Người đi bắt ma lai

Thứ Năm, 07/10/2010, 15:40

Những vạt nắng ở miền sơn cước rót mật xuống dãy đồi hình bát úp, chảy tràn vào thung lũng xanh mướt cây rừng, nối tiếp những rẫy mía khua gươm xào xạc. Từ đêm qua, già làng Ma Tul ở xã Sơn Phước, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên đã ra suối chọn mạch nước trong lành để chuẩn bị cho bữa rượu cần đón Trung tá Lê Văn Dỏn - người con thân thiện của buôn làng.

Nhiều lần lên Sơn Hòa, nhưng chưa bao giờ tôi nôn nao như lần này. Nghề làm báo giúp cho tôi đến nhiều nơi, gặp nhiều người có công việc, gia cảnh khác nhau. Dỏn là người có vóc dáng bình thường, nước da bánh mật, giọng nói lơ lớ, gặp người quen, trên môi anh luôn hiện hữu nét cười nhân hậu. Lần đầu tiếp xúc với Dỏn, có điều gì đó khiến tôi trăn trở mãi, nên lần này trở lại Sơn Hòa tôi lên những buôn làng anh từng bám trụ bảo vệ cuộc sống bình yên. Đến buôn Tân Hiên, xã Sơn Phước khi mặt trời lên quá cây sào, già làng MaTul xuống chân nhà sàn tiếp Dỏn:

- Hẹn trước rồi. Cán bộ Dỏn không lên đây thì bà con phải bắt đền thôi.

- Con lên đây với già làng như về nhà mình thôi mà. Không hẹn thì vài bữa cũng phải về  - Dỏn từ tốn đáp lại.

Bỏ túi xách góc nhà, tôi vèo ra suối rửa mặt, trong khi Dỏn mở túi kẹo phát cho bọn trẻ, còn già làng MaTul bày rượu cần ra sàn nhà, gọi thêm mấy người vào cuộc vui cho đến khi vị thơm nồng của rượu nhạt dần, chúng tôi sang nhà Mí Khóc. Trong một đêm mưa hai năm trước, Mí Khóc đau bụng dữ dội. Người nhà vào rừng lấy thuốc cho uống nhưng không bớt, cúng bái thần linh cũng không xoa dịu được cơn đau. Mí Khóc nhớ lại khi tranh chấp đất rẫy với Ma Nữ, em rể của chồng, Ma Nữ đe dọa trả thù, nên nghi ngờ "nó là ma lai" ám hại mình. Ma Nữ phản đối, đòi chứng minh bằng một trong ba "phép thử". Một là mỗi bên chọn một người để dân làng đưa lên chòi trói lại, rồi xông khói phân gà và ớt xiêm xanh, mắt người nào không đỏ và không ứa lệ chính là "ma lai". Hai là mỗi bên cắt cổ con gà thả xuống suối, con gà bên nào vùng vẫy ngược dòng thì bên đó có "ma lai". Ba là chọn người khoẻ mạnh lặn xuống dưới suối, người nào chồm lên trước bị coi là "ma lai". Khi đó sẽ bị đuổi khỏi buôn làng, dòng họ bị khinh miệt và phải nộp phạt heo, gà, bò, rượu cúng thần linh. Nghe tin, Trung tá Dỏn vượt màn đêm trên con đường gập ghềnh, lên tận nơi can thiệp. Anh vừa cất tiếng thì dòng họ Mí Khóc cản trở :

- Nó là "ma lai", cán bộ Dỏn phải để hai bên tự xử.

Can không được, Dỏn tìm già làng Ma Tul. Dường như biết trước, nên ông tiếp anh với thái độ tẻ nhạt. Dỏn kiên nhẫn thuyết phục:

- Bà Mí Khóc đau bụng là do bệnh, già làng nên khuyên họ đưa vào bệnh viện. Nếu kéo dài sẽ nguy hại tính mạng. Trước mắt, đừng để hai bên gây thêm tai họa.

Già làng ngồi lặng lẽ hồi lâu rồi nói:

- Đã là luật tục thì không ai né tránh. Phải để coi thử đứa nào là "ma lai" chứ.

- Không có "ma lai" đâu, già làng nên giải thích cho đồng bào hiểu. Đau bệnh phải đến bệnh viện cứu chữa, đừng tin những chuyện mơ hồ.

Trắng đêm Dỏn ngồi thuyết phục. Tới khi gà rừng báo hiệu sắp sáng, một cuộc "lặn nước" sắp diễn ra, Ma Tul mới chịu ra suối, ra hiệu hai bên lắng nghe Trung tá Dỏn giải thích:

-  Thưa bà con! Muốn lặn nước thì phải nén thở. Người nào sức kém, hơi thở nén trong thời gian ngắn thì phải ngoi lên khỏi mặt nước trước, chứ không phải người đó là "ma lai", người nào cố nén hơi thở rất dễ chết ngạt. Hành xử kiểu này rất nguy hiểm, nhưng bà Mí Khóc cũng không hết bệnh đâu.

Trung tá Dỏn dứt lời, Ma Tul nói tiếp:

- Lâu nay buôn làng mình nghi kị "ma lai", nhưng cán bộ Dỏn bảo không có. Bây giờ đưa Mí Khóc xuống bệnh viện cho bác sĩ bắt cái bệnh. Chừng nào không xong thì tính.

Những ánh mắt nhìn nhau trong giây lát, rồi lặng lẽ ra về, nhưng Dỏn trộm nghĩ, nếu bà Mí Khóc mắc bệnh hiểm nghèo thì già làng và đồng bào còn tin mình không? Để giải tỏa nỗi lo đó, Dỏn đến bệnh viện tìm hiểu và được biết Mí Khóc nhiễm khuẩn đường ruột, anh mới thở phào nhẹ nhõm. Bảy ngày sau, Mí Khóc xuất viện, Trung tá Dỏn tác động Ma Tul cùng nhiều già làng khác lấy đó làm cơ sở để loại trừ "ma lai". Gặp tôi, Mí Khóc tâm sự:

-  Cán bộ Dỏn là người đã cứu tui đó! Bây giờ thì đồng bào ở đây không ai đòi lặn nước nữa đâu.                    

Đêm vùng cao, tôi nghe mênh mang tiếng gió rừng ngọt ngào trôi qua buôn làng nồng nàn rượu cần. Nằm trong căn nhà sàn, Dỏn tâm sự bằng âm giọng lơ lớ:

- Tui là người Ba Na, tên thật Sô Văn Dỏn. Sinh ra ở buôn Xí Thoại, xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân. Trong kháng chiến, bác tui là Bí thư Huyện ủy miền Tây, cha tui là xã đội trưởng. Buôn làng tui sau ngày giải phóng còn khổ lắm, giao thông cách trở, đói nghèo đeo bám, nhưng lo nhất vẫn là mỗi khi có người bệnh nặng thì đồng bào nghi ngờ "ma lai", "cầm đồ thuốc độc" nên họ cúng bái thần linh rồi hành xử theo luật tục. Chứng kiến người chết do thiếu thuốc chữa bệnh, tui mơ ước trở thành bác sĩ, nhưng kết cục lại đến với nghề Công an.

- Vậy thì duyên cớ nào đưa anh vào nghề Công an ? - Nghe hơi lạ, tôi bật dậy hỏi Dỏn.

- Sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học, tui khăn gói vào ga Tuy Hòa nằm ngủ ở phòng đợi tàu chờ hôm sau mua vé ra Huế. Không ngờ kẻ gian lấy mất túi xách, đành bỏ dở cuộc thi y khoa. Nhờ người quen hướng dẫn, tui đăng ký vào Trường Công an Đá Bàn thuộc Công an tỉnh Phú Khánh…

Một năm sau Dỏn ra Quảng Nam học Trung cấp An ninh, đến cuối năm 1983 về Công an huyện Sơn Hòa và gắn bó hơn 26 năm qua. Những năm đầu chưa trải nghiệm thực tế, Dỏn phải đối mặt với nhiều thử thách, vì những tập tục đậm màu sắc hoang đường còn tiềm ẩn trong đời sống buôn làng. Hậu quả là không ít người bị đuổi khỏi buôn, nộp phạt rượu, bò cúng tế thần linh, thậm chí có trường hợp chết oan... Sau nhiều đêm trăn trở, Dỏn bám trụ cùng ăn, cùng ở với đồng bào nhiều buôn làng, vận động đẩy lùi mê tín. Mới nghe tưởng dễ, nhưng chạm thực tế không đơn giản, nên ngoài việc tham mưu cho cấp ủy, chính quyền vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" gắn kết xóa bỏ những tập tục lạc hậu, Dỏn chủ động nắm bắt, kiên trì đấu tranh ngăn chặn vụ việc phát sinh.

Có lần anh về buôn Xây Dựng nhìn thấy già làng Oi Rẫy trầm tư bên bếp lửa, Dỏn tìm hiểu mới biết trước đó bà Hờ Pen bệnh nặng phải vào bệnh viện cấp cứu. Ở viện, bà được ông Oi Dét ở buôn Ma Lăng, xã Cà Lúi mời hút thuốc, uống nước. Một tuần sau, Hờ Pen tự ý về nhà nên sức khoẻ suy kiệt. Trong cơn mê sảng, bà nghi ngờ Oi Dét "cầm đồ thuốc độc" khi mời mình uống nước. Nghe chuyện, dòng họ Hờ Pen đòi Oi Dét phải đền mạng. Ngược lại, người thân Oi Dét đòi… lặn nước để phân xử. Lập tức Dỏn đến bệnh viện tìm hiểu và được biết người phụ nữ này bị lao phổi, nên anh "bật mí" cho già làng giải thích sự thật, nhờ đó ngăn chặn một vụ hành xử theo luật tục.

Buổi trưa, nắng ở vùng cao như trút lửa, Dỏn rủ tôi ra suối kể chuyện thời còn ở Đội an ninh. Lúc đó, Dỏn trẻ tuổi đời, lẫn tuổi nghề, nhưng sau ba năm trong nghề trinh sát, anh làm Phó trưởng Công an xã Krông Pa. Dù phải ì ạch xe đạp vượt đèo, lội suối, nhưng Dỏn gắn bó 4 năm ở đó và đã góp phần ngăn chặn tình trạng giết bò cúng bái, cùng với nhân viên y tế, nông nghiệp vận động phòng chống sốt rét, tránh thai, vận dụng khoa học kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt đạt hiệu quả kinh tế cao. Và sau 26 năm bám trụ miền núi Sơn Hòa, Dỏn trở thành đứa con của nhiều buôn làng. Nhắc đến "ma lai", già làng Ma Tul và nhiều người dân các xã Sơn Phước, Suối Trai, Cà Lúi, Ea Chà Rang, Krông Pa… cùng tâm sự  :

-  Bây giờ ở buôn làng mình không còn "ma lai" nữa đâu, cán bộ Dỏn bắt hết rồi!

Ngược lại, Trung tá Dỏn không quên được một kỷ niệm sâu sắc trong một lần về buôn Tân Hiên giữa mùa lũ. Dù thông thạo địa hình, nhưng cú vấp chân khiến anh bị cuốn trong dòng suối, bà con phát hiện, ném dây thừng cứu thoát trong gang tấc. Kể lại chuyện này, Dỏn bày tỏ rằng, đồng bào Sơn Phước sinh ra anh lần thứ hai.

-  Bí quyết nào giúp anh góp phần đẩy lùi tập tục lạc hậu hiệu quả? - Tôi hỏi Dỏn.

- Bác Hồ đã dạy rồi, "đối với công việc phải tận tụy". Phải bám cơ sở, thể hiện trách nhiệm bằng hành động cụ thể để dân tin yêu. Công an miền núi phải biết tranh thủ uy tín già làng để nắm tình hình, tìm hiểu đời sống đồng bào, hòa nhập với họ như đứa con của buôn làng và phải biết kiên trì, mềm dẻo trước mỗi vụ việc cần đấu tranh ngăn chặn…

Thật vậy, 6 năm qua, Trung tá Dỏn trực tiếp ngăn chặn 15 vụ nghi kị "ma lai", "cầm đồ thuốc độc", tham mưu cho cấp ủy, chính quyền hòa giải 52 vụ việc mâu thuẫn. Cũng ngần ấy thời gian anh được công nhận là chiến sĩ giỏi, chiến sĩ thi đua cơ sở, đảng viên xuất sắc, là điển hình học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, được Chủ tịch UBND tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, huyện ủy Sơn Hòa tặng nhiều bằng khen, giấy khen.

Tạm biệt Sơn Hòa giữa sớm mai ngọt lành tiếng chim Chơ rao, tôi không quên được lời nhận xét chân tình của Thượng tá Nguyễn Quốc Tuấn - Trưởng Công an huyện Sơn Hòa: "Trung tá Lê Văn Dỏn là một điển hình về người cán bộ Công an luôn bám sát địa bàn cơ sở để gần dân, chăm lo cho dân..."

Phan Thế Hữu Toàn
.
.