Nha Công an trung ương: Ngày ấy - Bây giờ

Thứ Năm, 26/01/2006, 18:01

Nằm gọn trong thung lũng Lũng Cò, thôn Đồng Đon, xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, chưa bao giờ khu di tích Nha công an trung ương lại có những đổi thay lớn đến như vậy. Mỗi ngày đi qua, bộ mặt di tích lại được điểm tô bằng những con đường, những ngôi nhà mới để ghi dấu một thời gian khổ mà hào hùng của lực lượng CAND vì Đảng vì dân.

60 năm về trước, thực hiện lời kêu gọi cả nước kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nha công an trung ương đã di chuyển lên Minh Thanh. Thôn Đồng Đon có hai quả đồi lớn (về sau gọi là đồi A và B) nằm liền nhau và sát với cánh đồng Lũng Cò, và bên kia là Suối Lê. Tại đây có thể quan sát trải dài một vùng rừng núi nhưng rất kín đáo, an toàn. Cách Tân Trào chỉ 5km đường chim bay nên cũng rất thuận tiện để liên lạc, hội họp với trung tâm đầu não kháng chiến của ta.

Chỉ trong một thời gian ngắn sau đó, Đội xây dựng thuộc Văn phòng Nha công an trung ương dưới sự giúp đỡ hết lòng của nhân dân đã xây dựng hợn chục mái nhà tre, nứa lá cho cán bộ chiến sỹ làm việc. Và tại đây, những cái tên và cũng là trụ sở làm việc của Ty trật tự tư pháp, Ty tình báo, Nhà văn phòng, Ty chính trị, Nhà ở và nơi làm việc của Giám đốc Nha CATW...được hình thành. Cũng tại đây, Nhà in Báo Rèn luyện (tiền thân của Báo CAND hôm nay) cũng được xây dựng phục vụ công tác tuyên truyền, phổ biến nghiệp vụ, đấu tranh chống lại luận điệu tuyên truyền xuyên tạc của địch.

Trên thềm di tích hôm nay đã khôi phục Nhà hội trường, nơi đã chứng kiến nhiều cuộc họp mà từ đó đã có những quyết sách rất lớn ảnh hưởng đến sự nghiệp, hướng đi của toàn ngành Công an sau này. Tại Hội trường này, năm 1950 đã diễn ra Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ V với trên 100 đại biểu đại diện cho công an toàn quốc đến dự. Hội nghị này lần đầu tiên đón sự có mặt của đại diện Sở công an Nam Bộ do đồng chí Phạm Hùng dẫn đầu tham dự.

Tại Hội nghị này, Báo cáo chính trị do đồng chí Lê Giản trình bày đã phân tích kỹ tình hình thực tiễn và khẳng định sự trưởng thành của công tác phản gián, điệp báo bao vây kinh tế địch, nắm bắt nguyện vọng của nhân dân. Và, cũng tại đây các đại biểu đã thảo luận thông qua các đề án "Đề án CAND Việt Nam", "Đề án công tác phản gián", "Đề án công tác trật tự", "Đề án công tác huấn luyện", "Đề án công tác tình báo", "đề án căn cước", "Đề án thu hồi đô thị". Trong đó đáng chú ý nhất là đề án CAND đã xác định CAND Việt Nam có 3 tính chất là Dân tộc, dân chủ, khoa học.

Cũng tại diễn đàn đó, các đại biểu đã nghe Bộ trưởng Tài chính Lê Văn Hiến nói chuyện về chiến tranh kinh tế giữa ta và địch, mưu mô của địch dùng lực lượng quân sự phá kinh tế của ta và lưu ý lực lượng công an phải đấu tranh phá tan điểm in tiền Việt Nam giả của địch.

Đã có hàng trăm chuyên án lớn, nhất là các chuyên án chống tình báo gián điệp địch đã được chỉ đạo và thực hiện thành công từ khu di tích Nha công an ở thôn Đồng Đon này. Do yêu cầu lịch sử, tháng 9/1950 Nha công an trung ương đã chuyển địa điểm và chỉ hai ngày sau khi chuyển đi, máy bay Pháp đã ném bom xuống hai quả đồi A và B gây cháy và hư hại toàn bộ khu di tích.

Thượng tướng Nguyễn Khánh Toàn, Thứ trưởng thường trực Bộ Công an, cắt băng khánh thành Tượng đài Vì an ninh Tổ quốc.

Trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử, với nhiều biến cố quan trọng của lực lượng CAND, đến tháng 8/1999 Bộ Công an đã khởi công khôi phục, tôn tạo khu di tích lịch sử Nha công an trung ương và đợt khôi phục lần đầu này khánh thành một năm sau đó. Đến năm 2004, nhân lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập lực lượng CAND, Bộ công an quyết định nâng cấp khu di tích nha công an một lần nữa với quy mô lớn. Các hạng mục công trình được phục chế bằng phong cách và vật liệu mới nhưng vẫn giữ được tất cả định dạng ban đầu của khu di tích.

Đáng chú ý nhất phải kể đến là tượng đài Vì ANTQ. Tượng đài này được thiết kế đặt trên đồi cao, có chiều cao 21,6m, đường kính lớn nhất là 4,5m, nhỏ nhất là 3,5m, trọng lượng đá khối thô là 650 tấn, trọng lượng hoàn thiện tượng đài là 450 tấn. Riêng khối cờ và khối nhân vật cao 11,1m được làm hoàn toàn bằng đá granite rất đẹp. Bố cục tượng đài chặt chẽ, mang tính đặc trưng với khối nhân vật đại diện cho 5 lực lượng: An ninh nhân dân, Cảnh sát nhân dân, An ninh giải phóng miền Nam, thông tin liên lạc khoa học kỹ thuật và quần chúng tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Hình tượng người chiến sĩ An ninh nhân dân nâng cao cánh chim hoà bình được khắc hoạ rất rõ nét, thể hiện quyết tâm người chiến sĩ Công an Nhân dân luôn luôn sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để bảo vệ bình yên cuộc sống cho nhân dân. Vượt lên trên tất cả là lá cờ Tổ Quốc, cờ Đảng kiêu hãnh tung bay cùng thanh bảo kiếm hướng lên trời cao như đang viết lên những chiến công hào hùng, vang dội của lực lượng Công an Nhân dân qua mọi thời kỳ.

Di tích Nha công an trung ương với những sự kiện lịch sử trọng đại đã đi vào lịch sử cách mạng Việt Nam. Những năm tháng ở và làm việc tại đây của Nha công an trung ương là minh chứng sinh động về cuộc chiến tranh nhân dân chống thực dân Pháp xâm lược. Khu di tích này có giá trị lớn trong giáo dục truyền thống cho các thế hệ Công an nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Trở về cội nguồn, mọi cán bộ chiến sỹ Công an có quyền tự hào và nguyện hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, bảo vệ thành công sự nghiệp đổi mới và công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước

Ngọc Tước
.
.