Nhiệt huyết tuổi 20 qua bức thư thời chiến

Thứ Ba, 14/10/2014, 08:00

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, hàng vạn thanh niên đã hăng hái "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước". Thời gian trôi qua, khi những mảnh vụn của kí ức được phát hiện, chắp nối, chúng ta có thêm những hình ảnh lấp lánh ánh sáng tươi mới, trẻ trung của một thế hệ thanh niên Việt Nam đã quên mình vì Tổ quốc như Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc... Trong dòng người nối nhau ra tiền tuyến, hơn một vạn cán bộ chiến sĩ Công an đã chi viện lực lượng An ninh miền Nam những năm đánh Mỹ. Họ đi vào nơi "mũi tên hòn đạn" với niềm tin thắng lợi, đồng thời truyền niềm tin và bầu nhiệt huyết ấy tới gia đình, bạn bè...

Hôm Thiếu tướng Đào Trọng Hùng, Cục trưởng một đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND, chúng tôi đến chúc mừng ông. Là con cả trong một gia đình có truyền thống cách mạng ở huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, ông trưởng thành từ trinh sát ngoại tuyến, một lĩnh vực công tác đặc thù của lực lượng CAND, luôn âm thầm, lặng lẽ góp sức mình vào sự thành công của các chuyên án. Tướng Hùng là người khá quảng giao với anh em báo chí nhưng lại "mâu thuẫn" ở chỗ ông luôn kín tiếng. Bởi vậy, ông "đọc" ngay được mục đích khai thác tư liệu chân dung nhân vật của tôi và nói gọn: "Chú cứ đọc bức thư anh viết tháng 4 năm 1975 trước ngày lên đường vào Nam gửi gia đình, là hiểu  anh".

Nhiệt huyết tuổi 20 qua bức thư thời chiến -0
Bộ trưởng Trần Đại Quang trao Bằng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân tặng Thiếu tướng Đào Trọng Hùng (tháng 8/2014).

Biết Thiếu tướng Đào Trọng Hùng đã lâu nhưng tôi thêm hiểu ông từ chuyến công tác của Đoàn cán bộ cấp cao Bộ Công an ra Trường Sa giữa năm 2013. Gần 2 tuần lênh đênh trên biển, mỗi khi tàu ghé vào các đảo, chúng tôi được giao lưu, gặp gỡ cán bộ, chiến sĩ hải quân. Tướng Hùng luôn quan sát tỉ mỉ, thân mật trò chuyện, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của anh em lính trẻ. Những cái bắt tay nồng ấm, những lời tâm sự từ đáy lòng ông giúp chúng tôi thêm cảm thông, gần gũi với cánh lính trẻ và mỗi thành viên trên tàu.

Với anh em báo chí, Thiếu tướng Đào Trọng Hùng luôn dành tình cảm trân trọng. Trên tàu HQ 996, ngoài các vị lãnh đạo với trách nhiệm tổ chức và trực tiếp tham dự các hoạt động của chuyến công tác theo một kế hoạch rất chu đáo đã được lập; anh em báo chí và đội văn nghệ là lực lượng khá vất vả, bận bịu…

Một buổi chiều muộn trong ánh hoàng hôn của biển cả ngập tràn không gian; muốn xả hơi và vốn ưa phóng khoáng, thoải mái, anh em báo chí chúng tôi lập một "mâm cơm" trên boong tàu. Mỗi người mỗi tay, đủ cả các món nhà bếp phục vụ và đồ uống mang từ carbin đem ra phía mũi tàu hóng gió đại dương. Đến nơi, đã thấy "mâm cơm" của một loạt vị tướng trong đoàn. Tuy đều là chỗ quen biết song chúng tôi cũng chỉ dám "kính nhi viễn chi". Nhưng một giọng nói sang sảng cất lên, nhìn sang thì là Thiếu tướng Đào Trọng Hùng: "Chào các nhà báo. Sang đây giao lưu với các anh. Nhìn các chú tác nghiệp, mới thấy nghề báo nó vất vả quá!". Câu nói đó khiến chúng tôi nhẹ nhõm cả người và thêm yêu nghề.

Trở lại bức thư mà Thiếu tướng Đào Trọng Hùng đề cập, đã từ lâu nó được đưa vào phòng truyền thống trưng bày bên cạnh những tư liệu, hình ảnh, kỉ vật về các chuyên án lớn mà đơn vị đã tham gia khám phá. Một nữ chiến sĩ trẻ tận tình hướng dẫn chúng tôi thăm phòng truyền thống và giới thiệu về bức thư của Thiếu tướng Đào Trọng Hùng. Đầu năm 1975, tình hình chiến trường miền Nam diễn ra khẩn trương; sự nghiệp thống nhất đất nước đứng trước thời cơ quyết định.

Mới 21 tuổi, đang công tác trong một đơn vị thuộc Bộ, chàng thanh niên Đào Trọng Hùng xung phong vào Nam. Trước ngày lên đường, do không thể về thăm gia đình, ông đã viết thư vào một cuốn sổ ghi chép, nhờ đơn vị gửi cha mẹ và các em ở quê nhà. Bức thư chan chứa tình yêu thương và lòng quyết tâm của một người trai thời khói lửa. Trong trái tim người chiến sĩ an ninh Đào Trọng Hùng có một niềm tin vững chắc ngày thắng lợi đã đến rất gần. Những dòng thư thấm đượm tình cảm, lòng biết ơn và nỗi niềm đau đáu của người con khi không ở bên để chăm sóc bậc sinh thành. Ông cũng động viên các em trong nhà phải chăm chỉ học hành và giúp đỡ bố mẹ. Những lời chỉ bảo tâm huyết của người anh cả đã định hướng để các em suy nghĩ, hành động và họ đều trưởng thành, trong đó có người được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó trọng trách.

Bức thư được viết tại Hà Nội trung tuần tháng 4/1975; từng câu, từng chữ đều thể hiện suy nghĩ, tình cảm, lý tưởng của một thế hệ hừng hực hào khí trước giờ ra trận. Thư có đoạn: 

"Đêm nay gần như là đêm cuối cùng của con còn sống ở Hà Nội trong những ngày chờ đợi. Nếu không có gì thay đổi đúng như lệnh ban đầu chỉ còn một ngày một đêm nữa thôi con sẽ rời xa nơi này để đi vào một mảnh đất xa xôi, nơi đấy chiến sự đang diễn ra ác liệt… Con bước chân ra đi không có một điều gì vướng mắc chỉ có điều là con chưa làm trọn vẹn được mong muốn của bố về con. Nhưng chính nơi đất mới, mới là nơi thử thách để chính con thấy rõ con hơn cũng như mọi người thấy rõ con hơn...  Cuộc chiến đấu mới sẽ làm cho con trưởng thành hơn về mọi mặt, sẽ làm cho con vững vàng hơn trong cuộc sống... 

Con biết và rất hiểu việc của con sẽ làm ngày mai không phải đơn giản mà vô cùng khó khăn, gian khổ, kể cả nguy hiểm đến tính mạng nhưng điều đó không làm cho con sợ hãi lùi bước mà chỉ làm tăng thêm nghị lực. Con tin ở con, bởi vì ở đời không ai hiểu mình bằng mình. Con dám nghĩ đến những điều bất hạnh, dám nghĩ đến sự hy sinh nhưng con rất hiểu sự cần thiết của sự hy sinh đó… Suốt đời con không quên công ơn của bố mẹ đã sinh ra và nuôi con thành người cho đến hôm nay con trở thành người của Đảng. Khi con đi rồi con chỉ mong rằng bố mẹ cố gắng giữ gìn sức khỏe. Bố mẹ đã yếu đi nhiều rồi, nhất là mẹ đừng nên tham công tiếc việc nhiều quá ảnh hưởng đến sức khỏe"...

Một lòng tôn kính mẹ cha, Đào Trọng Hùng càng hiểu rõ trách nhiệm của người con cả trong gia đình, luôn lo lắng, chỉ bảo, định hướng các em phấn đấu học hành, rèn luyện. Trong dòng tâm sự gửi lại gia đình trước lúc lên đường chiến đấu, chàng thanh niên 21 tuổi đã thể hiện tình cảm và vị thế của người anh cả:

"Các em yêu quý! Nếu anh của các em không gặp được các em thì coi như những dòng chữ này sẽ là những dòng chữ cuối cùng của anh dành cho các em trước khi anh lên đường. Anh rất muốn được gặp các em lần cuối để rồi anh ra đi được trọn vẹn nhưng các em hiểu đó là nhiệm vụ, anh không làm khác được. Anh rất nhớ các em, nhất là Quyên - em gái út của anh. Có lẽ nếu có ngày trở về gặp em chắc khó nhận ra em trong đám trẻ con học sinh. Các em phải chịu khó học hành và giúp đỡ mẹ đừng để mẹ phải khổ nhiều nữa. Người nào cũng phải học tập và làm việc với hết khả năng của mình. Còn Dũng chắc rằng con đường của em sẽ là con đường dẫn đến "anh bộ đội" có điều anh muốn nói là em phải tập trung vào việc học tập đã, một ngày còn ở nhà là một ngày phải học còn khi nào đi hẵng hay, đừng có tấp tểnh chỉ tổ hỏng việc mà chẳng đâu vào đâu. Ở đâu cũng cần những người có kiến thức.

Chú ý chữa khỏi hẳn mắt đi, giữ gìn sạch sẽ, phải làm sao giữ đúng tư thế người đoàn viên thanh niên.

Và Dung (đồng chí Đào Ngọc Dung hiện là Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy khối các cơ quan Trung ương - PV), Dinh phải học và chỉ có học thôi, nhất là Dung... 

Nhờ bố mẹ gửi lời chào tất cả mọi người họ hàng, làng xóm. (Nếu con không được về). Chúc bố mẹ mạnh khỏe! Mong các em học giỏi và ngoan. Hẹn ngày con của bố mẹ, anh của các em sẽ trở về gặp lại một ngày không xa.

Con của bố mẹ

Anh của các em

ĐÀO TRỌNG HÙNG

(Bố hãy cất quyển sổ này đi, đợi đến khi con về)" 

Thân phụ Thiếu tướng Đào Trọng Hùng là cụ Đào Trọng Hằng, từng nhiều năm là Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Lý Nhân (Hà Nam); năm 2013, cụ đã được trao tặng Huy hiệu 65 năm tuổi Đảng. Bước vào tuổi 88, tuy sức khỏe đã giảm sút nhưng cụ vẫn minh mẫn và luôn tâm niệm, dạy bảo con cháu phải chăm chỉ rèn luyện, học hành để phát huy truyền thống của gia đình và quê hương. Và, một trong những "tiêu chí" phấn đấu của các cháu mà cụ Hằng thường nêu ra, chính là bức thư của bác cả Đào Trọng Hùng đã viết trước ngày vào trận tuyến.

Trần Duy Hiển
.
.