Mãi mãi là anh bộ đội Cụ Hồ

Thứ Năm, 06/11/2014, 08:00
Khi tôi tốt nghiệp đại học cũng là lúc cuộc chiến chống Mỹ của nhân dân ta bước vào giai đoạn cam go (1972). Nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, hàng trăm kỹ sư trẻ, thầy giáo khoác ba lô lên đường nhập ngũ. Nhớ lại những ngày đầu trong quân ngũ tập tành, rèn luyện dưới cái nắng tháng năm tháng sáu giữa đồi núi Bắc Thái, nhiều khi tưởng mình không chịu nổi... Và rồi sau hơn 40 ngày huấn luyện tại "thủ đô gió ngàn", tôi cùng một số bạn bè khác được lệnh chuyển về đơn vị mới.

Sau hai đêm hành quân, điểm đến là một đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh Công binh. Những ngày đầu ở đây, chúng tôi được học và làm quen với nhiều công việc của người lính công binh như bom mìn, bộc phá. Sau một thời gian tập luyện ở đây, tôi cùng ba anh bạn cùng trường được điều về Trung đoàn 259 (Bộ Tư lệnh Công binh) để tham gia xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cả bốn anh em chúng tôi đều rất phấn khởi, nhưng cũng vô cùng lo lắng vì sợ không hoàn thành  nhiệm vụ quan trọng được Đảng và nhân dân giao phó... Hồ sơ thiết kế rất nhiều, tôi nhớ lại có gần 40 quyển dày từ 15 đến 20 bản vẽ khổ A0 và A1, cũng khoảng ngần ấy quyển thống kê thiết bị, chi tiết đi kèm do Liên Xô cũ giúp. Khi được giao nhiệm vụ, cả bốn anh em chúng tôi bắt tay vào công việc rất khẩn trương. Chúng tôi làm hầu như không có ngày nghỉ và đêm nào cũng ngồi đọc tài liệu đến 10, 11 giờ mới ngủ.

Đọc kỹ rồi bóc tách, thống kê khối lượng công việc cần làm, trên cơ sở đó dự trù nhân công và kế hoạch thi công cho từng hạng mục. Rất may mắn cho chúng tôi, khi về đây công tác có nhiều anh là kỹ sư khóa năm, khóa sáu, thậm chí là khóa một khoá hai của trường. Và chúng tôi được các anh kèm cặp, chỉ bảo giúp đỡ tận tình nên cũng sớm nắm bắt được công việc.

Cũng xin được tiết lộ, đơn vị chúng tôi - những người lính công binh công trình làm nhiệm vụ lắp đặt thiết bị kỹ thuật cho công trình Lăng bao gồm hệ thống điện động lực, điện tự động, hệ thống cấp thoát nước, hệ thống điều hòa thông gió, máy lạnh và các thiết bị đặc biệt phục vụ bảo quản, bảo vệ thi hài của Người. Bên cạnh phần lắp đặt thiết bị còn phải gia công nhiều chi tiết như đường ống dẫn khí, bảo ôn đường ống để chống tổn thất nhiệt, gia công các tê, cút chuẩn bị để thi công. Những đường ống dẫn khí bằng thép không rỉ có kích thước 2 x 0,8m, người đi lại bên trong thoải mái, đều do các công nhân Việt Nam gia công dưới sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật.

Tôi còn nhớ khi gia công thử một số đoạn ống để báo cáo và rút kinh nghiệm thì hầu hết ống đều bị cong vênh do kích thước lớn, kỹ thuật hàn không đảm bảo. Cũng tương tự, khi bảo ôn đường ống dùng keo dán các tấm xốp (sterôpho) không bám. Các cán bộ kỹ thuật cùng các bác thợ bậc cao trao đổi, rút kinh nghiệm và rồi những khó khăn ban đầu ấy cũng được giải quyết bằng trí tuệ tập thể, bằng sự hăng say, trách nhiệm và nhiệt tình với công việc. Đặc biệt, Ban Kỹ thuật chúng tôi được cấp trên tin tưởng giao trọng trách là nghiên cứu cải tạo một xe cứu thương, một xe PAB và xe Zin làm phương tiện vận chuyển thi hài của Bác. Chính những chiếc xe này đã sử dụng để đưa thi hài của Bác từ K9 về Lăng sau ngày khánh thành một cách an toàn. Đây là một công việc không hề đơn giản, bởi các yêu cầu kỹ thuật trong xe rất cao và khắt khe. Bàn để quan tài khi xe di chuyển không rung động mạnh và luôn ở trạng thái thăng bằng.

Các thế hệ Anh bộ đội Cụ Hồ ở Lăng họp mặt truyền thống.

Các tham số về nhiệt độ, độ ẩm trong xe luôn ổn định và nằm trong giới hạn cho phép. Các đồng chí lái xe này vừa có sức khỏe, vừa có kỹ thuật lái tốt và đặc biệt có thần kinh vững vàng. Câu chuyện một đồng chí một lần di chuyển thi hài của Bác từ Viện Quân y 108 lên K9, vừa đến nơi thì đồng chí bị ngất, hiện vẫn còn lưu truyền trong Bộ Tư lệnh Lăng. Sau khi tỉnh lại đồng chí đó không hiểu vì sao, nhưng theo các bác sĩ thì do tập trung cao độ và quá căng thẳng.

Sau ngót hai năm thi công, công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh sừng sững đứng giữa quảng trường Ba Đình đón chào đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế vào Lăng viếng Bác. Công trình Lăng hoàn thành cũng là lúc cả nước vui mừng đón chào ngày độc lập, non sông thu về một mối. Ngày Quốc khánh 2 tháng 9 năm 1975, lễ duyệt binh được tổ chức trọng thể tại quảng trường Ba Đình như để báo cáo với Bác đang nghỉ trong Lăng là chúng cháu đã hoàn thành tâm nguyện của Bác - đất nước độc lập thống nhất.

Việc xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tập trung bao nhiêu sức người, bao nhiêu trí tuệ, nhưng việc quản lý vận hành để giữ gìn lâu dài thi hài của Người là công việc tiếp theo cũng không ít khó khăn. Trong giai đoạn đầu vận hành là những kỹ sư điện tự động, kỹ sư điều hòa cùng với các chuyên gia của Liên Xô (cũ), nhưng về sau này tổ chức đào tạo một đội ngũ thợ lành nghề thay phiên nhau trực ba ca. Những câu chuyện tiếp bước sau này của chúng tôi kể cũng lắm gian nan vất vả, nhưng những câu chuyện của các bậc đàn anh đi trước được nghe kể lại còn khó khăn gấp nhiều lần.

Đại tá bác sỹ Nguyễn Văn Châu - nguyên Phó Viện trưởng Viện 69, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng kể về "Tổ y tế đặc biệt" trong những ngày đầu mới thành lập tại cơ sở 75A, nơi sẽ tiến hành những công việc bảo quản thi hài Bác đầu tiên rất bận rộn và vất vả. Trong điều kiện chiến tranh thiếu thốn, công việc mới mẻ, mà phải gấp rút chuẩn bị cơ sở vật chất, xử lý môi trường trong phòng thí nghiệm và trong các xe để chở thi hài của Bác. Các anh phải túc trực ngày đêm để theo dõi các kết quả xét nghiệm về môi trường. Mắt các anh sưng húp vì bị ảnh hưởng của tia cực tím và các hóa chất mạnh. Các đồng chí chỉ huy lúc đó đã nhiều lần cho các anh nghỉ, nhưng các anh vẫn xin được ở lại tiếp tục công việc. Và rồi giờ phút đó đã đến, các anh lên xe theo lệnh của cấp trên đi thẳng đến cổng Phủ Chủ tịch, nơi Bác đang an nghỉ.

Sau bốn ngày đêm liên tục (từ ngày 2 đến ngày 5 tháng 9 năm 1969), với tinh thần trách nhiệm cao, lao động khoa học, nghiêm túc của các chuyên gia y tế Liên Xô và Tổ y tế đặc biệt của Việt Nam, thi hài của Người được giữ gìn theo đúng quy trình công nghệ của Viện Khoa học giữ gìn thi hài Lênin. Các nét đặc trưng của Bác lúc sinh thời được giữ gìn nguyên vẹn. Cố Đại tá Bùi Danh Chiêu- kỹ sư công trình Bộ Tư lệnh Công binh (Người từ đầu tham gia thiết kế và xây dựng Lăng) kể lại những ngày tháng cải tạo khu phẫu thuật của Viện Quân y 108 thành khu thí nghiệm đặc biệt 75A. Đây chính là nơi để chuẩn bị cho Tổ y tế đặc biệt thực hiện nhiệm vụ giữ gìn thi hài Bác. Vì vậy các yêu cầu kỹ thuật rất khắt khe, chuẩn xác đến từng 0,2 độ C và thời gian hoàn thành càng nhanh càng tốt. Các anh còn phải chuẩn bị công trình 75B phục vụ Lễ Quốc tang tại Hội trường Ba Đình.

Trong điều kiện đất nước khó khăn và cách đây gần nửa thế kỷ, các máy móc vật tư hầu như không có, các anh thầm lặng và kiên nhẫn mày mò nghiên cứu nhiều giải pháp kỹ thuật, thí nghiệm nhiều lần để tìm được những cách tốt nhất. Chẳng hạn để giải quyết vấn đề đọng sương quanh tường, các anh dùng các tấm nhựa cách điện "bakelit" ốp trên trần  kết hợp với dùng tốc độ quạt bàn phù hợp cộng với lượng gió lạnh thổi vào. Những sáng kiến tuy nhỏ ấy đã góp phần không nhỏ vào xử lý và đảm bảo môi trường rất tốt. Trong điều kiện khó khăn các anh đã ló được nhiều cái hay bất ngờ.

Trong lúc cuộc chiến tranh của nhân dân ta đang ở giai đoạn cam go nhất, để đề phòng khi bị đánh trả quyết liệt, máy bay Mỹ có thể ném bom bừa bãi, Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương quyết định xây dựng thêm một số địa điểm để bảo quản và bảo vệ thi hài Bác an toàn. Khu K9, công trình H21 là những nơi được xây dựng để phục vụ nhiệm vụ bảo quản thi hài Bác trong hoàn cảnh này. Việc khảo sát, thiết kế và xây dựng những công trình này cũng vô cùng vất vả, gian khổ.

Đại tá Nguyễn Trung Thành, nguyên Phó Chủ nhiệm kỹ thuật Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng kể lại rằng: Buổi sáng các anh tay cầm củ sắn luộc vừa ăn vừa đi ra công trường, bữa trưa và bữa tối ăn bo bo với cá khô. Nhất là địa điểm H21, một hang sâu ẩm ướt ở trong rừng, vắt muỗi nhiều vô kể, đường đi lại khó khăn, điện nước không có. Nhưng khó khăn không làm nhụt được tinh thần ý chí của những người lính Cụ Hồ năm xưa. Những câu chuyện nhỏ, những hình ảnh của người lính đã từng tham gia xây dựng các công trình để bảo vệ, bảo quản thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại trong lòng chúng ta những ấn tượng sâu sắc, những tình cảm trìu mến thân thương của anh "Bộ đội Cụ Hồ" bên Lăng Bác.  

Tác giả bài viết này nguyên là Trưởng phòng Kỹ thuật Bảo quản Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, tham gia xây dựng, lắp đặt và vận hành thiết bị ở Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh từ 1973 đến 1992

Nguyễn Mạnh Hà
.
.