Nam Phương Hoàng Hậu - “viên kim cương” cuối cùng của Triều Nguyễn

Thứ Hai, 28/08/2006, 10:00
Nam Phương Hoàng Hậu là một người vợ hiền thục và nhân từ. Suốt những năm ở ngôi Hoàng hậu cho đến khi từ giã cõi đời không hề có một tiếng thị phi, một lời than trách. Bà được ghi nhận trong lịch sử như một Hoàng hậu mẫu mực.

Tên thật của bà là Nguyễn Hữu Thị Lan, sinh trưởng trong một gia đình kinh tế khá giả, nên từ nhỏ bà đã được người cậu ruột là ông Denis Lê Phát An nuôi dưỡng và cho sang Pháp học. Sử sách còn ghi nhận rằng Denis An là một trong số người giầu nhất xứ Nam Kỳ thời ấy. Là người giầu có, đang rất cần tiếng tăm, lại không có con, nên Denis An đã bằng mọi cách để cô cháu gái xinh đẹp Mariette Jeanne Thị Lan tiếp cận vua Bảo đại.

Ông hy vọng cô cháu gái trở thành Hoàng hậu thì ông không những sẽ nhanh chóng leo lên trên các bậc thang danh vọng, mà còn có cơ hội phất lên trong làm ăn. Từ đó, Denis An quyết tâm nhờ vả viên Toàn quyền Pháp Pasquier và Khâm sứ Charles tạo mọi điều kiện để cô cháu gái tiếp cận vua Bảo Đại.

Trước đó, Nguyễn Vĩnh Thụy (tên khai sinh của vua Bảo Đại) cũng đã được đưa sang Pháp đào tạo “nghề làm vua”. Đến tuổi trưởng thành cũng lại do chính người Pháp sắp xếp, chắp mối tơ duyên. Thời điểm này, con gái đẹp, hiền thục, thông minh học giỏi, ở kinh đô Huế không thiếu, nhưng hầu hết theo đạo Phật, coi vua như Ông trời, bảo sao nghe vậy không dám phản đối.

Có lẽ vì lý do ấy mà Khâm sứ Charles, người được Nhà nước Pháp giao trọng trách nuôi dưỡng, đào tạo Bảo Đại thành ông vua để cai quản Việt Nam phục vụ cho mẫu quốc, đã nghĩ đến một cô gái người Nam Kỳ. Nhìn đi tính lại ông ta thấy có cô Mariette Jeanne Nguyễn Hữu Thị Lan đang học trường Couvent des Oiseaux ở Paris là xứng đáng lên ngôi Hoàng hậu hơn cả.

Theo khâm sứ Charles, cô Lan là người vừa xinh đẹp, duyên dáng, lại nết na, con nhà giầu, lại theo đạo dòng, đã vào làng Tây lại sắp sửa học xong bậc tú tài và như vậy sẽ hội đủ điều kiện trở thành Hoàng hậu, có thể giúp vua Bảo Đại “trị vì xứ An Nam”. Thế là đã xảy ra những cuộc gặp “tình cờ” giữa đôi trai tài gái sắc. Cuộc gặp giao duyên ấy được bắt đầu từ những bữa tiệc và dạ hội của gia đình Denis An trong dịp nghỉ cuối tuần, lúc thì ở biệt thự gia đình, lúc lại ở những restauran sang trọng của Paris, có mời gia đình viên Toàn quyền Pasquier và Khâm sứ Charles.

Tại các cuộc vui như thế, lần nào ông cũng kèo néo bằng được để ông bà Charles đưa vị “Hoàng đế xứ An Nam” đi cùng. Và đương nhiên vị khách đặc biệt đó luôn luôn được xếp ngồi gần cô Lan. Từ chỗ họ có thiện cảm với nhau ngay từ lần gặp đầu, sau một vài cuộc “tình cờ” ấy, họ đã thật sự thân thiết quyến luyến nhau. Mặc dù vậy, Charles vẫn luôn khuyên nhủ Bảo Đại phải giữ khoảng cách, giữ thể diện, đừng có “hành động gì quá mức vì anh đang là vị Hoàng đế!”.

Mùa hè năm 1932 vợ chồng Charles đưa Bảo Đại về nước, cũng lại “tình cờ” gặp ông bà Denis An cùng cô cháu gái Mariette Jeanne Lan ở cảng Marseille đang chuẩn bị lên tàu về nước nghỉ hè. Hơn 1 tháng lênh đênh trên con tàu d’Artagnan, cô Lan càng có điều kiện gặp Bảo Đại hàng ngày để cùng nhau ngắm trời ngắm biển, thả hồn trong mộng mơ, trò chuyện và họ đã thực sự hiểu nhau tới chân tơ kẽ tóc.

Về Huế bái yết thân mẫu Từ Cung, ra mắt quần thần, điều hành triều chính ít ngày, theo kế hoạch Toàn quyền Pasquier và Khâm sứ Charles khuyên Hoàng đế đi nghỉ Đà Lạt “phục hồi ngọc thể”. Dịp đó gia đình ông Nguyễn Hữu Hào (cha đẻ của Lan), Denis Lê Phát An cũng đưa cô Lan lên Đà Lạt thay đổi không khí. Và thế là Thị Lan và Bảo Đại lại có dịp sóng đôi hết ngày này qua ngày khác, lúc thì ở sân quần vợt, lúc trong rừng săn bắn, lúc bên bàn tiệc hay dạ hội.

Vị Hoàng đế trẻ, đàn hay, khiêu vũ đẹp, bắn súng giỏi, chơi quần vợt khó ai thắng, ăn nói lịch thiệp, ứng xử nhã nhặn khiến cô Lan không thể không chấp nhận tình yêu với Bảo Đại. Còn nhớ hồi đó phóng viên một tờ báo Sài Gòn có phỏng vấn Nam Phương, bà trả lời “Cuộc hôn nhân giữa tôi với Hoàng thượng là một sự tình cờ. Chúng tôi gặp nhau trong một buổi dạ hội tại Đà Lạt năm 1933. Lúc đó tôi mới 18 tuổi, tôi không để ý gì đến Hoàng đế, nhưng Hoàng đế đã chú ý đến tôi...”. 
 

Còn Bảo Đại thì viết trong hồi ký “Con Rồng An Nam” rằng “... Sau những cuộc gặp gỡ trên sân quần vợt, những buổi dạ tiệc, dạ vũ tôi có đến thăm M.J. Lan nhiều lần tại ngôi biệt thự sang trọng của gia đình họ Lê ở Đà Lạt. Cô Lan là một cô gái có một vẻ đẹp thuỳ mị của người con gái miền Nam, hiền lành và quyến rũ làm tôi say mê, vì vậy tôi ngỏ ý xin cưới M.J Lan và được gia đình đồng ý”. 

Một Hoàng hậu nhạy cảm với thời cuộc

Lễ thành hôn của vua Bảo Đại với M.J Lan được tổ chức ngày 20/3/1934, khi đó chú rể 21 tuổi, cô dâu 19 tuổi. Mặc dù là Hoàng đế, nhưng Bảo Đại được hấp thụ văn hoá Phương Tây, đã bãi bỏ chế độ cung tần mỹ nữ ở hoàng cung. Ngay sau lễ thành hôn 4 ngày ông đã sắc phong cho người vợ của mình làm Nam Phương Hoàng hậu và theo lối sống gia đình truyền thống của đạo Thiên chúa - một vợ một chồng.

Ông giải thích rằng “Nam Phương là hương thơm của miền Nam” và rất yêu thương bà. Điều đó xem ra thật đúng bởi Nam Phương là người phụ nữ sang trọng, nhưng không kiêu, có nụ cười kín đáo và không e lệ, lại rất nhạy cảm với thời cuộc. Những năm bà còn chưa bận bịu con cái, Bảo Đại đi đâu cũng sóng bước cùng Nam Phương, nhiều khi ông còn tự tay lái xe đưa bà đi thăm thú các danh lam thắng cảnh của đất nước.

Nhưng đến năm 1936 bà sinh Hoàng tử Bảo Long, rồi năm 1937 sinh Công chúa Phương Mai, năm 1938 sinh Công chúa Phương Liên, năm 1942 sinh Công chúa Phương Dung, bà không còn muốn đi chơi, mà dành mọi thời gian chăm sóc nuôi dạy con cái. Đến năm 1948 bà sinh thêm một hoàng tử nữa, đặt tên là Bảo Thắng.

--PageBreak--

Tháng 8/1945 phong trào cách mạng ngày một dâng cao, nội bộ Chính phủ Trần Trọng Kim rạn nứt, không thể cứu vãn tình thế. Trong lúc rối ren như vậy, Hoàng hậu Nam Phương đã nhiều lần tỉ tê to nhỏ với chồng, nhưng Bảo Đại đâu có thèm để ý, vẫn chỉ chơi bời du hí, săn bắn với mấy cận thần. Bà chỉ còn biết tâm sự, bàn bạc với ông Đổng lý văn phòng Phạm Khắc Hoè, người mà bà coi là một bày tôi tâm phúc, trung thực của Hoàng triều, một vị quan am hiểu thời cuộc, không xu nịnh, luôn một lòng vì dân vì nước.

Trước đó, chính bà là người đã đề đạt với ông Khâm sứ và thỉnh cầu Đức vua nhiều lần để cất nhắc ông Phạm Khắc Hoè từ chức quan Quản đạo Đà Lạt lên Ngự tiền Đổng lý văn phòng. Trong những ngày nước sôi lửa bỏng đó, Nam Phương đã khuyến khích ông Hoè tìm cách liên lạc với các chiến sĩ cách mạng để tìm kiếm lời khuyên, rồi phân tích, khuyên giải, nài nỉ Hoàng đế thoái vị, tránh mọi sự chống đối cách mạng để không xảy ra cảnh đổ máu, nồi da nấu thịt. Mọi đạo dụ trong đó vua Bảo Đại bày tỏ sẵn sàng giao chính quyền cho Việt Minh, muốn làm “người dân một nước độc lập hơn làm vua một nước nô lệ”... đều do ông Phạm Khắc Hoè soạn thảo và có sự bàn bạc chu đáo với Nam Phương Hoàng hậu.

Sau khi Bảo Đại thoái vị, được Cụ Hồ mời ra Hà Nội làm cố vấn cho Chính phủ cách mạng, Nam Phương vẫn ở lại Huế. Vào dịp Tết Nguyên đán Bính Tuất (năm 1946), Chủ tịch UBHC Huế đến chúc tết và trao 10 nghìn đồng, nói là của Cụ Hồ gửi vào để gia đình ông cố vấn ăn tết. Vào thời kỳ đó số tiền này lớn lắm. Bà Nam Phương nhận và gửi lời cám ơn Cụ Hồ và UBHC Huế, nhưng ngay sau đó bà đã chuyển toàn bộ số tiền đó cho các bà phước trông coi cô nhi viện ở Huế để sắm tết cho trẻ mồ côi đang rất thiếu thốn. Sau khi giành độc lập, nhà nước non trẻ của chúng ta rất cần tiền để cứu đói cho dân và kiến thiết đất nước, nhưng chế độ cũ để lại một “gia tài trống rỗng”, kho bạc chỉ còn khoảng 1 triệu đồng rách nát.

Trước tình hình đó Cụ Hồ đã phát động “Tuần lễ vàng”, hô hào và khích lệ nhân dân cả nước ủng hộ tiền của, vàng bạc cho Chính quyền cách mạng. Huế khai mạc “Tuần lễ vàng” vào ngày 17/9/1945 bên bờ sông Hương. Hôm đó Nam Phương Hoàng hậu ăn mặc rất chỉnh tề, quần áo dài, đội khăn vành màu vàng theo đúng trang phục của Hoàng hậu, cổ đeo kiềng vàng, tai đeo bông vàng, hai cổ tay đeo 2 xuyến vàng, cả 10 ngón tay đều đeo nhẫn vàng... đến nỗi mọi người trong Hoàng cung cũng phải ngạc nhiên vì chưa bao giờ bà mặc đẹp và đeo nhiều vàng đến như vậy. 
 

Rồi chuyện gì đã xảy ra, như mọi người đã biết, bà là người đầu tiên đến bên khán đài, tháo mọi đồ trang sức đặt lên bàn, đề nghị được cung hiến cho cách mạng. Hành động của Hoàng hậu được nhân dân và các cấp chính quyền hồi bấy giờ nhiệt liệt hoan nghênh và thán phục. Theo gương Nam Phương, nhiều nhà tư sản ở Huế đã hiến cả chục lạng vàng. Có nhiều người lúc đầu còn chưa mang vàng theo người, nhưng khi thấy Nam Phương Hoàng hậu và những người khác ủng hộ nhiều như vậy, thì  cũng vội vàng về lấy vàng, mang đóng góp.  

Tổng kết “Tuần lễ vàng”, riêng nhân dân Huế đã đóng góp 925 lượng vàng. Cuối năm 1946 Pháp đưa quân trở lại Nam Bộ với ý đồ xâm lược nước ta lần nữa, Nam Phương Hoàng hậu đã viết một Thông điệp gửi thế giới để tố cáo chính sách của thực dân Pháp. Qua bức thông điệp này người ta càng cảm phục bà là người nhạy cảm chính trị, yêu nước, cảm thông sâu sắc với nỗi khổ của người dân mất nước.  

Là Hoàng hậu, nhưng được học hành tử tế ở một xứ sở văn minh, bà hiểu rất rõ tình hình chính trị và âm mưu của thực dân Pháp muốn quay trở lại áp bức đô hộ dân ta. Tuy chính quyền Pháp đưa Bảo Đại về trị vì Việt Nam, nhưng thực chất ông chỉ là một Hoàng đế bù nhìn, không thực sự chấp chính, mọi công việc nhất nhất do người Pháp sắp đặt. 

Người vợ hiền thục

Biết ông cố vấn Vĩnh Thụy từ khi ra Hà Nội, xa gia đình, lao vào con đường cờ bạc, lang chạ hết với người đàn bà này đến người đàn bà khác, Cụ Hồ cho mời bà Nam Phương đem các con ra đoàn tụ với ông cố vấn. Là người vợ yêu chồng, một nách 4 đứa con còn nhỏ, dù là Nam Phương hay ai đi nữa, cũng đều muốn gần chồng, gia đình sum họp. Thế nhưng bà đã khéo léo từ chối vì sợ rằng đất nước mới giành độc lập, ngân khố của Chính phủ còn nghèo, lại làm phiền Cụ Hồ.

Nam Phương biết rõ Bảo Đại quen thói ăn chơi, thích thể thao, săn bắn, du hí ... hơn là làm việc, nên bà cũng không lấy gì làm ngạc nhiên, khi Bảo Đại được Cụ Hồ cho đi công tác Trung Quốc, ông ta đã tự ý ở lại, không trở về Việt Nam. Chính phủ Pháp vẫn muốn nắm lấy Bảo Đại để một lần nữa đưa ông trở lại vị trí đứng đầu chính phủ tay sai, nhưng lần này ở ghế Quốc trưởng. Thực ra cũng từ khi Bảo Đại trốn ở lại Hồng Kông, Pháp đưa ông trở về vị trí đối lập với Chính phủ của Cụ Hồ, khiến tâm trạng bà Nam Phương đã có những chuyển biến.

Thời điểm này người ta thấy bà ít xuất hiện cùng Quốc trưởng Bảo Đại. Sinh hoạt hàng ngày của bà chủ yếu là chăm lo cho các con, dạy các con chơi đàn, đọc sách báo, hoặc ra vườn tưới hoa, tỉa lá. Buổi tối bà thích đánh đàn dương cầm hoặc kể chuyện cổ tích cho các con nghe. Còn Bảo Đại từ khi lao vào con đường ăn chơi với nhiều người đàn bà khác, ông ta cũng không còn quan tâm mấy tới người vợ hiền thục nơi kinh đô Huế.

Năm 1952 bà đưa con sang Pháp sống tại lâu đài Thorenc ở Cannes, biệt thự riêng của gia đình Bảo Đại. Sau năm 1955 Mỹ đưa Ngô Đình Diệm lên làm Quốc trưởng ở miền Nam. Bảo Đại một lần nữa trở thành phế đế. Mặc dù vậy, Chính phủ Pháp vẫn chu cấp cho gia đình ông một khoản tiền sinh hoạt, nhưng không còn dư dả cho lắm, đến nỗi thiếu tiền ông phải bán cả lâu đài Thorenc ở Cannes, cả chiếc du thuyền Hương giang Bảo Đại. Ông buồn chán, bỏ đi lang thang nay đây mai đó, hầu như không còn ở với mẹ con bà Nam Phương.

Không còn con đường nào khác, mẹ con bà dắt díu nhau về sống ở Chabrignac, một trang trại riêng đã được gia đình mua cho bà từ lâu. Về đời sống vật chất thì Nam Phương và các con bà không hề thiếu thốn. Cha đẻ Nguyễn Hữu Hào và cha nuôi (cậu ruột) Denis Lê Phát An đã mua cho bà từ khi còn là cô nữ sinh Paris những biệt thự lớn ở đại lộ Neuilly và Opera, những đồn điền ở Maroc và Congo...

Nhưng bà ít quan tâm, mà chỉ giữ lại đồn điền ở Chabrignac gồm 160 mẫu đất với một đàn bò lớn gần trăm con và một vườn hoa hồng rất lớn, vì ngay từ nhỏ bà đã rất yêu thứ hoa kiều diễm, hương thơm ngào ngạt này. Bà muốn sống xa lánh mọi người cho yên tĩnh. Năm 1963 bệnh tim của bà tái phát ngày càng nặng, trong một cơn đau tim, vì ở quá xa, bác sĩ bệnh viện không đến kịp, bà đã vĩnh viễn từ giã trần gian ở tuổi 49. Cựu hoàng Bảo Đại về lo tang lễ cho bà theo nghi lễ khá đơn giản của người Thiên chúa giáo, chỉ có những người trong gia đình, vài người bạn thân ở địa phương.

Tuy nhiên, công chúa Như Lý con gái vua Hàm Nghi cũng tới viếng, vị tỉnh trưởng và là dân biểu Pháp đã tới tiễn đưa bà về nơi an nghỉ cuối cùng. Nam Phương là người phụ nữ thông minh, hiểu biết rộng, rất nhạy cảm chính trị, giầu lòng yêu nước, là người vợ hiền thục, phúc hậu...sống cả cuộc đời không một tiếng thị phi, một lời oán trách. Nhưng cũng thật buồn, phế đế Bảo Đại suốt từ đó cho đến lúc vĩnh viễn rời bỏ thế giới này đã không một lần trở lại viếng mộ Nam Phương, người vợ thuỷ chung và thật đáng yêu của ông!

Vĩnh Sơn
.
.