Ngày xuân đánh giặc giữ đất

Thứ Bảy, 12/02/2005, 09:30

“Nhớ nhất trong đời binh nghiệp của mình là 3 mùa xuân không có tết,” đồng chí Ngô Quang Nghĩa, nguyên Ủy viên Ban An ninh TW Cục Miền Nam tâm sự về những tháng năm không thể nào quên.

Trung ương cục Miền Nam là bộ não của chính phủ cách mạng lâm thời Miền Nam Việt Nam. Trong những năm đánh Mỹ, kẻ thù luôn tìm cách triệt hạ cho bằng được phong trào cách mạng miền Nam. Nhưng những người Việt Nam yêu nước, sống và chiến đấu bảo vệ quê hương trong sự đùm bọc của nhân dân, đã đánh bại bao nhiêu thủ đoạn độc ác của đế quốc và bè lũ tay sai.

Mùa xuân (1966 - 1967) chống càn, đánh giặc giữ đất

Ngày ấy, qua công tác nắm tình hình, tiểu ban địch tình của Ban An ninh TW Cục Miền Nam nắm được thông tin: Bọn Mỹ Nguỵ có kế hoạch tấn công bất ngờ vào khu căn cứ TW Cục Miền Nam nhân những ngày đình chiến, thăm thân nhân vào dịp tết. Sau khi kiểm định thông tin, tiểu ban địch tình nắm được ý đồ tấn công của địch. Vì vậy một kế hoạch chống càn được phổ biến ngắn gọn “Cảnh giác mùa xuân - toàn lực lượng sẵn sàng chống càn và giao nhiệm vụ cho lực lượng bảo vệ và Đoàn Thanh niên nâng cao cảnh giác chống xâm nhập”.

Không ngoài dự kiến của Ban An ninh TW Cục, đầu tháng 2/1967, lợi dụng những ngày giáp tết, Mỹ - Ngụy mở đợt hành quân giành dân, lấn đất. Bước đầu “thử lửa”, ngày 15/2/1967, chúng đổ quân từ hướng Lò Gò - Xóm Giữa - Dương Minh Châu đánh lấn vào khu trảng Tà Xia, khu vực trường Đảng, nơi đóng quân của Ban Tuyên Huấn R. Một cánh quân khác của địch từ hướng Bình Phước đánh thọc vào hướng đông bắc khu căn cứ, tạo thế bất ngờ nhằm dồn lực lượng chủ lực và các cơ quan lãnh đạo của ta vào thế co cụm để sử dụng máy bay chiến lược B52 bỏ bom rải thảm tiêu diệt toàn bộ. Nhưng điều bất ngờ là chúng vấp phải dự chống trả kiên cường, nên không những không lấn được đất mà phải nằm lại Lò Gò với mức thiệt hại quân số khá nặng nề.

Ngày 17/2/1967, một cánh quân khác của địch bất ngờ đổ bộ vào Ban An ninh TW Cục. Tại đây chúng đụng phải lực lượng bảo vệ C100 chặn đánh quyết liệt. Lực lượng bảo vệ tuy chiến đấu kiên cường, giáng trả những đợt tấn công của địch một cách có hiệu quả. Nhưng là những thanh niên trẻ, kinh nghiệm chiến đấu chưa nhiều nên để bảo đảm an toàn, đồng chí Ngô Quang Nghĩa xin ý kiến của đồng chí Cao Đăng Chiếm chỉ đạo đưa họ về tuyến sau nhằm tránh thương vong. Mặt khác tổ chức bảo vệ lãnh đạo vượt qua tầm đạn pháo, vượt  sông về khu căn cứ dự bị một cách an toàn. Tuy vậy, do lực lượng bảo vệ mỏng nên ngày 18/2/1967, địch đánh vào vòng ngoài chiến khu R. Nhận rõ được ý đồ của địch, Sư đoàn 9 của ta điều ngay Trung đoàn 3 do đồng chí Đỗ Quang Hưng là trung đoàn trưởng hành quân cấp tốc  đến chi viện. Khi quân chủ lực Trung đoàn 3 vừa đặt chân đến trận địa là tổ chức đánh xáp lá cà với địch tại trảng Ngành Ngạnh. Lúc này, lực lượng Thanh Niên Xung phong cũng kịp thời vượt tuyến lửa đưa lương thực, khí tài và đạn dược cùng tham gia đánh bật bọn địch ra quốc lộ 22, co cụm lại tại trảng Tà Xia.

Ngày 22/2/1967, bọn Mỹ mở trận càn Gian-xơn-xi-ti đưa quân chính quy Mỹ chính thức tham chiến. Chúng đưa lữ đoàn quân 173 nhảy dù xuống Chàng Riệt, Tà Lạt, Cà Tum bao vây khu căn cứ, tìm diệt ban Lãnh đạo TW Cục Miền Nam. Một cánh quân biệt kích khác từ hướng Tây Ninh theo đường Tân Biên, đánh lén sau lưng lực lượng bảo vệ R. Nhưng mọi nỗ lực tìm diệt Ban lãnh đạo TW Cục Miền Nam đều bị ngăn chặn. Vì vậy sau gần 4 tháng hành quân càn quét, đến ngày 16/4/1967, Mỹ ngụy đành chấp nhận rút quân bỏ lại nhiều quân trang, quân dụng.

Tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân 1968

Đến nay đã tròn 37 năm, ngày Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm Mậu Thân (1968- 2005), Thiếu tướng Ngô Quang Nghĩa, vẫn nhớ như in những ngày hào hùng của chiến dịch. Theo ông kể thì vào giữa tháng 1/1968, ông nhận lệnh từ đồng chí Cao Đăng Chiếm lập kế hoạch đưa người về các phân khu chuẩn bị tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân Mậu Thân 1968. Theo mệnh lệnh, các đồng chí Chín Nghĩa, Sáu Thanh, Hướng Anh, Năm Trà, Tư Thông, Bảy Sói, Tám Lộc... cùng lực lượng trinh sát và bảo vệ nội bộ lên đường hành quân, đưa đoàn cán bộ chuyên giải mã tín hiệu mật mã mới phân công về các phân khu để chuẩn bị nhận lệnh từ Trung ương Cục chỉ đạo chiến đấu.--PageBreak--

Toàn đoàn cắt rừng từ bản Lùng Tung về Lò Gò, vượt sông về Châu Thành, Tây Ninh rồi đi về Đề Gai, gặp thường trực Đặc khu Sài Gòn - Gia Định phổ biến công tác. Tại đây sau khi phổ biến kế hoạch xong thì đồng chí Chín Nghĩa cùng đồng chí Hùng, đồng chí Leo về phân khu 1 để nhận trách nhiệm mới. Trên đường đi khi qua quốc lộ 22 thì đụng cánh quân phục kích của địch, các đồng chí phải “bám thắt lưng địch” mà chuyển quân mới đảm bảo được an toàn cho lực lượng. Mấy ngày sau khi móc nối được với đường dây an ninh Trảng Bàng của đồng chí Năm Mô thì mới đưa quân vượt lộ an toàn về căn cứ Lộc Vĩnh.

Lúc này tuy chưa biết giờ nổ súng, nhưng nhiệm vụ các cánh quân thì đã rõ: Bộ tư lệnh hướng Bắc do các đồng chí Trần Văn Trà, Lê Trọng Tấn, Mai Chí Thọ chỉ huy, Bộ tư lệnh hướng Nam do đồng chí Võ Văn Kiệt, Nguyễn Tài... chỉ huy. Mãi đến khi gặp được đồng chí Huỳnh Văn Bánh (tức Năm Tấn) thường vụ khu uỷ phân khu 1 phổ biến kế hoạch Ban an ninh R xong thì đồng thời cũng nhận mật mã “giờ nổ súng” tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1968.

Đêm mồng một Tết, sau giờ nổ súng tổng tấn công, đồng chí Mai Chí Thọ, Huỳnh Việt Thắng đến Bộ Tư lệnh tiền phương gặp đồng chí Trần Văn Trà, Lê Trọng Tấn để nghe phổ biến kế hoạch mới. Đêm mùng 4 tết, đồng chí Trần Văn Trà theo đường giao liên an ninh T4 vào chiến khu An Phú Đông chỉ đạo hướng rút quân theo đường dây của lực lượng an ninh về hướng Long Nguyên, huyện Bến Cát, tỉnh Thủ Dầu Một, đảm bảo sự an toàn cho lực lượng. Lúc này chiến trường diễn biến phức tạp nên không thể về Trung ương Cục Miền Nam theo dự định, nên đồng chí Tư Thắng, Chín Nghĩa bám theo Bộ Tư lệnh tiền phương phía Bắc cùng đồng chí Mai Chí Thọ về khu Lộc Vĩnh bám căn cứ Đồng Dù dưỡng quân, tránh tầm pháo của địch.

Tết 1973 chuyển quân trở về căn cứ

Sau khi hiệp định Paris được ký kết, Ban An ninh TW Cục đang lưu trú tại căn cứ dự bị và có nhận định: Hiệp định ngừng bắn bốn bên đã ký kết, như vậy bọn Mỹ - Ngụy sẽ không dám vi phạm giành dân lấn đất vì có sự giám sát của các tổ chức quốc tế. Nhưng nếu ở căn cứ dự bị như hiện nay thì sẽ bị kẻ địch lợi dụng. Do vậy, sau khi thống nhất nhận định, lực lượng bảo vệ dưới sự chỉ đạo của đồng chí Mười Thái đã xây dựng khu căn cứ Bảy Bàu ngày nay. Toàn lực lượng tung quân đi xây dựng, móc nối lại cơ sở cũ, ngày đêm không quản gian lao cùng nhau đào hào, công sự chiến đấu và nhanh chóng xây dựng lán trại đón lãnh đạo về chỉ đạo các mặt công tác.

Khi các mặt chuẩn bị cơ bản đã hoàn chỉnh thì ngày 28/1/1973, các lực lượng nhận lệnh chuyển căn cứ về Bảy Bàu cho kịp đón tết. Nhưng thực tế tài sản khá nhiều, nhất là trẻ em, do vậy những phương tiện cơ giới đều ưu tiên cho nữ và trẻ em, cánh đàn ông thì tay xách nách mang “hành quân” trở lại căn cứ. Do vậy, khi chuyển quân và phân bổ lực lượng xong thì Tết cổ truyền đã qua chỉ còn hương vị tết bởi những nồi thịt kho và bánh tét của các mẹ gửi cho. Tuy vậy các lực lượng tổ chức liên hoan muộn bằng một đêm văn nghệ “cây nhà lá vườn” thật rôm rả

Tân Xuân
.
.