Mở lại hồ sơ “AK603/03”

Thứ Năm, 08/09/2005, 09:10

Hai người đẹp cùng hành  nghề buôn bán tại thị xã Móng Cái (Quảng Ninh) và cùng có chút tiếng tăm nhờ dáng vẻ "người mẫu" của mình. Bằng thủ đoạn "nối sim cho... người nước ngoài" để kiếm lời, cả hai đã gây thiệt hại cho ngành Viễn thông trên 12 tỉ đồng.

Một "nàng" tên Trần Thị Ánh Tuyết, còn có tên khác là Kiều nên thường được gọi là Tuyết Kiều, sinh năm Ất Tỵ - 1965. Một "nàng" tên Nguyễn Thị Vân, sinh năm Kỷ Dậu - 1968.

Tuyết Kiều vào Bưu điện Móng Cái, kịp  mỉm cười, bắt tay với vài người quen là đã lấy được 12 biên lai tiền cước 12 thuê bao điện thoại di động của tháng 12/2002 do mình đứng tên. Tất cả số tiền cước này ông chủ Lồ Sáng sẽ thanh toán. Về phần mình, Tuyết Kiều sẽ nhận được theo đúng thỏa thuận là 400 nhân dân tệ/thuê bao/tháng. Vậy là tháng này “người đẹp” sẽ có thêm 4.800 nhân dân tệ “lãi ròng”.

Từ năm 1999, sau khi ly dị chồng, Tuyết Kiều đã chuyển qua buôn bán nhiều mặt hàng nhưng lời lãi chẳng bao nhiêu. Tháng 12/2001, khi sang Đông Hưng mua hàng của A Bình, A Phương ở số nhà 68, đường Trung Sơn, Tuyết Kiều được họ giới thiệu làm ăn với “ông chủ” Lồ Sáng (còn có tên gọi khác là La Nghị). Lồ Sáng vốn là Giám đốc Công ty TNHH chuyên sản xuất hàng điện tử, điện lạnh ở Nam Ninh. Là người giàu có, coi trọng chữ tín, “ông chủ” này luôn sòng phẳng.

Từ Bưu điện Móng Cái, Tuyết Kiều bắt xe ôm ra thẳng cửa khẩu Bắc Luân. Trước khi làm thủ tục xuất cảnh sang Đông Hưng, “người đẹp” mở túi xách ngắm qua gương để tự tin thêm về dung nhan kiều diễm và đôi mắt sắc lạnh cũng kịp dò xét xung quanh. Không có gì lạ. Khi anh cán bộ biên phòng cửa khẩu mời Ánh Tuyết vào trong đối chiếu lại giấy tờ xuất cảnh, “người đẹp” vẫn duyên dáng nở nụ cười và tiến vào...

Cán bộ an ninh Công an tỉnh Quảng Ninh (2 người ngồi giữa) làm việc với Công an Đông Hưng (Trung Quốc) về việc phá án.

15 phút sau, cũng tại cửa khẩu Bắc Luân, “người đẹp” Nguyễn Thị Vân xuất hiện trên chiếc Attila màu sữa. Trong dáng vẻ của một khách du lịch, Vân thong thả vừa đi vừa ngắm quang cảnh nhộn nhịp của cửa khẩu ngày giáp tết. Gần đến chỗ làm thủ tục xuất cảnh, Vân cất xe rồi ngồi xuống cẩn thận sửa lại quai dép và cũng cẩn thận ngoái lại  phía sau lưng vài lần.

Với 36 tờ biên lai cước thuê bao điện thoại di động tháng 12/2002 của Bưu điện Móng Cái vừa mới nhận để trong túi xách, sự cảnh giác là cần thiết. Sự cảnh giác ấy chỉ trong ít phút nữa sẽ được “ông chủ” Lồ Sáng đền bù bằng 7.200 nhân dân tệ.

Vân cũng được cán bộ biên phòng cửa khẩu nhã nhặn mời vào đối chiếu lại giấy xuất cảnh và cũng lại “mất hút” như Tuyết Kiều khi chỉ còn cách đầu cầu Bắc Luân có vài mét.

Lúc đó khoảng 9 giờ, ngày 14/1/2003.

Tháng 4/2002, Công ty Điện báo Điện thoại Bưu điện Quảng Ninh phát hiện cước đàm thoại nội địa bỗng tăng đột biến  nên đã báo cáo cho An ninh kinh tế của tỉnh. Phòng PA17 Công an Quảng Ninh lập tức vào cuộc. Bằng kinh nghiệm của mình, các anh xác định đã xuất hiện bọn tội phạm cước viễn thông. Sau khi khoanh được khu vực hoạt động của bọn tội phạm là vùng biên giới Móng Cái (Việt Nam) - Đông Hưng (Trung Quốc).

Dân giáp biên từ lâu đều biết, dù có vào sâu trong Đông Hưng đến 4km vẫn sử dụng được điện thoại di động mang sim Việt Nam và ở Móng Cái trong vòng 2km vẫn liên lạc được bằng điện thoại di động mang sim Trung Quốc. “Ông chủ” Lồ Sáng đã rất nhanh nhạy khi móc nối để Tuyết Kiều và Vân đứng tên mua thuê bao điện thoại di động của Bưu điện Móng Cái rồi chuyển sim của các thuê bao đó sang cài  vào thiết bị viễn thông của mình đặt tại Đông Hưng để kinh doanh. Khách hàng của Lồ Sáng chủ yếu là người từ khắp nơi trên thế giới gọi về Việt Nam.

Trong tháng 12/2001, với hai lần đăng ký tại Bưu điện Móng Cái, Tuyết Kiều đã chuyển cho Lồ Sáng được 12 sim. Sáng nhận trả tiền hàng tháng cho các thuê bao và “boa” cho Tuyết Kiều 400 nhân dân tệ/máy.

Vân nhập cuộc sau nhưng “ăn dày” hơn Tuyết Kiều dù mức “hoa hồng” Sáng cho Vân chỉ bằng một nửa so với Tuyết Kiều. Từ tháng 3 - 10/2002, Vân đã đứng tên 21 thuê bao và huy động cả chị gái, chị dâu, chú chồng, thậm chí cả người chồng đã ly thân để nhờ đứng tên mua hộ 27 thuê bao, 48 sim này. Vân chuyển hết cho Lồ Sáng và nhờ “công tích” đó, Vân đã được Sáng “boa” cho 37.800 nhân dân tệ. Lợi nhuận này không thua gì lợi nhuận của bọn bán lẻ ma túy.--PageBreak--

Phân loại chính xác đối tượng, bí mật giám sát chặt chẽ, nắm vững quy luật hoạt động, lực lượng An ninh ta không những tìm ra bọn “nội phản” mà còn lần ra cả đường dây dẫn tới “hang ổ” của bọn “tội phạm”. Ngôi nhà số 68, đường Trung Sơn, thị trấn Đông Hưng là nơi “ông chủ” Lồ Sáng cùng các tòng phạm A Bình, A Phương mở “chi nhánh”. Còn ngôi nhà số 51 cùng phường Trung Sơn chính là nơi đặt các thiết bị viễn thông phục vụ việc kinh doanh trái pháp luật của chúng. Ngôi nhà này chỉ cách đầu cầu Bắc Luân phía Trung Quốc chừng hơn trăm mét và chỉ cách cơ quan Cục Công an Đông Hưng chừng vài trăm mét.

Làm thế nào để “nhổ sạch” bọn tội phạm này và thu giữ tang vật phạm pháp? Câu trả lời duy nhất đúng là phải hiệp đồng thật tốt với lực lượng công an của bạn. Tuy nhiên, việc này không hề đơn giản. Ta đã có kinh nghiệm hiệp đồng phá án tại một vùng biên nơi khác, tội phạm người Việt Nam thì bắt giữ được, còn tội phạm người nước ngoài và tang vật phạm pháp thì “biến mất”. Đây chính là khó khăn lớn nhất, thử thách cao nhất và cũng là chương hay nhất trong vụ phá án này.

Khi đã có trong tay đầy đủ điều kiện để phá án, ta cử một “sứ bộ” sang làm việc với Cục Công an Đông Hưng (Trung Quốc). Đồng chí Đỗ Xuân Quý, Trưởng Công an thị xã Móng Cái làm trưởng đoàn; đồng chí Nguyễn Mạnh Ngọc, Trưởng phòng PA17. Buổi làm việc diễn ra suôn sẻ bởi đề nghị của chúng ra rất thấu tình, đạt lý. “Chúng tôi đang điều tra một vụ án có liên quan đến đối tượng là người Trung Quốc và người Việt Nam. Trong thời gian tới chúng tôi sẽ phá án, bắt đối tượng là người Việt Nam. Cùng lúc, chúng tôi sẽ thông báo cho các đồng chí để bắt đối tượng là người Trung Quốc và thu hồi tang vật. Đề nghị các đồng chí sử dụng lực lượng cơ động nhanh phối hợp cùng phá án, đề phòng đối tượng bỏ trốn và tiêu hủy tang vật vụ án”. Phía bạn đã vui vẻ nhận lời.

Việc Tuyết Kiều và thị Vân ở cửa khẩu Bắc Luân chỉ là “chuyện nhỏ” nhưng thu được kết quả lớn. Thì ra hai “nàng” không hề biết nhau dù cùng làm một việc, cùng phục vụ một “ông chủ”. Khi bị khai thác riêng, trước những chứng cứ không thể chối cãi, các “người đẹp” đã thú nhận tội lỗi và khai báo trung thực về đường dây tội phạm đúng như Cơ quan Công an nhận định. Cùng các tấm hình chụp ngôi nhà số 68, ngôi nhà số 51 với dàn ăngten “đạo chích” và chân dung 3 đối tượng người Trung Quốc, lời khai của Tuyết Kiều và thị Vân là chứng lý chắc chắn buộc tội các “ông chủ”.

Khai thác nhanh Tuyết Kiều và thị Vân xong, ta điện ngay cho bạn đề nghị phối hợp. Tiếp đó, ta cử người sang tuyên bố đã bắt xong hai đối tượng người Việt Nam. Khi ta đưa ảnh 3 đối tượng người Trung Quốc và ngôi nhà số 51 với nghi vấn là tội phạm trộm cước viễn thông, phía bạn có bị ngỡ ngàng.

Ngôi nhà ấy gần Cục Công an Đông Hưng quá, và những đối tượng ấy cũng quen mặt quá. Lập tức, lực lượng cơ động nhanh của bạn từ trên 3 xe ôtô đã triển khai bao vây ngôi nhà rồi ập vào bắt gọn 3 “ông chủ” đang ăn cơm và chờ... “người đẹp”. Khi cán bộ An ninh Việt Nam chỉ tay vào chỗ đường cáp từ ăngten “đạo chích” nhập vào hộp cáp của Bưu điện Đông Hưng, một cán bộ công an của bạn thốt lên: “Phen này ông Cục trưởng Bưu điện Đông Hưng hết đời!”

Ngô Tiến Cảnh
.
.