Người chiến sĩ công an trung kiên và bất khuất

Thứ Năm, 08/09/2005, 08:44

Trước khi nhận nhiệm vụ đồng chí tuyên thệ “Nếu Trần Thành Ngọ còn thì Kiến An còn, nếu Kiến An mất thì Trần Thành Ngọ sẽ mất theo”.

Tháng 8/1945, ngay sau khi Cách mạng thành công, trước muôn vàn thử thách của thù trong, giặc ngoài, người cán bộ công an Trần Thành Ngọ được Uỷ ban cách mạng lâm thời thành phố Hải Phòng cử làm Cảnh sát trưởng Sở cảnh sát thành phố. Đứng trước tình thế cách mạng rất hiểm nghèo như ngàn cân treo sợi tóc, đồng chí Ngọ đã xác định được vai trò trách nhiệm của người chỉ huy là phải gắn bó cùng đồng chí, đồng đội cùng chung một ý chí quyết tâm chiến đấu diệt tề, trừ gian, xây dựng cơ sở cách mạng, bảo vệ các thành quả của Cách mạng, giữ bình yên cho nhân dân.

Trước sự chống phá của các tổ chức phản động, đồng chí đã chỉ đạo lực lượng Cảnh sát xung phong tổ chức tuyển chọn và thành lập đội “ Cửu Long “ gồm những thanh niên và những người  có lòng yêu nước. Chính lực lượng này đã thể hiện tinh thần mưu trí, dũng cảm, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và đã cung cấp nhiều thông tin có liên quan đến chính trị và trật tự xã hội, phục vụ tốt cho các kế hoạch đánh địch của ta.

Đồng chí đã sử dụng cán bộ của mình thâm nhập vào các Đảng phái phản động như “Việt quốc, Việt cách”, nắm chắc tình hình phục vụ cho việc triệt phá các tổ chức do Bạch Thái Tòng cầm đầu mà điển hình là trận đánh tiêu diệt nhóm phản động Bảo Hương ở Kiến An, ngày 20/11/1945.

Trước tình hình phương tiện, vũ khí thiếu thốn không đủ để trang bị cho lực lượng Công an, đồng chí Ngọ đã thành lập công binh xưởng tự tìm tòi, nghiên cứu và đã sản xuất thành công các loại vũ khí như mìn chống tăng, lựu đạn tự tạo và đồng chí là người trực tiếp thử các vũ khí trước khi đưa vào sản xuất hàng loạt, nên có lần đồng chí bị thương mất 4 ngón tay phải và kiên trì tập viết, tập bắn bằng tay trái. Chính các loại vũ khí này đã góp phần đắc lực trong các cuộc chiến đấu chặn đánh xe tăng và giáp lá cà với địch.

Đồng chí đã chỉ đạo lực lượng Công an xung phong tập hợp số người không có công ăn việc làm ở khu vực Cảng, khơi dậy lòng yêu nước của họ và sử dụng họ vào việc chui qua các đường cống ngầm để đột nhập vào kho lấy vũ khí của quân Tưởng, phát xít Nhật trang bị cho các đơn vị trinh sát. Để đảm bảo lương thực nuôi quân, có lúc ông đã phân công các lực lượng vào các gia đình giàu có, các nhà tư sản dân tộc quyên góp tiền của để mua lương thực, thực phẩm cho đơn vị.

Sau khi thực dân Pháp chiếm được nội thành Hải Phòng ngày 26/11/1946, lực lượng cảnh sát xung phong rút sang Kiến An, hàng ngày Trần Thành Ngọ tổ chức lực lượng nhỏ đột kích qua đường Lâm Khê rồi bơi vào thành phố để diệt địch, chặn đánh, ám sát hoặc ném lựu đạn gây cho thực dân Pháp nhiều thiệt hại, thu nhiều vũ khí. Trước tình hình đó, thực dân Pháp liên tiếp mở nhiều cuộc tiến công với một binh lực hùng hậu, hoả lực mạnh nên đã chọc thủng phòng tuyến trên đường 5 của ta, chúng ồ ạt lấn chiếm ra các vùng ngoại thành Hải Phòng.

Ngày 25/4/1947, quân Pháp với một lực lượng đông đảo được sự yểm trợ của pháo binh đã tấn công vào thị xã Kiến An từ nhiều phía. Đứng trước tình thế đó, đồng chí Trần Thành Ngọ đã nhận nhiệm vụ chỉ huy mặt trận bảo vệ Kiến An. Trước khi nhận nhiệm vụ đồng chí đã tuyên thệ “Nếu Trần Thành Ngọ còn thì Kiến An còn, nếu Kiến An mất thì Trần Thành Ngọ sẽ mất theo”.

Trong trận chiến đấu quyết tử bảo vệ thị xã Kiến An, bảo vệ các cơ quan đầu não của liên tỉnh Hải - Kiến, đồng chí Trần Thành Ngọ với cương vị là chỉ huy trưởng mặt trận đã trực tiếp chiến đấu rất quyết liệt. Trong tình thế chỉ huy sở ở núi Cột Cờ bị địch bao vây, tuy bị thương nặng, nhưng đồng chí vẫn ra lệnh cho anh em rút lui để bảo toàn lực lượng còn một mình anh ở lại chiến đấu chặn địch. Trần Thành Ngọ đã lừa địch tới gần, dùng lựu đạn để giết giặc và trong giây phút ác liệt đó đồng chí đã anh dũng hy sinh dưới chân núi Cột Cờ.

Tưởng nhớ công ơn lớn lao của liệt sĩ Trần Thành chính quyền thị xã Kiến An chọn và đặt tên một đường phố chính, một phường trung tâm thị xã Kiến An, một trường học mang tên Trần Thành Ngọ - người chiến sĩ công an trung kiên và bất khuất

Mai Nguyễn
.
.