Lớp học của Công an phường

Thứ Ba, 02/01/2007, 15:00

Một câu hỏi trăn trở được đặt ra cho anh chị em Công an phường Phú Hiệp: “Chẳng lẽ chúng ta chịu bó tay? Vậy phải làm thế nào đây?”. Từ sự trăn trở đầy tinh thần nhân đạo ấy, hai lớp học tình thương gồm 40 học viên đã ra đời. Người chịu trách nhiệm đứng lớp đầu tiên dạy cho họ là chị Nguyễn Thị Thanh Thuần, một cán bộ Công an phường

Tổng kết những vụ mất cắp vặt ở chợ Đông Ba, chợ Dinh, trên dọc đường phố Chi Lăng, Trần Hưng Đạo (TP Huế), anh chị em Công an phường Phú Hiệp bỗng giật mình: Kẻ lấy cắp toàn là trẻ choai choai từ 10 tới 15 tuổi. Điểm mặt từng đứa một, thì hỡi ôi, hầu như toàn là con cái dân vạn đò.

Dân vạn đò là một trong những đặc thù của dân cư Huế! Họ không có một tấc đất cắm dùi. Tất cả mọi sinh hoạt của vợ chồng, con cái trên một chiếc đò lênh đênh trên mặt nước sông Hương, sông Đông Ba, sông An Cựu... Sống trên đò, nhưng làm nghề chủ yếu trên mặt đất: xích lô, xe thồ, bốc vác, buôn bán nhỏ. Một số khá giả hơn thì khai thác cát, sạn trên sông Hương làm vật liệu xây dựng, đánh bắt cá suốt cả dọc chiều dài con sông.

Lao động của họ lệ thuộc, nên thu nhập cũng thất thường. Nói chung là nghèo. Xét lý lịch của từng hộ, từ đời cha, đời ông vì đói khổ, vì chiến tranh, vì chèn ép, họ lang thang và cuối cùng tấp về đây thành dân vạn đò.

Tất cả mọi hoạt động trong gia đình chỉ nhằm một mục đích kiếm tiền để sống qua ngày. Chính vì vậy những đứa con nhỏ, bước được từ đò lên mặt đất là nghĩ ngay tới việc kiếm tiền. Chúng làm đủ cả: bán nước, bán lạc rang, lượm ve chai, giúp việc cho mấy quầy hàng trong chợ. Và cuối cùng cả việc móc túi của khách chúng cũng không từ. Miễn là có tiền. Dân Đông Ba gọi chúng bằng hai chữ: “Lao động hai ngón”. Biết vậy, nhưng họ cũng không dám la mắng, đánh chửi chúng. Liệu hồn, chúng sẽ phá phách, trả thù lúc nào không biết. Vì vậy chúng ngang nhiên hoành hành, tổ chức từng băng nhóm giống như những băng anh chị.

Điều đau khổ nhất cho dân vạn đò là hầu như chín mươi phần trăm mù chữ. Cha mẹ mù chữ, nên càng không ý thức cho con cái học hành. Chính vì vậy lũ trẻ mù chữ trăm phần trăm.

Các cụ ta có câu: “Bất học bất tri lý”, có nghĩa là không học thì không biết lẽ phải là gì. Trẻ con lang thang trộm cắp, không phải chúng không biết đó là tội lỗi. Song điều nhức nhối trước mắt chúng là đồng tiền, nên chúng bất chấp tất cả. Nhiều khi vì sự thôi thúc của đồng tiền, chúng còn liều mạng nữa.

Nhân khẩu dân vạn đò, lúc đông nhất trên thành phố là 6.700 người. Riêng phường Phú Hiệp đã có tới 210 hộ, với 1.900 người; đã vậy, Phú Hiệp số dân làm nông nghiệp chiếm tới 50%. Có thể nói Phú Hiệp là một phường nghèo nhất thành phố Huế.

Nhưng điều nhức nhối cho an ninh trật tự xã hội của phường Phú Hiệp lại chính là dân vạn đò.

Một câu hỏi trăn trở được đặt ra cho anh chị em Công an phường Phú Hiệp: “Chẳng lẽ chúng ta chịu bó tay? Vậy phải làm thế nào đây?”.

Mãi rồi câu trả lời cũng được Công an phường Phú Hiệp tìm ra: Tất cả mọi tội lỗi của lũ trẻ dân vạn đò đều có thể xảy ra bởi một lẽ đơn giản: chúng vô học. Vậy thì phải làm thế nào để chúng có học. Chúng không có điều kiện cắp sách đến trường thì phải cho chúng học vào ban đêm.

Lớp học của Công an phường Phú Hiệp.

Từ sự trăn trở đầy tinh thần nhân đạo ấy, hai lớp học tình thương gồm 40 học viên đã ra đời. Người chịu trách nhiệm đứng lớp đầu tiên dạy cho họ là chị Nguyễn Thị Thanh Thuần, một cán bộ Công an phường. Trường lớp thì mượn của trường mẫu giáo trong phường. Các cháu nhỏ chỉ học ban ngày, ban đêm nghỉ. Lớp học tình thương học đêm, nên mượn lớp không khó khăn. Đầu tiên học chung cả người lớn, trẻ em. Nhưng sau thấy trẻ em tiếp thu nhanh hơn, nên chia thành 2 lớp, một lớp lớn, một lớp nhỏ.

Có hai lớp tình thương, nhưng để nó tồn tại, thật không đơn giản một chút nào.

Anh Mừng, cán bộ Hội Nông dân phường Phú Hiệp đã từng dạy lớp tình thương kể:

- Tụi trẻ quen rong chơi, thói quen ấy rất khó sửa. Đêm đến, anh chị em công an và cán bộ phường phải đến từng nhà giải thích rõ cho bậc cha mẹ rồi dẫn chúng tới lớp học. Phải lo đủ cả sách vở, bút mực, và ngay cả quần áo cho chúng nữa, chúng mới đàng hoàng đến lớp. Một đứa trong lớp đau, chúng tôi phải mua thuốc đến tận nhà cho cháu uống khỏi. Gia đình các cháu không có ý thức học hành nên chỉ cần nói nặng lời với chúng là cha mẹ tới lớp đòi gây sự với giáo viên, đòi cho con bỏ học. Những ngày lễ như 1-6, tết Trung thu và cả tết Nguyên đán đều tổ chức cho lớp vui chơi, có quà tặng đàng hoàng. Thầy cô vừa dạy chữ, vừa dạy đạo đức cho học viên. Từ số không cho tới lúc chúng đến lớp đều đặn đã là cả một quá trình.

Anh Tam, Phó trưởng Công an phường Phú Hiệp nói thêm:

- Những đứa trẻ ban ngày dậy từ 4h sáng cùng cha mẹ đi khai thác cát sạn, tối về mệt đứ đừ, chỉ muốn lăn ra ngủ. Nếu mình không tới đưa đến lớp, chúng bỏ học liền. Những gia đình sống bằng nghề đánh bắt cá nay đây mai đó, các em phải theo đò của gia đình, nên học không đều. Để các em đến lớp được đều đặn, đầy đủ là công của ban bảo vệ dân phố, tổ dân phố và Công an phường. Đây là những lớp học đặc biệt. Nhỏ nhất: 6, 7 tuổi, lớn nhất, có người tới 36 tuổi. Trình độ học cũng không thuần, cho nên các lớp học đều là lớp dạy ghép các trình độ lớp 1, lớp 2, lớp 3, vì vậy thầy cô đến dạy phải cần cù, điềm tĩnh và lấy việc dạy học làm mục đích của mình.

Hai lớp tình thương của Phú Hiệp mở đầu tiên vào năm 1996. Cho đến nay đã chục năm trời. Biết là việc khó, nhưng mở lớp tình thương là quyết tâm của phường.

Trong 10 năm qua, Phú Hiệp đã mở tất cả được 14 lớp tình thương với 206 học viên.

Vì phải dạy ghép như vậy, cho nên các lớp học không chia lớp 1, lớp 2, lớp 3... mà gọi là mức 1, mức 2, mức 3. Mức 1 là trình độ lớp 1, lớp 2; mức 2 là trình độ lớp 2, lớp 3; mức 3 là trình độ lớp 3, lớp 4. Sau 3 mức này, em nào được hòa nhập với chương trình phổ thông, vào học lớp 4 phổ thông là vừa.

Các lớp tình thương chỉ bảo đảm các em học hết mức 3 là xong. Mỗi mức học có thi cử đàng hoàng. Bài thi do Phòng Giáo dục thành phố ra. Phòng cử người về tận nơi giám sát việc thi, việc chấm bài, bảo đảm trình độ học vấn của các em.

Sau mức 3, học sinh lớp tình thương được giới thiệu đến học ở phổ thông, các em lớn tuổi thì được phường xin cho vào học các trường dạy nghề của phường, học nề, mộc, điện.

Tôi hỏi:

- Có cháu nào từ lớp tình thương học cao lên nữa không?

Ông Hiếu - Phó Chủ tịch phường Phú Hiệp đáp:

- Trong mười năm nay, từ các lớp tình thương, em học lên cao nhất là lớp 9, nhưng số đó rất ít. Vì hoàn cảnh kinh tế và nếp sống của các gia đình vạn đò như vậy, nên đa số các em học xong mức 3 là chuyển sang học nghề. Có một cháu khá nhất chuẩn bị thi vào trường quân sự.

Suy nghĩ giây lát, ông nói tiếp:

- UBND phường giao các lớp học tình thương cho Công an phường, cho các đoàn thể trong phường lo toan, chăm sóc. Đây là thành công của cả một tập thể chứ không phải riêng một ai. Thấy các em đến lớp đều, chúng tôi mừng, xem xét kỹ, thấy các em khá thông minh, có em học giỏi nữa. Tình hình học tập này bà con vạn đò rất biết, rất tin ở chính quyền. Vì vậy họ rất mong từ giã vạn đò, lên ở trên mặt đất, để chăm lo việc học hành cho con em mình. Họ nói rất cảm động: “Đời chúng tôi đã lầm than rồi. Chúng tôi không muốn con em mình phải lầm than nữa”. Phường Phú Hiệp rất mong thành phố lo toan, sắp xếp được nơi định cư cho bà con vạn đò.

Anh Tam vui vẻ bổ sung:

- Đời sống dân vạn đò đúng là có điều còn phải bàn, nhưng đây là điều đáng nói nhất: từ khi các lớp học tình thương ra đời, nạn trộm cắp vặt vãnh trong chợ, trên đường phố vắng dần. Các lớp tình thương đã dạy văn hóa, dạy đạo đức cho các em. Lớp tình thương là một hướng đi đúng, một hướng đi đầy nhân ái của Phú Hiệp chúng tôi.

Lớp học tình thương - một góc khuất ít người biết, nhưng rất đáng trân trọng ở thành phố di sản này. Người nghĩ ra ý tưởng này, và những người đưa ý tưởng ấy thành hiện thực xứng đáng là người chủ thành phố của mình

(Bài viết tại Trại sáng tác Văn học do Báo CAND tổ chức)
.
.