Nhân dân là người thân của mình

Thứ Năm, 14/01/2016, 10:51
Mặc cho đợt tiết trời giá lạnh cuối năm, có dịp tiếp xúc với cán bộ, chiến sỹ làm công tác quản lý nhân hộ khẩu, Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC64) Công an tỉnh Hòa Bình chúng tôi mới hiểu hơn về khó khăn, cách trở mà các đồng chí gặp phải. 


Công việc tưởng chừng giản đơn, nhàm chán kia đòi hỏi sự tỷ mỷ, thận trọng bởi chỉ một sai sót nhỏ dễ dẫn tới hệ quả khôn lường. Vượt lên trên khó khăn, vất vả, cán bộ, chiến sỹ đơn vị tạo dựng được hình ảnh thân thiện, gẫn gũi, được nhân dân các dân tộc trong tỉnh thương yêu, đùm bọc. Có được thành công ấy là bởi các anh luôn coi nhân dân như người thân của mình.

Tiếp chuyện chúng tôi, Đại tá Hoàng Duy Dũng, Trưởng phòng PC64 Công an tỉnh Hòa Bình chia sẻ: "Các anh xem, mọi việc tốt, xấu trên thế gian này đều từ con người mà ra. Chúng tôi quản lý chắc con người chính là để ủng hộ việc tốt, việc chính đáng và đấu tranh với những cái xấu do kẻ gian gây ra. Đơn cử từ một người dân lành, do sơ xuất mà nhầm lẫn một cái dấu trong họ tên, quê quán… đến những kẻ xấu cố tình thay tên, đổi dạng để hoạt động phạm pháp… đều phải được phát hiện, làm rõ và trả về đúng bản thể của nó.

Một buổi làm giấy chứng minh nhân dân tại bản Mông ở xã Pà Cò, huyện Mai Châu tỉnh Hòa Bình.

Hành chính là một biện pháp nghiệp vụ của lực lượng Công an. Do đó, quản lý hành chính là một công việc quan trọng để thực hiện biện pháp nghiệp vụ đó. Đây là một công việc công khai, song không phải tất cả đều bày sẵn cho người thực thi. Nhiều việc, lực lượng Cảnh sát quản lý hành chính chúng tôi cũng phải kiên trì đấu tranh để bảo vệ chân lý và lẽ phải".

Quản lý hành chính về trật tự xã hội bao gồm rất nhiều công việc phức tạp, phải nắm chắc nhân hộ khẩu, di biến động của người dân trong toàn tỉnh. Muốn quản lý tốt con người thì phải hiểu con người. Muốn hiểu về con người thì phải hiểu hoàn cảnh họ đang sống. Về vấn đề này, ở tỉnh Hòa Bình, thượng tá Phạm Minh Thắng - Phó Trưởng phòng PC64 rút ra một bài học sâu sắc. Đó là khi công trình Nhà máy thủy điện hoàn thành, hàng trăm hộ công nhân với hàng ngàn nhân khẩu chuyển đi mà không làm thủ tục cắt chuyển hay tạm vắng gây khó khăn cho công tác chuyên môn cả một thời gian dài.

Mặt khác, do phải chuyển khỏi vùng ngập lòng hồ sông Đà, bà con chạy tứ tán, trong đó rất đông gia đình chuyển vào Tây Nguyên mà lúc đi chưa kịp làm thủ tục cũng gây nên những phức tạp không dễ gì giải quyết trong một sớm một chiều. Tình hình trên làm cho công tác quản lý hành chính của lực lượng Công an từ chủ động chuyển thành bị động.

Đó là nói về đặc điểm, tình hình liên quan, tác động chung đến công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội. Nhưng những phức tạp phát hiện trong công việc hàng ngày của các anh chị lại nảy sinh ở từng cá nhân là chủ yếu.

Có thể nói, đại đa số các cấp chính quyền và nhân dân hiểu và chấp hành tốt những quy định về hộ khẩu, hộ tịch, tư pháp. Những giấy tờ liên quan đến bản thân công dân và con cái họ được lập chính xác, chu đáo. Từ đó giúp họ đảm bảo lợi ích công dân, đồng thời thực hiện tốt nghĩa vụ công dân. Bên cạnh đó xuất hiện không ít trường hợp vì lợi ích trước mắt mà làm sai lệch hồ sơ của mình.

 Trường hợp của công dân Ngô Thị T. là một ví dụ điển hình. Là giáo viên sắp đến tuổi nghỉ hưu, bà T đã tìm cách thay đổi ngày tháng năm sinh từ 20/10/1954 thành 17-7-1955. Khi có được giấy chứng minh nhân dân với năm sinh 1955, bà T đã đòi yêu sách với cơ quan chủ quản để một là tiếp tục công tác, hai là nếu nghỉ trước thì phải được hưởng trợ cấp nghỉ sớm theo quy định. Sự lệch pha về thông tin cá nhân giữa hồ sơ cán bộ và giấy CMND của bà T làm cho UBND huyện Tân Lạc khó xử, còn bà T liên tục đòi yêu sách. Thậm chí bà T đã khiếu nại đến các cấp có thẩm quyền, gây rắc rối kéo dài.

Nhận được hồ sơ giải quyết vụ việc trên, Thượng tá Thắng trực tiếp nghiên cứu rồi lên kế hoạch xác minh. Bằng kinh nghiệm của mình, anh chỉ đạo thu thập thông tin từ xã…- nơi bà T. cư trú. Thu thập đầy đủ chứng lý kết luận bà T. gian dối hồ sơ lý lịch. Thượng tá Thắng đã chỉ đạo cán bộ trực tiếp gặp và thuyết phục bà T.. Sau đó ra thông báo hủy CMND số 113117110 mang tên Ngô Thị T. sinh ngày 17-7-1955 do Công an tỉnh Hòa Bình cấp  ngày 20-5-2008, đồng thời hủy giấy khai sinh bản sao, quyết định thu hồi và hủy chứng thực bản sao giấy khai sinh của bà T. Công an xã đã chỉnh sửa ngày tháng năm sinh trong hộ khẩu cho bà T và cấp đổi sổ hộ khẩu cho bà T là không có căn cứ pháp lý và phải chịu hình thức kỷ luật.

Việc khiếu kiện của bà T. khép lại. Và rồi chính bà T viết thư cám ơn Giám đốc Công an tỉnh Hòa Bình về việc trên.

Hay gần đây, qua công tác tra cứu, phát hiện làm giả CMND của Bùi Văn Tân và Lại Văn Dương cùng ở Yên Thủy - Hòa Bình. Do muốn đi xuất khẩu lao động mà chưa đủ tuổi, Tân và Dương đã dùng vi tính và kỹ thuật số sửa lại năm sinh rồi chụp lại CMND một cách rất tinh vi mà mắt thường khó có thể phát hiện.

 Bên cạnh những sai phạm về làm giả CMND như nêu trên thì trong những năm qua, bộ phận thường trực tiếp dân và kiểm tra hồ sơ CMND đã kịp thời phát hiện 33 trường hợp tráo người xin cấp đổi CMND. Các trường hợp này đều với mục đích đi xuất khẩu lao động.

Được hỏi bí quyết nào để tìm ra những sai lệch trong thông tin của con người, Đại úy Bùi Thị Như Quỳnh, Phó Đội trưởng Đội Chứng minh nhân dân chia sẻ: "Trong cuộc đời một con người có rất nhiều giấy tờ chứng minh về con người đó. Ngay khi mới ra đời có chứng sinh, rồi khai sinh. Đi mẫu giáo, đi học có học bạ. Vào Đoàn, vào Đảng có lý lịch… trong một gia đình có sổ hộ khẩu… Tất cả phải khớp nhau.

Tôi khẳng định, mới ra đời không ai có ý định gian dối. Những lệch lạc sau này mới nảy sinh. Khi họ lớn lên và mưu cầu lợi ích cá nhân một cách khuất tất, kể cả việc lẩn tránh pháp luật thì họ mới tìm cách thay đổi thông tin về mình. Do đó, kiên trì, tỷ mỉ, khách quan, toàn diện là chúng tôi tìm ra sự thật. Một con người có nhiều nơi quản lý hồ sơ như vậy không phát hiện ra mờ ám chỗ này thì sẽ phát hiện ra ở chỗ khác.

Trong những năm qua, bằng công tác quản lý hành chính, qua tra cứu tàng thư, phòng PC64 đã phối hợp cùng các lực lượng nghiệp vụ xác minh làm rõ nhiều đối tượng gây án, bắt hàng trăm đối tượng truy nã. Trong đó có những đối tượng gây trọng án bỏ trốn vào các tỉnh phía nam, thay tên đổi họ, lập CMND và hộ khẩu mới nhưng cũng không thoát khỏi sự trừng trị của pháp luật".

Đối với những sai phạm nhằm che giấu tung tích, trốn tránh pháp luật thì các anh các chị cương quyết đấu tranh đến cùng để vạch mặt kẻ phạm tội. Đối với những sai lệch vì lợi ích trước mắt của công dân thì họ kiên trì thuyết phục để đương sự nhận ra cái sai mà tự giác sửa chữa. Các đồng chí thường phân tích, chỉ vì lợi ích trước mắt như đi lao động nước ngoài vài năm rồi về mà làm sai lệch hồ sơ thì hậu quả liên quan đến cả quãng đời dài còn lại mà ngay lúc đó người đó không kịp nghĩ ra. Đây cũng là lời cảnh báo cho những ai có ý đồ thay đổi hộ tịch của mình hay người thân của mình về tác hại của nó.

So với trước đây, nhiều thủ tục hành chính đã và đang được cải cách theo hướng tích cực. Thời gian cấp CMND đến các thủ tục khác được rút xuống. Không những thế, lực lượng trực tiếp dân cả thứ Bảy, Chủ nhật. Nhìn gương mặt rạng rỡ của người dân khi nhận được tấm giấy CMND hay một giấy cấp phép nào đó mà các  anh thấy như niềm vui của chính mình. Và những lúc như thế, sự mệt nhọc trong con người họ biến đi, nhường chỗ cho nụ cười ấm áp.

Khi Nghị quyết số 51/CP của Chính phủ về đăng ký, quản lý hộ khẩu ra đời, lãnh đạo đơn vị đã tham mưu cho lãnh đạo Công an tỉnh tuyên truyền, phổ biến đến các cấp, các ngành và nhân dân nắm vững và triển khai thực hiện thống nhất, đồng bộ. Theo đánh giá của Bộ Công an, Công an tỉnh Hòa Bình là một trong những địa phương trong cả nước đạt nhiều kết quả rõ nét, tiêu biểu trong tổ chức triển khai mặt công tác này. Nhiều thủ tục hành chính được đơn giản thể hiện cao quyền tự do đi lại, cư trú của công dân.

Bằng với tấm CMND, một người dân có thể đi lại nhiều nơi, ở được mọi chỗ, làm được nhiều việc… Nhưng cũng chính sự đơn giản ấy mà phần tử xấu dễ dàng lợi dụng để làm điều phi pháp. Vì tính ưu việt của chế độ, vì quyền lợi chính đáng của đông đảo nhân dân, những người làm công tác đăng ký, quản lý hộ khẩu từ xã, huyện, tỉnh phải nghiên cứu kỹ, nắm vững chủ trương, chính sách, phát huy tối đa thuận lợi của Luật cư trú để phục vụ nhân dân. Đồng thời chủ động với những điểm mở mà kẻ xấu dễ lợi dụng để ngăn chặn những sai phạm có thể xảy ra.

Với những cán bộ công tác lâu năm trong lực lượng Công an như: Đại tá Hoàng Duy Dũng, Thượng tá Phạm Minh Thắng, Đại úy Bùi Thị Như Quỳnh... điều quan trọng nhất, về nghiệp vụ là phải chuyên sâu, về thái độ là phải kính trọng, lễ phép với nhân dân. Luôn biết đặt lợi ích của nhân dân lên trên lợi ích cá nhân. "Hãy coi nhân dân như là ông bà, bố mẹ, anh em của mình!" - đó dường như là kinh nghiệm đáng giá mà các thế hệ cán bộ lãnh đạo đơn vị tích lũy được qua thực tế công tác.

An Chi
.
.