Lực lượng CSND Việt Nam: Những mốc son lịch sử

Thứ Sáu, 26/07/2019, 08:10
Ra đời từ những ngày đầu Cách mạng Tháng 8 năm 1945, lực lượng CSND luôn được Đảng, Nhà nước và Bác Hồ kính yêu chăm lo giáo dục, rèn luyện, được nhân dân giúp đỡ đã không ngừng lớn mạnh, trưởng thành, lập nên những chiến công xuất sắc...


Hàng nghìn băng nhóm tội phạm hình sự nguy hiểm đã bị triệt phá, hàng trăm đường dây buôn bán ma túy lớn xuyên quốc gia  cùng hàng nghìn tụ điểm ma túy lớn đã bị xóa sổ; nhiều vụ án kinh tế lớn được khám phá, thu hồi tài sản trị giá hàng nghìn tỷ đồng. Còn vô vàn những chiến công cùng biết bao sự hy sinh anh dũng, thầm lặng của những chiến sĩ Cảnh sát nhân dân (CSND) mà nhiều người chưa biết và nhớ hết...

Ra đời từ những ngày đầu Cách mạng Tháng 8 năm 1945, lực lượng CSND luôn được Đảng, Nhà nước và Bác Hồ kính yêu chăm lo giáo dục, rèn luyện, được nhân dân giúp đỡ đã không ngừng lớn mạnh, trưởng thành, lập nên những chiến công xuất sắc.

Lực lượng Cảnh sát nhân dân không ngừng lớn mạnh, trưởng thành, lập công vang dội.

Ngày 12/7/1946, lực lượng An ninh và Cảnh sát đã tấn công vào trụ sở Quốc dân Đảng ở số 7 phố Ôn Như Hầu (nay là phố Nguyễn Gia Thiều, Hà Nội) và số 8 Quán Thánh, Hà Nội, phá tan tổ chức phản động nguy hiểm đội lốt Quốc gia dân tộc âm mưu câu kết với thực dân Pháp nhằm đảo chính lật đổ chính quyền cách mạng.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, lực lượng Cảnh sát cùng toàn dân, toàn quân phát huy tinh thần cách mạng tiến công, vượt qua muôn ngàn khó khăn, gian khổ, đấu tranh trấn áp phản cách mạng và bọn tội phạm khác, chiến đấu chống địch càn quét, lấn chiếm, diệt tề, trừ gian, mở nhiều chiến dịch truy quét tội phạm, bài trừ lưu manh, lập danh sách phân loại đối tượng để theo dõi xử lý, truy bắt những tên cầm đầu nguy hiểm.

Trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hào hùng, lực lượng CSND đã có những đóng góp to lớn, góp phần xứng đáng vào thắng lợi vẻ vang của dân tộc. Lực lượng CSND đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách; đoàn kết, tận tụy trong công tác; bảo vệ vững chắc an ninh chính trị và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội ở miền Bắc, góp phần tích cực vào đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Sát cánh cùng các lực lượng khác kiên cường, dũng cảm đánh trả máy bay địch; đấu tranh có hiệu quả chống gián điệp hoạt động theo các phương thức; bảo vệ tuyệt đối an toàn các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đoàn khách quốc tế; bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa, tính mạng và tài sản của nhân dân.

Ngày 20/7/1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Lệnh số 34/LCT công bố Pháp lệnh quy định nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng CSND và Pháp lệnh quy định cấp bậc sĩ quan, hạ sĩ quan CSND. Đây là mốc son quan trọng đánh dấu sự trưởng thành của lực lượng CSND và ngày 20/7 trở thành ngày truyền thống của lực lượng CSND.

Trong bài viết nhân Kỷ niệm 56 năm Ngày Truyền thống lực lượng CSND, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã khẳng định: Trong CAND Việt Nam, CSND có vị trí, vai trò hết sức quan trọng. Lịch sử Anh hùng vẻ vang của cách mạng Việt Nam từ Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 tới quốc khánh 2-9, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, đến thắng lợi của kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954); kháng chiến chống đế quốc Mỹ (1954 - 1975); khắc phục hậu quả chiến tranh, phòng, chống, đập tan các âm mưu, hoạt động chống phá trong kế hoạch hậu chiến của địch và phản động quốc tế; bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc trong các cuộc chiến tranh biên giới phía Tây Nam, phía Bắc; những kết quả đặc biệt quan trọng đã đạt được sau hơn 30 năm đổi mới, mở cửa, hội nhập quốc tế nâng cao sức mạnh tổng hợp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, uy tín và hình ảnh đất nước trên trường quốc tế đều ghi nhận những dấu ấn sâu đậm, chiến công, thành tích đóng góp to lớn của lực lượng CAND, trong đó có CSND.

Đi cùng với những thành tích, chiến công ấy, trong suốt chiều dài lịch sử CSND, đã có nhiều cán bộ, chiến sĩ CSND anh dũng hy sinh, bị thương tích, mất một phần xương máu. Trong đó, chỉ tính từ năm 1986 đến nay, đã có hơn 150 cán bộ, chiến sĩ CSND hy sinh, gần 1.000 đồng chí bị thương hoặc phơi nhiễm HIV trong công tác, chiến đấu. Đây là minh chứng cho tính chất cam go, quyết liệt, phức tạp trên mặt trận giữ gìn TTATXH và đấu tranh phòng, chống tội phạm, làm sáng rõ hơn bản chất anh hùng, quả cảm của người chiến sĩ CSND trong giai đoạn mới. 

 Trong cuộc đấu tranh gian khổ, quyết liệt, đầy nguy hiểm với bọn tội phạm, những chiến sĩ Cảnh sát luôn thể hiện tinh thần  mưu trí, dũng cảm, kiên quyết tấn công trấn áp tội phạm. Hàng nghìn băng nhóm tội phạm hình sự nguy hiểm đã bị triệt phá; hàng trăm đường dây buôn bán ma túy lớn xuyên quốc gia cùng hàng nghìn tụ điểm ma túy lớn đã bị xóa sổ; nhiều vụ án kinh tế lớn được khám phá, thu hồi tài sản trị giá hàng nghìn tỷ đồng.

Qua đấu tranh chống tội phạm kinh tế đã góp phần thúc đẩy sản xuất, phát triển kinh tế của đất nước, bảo vệ nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa. Lực lượng Cảnh sát chủ động đổi mới các biện pháp công tác nghiệp vụ, phòng ngừa, tấn công trấn áp quyết liệt các loại tội phạm. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với lực lượng An ninh xây dựng thế trận An ninh nhân dân và phong trào toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc vững chắc, đập tan âm mưu diễn biến hòa bình, kích động gây rối, gây bạo loạn của các thế lực thù địch tại các địa bàn chiến lược.

Các chiến sĩ CSGT tận tụy giúp đỡ phục vụ nhân dân.

Ngày 27 và 28/6/2018, Công an tỉnh Sơn La phối hợp Bộ Tư lệnh Cảnh sát Cơ động cùng các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an đã huy động hơn 300 CBCS, nhiều xe bọc thép và vũ khí chuyên dụng khám phá 2 chuyên án, đột kích "thủ phủ ma túy" ở Lóng Luông (Sơn La); tiêu diệt 2 tên trùm ma túy nguy hiểm Nguyễn Thanh Tuân, Nguyễn Văn Thuận.

Ngoài 2 tên trùm ma túy Nguyễn Thanh Tuân, Nguyễn Văn Thuận còn có các đối tượng ma túy nguy hiểm khác bị tiêu diệt, bắt giữ, thu giữ số lượng vũ khí, súng đạn. Bên cạnh đó là các chuyên án bắt giữ các đối tượng trong đường dây mua bán, vận chuyển 179 bánh heroin từ Lào đưa về Việt Nam; chuyên án bóc gỡ đường dây sản xuất ma túy tổng hợp với số lượng lên đến hàng chục nghìn viên ma túy tại TP. Hồ Chí Minh...

Những kết quả đó đã góp phần quan trọng, giúp giữ vững, ổn định an ninh chính trị trên các địa bàn. Nhiều xương máu của cán bộ, chiến sĩ CAND đã đổ xuống vì sự nghiệp bảo vệ An ninh Tổ quốc. Trong năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019 đã có một số cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát  anh dũng hy sinh, 90 đồng chí bị thương, 30 đồng chí bị phơi nhiễm HIV trong khi thực hiện nhiệm vụ.

Để mỗi ngày trôi qua là một ngày bình an, hạnh phúc, những chiến sĩ Cảnh sát luôn nỗ lực cố gắng, chẳng quản ngại gian nan khó khăn, lặng lẽ âm thầm cống hiến, tận tụy giúp đỡ nhân dân. Nhiều hình ảnh đẹp của các chiến sĩ Cảnh sát xả thân cứu người, băng mình qua lũ dữ, qua sóng dữ cứu dân.

Cho đến bây giờ, nhiều người dân của Thủ đô Hà Nội và trên khắp mọi miền đất nước vẫn vô cùng xúc động trước những hình ảnh cảm động, dũng cảm giải cứu 5 người trong vụ cháy nhà ở tổ 2, thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội của Thượng úy Nguyễn Văn Tiến - cán bộ Ðội CSGT số 12, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội.

Nói về hành động dũng cảm của mình, Thượng úy Nguyễn Văn Tiến chia sẻ rằng: "Không chỉ riêng tôi mà bất cứ ai gặp trường hợp như vậy cũng phải tận tâm chữa cháy, cứu người". Hình ảnh của chiến sĩ trẻ Lê Chí Phước, 22 tuổi, công tác tại Trung đội Cảnh sát vũ trang bảo vệ Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, thuộc Phòng Cảnh sát Cơ động - Công an tỉnh Quảng Ngãi bất chấp nguy hiểm sóng dữ, lao xuống biển để cứu  người đuối nước được nhân dân vô cùng cảm phục.

Chiều 18-2-2018, 2 anh em ruột Nguyễn Văn Hoàng, Nguyễn Văn Huy bị đuối nước, trên bờ có khoảng 20 người. Do biển động, sóng lớn, không ai dám ra cứu. Nghe tiếng kêu cứu, chiến sĩ Lê Chí Phước chạy đến chiếc thuyền của người dân neo đậu gần đó chèo ra cứu người. Lúc này tháo dây neo không được, chiến sĩ Lê Chí Phước cởi vội chiếc áo mặc trên người và lao xuống biển, bất chấp nguy hiểm sóng dữ để bơi ra cứu người bị nạn.

Sau khi cứu được anh Nguyễn Văn Hoàng vào bờ, thấy chiến sĩ Lê Chí Phước đã mệt, mọi người ngăn cản, nhưng Lê Chí Phước vẫn tiếp tục bơi ra cứu người còn lại. Tuy nhiên khi tiếp cận được người bị nạn thì cả hai bị sóng cuốn mất tích. Cho đến sáng ngày 20-2-2018 (mùng 5 Tết Mậu Tuất), thi thể của chiến sĩ Lê Chí Phước mới được tìm thấy tại bãi biển Lâm Hạ, xã Đức Phong, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, cách nơi xảy ra sự việc gần 2 cây số.

Còn vô vàn những chiến công cùng biết bao sự hy sinh anh dũng, thầm lặng của những chiến sĩ CAND mà nhiều người chưa biết và nhớ hết. Họ là những người chiến sĩ vì Tổ quốc quên thân, vì nhân dân quên mình.

Dẫu biết rằng chặng đường dài phía trước còn biết bao gian nan, thử thách, thậm chí cả hy sinh xương máu nhưng những chiến sĩ Cảnh sát chẳng sờn lòng, mưu trí, dũng cảm, kiên cường, vượt qua tất cả để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ Đảng, giữ vững an ninh chính trị, âm thầm lặng lẽ lập nên những chiến công to lớn, mang lại sự bình yên, niềm vui và hạnh phúc cho mọi người.

Việt Hưng
.
.