Người nữ anh hùng nơi "Cánh cửa thép" năm xưa

Thứ Ba, 27/01/2015, 08:00
Khoảng 7h tối ngày 29/01/1975, cách quán Song Nga hơn 10m, một tiếng nổ lớn làm rung chuyển thị xã Long Khánh (tỉnh Bà Rịa - Long Khánh, Đồng Nai ngày nay). Sau những phút kinh hoàng, hoảng sợ, bọn Cảnh sát ngụy ào đến. Chúng  phát hiện 2 cô gái còn rất trẻ đã gây ra vụ nổ trên, một cô đã hi sinh tại chỗ, một cô đang bị thương nặng. Lập tức, cả người đã mất và người còn sống đều bị chúng đưa về đồn...

Hai cô gái ấy chính là những nữ trinh sát của Đội An ninh vũ trang thị xã Long Khánh. Người con gái bị thương, giập nát chân trái là Phùng Thị Thận. Cô gái hi sinh là Hồ Thị Hương. Các cô đang ở lứa tuổi đẹp nhất của người con gái, một cô vừa 19, một cô mới bước qua tuổi 20.

Đêm ấy, hai nữ trinh sát an ninh mật có nhiệm vụ dùng mìn hẹn giờ đánh vào quán Song Nga, nơi bọn an ninh quân đội, bọn cảnh sát đặc biệt và bọn tình báo tiểu khu Long Khánh thường tụ tập đến đây để nhậu nhẹt, trác táng. Hồ Thị Hương, với vai trò tổ trưởng đã rất thận trọng, chuẩn bị chu đáo. Sau khi quan sát kỹ địa hình, nắm vững quy luật đi lại của địch, Hương điều chỉnh mìn cho đúng 1 giờ sau nổ rồi cùng Phùng Thị Thận bỏ mìn vào giỏ xách, đạp xe đến quán Song Nga. Trong vai khách hàng đi ăn tối, họ vào quán ăn kem và bí mật gài trái nổ dưới gầm bàn, sau đó rút lui. Nhưng ngay sau đó, bọn lính đột ngột rời khỏi quán, đối tượng cần diệt không còn, Hương quyết định huỷ trận đánh và mang trái nổ rời khỏi quán để tháo kíp, nhưng do sự cố, mìn phát nổ trước giờ quy định và… Đó là trận đánh cuối cùng của chị cùng đồng đội.

Tôi về Long Khánh khi đất trời đang giao mùa, thật dễ chịu khi được hưởng một chút se lạnh dịu dàng của mùa đông phương Nam, ngắm nhìn những vườn cây trái xanh ngút ngát…Nơi năm xưa kẻ địch quyết xây dựng thành  "cánh cửa thép", để "tử thủ" với đại đoàn quân giải phóng giờ bình yên đến lạ kỳ, dấu vết của chiến tranh đã bị xóa nhòa.

Liệt sĩ Hồ Thị Hương, Anh hùng LLVTND (1954 - 1975).

Tôi tìm đến nhà cô Phùng Thị Thận, người thoát chết trong gang tấc năm xưa, được nghe cô kể về những năm tháng "gian lao mà anh dũng". Chiến tranh đã cướp đi của cô một phần cơ thể nhưng người thương binh 2/4 đã đứng vững bằng nghị lực của chính mình. Cô trinh sát an ninh mật năm xưa giờ đã là giám đốc một công ty, làm kinh tế cũng giỏi như ngày xưa đánh giặc. Cô kể cho tôi nghe về người tổ trưởng năm xưa đã hy sinh anh dũng, chị Hồ Thị Hương.

Chị Hương ra đời năm 1954 ở miền quê Bình Định. Như bao trẻ thơ khác, chị lớn lên từ dòng sữa mẹ ngọt ngào, thấm đẫm những lời ru từ cánh võng xơ dừa, trong huyết quản cũng chảy mạnh dòng máu của tinh thần thượng võ. Làng quê của chị mang cái tên thật hiền hòa, như khát vọng bao đời của người dân Việt: Làng Bình An nhưng ở đó lại không có lấy một ngày an bình. Khi Mỹ - Diệm lê máy chém đi khắp miền Nam, cái làng quê nhỏ bé ấy ngày nào cũng có cảnh chém giết, bắt bớ, đánh đập, tra khảo…, làng quê ngập tràn tiếng kêu khóc oán hờn. Lên 9 tuổi, cô bé Hồ Thị Hương đành theo gia đình rời bỏ quê hương, tìm về một vùng đất mới và dừng chân tại vùng đất Long Khánh nặng nghĩa tình.

Con nhà nghèo, Hương một buổi đi học, một buổi theo mẹ tảo tần buôn bán. Nhưng chẳng may người mẹ lam lũ qua đời sớm, cô bé Hương mới chục tuổi đầu đã phải bỏ dở việc học hành thay mẹ cáng đáng việc nhà, làm thuê làm mướn để mỗi ngày được trả vài lon gạo đem về nấu cơm cho cha và các em.

Nung nấu trong lòng sự căm thù giặc Mỹ và bọn tay sai, đầu năm 1970, khi mới chớm bước vào tuổi 16, Hồ Thị Hương đã trở thành đội viên an ninh mật của Đội trinh sát vũ trang an ninh thị xã Long Khánh với bí số H25. Ban lãnh đạo An ninh thị xã Long Khánh đã mạnh dạn giao nhiệm vụ nắm tình hình địch trong thị xã, xây dựng và phát triển mạng lưới cơ sở mật cho Hồ Thị Hương. Công việc hết sức khó khăn và nguy hiểm, bởi hoạt động trong nội thị phải vượt qua nhiều đồn bót, trạm kiểm soát, cũng như các toán hành quân càn quét của địch; vượt qua mạng lưới tình báo, mật báo viên theo dõi chặt chẽ của địch. Nhưng với quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ, gan dạ, mưu trí, dũng cảm, chỉ trong vòng 23 tháng, Hồ Thị Hương đã xây dựng được 12 cơ sở bí mật nội thành theo đúng yêu cầu của cấp uỷ, có tác dụng tốt. Sự hoạt động năng nổ, tích cực, luôn phấn đấu vươn lên của Hồ Thị Hương đã được ghi nhận, ngày 20/5/1973, khi chưa tròn 19 tuổi, chị đã vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng.

Từ cuối năm 1973, Hồ Thị Hương được giao nhiệm vụ chỉ huy Tổ trinh sát vũ trang mật gồm 3 người: Hồ Thị Hương, Lê Thị Lệ (tức Thọ) và Phùng Thị Thận đánh địch trong nội ô thị xã Long Khánh. Đánh địch ngay trong lòng địch là một nhiệm vụ hết sức khó khăn và nguy hiểm, Hồ Thị Hương cùng các đồng chí trong tổ đã vượt qua mọi khó khăn, nêu cao tinh thần cảnh giác, mưu trí dũng cảm, lập kế hoạch và đánh hàng chục trận, diệt được nhiều tình báo, cảnh sát ác ôn, trong đó riêng Hồ Thị Hương diệt được một tên quận phó ác ôn và nhiều tên là sỹ quan cảnh sát tình báo…

Đó là trận đánh đêm 05/12/1974 vào quán Hoàng Diệu (nơi bọn biệt kích thám sát Sư đoàn 18 nguỵ thường tụ tập ăn nhậu). Quán Hoàng Diệu ở ngay sát Sư đoàn nguỵ lại được canh phòng rất nghiêm ngặt, nhưng khi nhận lệnh làm nhiệm vụ, với sự thông minh, mưu trí Hồ Thị Hương và nữ đồng chí Lê Thị Lệ trong vai những người đi ăn tối đã đột nhập vào quán, gài mìn vào vị trí đã định. Mìn nổ, ta diệt 20 tên, làm bị thương 13 tên khác, trong đó hầu hết là lính biệt kích PRU (biệt kích do Mỹ đào tạo).

Tiếp theo là trận đánh đêm 31/12/1974 tại quán ăn Ngọc Hương. Hồ Thị Hương cùng Phùng Thị Thận và Lê Thị Lệ đã dùng quả mìn 2 kg có gắn kíp định giờ nguỵ trang trong vỏ hộp sữa Mejji  đựng trong một giỏ đựng hàng. Giả làm khách hàng, cả ba vào quán và gài khối thuốc nổ dưới gầm bàn rồi rút lui an toàn. Trận đánh diễn ra đúng dự kiến, toàn bộ ngôi nhà bị sập, hơn 40 tên địch hầu hết là cảnh sát đặc biệt, cảnh sát dã chiến, trong đó có tên quận phó Xuân Lộc bị diệt tại chỗ. Người dân thị xã vui sướng ngợi khen Việt Cộng tài "như từ trên trời rơi xuống", bọn địch thì khiếp vía kinh hồn, phải báo động toàn thị xã và đưa bọn cảnh sát dã chiến đến canh gác thu dọn chiến trường để che giấu thất bại.

Không chỉ mưu trí, dũng cảm trong đánh địch, mà Hồ Thị Hương còn luôn biết nghĩ đến nhân dân, hết lòng yêu thương nhân dân. Khi được giao nhiệm vụ lên phương án diệt địch tại quán Nghĩa Ký, nơi bọn cảnh sát dã chiến thường tụ tập ăn nhậu, đêm 7/12/1974, Hồ Thị Hương cùng Phùng Thị Thận và Lê Thị Lệ, trong vai khách hàng mang giỏ xách có đựng khối thuốc nổ bên trong ung dung vào quán để dưới gầm bàn và rút  lui an toàn. Nhưng ra đến cửa thì bọn địch cũng tàn cuộc nhậu và bỏ ra về, trong quán chỉ còn chủ quán và những người làm công. Trước tình huống đó, Hương nhanh trí, bình tĩnh quay trở lại quán nói lớn: "Đi vội, bỏ quên mất túi xách" rồi điềm nhiên ôm giỏ xách đựng khối thuốc nổ ra khỏi quán, rút kíp hẹn giờ khỏi khối thuốc và trở về điểm hẹn an toàn, không gây kinh động vô ích. Hành động mưu trí, dũng cảm của Hồ Thị Hương đã cứu được nhiều người dân vô tội.

Trận đánh đêm 29/1/1975 là trận đánh cuối cùng… Chị đã hy sinh anh dũng khi vừa bước qua tuổi hai mươi, với bao nhiêu ước mơ còn dang dở. Bọn địch đã mang xác chị về đồn và lập tức bắt giữ ông Hồ Ngâm, cha chị, tra khảo rất dã man. Nhân dân Long Khánh vô cùng thương tiếc người con gái bất khuất, bà con đã kêu gọi nhau làm một cuộc biểu tình, buộc địch phải trả tự do cho ông Hồ Ngâm và trả xác chị Hương về chôn cất. Chị đã mãi mãi nằm trong lòng đất mẹ khi mà chỉ tròn 3 tháng nữa thôi, quê nhà được giải phóng hoàn toàn.

Chị ngã xuống khi ngày chiến thắng của dân tộc đã rất cận kề, trong một mối tình dang dở ngày hẹn ước. Những chiến công của chị và đồng đội đã góp phần thắng lợi cho công tác diệt ác, phá kìm, bẻ gãy âm mưu bung ra lấn chiếm, giành dân phục vụ cho giải pháp chính trị của địch, góp phần đập tan "cánh cửa tử" Xuân Lộc  để cùng cả dân tộc làm nên một "Đại thắng mùa xuân" bất diệt.

Ghi nhận thành tích đặc biệt xuất sắc của chị, ngày 13/8/1980 Nhà nước đã truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho liệt sỹ Hồ Thị Hương

Đã gần 40 năm rồi ngày chị ra đi…Thị xã Long Khánh giờ đây đang thay da, đổi thịt từng ngày. Tôi ði qua những con đường đầy nắng, con đường mang tên chị, những con đường ngày xưa chị đã từng đạp xe qua để theo dõi, đặt mìn, tiêu diệt địch…Và …đã hi sinh…

Đâu đó trong dòng người đi lại, tôi như thấy thấp thoáng bóng dáng chị và đồng đội, những cô gái thật trẻ trung hồn nhiên với tiếng cười giòn tan, trong veo, trong veo….

Tôi đến ngôi trường cấp II mang tên chị, nơi đây biết bao thế hệ học sinh đã trưởng thành, hẳn các em sẽ mãi tự hào về ngôi trường mình học, ngôi trường mang tên người nữ anh hùng của miền quê Long Khánh anh hùng.

Tôi đến nơi chị yên nghỉ cuối cùng, đi giữa những hàng bia đá mà nghe lắng đọng câu thơ của Nguyễn Đình Thi:

                Nước chúng ta
                Nước những người chưa bao giờ khuất
                Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất
                Những buổi ngày xưa vọng nói về

Đúng như vậy. Chị đã hi sinh tuổi xuân của mình để đổi lấy Mùa xuân cho đất nước. Chị sẽ sống mãi trong lòng dân tộc, mãi mãi là bất tử như Tố Hữu đã viết:

                Có những phút làm nên lịch sử
                Có cái chết hóa thành bất tử
                Có những lời hơn mọi lời ca
                Có những con người như chân lý sinh ra.

                                                                Tháng 12/2014

Minh Thu
.
.