân dân ủng hộ mạnh mẽ đã đánh đuổi bọn phỉ sang bên kia biên giới, xây dựng cơ sở cách mạng vững chắc. Căn cứ Lục Khu - Pắc Bó vừa tiếp giáp biên giới, lại xa vị trí địch nên có thể coi đó là địa bàn hoạt động trọng yếu của Châu ủy Hà Quảng, Tỉnh ủy Cao Bằng cũng như đảm bảo những điều kiện thuận lợi cho việc đứng chân của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.

Điểm đáng chú ý là trong thời gian Người chuẩn bị về nước thì gặp đồng chí Hoàng Văn Thụ vừa từ trong nước sang. Cuộc gặp giữa Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và đồng chí Hoàng Văn Thụ diễn ra tại làng Tân Khu (Tĩnh Tây, Trung Quốc) vào đầu tháng 1/1941 là cuộc gặp đáng ghi nhớ. Sau khi báo cáo tình hình trong nước và những việc đã làm để chuẩn bị mở Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ VIII, đồng chí Hoàng Văn Thụ đề nghị với Bác về nước theo hướng Cao Bằng vì phong trào cách mạng ở đây phát triển khá mạnh, trình độ giác ngộ của đội ngũ cán bộ chủ chốt và quần chúng tương đối cao. Lời đề nghị đó rất trùng hợp với suy nghĩ và dự tính của Người, bởi vì trước đó không lâu, Bác đã cử đồng chí Vũ Anh về nước khảo sát kỹ càng và lựa chọn được một địa điểm bí mật, có quần chúng bảo vệ vững chắc, tiện cho việc rút lui khi bất lợi. Trong thời gian này, Người còn tổ chức một lớp huấn luyện chính trị cho 43 thanh niên Việt Nam yêu nước tại Nặm Quang, Ngàn Tảy (Trung Quốc), trong đó chủ yếu là người Cao Bằng làm hạt nhân cho việc xây dựng phong trào cách mạng ở địa phương sau này.

Ngày 28/1/1941, Bác và các đồng chí Lê Quảng Ba, Phùng Chí Kiên, Thế An, Đặng Văn Cáp và Hoàng Văn Lộc vượt qua mốc 108 biên giới Việt - Trung về đến Pắc Bó (Trường Hà, Hà Quảng, Cao Bằng). Bao năm xa cách, giờ đây khi đã tìm thấy con đường cứu nước giải phóng dân tộc, Người trở về để chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam.

Thời gian đầu, Người ở trong hang Cốc Bó, một hang động khá kín đáo được che phủ bởi những lớp cây rừng rậm rạp. Từ cửa hang rẽ xuống phía dưới có một dòng suối bắt nguồn từ khe núi, nước trong vắt chảy suốt ngày đêm. Sau đó để thuận tiện cho công tác và sinh hoạt, Người đã chuyển sang khu vực lán Khuổi Nậm. Lán Khuổi Nậm được dựng bên vách núi, dưới chân có con suối nhỏ chảy qua. Ngày ngày, Bác đều làm việc theo đúng kế hoạch, giờ nào việc ấy rất khoa học. Buổi sáng, Bác dậy rất sớm tập thể dục. Bác thường chọn những quả núi cao ở xung quanh để tập leo bằng chân không. Leo núi đối với Bác không chỉ nhằm mục đích rèn luyện sức khỏe mà còn giúp Người tìm hiểu địa hình để có thể đối phó với tình huống quân thù bất ngờ ập đến.

Những ngày ở Pắc Bó để trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng cả nước, ngoài việc chủ trì Hội nghị Trung ương lần thứ VIII, Bác đã viết nhiều bài tuyên truyền, vận động đồng bào tham gia tổ chức của Việt Minh. Những bài viết của Người phần lớn đều được trình bày dưới dạng thơ lục bát, rất ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ nên được đồng bào đón nhận một cách hào hứng, sôi nổi, sẵn sàng gia nhập các tổ chức cách mạng, đánh đuổi Nhật - Pháp và tay sai, giành độc lập tự do cho đất nước

Đặng Xuân Thành
.
.