Người nữ bí thư thành uỷ Sài Gòn đầu tiên

Thứ Sáu, 13/01/2006, 09:09

Sinh thời, cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (tên đồng chí lúc hoạt động ở Sài Gòn là Mười Cúc), rất xúc động khi  kể về nữ Bí thư Thành ủy những năm 1939 - 1941. Đó là chị Nguyễn Thị Minh Khai, một phụ nữ Việt Nam anh hùng, bất khuất, quả cảm.

Thuở nhỏ

Những năm 1935-1939, nguyên Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh được Đảng cử vào Sài Gòn hoạt động khi còn rất trẻ; là Thành ủy viên Thành ủy Sài Gòn năm 1939. Vào những năm 1936-1939, khi Mặt trận Bình dân Pháp thắng thế, ở Sài Gòn, trong cơ quan Xứ ủy Nam Bộ, đồng chí Mười Cúc rất cảm phục một nữ xứ ủy viên của Xứ ủy Nam Bộ, chị Nguyễn Thị Minh Khai; với tầm hiểu biết rộng, đúc kết và chỉ đạo vấn đề từ thực tiễn rất nhanh; và nói thông thạo tiếng Pháp, Anh và Quảng Đông.

Quê hương của chị bên dòng sông La, thuở nhỏ sống cùng mẹ ở xã Đức Tùng, Đức Thọ.  Năm 18 tuổi, chị Minh Khai đã tham gia hoạt động trong phong trào công nhân ở Vinh; tham gia vào tổ Đảng Tân Việt. Khi thống nhất các tổ chức cộng sản ở 3 kỳ, ngay từ ngày Đảng ta ra đời, tại Vinh, chị Minh Khai cùng các chị Xân, Thiu, Tôn Thị Quế,... trở thành đảng viên khi mới 19 tuổi.

Rồi một sáng đầu năm 1930, chị ra đi trên chuyến tàu thủy từ Hải Phòng đi Hương Cảng. Lúc ấy chị Minh Khai mới tròn 20 tuổi.

Đến Hương Cảng, Trung Quốc, chị được Việt Nam Thanh  niên Cách mạng Đồng chí Hội (VNTN CMĐCH) phân công ở cùng chị Lý Phương, mới 16 tuổi là một trong 8 thiếu niên ở Thái Lan đưa sang đây. Sau Hội nghị thống nhất các tổ chức Đảng, đến Hương Cảng, chị Minh Khai và Lý Phương, là 2 nữ thanh niên ở cơ quan văn phòng VNTN CMĐCH; nên được đồng chí Lý Thụy quan tâm dìu dắt.

Các lớp học chính trị do đồng chí Lý Thụy mở đã giúp cho chị Minh Khai rất nhiều trong nhìn nhận vấn đề, nhất là mục tiêu cách mạng, phương pháp, động lực, tổ chức cách mạng,... Qua các giờ học hiếm có ấy, chị mới hiểu thêm những lời khuyên dạy của đồng chí Lý Thụy, làm cách mạng là không sợ gian khổ, hy sinh, càng trong gian khó, càng phải có ý chí, nghị lực, có đạo đức... nhìn xa, trông rộng; thì công việc tổ chức Đảng giao cho mới thành công được.

Làm Bí thư Thành ủy lúc 29 tuổi...

Đầu năm 1939, Xứ ủy Nam Kỳ đã cử chị Nguyễn Thị Minh Khai, Xứ ủy viên về làm Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn, lúc đó chị 29 tuổi, và kiêm chỉ đạo trực tiếp Nhà máy Đóng tàu Ba Son và Công ty Hỏa xa Sài Gòn. Nhiệm vụ đặt ra nặng nề hơn khi giữa năm này, nguy cơ phát xít Nhật đang lăm le chiếm Đông Dương, Đảng ta chủ trương mở rộng Mặt trận Nhân dân Đông Dương. Với đường lối vừa chống phản động thuộc địa, vừa chống phong kiến Bảo Đại, lại vừa chống bọn Trốtkít chui vào Đảng. Tại Sài Gòn, nữ Bí thư Thành ủy Minh Khai, càng dồn bao tâm lực, vừa viết bài đấu tranh trên báo chí, vừa cùng các tổ chức Đảng tranh luận thẳng thắn với chúng, vạch trần âm mưu của bọn Trốtkít, đội lốt đảng chui vào phá hoại Đảng bộ Sài Gòn.

Nhiều đồng chí cán bộ Thành ủy lúc đó nhớ mãi kỷ niệm là khi tranh luận về “khuynh hướng thỏa hiệp với Trốtkít” trong nội bộ Thành ủy, chị đã đấu tranh rất kiên quyết. Chỉ trong 1 năm (1939-1940), Thành ủy đã chỉ đạo phát triển được 5 ,6 chi bộ trong các nhà máy, công sở, thợ bạc ở Sài Gòn.

Cũng trong năm này chị đã sinh ra bé Lê Nguyễn Hồng Minh, kết quả của mối tình giữa chị và nhà cách mạng Lê Hồng Phong. Nhưng do bận công tác chị phải gửi bé Hồng Minh cho bà con ở Bà Điểm, Hóc Môn chăm sóc.

Một điều không may cho Đảng bộ Sài Gòn - Chợ Lớn và Xứ ủy Nam Kỳ là bọn mật thám Pháp đã theo dõi từng bước đi của các cán bộ chủ chốt Thành ủy và các cán bộ của Xứ ủy. Mờ sáng ngày 30/7/1940, trong vai một nữ nông dân tay xách làn trái cây, chân đi đôi guốc gỗ, mặc áo dài đen, chị đi thong thả đến địa điểm mới của Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn ở bến Bình Đông. Không ngờ, từ tín hiệu nhà có cửa phố vẫn khép hờ một bên, còn một bên đóng rất chặt: dấu hiệu an toàn, nhưng khi bước qua ngưỡng cửa, chị mới biết cơ sở đã bị lộ và bị mật thám Pháp bắt giữ, khi đó bé Hồng Minh mới tròn 1 tuổi, còn chồng chị, anh Lê Hồng Phong cũng đang bị kẻ thù theo dõi ráo riết.

Trong tù, biết chị là nhân vật quan trọng, chúng giam chị vào căn phòng có chiếc sọ người giữa nhà, dùng đủ cực hình để tra tấn nhưng chị quyết không khai. Chị luôn nói: “Việc này tao lãnh đạo, tao chủ trương, tao làm!”.

Tra tấn bằng mọi cách vẫn không khai thác được gì, thực dân Pháp cho giam chị vào nhà giam Phú Mỹ, Sài Gòn. Chị lại tiếp tục cùng chị em phụ nữ trong khám đấu tranh.

Lúc bấy giờ, anh Lê Hồng Phong cũng như các lãnh đạo chủ chốt của Đảng ta như Nguyễn Văn Cừ, Hà Huy Tập, Võ Văn Tần... đã sa vào tay thực dân Pháp. Mật thám Pháp tổ chức một cuộc đối chất cuối năm 1940, cho chị gặp anh Lê Hồng Phong để tìm ra mối quan hệ giữa hai người, nhằm kết án tử hình Tổng Bí thư Lê Hồng Phong. Một cuộc gặp gỡ không ai lại không muốn gặp để được ngồi gần nhìn người mình thương yêu. Song để giữ bí mật, hai người vẫn tỏ ra bình thản như chưa quen bao giờ. Thất bại, chúng tiếp tục đày Tổng Bí thư Lê Hồng Phong ra nhà tù Côn Đảo.

Sau đó không lâu, ngày 28/8/1941, thực dân Pháp đã đưa chị cùng các lãnh tụ trung kiên của Đảng ta: Hà Huy Tập, Võ Văn Tần, Nguyễn Hữu Tiến... ra xử bắn tại ngã tư Giếng Nước (nay là trước sân Trung tâm Y tế huyện Hóc Môn). Trước khi bọn thi hành án cởi trói, cởi khăn bịt mắt, chị vẫn bình thản diễn thuyết cả 5 phút cho đồng bào của chị và nói cả tiếng Pháp cho những người lính Pháp biết việc chính nghĩa của những người Cộng sản Việt Nam đang làm. Chị đã bí mật viết vào mảnh giấy cuốn tròn trong điếu thuốc lá gửi cho chồng, khi anh còn đang ở nhà tù Côn Đảo: “Dù có chết, em hứa với anh, chung thủy với cách mạng, trung thành với Đảng. Em hứa mãi mãi là người cộng sản kiên cường. Mong anh cũng như vậy".

Và chị Minh Khai (còn có tên là Vịnh, Phan Lan, Năm Bắc...) đã mãi đi xa trong niềm tiếc thương vô hạn của nhân dân Bà Điểm, của bà con Hóc Môn, của Sài Gòn - Gia Định

Phạm Bá Nhiễu
.
.