Người chỉ huy đầu tiên của đồn công an vũ trang Hiền Lương

Thứ Năm, 26/08/2004, 10:04

Trực tiếp ký biên bản tiếp nhận bàn giao đồn Hiền Lương từ 1 viên quan hai Pháp, ông trở thành Đồn trưởng đầu tiên đồn Công an vũ trang Hiền Lương, thuở đôi bờ sông tuyến và hai miền tạm thời chia cắt.

"Cuộc đời tôi có hơn ba chục năm làm người lính thì chí ít cũng hơn hai mươi năm gắn bó với lực lượng Công an" - người chiến binh già Nguyễn Anh Thạc bắt đầu câu chuyện tại nhà riêng của ông ở số 34 đường Nguyễn Trãi, thị xã Đông Hà (Quảng Trị).

Hồi ấy, ông là một chàng trai 23 tuổi mảnh khảnh, thư sinh nhưng rất can trường đánh trận. Tháng 8/1954, đang là trinh sát của bộ đội địa phương huyện Cam Lộ, ông Thạc cùng với 100 cán bộ chiến sĩ đã qua chiến đấu, được lệnh gấp rút ra Vĩnh Linh nhận nhiệm vụ mới: Tổ trưởng tổ Công an vũ trang tiếp nhận bàn giao đồn Cửa Tùng và đồn Hiền Lương theo tinh thần của hiệp định đình chiến. Ngày 25/8/1954, ông cùng một quan hai Pháp (ông không nhớ tên) ký vào biên bản bàn giao và tiếp nhận đồn Hiền Lương. Từ đó ông trở thành người chỉ huy đồn Công an vũ trang Hiền Lương cho đến tháng 7/1955.

Tổ quốc nơi bờ sông tuyến

“Khi lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió ở đầu cầu giới tuyến, tôi nhìn thấy những đôi mắt của người dân bờ Bắc đầy tự hào lẫn trong ánh mắt của người dân bờ Nam khát khao, hy vọng, tin tưởng. Tôi chợt hiểu Tổ quốc là ở đó - nơi ngọn cờ ấy - chớ có ở mô xa”, ông Thạc tâm sự.

Đồn Hiền Lương ngày đó được chia làm hai trạm: trạm Hiền Lương và trạm Cầu Trìa, hậu cần tại chỗ, nhà cửa tạm bợ, chủ yếu là mượn nhà dân, quân số ban đầu có 9 người.

Nhiệm vụ của ông Thạc và những chiến sĩ Công an vũ trang giới tuyến lúc bấy giờ là đấu tranh buộc địch thi hành hiệp định, tổ chức cho đồng bào hai bờ Nam - Bắc vào ra thăm thân thuận lợi, đồng thời đấu tranh ngăn chặn các hoạt động tình báo của địch ở đôi bờ sông tuyến.

Từ tháng 8/1954 cho đến đầu năm 1955, tình hình rất khả quan. Tinh thần cán bộ chiến sĩ cũng như nhân dân thật phấn khởi, vui vẻ và tin tưởng. Niềm tin ngày thống nhất thật mãnh liệt. "Hai năm có là bao so với 9 năm kháng chiến trường kỳ" - Bà Phạm Thị Em - vợ ông đã nói như vậy khi chia tay chồng. Thỉnh thoảng những người vợ miền Nam mới có dịp ra thăm chồng “ngoài tuyến”.

Ông Thạc bồi hồi nhớ lại: “Lúc bấy giờ cửa tuyến còn mở, đồng bào ta qua lại cầu Hiền Lương chỉ cần cái giấy thông hành của Ủy ban Quốc tế 76. Chúng tôi - những người lính giữ cầu ngày ngày ôm súng qua lại nửa phần cầu phía Bắc, vừa bảo vệ cầu, vừa bảo vệ và hướng dẫn đồng bào qua lại. Nhân dân qua lại cầu vui vẻ hân hoan làm chúng tôi vui lắm”.

Năm 1955, Mỹ ngang nhiên tuyên bố “Biên giới Hoa Kỳ kéo dài đến vĩ tuyến 17”, đơn phương phá hoại hiệp định Geneva. Ngô Đình Diệm được đưa lên làm Tổng thống Việt Nam Cộng hòa. Địch đốt chợ Bạn (Gio Linh), đưa cảnh sát ra nam bờ Hiền Lương, ngăn sông, cấm chợ.

Sông Hiền Lương trở thành vết cắt đau thương. Cũng từ đó những chiến sĩ công an giới tuyến tiếp tục cuộc đấu tranh trực diện đầy gay go và phức tạp với kẻ thù. Tiểu đội 9 người của đồn Công an vũ trang Hiền Lương được tăng cường thành một trung đội 30 người kiên cường đấu tranh buộc địch thi hành hiệp định.

Mãi là người chiến sĩ công an

Tháng 8/1955, Nguyễn Anh Thạc lại ngược dòng Hiền Lương lên biên giới Việt - Lào làm đồn trưởng đồn Cù Bai. Năm 1961 ông xuôi về làm đồn trưởng đồn 55 (Vĩnh Sơn)... Năm 1972 ông về làm phó phòng rồi trưởng phòng tham mưu Ty An ninh Quảng Trị.

Tại mảnh đất này, ông vinh dự là một trong những người trực tiếp bảo vệ Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, bảo vệ đoàn của lãnh tụ Nhà nước Cuba Fidel Castro và các đoàn khách quốc tế đến thăm vùng giải phóng. Một đảng viên Đảng Cộng sản Palestin đã ôm lấy ông khóc và nói: “Cho dù đồng chí phải chiến đấu gian khổ nhưng là chiến đấu ngay trên Tổ quốc mình. Còn chúng tôi vừa phải đấu tranh, vừa phải đi tìm Tổ quốc”. Câu nói của người bạn quốc tế ấy làm ông càng tự hào hơn về lá cờ Tổ quốc nơi dòng sông tuyến.

Sau khi đất nước thống nhất, ông Thạc được tăng cường lên Tây Nguyên làm tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Đak Lak. Đó là một chiến trường không kém phần gian khổ và khốc liệt. Cuộc chiến đấu với bọn phản cách mạng diễn ra liên tục và căng thẳng. Bốn năm ở Tây Nguyên ông không có thời gian về thăm nhà. Vợ ông lại khăn gói vô Nam thăm chồng như thuở còn dòng sông tuyến!

Rồi ông được nghỉ hưu với cấp hàm thiếu tá. Không đi làm kinh tế, không nghỉ ngơi, ông tham gia công tác tại địa phương: ông trúng cử và giữ cương vị Phó chủ tịch phường 1 thị xã Đông  Hà, Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh từ 1982 - 1990 mới nghỉ. Nghỉ việc chính quyền, ông làm Bí thư Đảng ủy Khu phố 8, phường 1 - nơi ông cư trú. Năm 1993 ông đề xuất và được trên đồng ý thành lập CLB Cựu quân nhân Bộ đội Biên phòng với 1 nghìn hội viên tham gia do ông làm chủ nhiệm.

Từ đó đến nay đã hơn 10 năm, CLB hoạt động mạnh và hiệu quả ở khắp 9 huyện thị trong tỉnh. Ông được Công an tỉnh tặng nhiều giấy khen về thành tích tham gia công tác ANTT và phong trào quần chúng bảo vệ  ANTQ ở địa phương.

Một buổi chiều mùa hè miền Trung  gió Lào và nắng lửa, ông Nguyễn Anh Thạc trở lại thăm Hiền Lương. Không giấu nổi xúc động, ông Thạc bảo: “Chuẩn bị kỷ niệm 50 năm ký hiệp định Geneva, cánh cựu binh giới tuyến chúng tôi vui lắm. Nhà liên hợp được tôn tạo. Cây cầu cũ được trùng tu cho dù không đúng chỗ cây cầu ngày xưa chúng tôi đứng gác. Đồn Công an giới tuyến, cây cột cờ cũng được xây dựng lại. Từ Đông Hà ra đây có 30 phút xe ôtô, rứa mà tôi cùng đồng đội phải đi ngót 20 năm mới về quê được...”. Rồi ông run run bước đi trên nền đất cũ của nhà liên hợp, đứng thẫn thờ nơi mố đất nhô lên, chỗ ngày xưa lá cờ Tổ quốc phần phật tung bay...

Lê Khánh Hà
.
.