Đại tá Thái Doãn Mẫn

Nhân vật trụ cột của lực lượng B5

Thứ Tư, 09/09/2015, 08:03
Đã 93 tuổi, ông là một trong những bậc đại thọ hiếm hoi còn khỏe mạnh, minh mẫn, với chất giọng mạnh mẽ, hào sảng, vẫn có thể ngồi hàng tiếng đồng hồ, kể lại vanh vách mọi việc, mọi diễn tiến trong cuộc đời binh nghiệp của mình. Ông là Đại tá Thái Doãn Mẫn, nguyên Phó Ban An ninh T3 - T4, nguyên Phó Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh.

Ông tên thật là Huỳnh Xuân Nam, quê ở huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Tốt nghiệp trường Kỹ nghệ thực hành Huế (1940-1943), ông được điều vào tỉnh Sóc Trăng làm công việc đo đạc ở các xã trong huyện Kế Sách… Từ tháng 3/1945 ông đã hoạt động trong phong trào Thanh niên Tiền phong (do các ông Huỳnh Văn Tiểng và Phạm Bá Tòng khởi xướng ở Sài Gòn), gia nhập Việt Minh rồi tham gia giành chính quyền ở Sóc Trăng. Khởi nghĩa thành công, ông được cử làm ủy viên Ban chấp hành Mặt trận Việt Minh tỉnh Sóc Trăng.

Thực dân Pháp trở lại, ông thoát ly, tham gia kháng chiến ở các tỉnh Sóc Trăng, Long Xuyên… giữ nhiều vị trí quan trọng. Sau Hiệp định Geneve (1954), ông làm trưởng đoàn cán bộ chiến sĩ quân dân chính tập kết ra Bắc rồi được phân công về công tác ở Bộ Công an, làm Phó phòng Nghiên cứu tổng hợp, Phó phòng Phái khiển (tức Điệp báo) rồi Trưởng phòng Bảo vệ cơ quan văn hóa - y tế Trung ương.

Năm 1961, ông làm đơn tình nguyện xin về lại miền Nam chiến đấu. Lãnh đạo Bộ chấp thuận, cử ông làm Trưởng đoàn kiêm Bí thư Đoàn ủy đoàn cán bộ Công an cốt cán chi viện cho miền Nam gồm 250 đồng chí. Vào đến miền Trung, ông đã bàn giao 100 đồng chí cho Ban An ninh Khu V, rồi tiếp tục đưa 150 đồng chí còn lại vào Nam Bộ.

Đại tá Thái Doãn Mẫn.

Hơn 5 tháng đi bộ vượt Trường Sơn, đoàn cán bộ Công an đã về tới căn cứ Ban An ninh Trung ương Cục vào giữa tháng 8-1962. Vì lý do bảo mật và đề phòng bất trắc trên đường đi, Bộ Công an không cho phép mang theo bất cứ tài liệu nào nên khi vào tới miền Nam, ông đã cùng hai cán bộ trong đoàn bằng trí nhớ và kiến thức của mình chép lại toàn bộ đường lối, phương châm, nghiệp vụ của ngành Công an để Ban An ninh Trung ương Cục sử dụng làm tài liệu hoạt động.

Thời gian đầu, ông được cử làm Ủy viên Ban An ninh Trung ương Cục kiêm Trưởng Tiểu ban bảo vệ chính trị, lo chuẩn bị nội dung để tổ chức Hội nghị Công an miền Nam lần thứ nhất (năm 1963). Sau thành công của hội nghị này, Ban An ninh Trung ương Cục đã cử ông về miền Tây Nam bộ để cùng với Ban An ninh T3 triển khai Nghị quyết của Ban An ninh Trung ương Cục và tổ chức Hội nghị Công an T3.

Theo lời ông, đó là lần đầu tiên, đại biểu Công an các tỉnh, huyện miền Tây được trang bị nội dung, đường lối, chủ trương cũng như những kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ của ngành để vững tin hơn trong hoạt động…

Một thời gian sau, theo đề nghị của Khu ủy, Ban An ninh T3, Ban An ninh Trung ương Cục đã cử ông làm Phó Ban Thường trực An ninh T3 - phụ trách hai tiểu ban Điệp báo và Tuyên huấn. Với công sức đóng góp của ông, ta đã có một mạng lưới điệp báo rộng khắp ở vùng chiến thuật IV (Cần Thơ) và cả trong các cơ quan đầu não của địch tại Sài Gòn (như Trung ương Tình báo, Tổng nha Cảnh sát, Nha Cảnh sát đô thành, Bộ Tổng tham mưu ngụy, Bộ Chiêu hồi…). Các đầu mối này đã hoạt động rất hiệu quả và cung cấp cho ta nhiều thông tin quan trọng về cả chiến lược lẫn chiến thuật. Đặc biệt, trong đó có chiến công lớn biết trước được "Vụ tập kích Sơn Tây", do cơ sở nội tuyến của ông từ Sài Gòn báo ra.

"Thời gian đó, tại căn cứ Khu ủy Khu 9 ở huyện Đầm Dơi, Cà Mau, có một người giao liên đã đưa cho tôi mảnh giấy - trong đó báo rằng quân Mỹ đang chuẩn bị sử dụng trực thăng và cả máy bay B52, máy bay chiến đấu yểm trợ, để đánh vào nơi giam giữ sĩ quan Mỹ bị bắt ở miền Bắc nhằm giải thoát cho những tên này. Ngay lập tức, tôi đã tìm cách báo tin trực tiếp cho Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn. Toàn bộ số tù binh đã nhanh chóng được di dời đi nơi khác trước khi quân Mỹ đổ xuống Sơn Tây…".

Ngoài ra, cũng nhờ xây dựng được mạng lưới điệp báo rộng khắp, ông đã thu được nhiều tin quan trọng khác của địch, như kế hoạch Mỹ sẽ đánh phá căn cứ của Khu ủy Khu 9 tại Cà Mau, tin Mỹ huy động lực lượng lớn đánh dài ngày vào căn cứ Trung ương Cục ở Tây Ninh… Từ đó, ta đã chủ động di dời và chuẩn bị kế hoạch chặn đánh quân địch, bảo vệ an toàn căn cứ.

Tháng 7/1967, ông chuyển về ANT4 (Khu Sài Gòn - Gia Định) làm Phó Ban để chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy. Ngay trong chiến dịch Tết Mậu Thân 1968, ông đã chỉ huy một lực lượng An ninh T4 cùng hai tiểu đoàn mũi nhọn của quân giải phóng tấn công vào Tổng nha Cảnh sát Việt Nam Cộng hòa, gây nhiều thương vong cho địch…

Cuối năm 1968, ông được phân công phụ trách lực lượng trinh sát vũ trang ANT4 (B5). Lúc này, lực lượng Biệt động thành đã bị tổn thất nặng sau đợt tổng tiến công Xuân 1968, sức chiến đấu ở Sài Gòn tạm thời lắng xuống. Mỹ - Thiệu huênh hoang tuyên bố "đã quét sạch Việt cộng ở nội đô". Thành ủy Sài Gòn - Gia Định chỉ thị cho Ban ANT4 phải tiếp tục tấn công địch trong nội đô để giữ vững niềm tin cho quần chúng nhân dân.

Từ căn cứ mới của Ban ANT4 ở quận Châu Thành tỉnh Bến Tre, ông ra sức củng cố và phát triển lực lượng. Cán bộ chiến sĩ B5 đã vượt qua mọi khó khăn gian khổ, lập nhiều chiến công vang dội như tấn công lực lượng cảnh sát địch, tiêu diệt hàng trăm tên ở bãi xe Tổng nha Cảnh sát, đánh địch trước trại A-mac (4/1970), trước bót Hàng Keo (4-1971), diệt các tên phản động đầu sỏ như Nguyễn Văn Kiểm, thiếu tướng, tham mưu trưởng Biệt bộ Phủ tổng thống - phụ trách an ninh (ngày 1/2/1969); đặt chất nổ tại nơi làm việc của tên Trần Quốc Bửu, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao công - tay sai đắc lực của Thiệu, ngày 21/9/1971; tiêu diệt Nguyễn Văn Bông, Viện trưởng Học viện Quốc gia hành chính, Chủ tịch phong trào quốc gia cấp tiến…

Trong trận đánh trên đã để lại hệ lụy rất lớn đối với địch; và kể từ đây, địch không còn rêu rao rằng Việt Cộng đã sạch bóng ở Sài Gòn. Các trận đánh của trinh sát vũ trang không chỉ nhằm tiêu diệt địch mà còn nhằm khoét sâu mâu thuẫn trong nội bộ tay sai của Mỹ, nhất là mâu thuẫn giữa phe Thiệu và phe Kỳ; làm cho địch hoang mang, dao động …

Đến năm 1972, theo chỉ đạo của Ban An ninh T4 (do đồng chí Trần Quốc Hương làm trưởng ban), lực lượng trinh sát vũ trang nội đô chuyển qua xây dựng các lõm chính trị trong thành phố, nắm quần chúng tại chỗ để chuẩn bị cho tổng tấn công… Sau Hiệp định Paris, Thái Doãn Mẫn được phân công phụ trách an ninh vùng nông thôn và ven đô của Sài Gòn - Gia Định, để xây dựng các bàn đạp và chỗ đứng chân cho các lực lượng vũ trang của ta áp sát vùng địch.

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh 1975 lịch sử, ông chỉ huy một đơn vị của An ninh T4 phối hợp với hai tiểu đoàn mũi nhọn của quân chủ lực tiến chiếm Bộ tư lệnh Cảnh sát quốc gia (thường gọi là Tổng nha Cảnh sát). Ông cùng lực lượng của mình đã tiếp quản mục tiêu nhanh chóng, sáng tạo, kịp thời và bảo vệ nguyên vẹn kho tài liệu, hồ sơ tối mật của địch. Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn đánh giá: "Ta đã chiếm được một kho báu quý giá mà địch để lại…".

Sau ngày miền Nam giải phóng, ông được phân công làm Phó Ban an ninh nội chính Sài Gòn - Gia Định rồi Phó Giám đốc thường trực Công an TP Hồ Chí Minh. Trong những năm đầu thành phố mới giải phóng, tình hình an ninh trật tự cực kỳ phức tạp, là người phụ trách khối cảnh sát và trinh sát hình sự, ông đã chỉ đạo phá nhiều chuyên án hình sự như vụ giết người đốt xác phi tang do tên Bùi Văn Đắc cầm đầu; các vụ bắt cóc đòi tiền chuộc (vụ bắt cóc con nghệ sĩ Kim Cương; vụ giết hại nghệ sỹ Thanh Nga); nhiều vụ mua bán ma túy, bắt nhiều tên cầm đầu đưa ra tòa xét xử…

Đầu năm 1980, ông được biệt phái sang làm Phó Giám đốc Cảng Sài Gòn với yêu cầu chính là giải quyết hai vấn đề lớn: nạn trốn ra nước ngoài bằng đường biển và ăn cắp lớn tài sản ở cảng. Và chỉ một thời gian sau, ông đã cùng cán bộ chiến sĩ của mình giải quyết dứt điểm hai vấn đề này. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, theo yêu cầu, ông trở về Công an TP. Hồ Chí Minh phụ trách việc biên soạn bộ "Lịch sử Công an TP. Hồ Chí Minh 1945-1954 và 1954-1975" làm tài liệu tuyên truyền cho cán bộ chiến sĩ. Đầu năm 1985 ông nghỉ hưu ở tuổi 62.

Nhận xét về ông, đồng chí Trần Quốc Hương, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Nội chính Trung ương, nguyên Trưởng Ban An ninh T4 chia sẻ: "… Tôi thấy ở đồng chí Tám Nam có nhiều ý kiến táo bạo trong vai trò người lãnh đạo, chỉ huy trong thời chiến cũng như thời bình. Đồng chí là người lãnh đạo rất có bản lĩnh trong chiến đấu, thân tình đối với anh em trong giao tiếp".

Phú Lữ
.
.