Lực lượng CAND và nhiệm vụ ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường

Thứ Năm, 13/06/2019, 07:50
Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của Bộ Công an giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn 2030 đã được Công an các đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả. Sự vào cuộc đầy tinh thần trách nhiệm đó đã từng bước góp phần phát huy sức mạnh tổng hợp trong công tác quản lý nhà nước về BVMT và ứng phó với BĐKH quốc gia...


Có thể nói rằng, biến đổi khí hậu và sự suy thoái đa dạng sinh học đã và đang là những vấn đề môi trường nghiêm trọng nhất ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống và sự phát triển của con người trên toàn cầu.

Nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, chịu ảnh hưởng của 1 trong 5 "rốn" bão lớn của thế giới, nên diễn biến thời tiết, thủy văn của nước ta cũng vì thế hết sức phức tạp. Lực lượng CAND, với vai trò nòng cốt, chuyên trách trong bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội đã nghiêm túc thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, chủ động, quyết liệt xây dựng các kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), bảo vệ môi trường (BVMT).

Tuổi trẻ CAND trồng cây chắn sóng trên đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi.

Những năm qua, Bộ Công an đã có nhiều chương trình phối hợp nhằm ứng phó với BĐKH như Chương trình Mục tiêu quốc gia về ứng phó với BĐKH và tăng trưởng xanh; Đấu tranh với các loại tội phạm về môi trường; Phòng chống lụt bão, cứu hộ cứu nạn; Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên, BVMT.

Đặc biệt, Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của Bộ Công an giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn 2030 đã được Công an các đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả. Sự vào cuộc đầy tinh thần trách nhiệm đó đã từng bước góp phần phát huy sức mạnh tổng hợp trong công tác quản lý nhà nước về BVMT và ứng phó với BĐKH quốc gia.

Một trong những vấn đề nổi cộm hiện nay đang được ngành Công an hết sức chú trọng là vấn đề xử lý rác thải, nước thải sinh hoạt và rác thải, nước thải y tế. Tại một số trại giam, trại tạm giam, trung tâm giáo dưỡng, trước tình hình ô nhiễm gây lo ngại cho tình hình sức khỏe của cán bộ chiến sĩ và các phạm nhân, một loạt công trình xử lý nước thải đã được tiến hành xây dựng và đi vào hoạt động hiệu quả. Hầu hết các hệ thống xử lý nước thải đều phù hợp với điều kiện đặc thù của đơn vị, góp phần chỉnh trang trụ sở, các phân trại, khu lao động của phạm nhân khang trang, sạch đẹp.

Bên cạnh đó, xác định vấn đề rác thải, nước thải y tế luôn là vấn đề "nóng" được cả xã hội quan tâm, Bộ Công an cũng đã dành ngân sách thích đáng cho các bệnh viện, bệnh xá của Bộ Công an và Công an các tỉnh, thành phố để tập trung đầu tư các hệ thống xử lý nước thải, rác thải y tế hiện đại.

Việc xây dựng một hệ thống xử lý nước thải bệnh viện, bệnh xá hợp lí, tiết kiệm chi phí, tiết kiệm diện tích, đảm bảo yêu cầu chất lượng đầu ra đã được các bệnh viện, bệnh xá triển khai thực hiện tích cực với sự tư vấn, giúp đỡ của cơ quan chức năng. Hầu hết các công trình xử lý nước thải, rác thải đều đáp ứng được yêu cầu xử lý triệt để mầm bệnh, nguồn bệnh trước khi thải ra môi trường xung quanh.         

Tại tỉnh Quảng Ninh - một địa bàn nhạy cảm về biến đổi khí hậu và có tính dễ tổn thương cao đối với nước biển dâng, bão, áp thấp nhiệt đới, việc ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT được đặc biệt quan tâm.

Ông Phạm Văn Cường, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh đánh giá rất cao các hoạt động tuyên truyền về ứng phó với BĐKH lồng ghép với chiến dịch "Hãy làm sạch biển" của tuổi trẻ Công an tỉnh Quảng Ninh. Hoạt động này đã thu hút sự tham gia của đông đảo bà con nhân dân trong khu vực. Từ đó hình thành nhận thức về vai trò, trách nhiệm của mình đối với việc bảo vệ sinh thái và đa dạng sinh học, kêu gọi quần chúng nhân dân tham gia phong trào Vì an ninh Tổ quốc, chung tay làm sạch môi trường, tích cực tham gia trồng và chăm sóc bảo vệ rừng…

Bằng sự vào cuộc của tất cả các ngành chức năng và vai trò nòng cốt của Công an tỉnh, đến nay, Quảng Ninh đã cơ bản thực hiện quy hoạch và sớm triển khai các vùng bảo tồn đặc biệt đối với tài nguyên rừng, biển thuộc vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long, Cô Tô; quản lý chặt chẽ việc khai thác sử dụng hiệu quả tài nguyên, giảm áp lực đối với môi trường, cân bằng giữa các ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội và BVMT.

Tương tự như tỉnh Quảng Ninh, một loạt các hoạt động ứng phó với BĐKH đã được Công an tỉnh Cà Mau triển khai. Những năm gần đây, Cà Mau phải đối diện với vấn đề xâm nhập mặn và nắng nóng kéo dài. Nước mặn đã xâm nhập vào đất liền khoảng từ 40 - 45km, có nơi vào sâu đến 70km, khiến cho một diện tích lớn đất nông nghiệp cũng như nguồn nước của tỉnh bị nhiễm mặn. Cùng với đó, nắng nóng khiến cho hoa màu bị tàn phá và điều kiện sống bị đảo lộn. Điều này đã gây khó khăn rất lớn cho đời sống nhân dân cũng như hoạt động của các cơ quan đơn vị của tỉnh.  

Các đơn vị chức năng của lực lượng Công an quan trắc nước thải sinh hoạt tại Trại tạm giam tỉnh Gia Lai.

Trước thực trạng đó, Công an tỉnh Cà Mau đã phối hợp với các đơn vị chức năng của tỉnh lập phương án, biện pháp bảo vệ hệ thống đê kè, chống ngập mặn để ngăn nước biển dâng vào khu vực canh tác của nhân dân. Đồng thời vận động chính quyền địa phương và nhân dân tham gia tích cực các hoạt động nhằm ứng phó với các hiểm họa, giảm nhẹ và từng bước thích nghi BĐKH và nước biển dâng. Ngoài ra, Công an tỉnh Cà Mau cũng đã tranh thủ mọi nguồn lực để nhanh chóng xây dựng và phát huy hiệu quả các kế hoạch, mô hình, công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường và xâm nhập mặn, BVMT sinh thái của một vùng đất giàu tiềm năng và đa dạng sinh học nơi tận cùng Tổ quốc. 

Với nhiệm vụ phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, dưới sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn Bộ Công an, Công an các tỉnh, thành phố đã chủ động triển khai một loạt các phương án tổ chức diễn tập, thực tập, huấn luyện công tác ứng phó với các tình huống thiên tai, lụt bão, cháy nổ, cháy rừng… phù hợp với đặc điểm địa lý của từng địa bàn cụ thể nhằm rèn luyện, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ trong thực thi nhiệm vụ phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn cho cán bộ, chiến sĩ một cách bài bản, có nền nếp.

Có thể nói rằng, mỗi khi bão lũ, thiên tai xảy ra, mọi người sơ tán tránh nạn đến nơi trú tránh an toàn thì những cán bộ chiến sĩ Công an lại lao vào tâm bão, đến những vùng sạt lở, lũ lụt nghiêm trọng để làm nhiệm vụ…

Đơn cử như tại tỉnh Quảng Nam với đặc thù nằm trong khu vực Trung Bộ, chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Chỉ riêng trong năm 2017, tỉnh đã đón nhận liên tiếp nhiều cơn bão lớn làm sạt lở đất, gây mưa lũ và ngập úng nghiêm trọng, thiệt hại lên đến hàng nghìn tỉ đồng.

Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Nguyễn Đức Dũng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam khẳng định, khi có tình huống xảy ra, không quản mưa lũ nguy hiểm, cùng với các ngành chức năng, Công an tỉnh Quảng Nam luôn có mặt kịp thời trước, trong và sau mưa lũ để nỗ lực tiến hành hoạt động cứu hộ, bảo vệ an toàn người và tài sản của nhân dân trên địa bàn, dọn dẹp vệ sinh môi trường, khơi thông cống rãnh.    

Bên cạnh chức năng quản lý nhà nước về BVMT, công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên của lực lượng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường cũng đã đạt được các kết quả rất đáng khích lệ.

Đại tá Nguyễn Văn Sáu, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm môi trường cho biết, toàn ngành đã hình thành được hệ thống chuyên trách trong đấu tranh phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường từ Trung ương đến địa phương. Đồng thời có đội ngũ cán bộ được đào tạo cơ bản, tâm huyết với sự nghiệp bảo vệ môi trường nói chung và hăng hái trong đấu tranh phòng chống tội phạm nói riêng được các ngành, các cấp và nhân dân ghi nhận.

Theo đánh giá của Tổ chức Phát triển của Liên hợp quốc, Việt Nam được xem là một trong những nước sẽ bị ảnh hưởng nặng nề của BĐKH toàn cầu, nước biển sẽ ăn sâu vào đất liền mỗi năm đến cả 10m khiến các bãi cát bị thu hẹp. Những chiến sĩ Công an trên cả nước, với vai trò và trách nhiệm của mình đã không ngừng nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ mục tiêu nhằm góp phần vào công cuộc BVMT, bảo vệ đa dạng sinh học và ứng phó với BĐKH của đất nước. Một Việt Nam với rừng vàng, biển bạc và hệ sinh thái đa dạng, phong phú đã và đang được cả cộng đồng chung tay bảo vệ một cách quyết liệt.

Phạm Vân Anh
.
.