Người chiến sĩ cảnh vệ Trung ương cục miền Nam năm ấy

Thứ Ba, 17/06/2014, 08:00
Ôtô từ từ dừng lại trước tấm bảng xanh lớn có dòng chữ Nhà đón tiếp. Cửa xe vừa mở ra đã thấy anh thanh niên phụ lái nhảy xuống trước đưa tay đón đỡ từng người trên xe. Đây là một chuyến xe khá đặc biệt, chở các cựu cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ của Trung ương Cục miền Nam những năm chống Mỹ....

Đã lâu ngày họ chưa trở lại chiến khu xưa, khu rừng Chàng Riệt, Rùm Đuôn năm nào là nơi đóng đại bản doanh Trung ương Cục miền Nam. Bây giờ đường vào thênh thang, nhà cửa to đẹp và còn có cả một tượng đài lừng lững uy nghi. Vẫn còn đây nơi ở và làm việc của các đồng chí: Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Chí Thanh, Phạm Hùng, Võ Văn Kiệt... - những lãnh đạo một thời của Trung ương Cục miền Nam. Những căn nhà lợp lá trung quân có hàng dậu thưa vây quanh và hầm tránh bom đạn cùng hào giao thông bên cạnh, thân quen như căn nhà của bà con cô bác mình vậy…

Gặp nhau, họ run run tay bắt mặt mừng, nhiều ông bà vui quá mà rơi nước mắt. Rồi không ai bảo ai, họ cùng dìu nhau ra nghĩa trang, nơi ấy có những đồng đội của họ đang yên giấc. Họ đốt nhang cắm lên từng ngôi mộ và nhớ từng gương mặt thân quen ngày nào… Bất giác họ thở dài.

Ông Tạ Hồng Vinh, người thường được gọi thân mật là Ba Vinh, là người xuống sau cùng. Ông muốn nhường cho mọi người xuống trước. Vì các ông các bà ấy có nhiều người còn ít tuổi hơn ông, nhưng lại ốm yếu. Bất giác, ông nhớ lại cái ngày xa xưa, ngày mới bước chân vào lực lượng An ninh. Quê ông, xã Đức Nhuận, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi - là địa phương sớm có truyền thống cách mạng. Ông đã tham gia phong trào Thanh niên cứu quốc từ năm 1948, khi mới 14 tuổi. Sau đó ông vào du kích địa phương, rồi vào Thanh niên xung phong của tỉnh. Tháng 10/1954, đơn vị ông được tập kết ra Bắc như một đơn vị bộ đội, chờ hai năm sau tổng tuyển cử thống nhất đất nước.

Bảy năm ở miền Bắc, ban đầu ông Vinh ở Đoàn Thanh niên xung phong. Tháng 8/1955, ông được cử đi học và sau đó được điều về Cục Cảnh vệ (Bộ Công an) tham gia công tác bảo vệ các cơ quan Trung ương và chuyên gia các nước đến giúp chúng ta khôi phục kinh tế. Tháng 10/1961, ông Vinh được tập trung đi dự huấn luyện lớp cán bộ, chiến sĩ đầu tiên của lực lượng Công an chi viện cho chiến trường miền Nam.

Ông còn nhớ, ngày hôm ấy là ngày mồng 4 Tết năm Nhâm Dần (1962), khi mọi nhà còn ấm nồng vị thơm ngon của bánh chưng giò chả để đón xuân sang thì có một đoàn xe phủ bạt kín chạy vào miền Trung. Đoàn xe ấy chở hơn 200 cán bộ Công an chi viện cho chiến trường miền Nam. Để giữ bí mật, khi qua phà phải xuống xe, chỉ có các anh em miền Bắc được nói chuyện. Khi vào đến Quảng Bình, đoàn được chia thành nhiều tốp nhỏ, từ 10 - 15 người trang bị thật gọn nhẹ theo đường giao liên vào Nam. Với đôi chân trèo đèo, lội suối, băng rừng, khi trên đất Việt, khi trên đất Lào, có đoạn đường dốc đứng, mắt người đi sau chỉ trông thấy gót chân người đi trước, có khe suối sâu thẳm, công binh bắc cầu vượt qua chỉ bằng ba sợi dây cáp, phải từng người sang một. Vậy mà cả đoàn không ai rớt lại. Vượt qua hàng ngàn kilômét, sau gần 6 tháng, đoàn vào tới điểm tập kết.

Ông Ba Vinh được điều về Ban An ninh Trung ương cục, do ông Hai Văn (Phan Văn Đáng) - Phó bí thư Trung ương cục làm trưởng ban; ông Cao Đăng Chiếm làm phó ban. Ông được phân công làm Phó phòng Bảo vệ nội bộ, gọi là B4, mới được thành lập đơn vị cảnh vệ tiếp cận lãnh đạo Trung ương Cục miền Nam, lúc này ở vùng Chàng Riệt, Núi Đất gần Lò Gò, Sa Mát, một vùng rừng già cây to trùng trùng, điệp điệp thuộc tỉnh Tây Ninh, sát biên giới Campuchia. Ông Vinh đã tuần tra tìm hiểu địa hình và thầm phục những người đã chọn nơi này làm căn cứ. Tấn công phòng thủ đều rất thuận lợi. Ông Vinh đã nhiều lần đi bảo vệ các đồng chí: Hai Văn, Trần Nam Trung (Trần Lương), Võ Văn Kiệt, và các đồng chí khác đi công tác. Có những tình huống rất khó khăn, phức tạp xảy ra bất thường trên đường đi, nhưng ông và các đồng chí của mình đã dựa vào dân, dựa vào cây rừng che chở nên đã hoàn thành nhiệm vụ, bảo đảm an toàn cho các đồng chí lãnh đạo. Ông còn phối hợp với lực lượng tình báo quân đội điều tra xác minh một tình báo ngụy xâm nhập vào nội bộ ta bằng con đường tân binh gia nhập quân giải phóng và đã xử lý sau khi hắn sát hại 4 phóng viên đi chiến trường về.

Cựu chiến sĩ cảnh vệ Tạ Hồng Vinh (người đứng) trao đổi với đồng đội trong ngày gặp mặt.

Có một kỉ niệm mà ông nhớ mãi, đó là cuối năm 1962, ông được ông Cao Đăng Chiếm, người phụ trách an ninh Trung ương cục gọi lên giao nhiệm vụ:

- Ngày mai đồng chí theo giao liên qua văn phòng Trung ương chọn một số người nhanh nhẹn, tháo vát để bảo vệ đồng chí Bí thư đi công tác.

Mới vào chiến trường, ông chưa biết đồng chí Bí thư là ai. Hôm sau ông lên tới Văn phòng Trung ương cục thì thấy một người - anh em văn phòng gọi là chú Mười Cúc (tức đồng chí Nguyễn Văn Linh) - ngồi ở đấy. Lúc ấy ông mới biết Bí thư Trung ương cục miền Nam. Bảy giờ tối hôm đó có cuộc họp để thống nhất phương án hành quân do chú Mười Cúc chủ trì. Đoàn gồm ba cán bộ nghiên cứu và năm bảo vệ do ông phụ trách. Sáng hôm sau, mấy chú cháu theo lối mòn cắt rừng mà đi. Đến bốn giờ chiều, ông Vinh thấy chú Mười có lẽ đã mệt, ông đề nghị chú nghỉ chân giải lao và vừa để anh em nấu cơm. Mới được chừng 10 phút thì có 3 máy bay khu trục ào đến bắn phá dữ dội các khu vực chung quanh (sau này, qua tìm hiểu, các ông được biết, một đơn vị quân giải phóng hành quân qua đó đã sơ ý để máy bay địch đánh hơi thấy). Ngặt vì chỗ các ông ngồi nghỉ là một khu rừng chồi, chỉ có các gò mối. Cái nhỏ nhất bằng một người ngồi, cái lớn nhất bằng bốn, năm người... Cho nên, khi những chiếc khu trục nhào xuống bắn là ông chỉ còn cách quàng ôm lấy chú Mười Cúc, kéo chú chạy vòng quanh các gò mối tránh đạn. Lúc ấy ông tâm niệm: "Nếu đạn máy bay có bắn thì trúng mình trước… Bảo vệ đồng chí Bí thư là bảo vệ Đảng, bảo vệ cốt lõi tinh thần cuộc chống Mỹ của các dân tộc ở miền Nam".

Sau lần đi công tác trở về, ông Vinh được Trưởng ban An ninh Trung ương cục biểu dương và yêu cầu ông viết bài rút kinh nghiệm qua những lần bảo vệ các đồng chí lãnh đạo đi công tác để làm tài liệu huấn luyện cho anh em cảnh vệ Trung ương cục và các ngành khác. Ông rất thấm thía những lời dặn dò tâm huyết của chú Mười Cúc: "Các cháu lưu ý, công tác bảo vệ ở miền Nam khác ở miền Bắc. Ở ngoài ấy chính quyền là của ta, nhân dân ta cũng là những người bảo vệ rồi. Cho nên công tác bảo vệ cũng đỡ vất vả hơn. Còn ở trong này, chính quyền là của địch, trừ các vùng giải phóng ít ỏi, ta còn chủ động được, các vùng xôi đỗ ban ngày là địch, ban đêm là ta. Đa số đồng bào ta là người tốt, nhưng vẫn có những kẻ xấu ở lẫn trong đó. Cho nên cần chú ý quan sát, suy xét cẩn thận, dự báo các tình huống và đề ra các phương án bảo vệ tuyệt đối an toàn. Một nguyên tắc bất di bất dịch là tuyệt đối bí mật, ai làm gì biết nấy, không trao đổi tùy tiện. Có thế mới hoàn thành nhiệm vụ được".

Ông Vinh đã tham khảo ý kiến của nhiều đồng chí có kinh nghiệm và soạn ba bài sát với tình hình thực tế ở khu vực và Miền Nam lúc ấy làm tài liệu để anh em trao đổi, học tập xung quanh công tác bảo vệ lãnh đạo Trung ương cục và thủ trưởng các chuyên ngành khác. Thời gian phổ biến tài liệu tương đối ngắn, trong vòng ba, bốn ngày, được làm sâu rộng trong chiến khu và sau này còn được chuyển về trường, biên tập lại để thành tài liệu huấn luyện chung.

Sau này, đơn vị của ông Vinh còn được giao nhiệm vụ phối hợp với tình báo quân đội và một số đơn vị vũ trang bảo vệ tuyệt đối an toàn cho Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua miền Nam lần thứ nhất và Đại hội Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam lần thứ II và các hội nghị khác do Trung ương cục triệu tập. Đặc biệt, tiểu đoàn cảnh vệ của ông từng cùng với các đơn vị chủ lực Quân giải phóng tham gia đánh chặn và đạt thắng lợi giòn giã trong việc ứng phó với trận càn quy mô lớn của liên quân Mỹ - ngụy - trận càn Gianxơn Xiti (Junction City) kéo dài từ ngày 22/2 đến ngày 15/4/1967. Các trận đánh diễn ra rất ác liệt. Kết quả, ta đã bẻ gãy hoàn toàn trận càn quy mô này. Trung ương cục và các cơ quan Mặt trận Dân tộc giải phóng vẫn được bảo vệ an toàn.

Một kỷ niệm sâu sắc, ấm áp mà ông còn nhớ mãi. Cuối năm 1967, lúc đó đồng chí Lê Đức Thọ đang là Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam cho gọi ông lên. Bằng giọng rất thân mật, đồng chí Lê Đức Thọ nói:

- Sáng mai cháu đưa chú lên biên giới để chú ra Hà Nội. Ở trong này, cháu cần gì cứ nói với chú Bảo, thư ký của chú, chú sẽ giải quyết. Cháu nên nhớ, Ban lãnh đạo Trung ương cục là núm ruột của Đảng và của nhân dân miền Nam. Trong bất kỳ tình huống nào, cháu cũng phải suy nghĩ bảo vệ thật chu đáo và an toàn cho các đồng chí lãnh đạo.

Ông ghi nhớ lời căn dặn ấy, nhưng rồi công việc hàng ngày bận rộn cuốn đi. Ông cũng chẳng có thì giờ để nghĩ đến chuyện đề xuất việc gì với ông Bảo. Thế rồi thật bất ngờ, mấy tháng sau, đồng chí Lê Đức Thọ gửi vào cho ông một chiếc áo len xanh dài tay cổ cao và một cây thuốc lá Thăng Long, làm ông rất cảm động. Một người vị trí như vậy, phụ trách biết bao việc lớn liên quan đến nhiều người trong cả nước, vậy mà vẫn nhớ đến một người làm công tác bảo vệ cách xa hàng ngàn cây số ở tận trong này. Cây thuốc ông Vinh chia cho anh em hút lấy cái thơm thảo của lãnh đạo, còn chiếc áo len ông đưa cho một cậu bị sốt rét mặc. Kể từ ngày đó, chiếc áo được chuyền tay nhau trong đơn vị khi có người bị cảm sốt. Chiếc áo sau này đã được ông Vinh "sưu tầm" lại để gửi vào bảo tàng nhằm lưu giữ kỷ niệm của những năm tháng gian khổ nhưng ấm áp nghĩa tình.

Sau này, mặc dù được điều chuyển qua nhiều cơ quan khác với công việc và môi trường làm việc thuận lợi hơn, nhưng những năm tháng làm cảnh vệ ở Trung ương Cục miền Nam vẫn được ông Tạ Hồng Vinh lưu giữ trong ký ức như những kỷ niệm đẹp nhất của đời mình.

TP HCM, tháng 4/2014

Lương Đức Vinh
.
.