Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an):

Lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo kết quả công việc

Thứ Năm, 26/04/2018, 08:57
Cục Quản lý xuất nhập cảnh là một trong những đơn vị đi đầu của Bộ Công an trong việc cải cách thủ tục hành chính. Thực hiện Đề án 30 của Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục hành chính, đơn vị đã đề xuất giảm trên 40% thủ tục về xuất nhập cảnh nhưng vẫn đảm bảo công tác quản lý, phục vụ tốt yêu cầu công tác an ninh. 


Trải qua 60 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, trong bất cứ điều kiện hoàn cảnh nào, tập thể cán bộ, chiến sĩ Cục Quản lý xuất nhập cảnh đều vượt qua mọi khó khăn, tận tụy cống hiến, lập nhiều chiến công xuất sắc; chủ động phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý kịp thời những hành vi vi phạm pháp luật về xuất nhập cảnh và các loại tội phạm khác.

Hành lang thông thoáng mà lực lượng Quản lý xuất nhập cảnh tạo ra là một trong những chìa khóa mở cánh cửa thu hút dòng chảy kiều hối, vốn đầu tư nước ngoài và phát triển du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước.

Bảo đảm vững chắc chủ quyền đất nước 

Ngày 13-5-1953, Cục Quản lý xuất nhập cảnh mà tiền thân là Phòng Quản lý Ngoại kiều và Phòng Công an Biên phòng được thành lập theo nghị định của Thứ Bộ Công an (nay là Bộ Công an). Giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã chủ động tham mưu, đề xuất các biện pháp quản lý người nước ngoài trong các cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự, các tổ chức quốc tế; kết hợp hài hòa các biện pháp quản lý hành chính, nghiệp vụ và tuyên truyền, nhờ đó đã nhận được sự ủng hộ và tạo nên mặt trận chống Mỹ rộng rãi ở khắp các nước trên thế giới.

Sau chiến thắng 30-4-1975, Cục Quản lý xuất nhập cảnh  đã đăng ký, quản lý hàng ngàn người nước ngoài bị kẹt lại miền Nam, tiếp nhận quản lý các cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự các nước, triển khai công tác quản lý cửa khẩu sân bay quốc tế. Đồng thời, phối hợp với các lực lượng nghiệp vụ phát hiện nhiều âm mưu, ý đồ của các thế lực thù địch thông qua các hoạt động cài cắm, đưa người vào.

Kể từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng, đường lối đổi mới phát triển nền kinh tế theo cơ chế thị trường, mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế, đánh dấu bước ngoặt quan trọng của đất nước. Trước yêu cầu nhiệm vụ mới, lực lượng Quản lý xuất nhập cảnh đã tiến hành nghiên cứu, tham mưu đề xuất ban hành nhiều văn bản pháp quy, hướng dẫn về thủ tục xuất nhập cảnh, xây dựng các quy chế quản lý các đoàn của ta ra nước ngoài và các đoàn khách nước ngoài vào Việt Nam.

Cán bộ, chiến sĩ Cục Quản lý xuất nhập cảnh tận tình hướng dẫn nhân dân làm thủ tục xuất nhập cảnh.

Pháp lệnh nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú đi lại của người nước ngoài tại Việt Nam được ban hành năm 1992 là điểm nhấn của thời kỳ này, qua đó không chỉ tạo hành lang thông thoáng cho các hoạt động xuất nhập cảnh, phù hợp với xu thế chung của đất nước, nhưng lại trở thành lá chắn chặt chẽ hơn trong công tác nghiệp vụ an ninh; góp phần ngăn chặn và trục xuất thành công nhiều đối tượng nước ngoài vào Việt Nam để thực hiện ý đồ, mục đích riêng, bảo đảm chủ quyền vững chắc của đất nước.

Đơn vị đã chủ động, sáng tạo, tham mưu đề xuất Chính phủ, lãnh đạo Bộ Công an nhiều chủ trương, chính sách nhằm đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý xuất nhập cảnh; đồng thời triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ của lực lượng An ninh, thực hiện xuất sắc các nhiệm vụ đặt ra, góp phần tích cực đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới, mở rộng quan hệ đối ngoại, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Những năm qua, Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã trực tiếp làm thủ tục và tham gia bảo vệ hàng trăm đoàn nguyên thủ của nhiều nước trên thế giới tới thăm và làm việc tại Việt Nam, nhiều đoàn khách quốc tế vào Việt Nam dự các hội nghị lớn như Hội nghị cấp cao ASEM 5, Hội nghị cấp cao APEC; đảm bảo tuyệt đối an toàn các hoạt động chính trị lớn của đất nước như các kỳ Đại hội Đảng toàn quốc, bầu cử Quốc hội...               

Mở cánh cửa thu hút dòng chảy kiều hối, vốn đầu tư nước ngoài

Cục Quản lý xuất nhập cảnh là một trong những đơn vị đi đầu của Bộ Công an trong việc cải cách thủ tục hành chính. Thực hiện Đề án 30 của Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục hành chính, đơn vị đã đề xuất giảm trên 40% thủ tục về xuất nhập cảnh nhưng vẫn đảm bảo công tác quản lý, phục vụ tốt yêu cầu công tác an ninh. Trong đó đã mạnh dạn loại bỏ nhiều thủ tục thuộc thẩm quyền của lực lượng quản lý xuất nhập cảnh; đảm bảo công tác quản lý xuất nhập cảnh được thực hiện công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức và cá nhân trong quá trình thực hiện.

Phương châm "Ba giảm" được đề ra (giảm thời gian, giảm thủ tục, giảm chi phí) của Chính phủ trong công tác cải cách hành chính. Việc tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính được thực hiện theo cơ chế một cửa, nhanh gọn, thuận tiện cho các cá nhân và tổ chức.

Nổi bật là việc thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam, thực hiện thí điểm từ ngày 1-2-2017. Sau 9 tháng triển khai, đã có gần 1 triệu lượt người truy cập vào Trang thông tin cấp thị thực điện tử; có 96.478 lượt người nước ngoài đề nghị và được cấp thị thực điện tử, trong đó có 93.266 lượt người nước ngoài tự truy cập vào hệ thống và 3.212 lượt người nước ngoài thông qua các cơ quan, tổ chức trong nước làm thủ tục. Số lượng thị thực điện tử cấp cho người nước ngoài tăng nhanh theo từng tháng.

Công dân các nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực cũng lựa chọn thị thực điện tử thay vì nhập cảnh Việt Nam theo diện đơn phương miễn thị thực. Dư luận trong và ngoài nước đánh giá cao về việc áp dụng cấp thị thực điện tử của Việt Nam, đặc biệt đã thu hút sự quan tâm của địa bàn Mỹ và châu Âu.

Qua trao đổi, cơ quan đại diện một số nước được Việt Nam thí điểm cấp thị thực điện tử đều có chung đánh giá, mặc dù Việt Nam áp dụng cấp thị thực điện tử sau các nước, nhưng đã có những cải cách mạnh mẽ, thủ tục rất đơn giản, thuận tiện. Việc cấp thị thực điện tử đã thu hút hơn nữa người nước ngoài vào Việt Nam du lịch, khảo sát thị trường, tìm cơ hội đầu tư; cải cách hành chính một cách triệt để trong công tác quản lý nhập xuất cảnh của người nước ngoài. Thời hạn giải quyết cấp thị thực điện tử theo quy định là 3 ngày làm việc, tuy nhiên, trên thực tế, hầu hết đều được giải quyết trong thời hạn từ 1 - 2 ngày làm việc.

Bước đột phá trong cải cách hành chính của đơn vị còn được đánh dấu bằng việc triển khai hệ thống khai báo, tiếp nhận và quản lý thông tin tạm trú của người nước ngoài thông qua mạng Internet tại Cơ quan Quản lý Xuất nhập cảnh ở Trung ương và 63 địa phương trên cả nước.

Tỷ lệ người nước ngoài được khai báo tạm trú tăng lên rất nhiều so với trước khi triển khai chương trình ở hầu hết các địa phương. Vào tháng 2-2016, Công an TP Hà Nội đã triển khai chương trình khai báo tạm trú cho người nước ngoài, đồng thời với việc khai báo tạm trú cho cả người Việt Nam. Đến tháng 6-2017, Hà Nội bắt đầu thực hiện khai báo trên cùng 1 hệ thống với Cục Quản lý xuất nhập cảnh, thống nhất quản lý người nước ngoài trên phạm vi toàn quốc.

Sau hơn 2 tháng thí điểm, hiện có khoảng 1.000 cơ sở lưu trú khai báo trên hệ thống mới. Đại diện các khách sạn tại Hà Nội đã có đánh giá rất tốt về sự thông minh cũng như tiện ích của chương trình mới này. Do trên địa bàn Hà Nội hiện nay, có quá nhiều các cơ sở kinh doanh lưu trú nhỏ lẻ, chủ cơ sở này là người địa phương khác có nhà cho người nước ngoài thuê nên việc khai báo thông tin khách nước ngoài tạm trú theo chương trình mới còn chưa được nhiều người tiếp nhận.

Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an TP Hà Nội đã triển khai tập huấn cho hàng nghìn cán bộ Công an các xã, phường, đầu tư hơn 600 thiết bị có kết nối Internet để có thể hỗ trợ trực tiếp cho người dân, đảm bảo chủ các cơ sở lưu trú bất kỳ đâu cũng có thể khai báo được.

Tiện ích của chương trình này là chỉ cần "click" chuột đăng ký, chủ các cơ sở kinh doanh lưu trú có thể thực hiện việc khai báo tạm trú ngay tại cơ sở của mình vào bất cứ lúc nào mà không mất phí, không phải trực tiếp đến Công an phường, xã, thị trấn để thực hiện khai báo thủ công như trước đây, giúp tiết kiệm được thời gian, chi phí đi lại. 

Cho đến thời điểm này, đã có 9.020 cơ sở kinh doanh lưu trú trên toàn quốc đăng nhập hệ thống với gần 2,6 triệu khách nước ngoài được khai báo thông tin qua mạng, thể hiện một bước đột phá về cải cách hành chính trong lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh. Việc triển khai hệ thống khai báo tạm trú cho người nước ngoài trên mạng Internet không chỉ giúp các cơ sở kinh doanh lưu trú giảm thời gian, công sức mà còn giúp lực lượng chức năng chủ động kịp thời nắm tình hình, quản lý người nước ngoài lưu trú trên địa bàn và từng bước đưa công tác đăng ký, quản lý lưu trú người nước ngoài đi vào nền nếp. Đây được coi là giải pháp cải cách hành chính dịch vụ công cấp độ 4 theo chỉ đạo của Chính phủ cũng như tăng cường công tác quản lý nhà nước về ANTT.

Với những chiến công, thành tích đã đạt được, Cục Quản lý xuất nhập cảnh  đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh; phong tặng Danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; Cờ Thi đua của Chính phủ "Đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua" và nhiều Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các tập thể và cá nhân, cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.

Với sự đóng góp tích cực của công tác quản lý xuất nhập cảnh, hiện nay đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đã phát triển vượt bậc và trở thành một mũi nhọn chủ lực trong phát triển kinh tế. Hành lang thông thoáng mà lực lượng xuất nhập cảnh tạo ra là một trong những chìa khóa mở cánh cửa thu hút dòng chảy kiều hối, vốn đầu tư nước ngoài và phát triển du lịch, góp phần thúc đẩy kinh tế đất nước phát triển.

Việt Hưng
.
.