Kiểm lâm ra…biển

Chủ Nhật, 07/02/2016, 08:00
Hoa đào Côn Đảo nở rộ, khoe sắc hồng dịu dàng giữa cơn gió biển mặn rát báo hiệu xuân về. Sóng bắt đầu dữ nhưng những chuyến tàu chở quà Tết vẫn lướt ra khơi. Chuyến tàu mang chút hơi xuân lẫn tình người ở đất liền đến các hòn đảo nhỏ - nơi có người lính kiểm lâm đón Tết bằng loài hoa lạ kiên cường.


1. Anh Nguyễn Văn Trà, Phó hạt trưởng Hạt kiểm lâm Côn Đảo hay đùa với anh em: kiểm lâm đáng lẽ chỉ giỏi đi bộ đường rừng và có bằng lái xe thì kiểm lâm Côn Đảo còn phải giỏi lái ca nô, xuồng máy và bơi lội. Nên mới có câu: "Ai ra Côn Đảo mà coi/ Ở đây có chuyện nực cười/ Hải quân trèo lên núi/ Kiểm lâm sống giữa biển khơi".

Người lính ở đây không đơn thuần chỉ là người chiến sĩ trong cuộc chiến cam go với lâm tặc, đánh bắt hải sản trộm, giữ gìn an ninh biển đảo... mà còn là nhà khoa học kiêm hướng dẫn viên du lịch sinh thái. Có du khách ngoại quốc trầm trồ rằng kiểm lâm ở đây không khác gì nhà bảo tồn đa dạng sinh học.

Các trạm kiểm lâm năm nào cũng phát động chương trình "Nhật ký tuần tra". Ngoài việc phát hiện xử lý đối tượng vi phạm, mọi hiện tượng, đặc điểm sinh học lạ của cây, con bắt gặp trên đường đi, họ đều phải ghi chép vào sổ. Hết một năm, anh em tập hợp sổ lại để thống kê, rút đánh giá, kết luận làm căn cứ cho đề tài nghiên cứu khoa học. Nhờ vậy, các anh rất rành về động, thực vật trên đảo, mật độ, tập tính từng loài...

Một chuyến tuần tra đầu xuân của kiểm lâm Côn Đảo.

Ông Lê Xuân Ái, nguyên Giám đốc Vườn quốc gia Côn Đảo cắt nghĩa: "Người ta có yêu, có hiểu giá trị điều mình làm thì người ta mới hết lòng vì nó". Chương trình chính là cách khơi dậy tình yêu cây rừng, biển cả trong lòng những người lính trẻ mới xa đô hội phố phường. Chuyến tuần tra không còn khô khan mà thổi vào nó niềm say mê mới lạ, đầy thú vị.

Kiểm lâm Côn Đảo còn nổi tiếng là bà đỡ mát tay của rùa biển. Mùa sinh sản kéo dài từ tháng 4 đến tháng 11. Bãi đẻ quen thuộc nằm ở hòn Bảy Cạnh, hòn Cau, hòn Tre Lớn, hòn Tài, bãi Dương, bãi Bàng, bãi Ông Đụng, bãi Ông Cường, bãi Đất Thắm... Rùa biển đẻ trong đêm nên ánh sáng và tiếng ồn là điều khủng khiếp với chúng. Các kiểm lâm viên phải giữ bãi cát thật yên tĩnh. Nếu có du khách ghé đảo, các anh hướng dẫn họ yên lặng quan sát cùng mình. Khi con rùa bắt đầu đẻ trứng, kiểm lâm viên dùng cây đèn pin nhỏ cột vào cây que đủ để soi vào tổ rùa.

Trên cây que có ghi số liệu ngày rùa đẻ, thời gian đẻ, tổ thứ mấy...  Một con rùa đẻ từ 80 đến 200 trứng trong khoảng 30 phút. Có đêm, hàng chục con rùa lên bãi đẻ nên các anh thức trắng. Rùa lấp cát, về biển, kiểm lâm viên phải nhanh chóng lấy trứng vì để trên 6 tiếng mới lấy thì chúng dễ bị hỏng do trứng rùa không có dây phôi. Trứng đưa về lò ấp. Ánh sáng quyết định đến giới tính của rùa. Vì vậy một nửa trứng đem vào lò có nhiều ánh sáng để nở ra con đực, một nửa vào lò có lưới chống nắng để nở ra con cái.

Ngày trước, các "bà đỡ" chỉ có nhiệm vụ đánh dấu tổ rùa đẻ rồi theo dõi. Nhưng số lượng rùa con an toàn về biển sụt giảm vì bị con người lấy trộm, bị động vật khác ăn, trứng hỏng do ngập úng, rùa khác đẻ  trùng ổ... Cách ấp trứng nhân tạo giúp tỉ lệ nở tăng đáng kể. Hơn 20 năm qua, hàng triệu chú rùa con trở về với biển từ bàn tay các anh.

Khoảng 50 ngày, rùa con nở. Ngày thả rùa con về với biển là ngày các anh hạnh phúc nhất. Nhìn những chú rùa líu ríu tập tễnh lao xuống biển,  bị sóng đánh  lăn kềnh hươ hươ bốn chân nhỏ xíu lên trời, có anh không cầm được nước mắt. Đó như những đứa con bé bỏng mà các anh đã che chở, nâng niu từ khi chúng là quả trứng nóng hổi. Người ta bảo, rùa con tự bò xuống biển sẽ lưu trong trí nhớ bãi cát nó sinh ra. Khi trưởng thành, chúng sẽ quay về đúng nơi ấy để lặp lại thiên chức của mẹ chúng. Người lính trông ra biển, ánh mắt âu lo.

"Đi đi các con, chóng lớn, chóng khỏe rồi trở lại đây nhé". Rùa mẹ vào bãi đẻ được bấm số hiệu theo dõi. Rùa con thì không. Số phận rùa con giữa đại dương mênh mông không biết ra sao khi tỉ lệ sống sót chỉ 1/1.000. "Nhiều lúc lẩn thẩn tự hỏi không biết có con rùa mẹ nào lên bờ đẻ trứng là những chú rùa con ngày xưa mình thả?" - anh Trà buột miệng.

2. Côn Đảo có 14 đảo thì 12 đảo có trạm kiểm lâm như đảo Hòn Tre Lớn, đảo Bảy Cạnh, Hòn Cau... Mỗi trạm có khoảng 5-8 người, toàn lính trẻ. Cuộc sống của kiểm lâm ở đảo Lớn (đảo Côn Sơn) ít nhiều thuận lợi hơn so với các đảo nhỏ. Bởi ở đảo nhỏ, có lẽ duy nhất trạm kiểm lâm là có hơi người. Một tháng, lính được về đảo Lớn dăm ngày để thăm gia đình, mua vật dụng cá nhân. Nguồn điện từ pin năng lượng mặt trời hạn chế nên chủ yếu dùng chiếu sáng, mở tivi xem thời sự ban đêm. Nhưng chỉ một số đảo được diễm phúc đó. Hầu hết các đảo tiếp xúc với thế giới bên ngoài bằng radio.

Trước đây, nước ngọt khan hiếm, những can nước chuyển từ đảo Lớn chỉ cho tiêu chuẩn mỗi người 10 lít một ngày. Bây giờ, hầu hết các đảo có bể hứng nước mưa nên anh em trồng được rau, bầu bí, đu đủ... Bữa ăn cải thiện, màu da bớt xanh. Vui mừng nhất là vài đảo có tủ lạnh nhỏ để làm đá và trữ đồ tươi sống. 20 năm đạp sóng, phơi gió trên khắp đảo lớn, đảo nhỏ, hỏi hạnh phúc nhất trong đời là gì, có anh kiểm lâm thật thà: "Lần đầu tiên pha cà phê mà có cục đá lạnh bỏ vô!".

Khó khăn nhất là đảo Hòn Tre nhỏ. Nếu đảo khác có bờ bãi để anh em bắt con tôm con cá thì ở đây bốn bề là vách đá dựng đứng, sóng vỗ ầm ì. Trên đảo cũng toàn đá, ít cây rừng nên cọng rau xanh là ước mơ. Cứ một tháng mới có chuyến tàu ra tiếp tế lương thực. Mùa biển động thì 2, 3 tháng mới có tiếp tế nên quanh năm anh em ăn toàn đồ khô, đồ hộp. Những đảo khác thỉnh thoảng còn có khách, riêng đảo này khách lạ là món quà xa xỉ.

Chắc chỉ ở Côn Đảo mới có kiểu "bốt" điện thoại công cộng lạ lùng làm bằng thùng xốp. Chiếc thùng giúp hứng sóng, chắn gió biển. Mỗi lần nói chuyện phải ra "bốt", đặt điện thoại ở vị trí cố định, mở loa ngoài mới nghe được. Tình hình người yêu, gia đình như thế nào đều bị mọi người tường tận chân tơ kẽ tóc. Anh em vây quanh "bốt" nghe lỏm để nỗi nhớ gia đình đỡ cồn cào. Dù bất tiện nhưng có ai nỡ từ chối cái hạnh phúc đơn sơ ấy của người lính xa nhà. Nỗi mình cũng như nỗi bạn. Nên một cuộc điện thoại như cuộc gặp gỡ tập thể, tiếng hỏi thăm í ới.  Ít ra, kiểm lâm ở đảo có "bốt" vẫn sung sướng hơn trạm Đầm Tre, Ông Đụng vốn không hề có sóng điện thoại.

Kiểm lâm Côn Đảo hướng dẫn du khách thả rùa con về biển.

Hồi mới vào trạm cơ động, chí làm trai muốn thỏa sức bay nhảy của anh Trà như cá gặp nước. Trên hòn đảo có loài chim yến làm tổ, trạm kiểm lâm dựng sơ sài bằng tre, mái lá. Sống trong điều kiện thiếu thốn hơi người, giữa cát sỏi chơ vơ, anh mới thấm thía thế nào là tình đồng chí. "Chỉ từng ấy con người, không yêu thương đùm bọc, giận nhau thì biết ở với ai? Có một miếng cơm, manh áo cũng nhường nhịn nhau, một người ốm là người còn lại cũng xanh mắt. Chúng tôi cùng chung lý tưởng, nhiệm vụ mới có mặt nơi này thì phải đoàn kết để cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ" - anh Trà tâm sự.

Tết trên đảo cũng bánh chưng, cũng kẹo mứt, nước ngọt nhưng đồ hộp vẫn nhiều hơn đồ tươi. Khoảng 25, 26 tháng Chạp, tàu từ đảo Lớn chở hàng tiếp tế cho kiểm lâm đảo nhỏ đón Tết. Chỉ 50% quân số ở lại làm nhiệm vụ dịp Tết, anh em khác được phép với gia đình, rồi lần lượt thay nhau. Ở đảo có 4 người, dịp Tết chỉ còn hai người cùng nâng chén rượu đón giao thừa.

Không trò chơi,  không pháo hoa, tiếng nhạc tưng bừng như đất liền, chỉ có cỏ cây, đá sỏi, những con vật nhỏ, tiếng sóng vỗ bờ làm bạn. Để đêm giao thừa bớt quạnh quẽ, mọi người tổ chức giao lưu văn nghệ "xuyên đảo" ... qua bộ đàm. Chi tiết này được nhạc sĩ Xuân An đưa vào "Hành khúc kiểm lâm Côn Đảo": "Đêm đêm qua tiếng máy bộ đàm. Hát lên nào sưởi ấm lòng nhau. "Trường Sơn Đông" rồi "Huế tự hào" (Nghĩa là lính đảo này hát bài "Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây" thì lính đảo khác đáp lại bằng bài "Huế, tình yêu của tôi" - PV). Trong mênh mông rừng cũng lao xao".

Hỏi lỡ biển động dữ quá, tàu không kịp tiếp tế thì anh em lấy gì đón Tết? Một anh lên tiếng: "Thì có sao đâu, đón Tết chay cũng được. Sống đâu quen đó mà". Anh lính khác chen vào: "Nói vui vậy thôi chứ dù biển động cỡ nào tụi tôi cũng ráng đi. Tội mấy anh em ở ngoải đợi". Xếp những món quà Tết vào bịch ni lông, họ cười rộ, nụ cười trắng xóa trên gương mặt cháy nắng phả mùi của biển, của rừng. Hai màu xanh bình yên...

Phan Thi Uyên - Xuân 2016
.
.