Khắc ghi công ơn người anh hùng

Thứ Năm, 17/08/2017, 08:08
Tượng chân dung cố Bộ trưởng Bộ Công an Bùi Thiện Ngộ, Anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu, Anh hùng liệt sĩ Lê Thành Duy vừa được an vị và khánh thành tại Phòng Tưởng niệm thuộc trụ sở CLB Công an hưu trí tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ((77A, Bà Huyện Thanh Quan, TP Vũng Tàu). Dưới làn khói hương, câu chuyện ngược về quá khứ được lớp lớp thế hệ Công an kể mãi, bất tử như một khúc tráng ca huyền thoại.


Lễ khánh thành ba bức tượng diễn ra vào một ngày ấm cúng, thiêng liêng. Trung tướng Châu Văn Mẫn, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục XDLL CAND, người anh hùng từng chịu nhiều tù đày trong địa ngục trần gian Côn Đảo hiểu hơn hết những gian khổ, hiểm nguy của người chiến sĩ cách mạng ở mảnh đất này trong muôn trùng họng súng của địch. Ở đó, mọi đòn tra tấn khắc nghiệt, mọi nguy khó rình rập như lò lửa tôi rèn cho ý chí của người cộng sản kiên trung, vì nước vì dân quên mình hy sinh cho lý tưởng.

Nhân dịp 72 năm Ngày truyền thống lực lượng CAND Việt Nam, giới trẻ Công an xúc động khi được thế hệ cha anh ôn lại chuyện kể về những người anh hùng.

Cố Thượng tướng Bùi Thiện Ngộ (1929 – 2006), nguyên Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an), Giám đốc Công an đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo sinh ra tại Tân Định, Sài Gòn. Ông tham gia cách mạng khi mới 16 tuổi và đứng vào hàng ngũ của Đảng hai năm sau đó với những thành tích nổi bật. Ông đã kinh qua nhiều chức vụ, từ cán bộ cơ sở đến những trọng trách của Đảng và Nhà nước. Sự nghiệp của ông gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của lực lượng CAND Việt Nam.

Sinh thời, cố Bộ trưởng Bùi Thiện Ngộ là người sống giản dị, thanh bạch, làm gì cũng nghĩ đến dân, đến nước. Dù đảm đương nhiều vị trí quan trọng do Đảng và Nhà nước giao phó, nhưng cuộc sống của cố Thượng tướng Bùi Thiện Ngộ hết sức cần kiệm, thậm chí đến mức kham khổ. Ông không cần cảnh vệ, lúc nào cũng chỉ đi xe Lada.

Ai tỏ ý ái ngại, ông từ tốn cắt nghĩa: “Không phải tôi không thích xài đồ xịn, đồ tốt, xe ôtô, máy lạnh Nhật, song dân còn nghèo, nước còn nghèo, thì phải tiết kiệm để xây dựng đất nước chứ. Là cán bộ cấp cao của Đảng, Bộ trưởng đứng đầu một bộ, mình phải gương mẫu, phải hy sinh những lợi ích cá nhân, gia đình thì mới nói, mới làm gương cho anh em được”.

Cán bộ, chiến sĩ Công an dâng hương tại Phòng Tưởng niệm cố Bộ trưởng Bùi Thiện Ngộ, liệt sĩ Võ Thị Sáu, liệt sĩ Lê Thành Duy.

Thế nên, trong lòng cán bộ, chiến sĩ Công an nói riêng và nhân dân nói chung, Thượng tướng Bùi Thiện Ngộ là tấm gương sáng về tinh thần yêu nước, bản lĩnh của người cộng sản, về trí tuệ sắc bén của người lãnh đạo và là mẫu mực về đạo đức cách mạng.

Thời kỳ chống Pháp, lực lượng Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nổi lên với nhiều tấm gương cách mạng tiêu biểu. Trong đó phải kể đến Anh hùng liệt sĩ Lê Thành Duy, Anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu. Liệt sĩ Lê Thành Duy sinh năm 1922 tại thị trấn Bà Rịa, tình Bà Rịa (này là tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu).

Sinh ra trong một gia đình tiểu tư sản trí thức, là con trai ông Lê Thành Long, nguyên “Đốc phủ sứ” của chế độ thuộc địa Nam Kỳ nhưng anh sớm giác ngộ cách mạng. Lê Thành Duy trở thành cái tên tích cực tham gia lực lượng Quốc gia tự vệ cuộc của tỉnh Bà Rịa từ những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám 1945. Đây chính là lực lượng tiền thân của Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu sau này. Lòng yêu nước hăng say đã đưa anh trở thành lá cờ đầu của lực lượng, nhanh chóng nắm giữ vị trí chỉ huy trưởng rồi trở thành Đội trưởng Đội trinh sát Quốc vệ đội, Ty Công an tỉnh Bà Rịa.

Cùng đồng đội, Lê Thành Duy đã tiêu diệt nhiều tên Việt gian chỉ điểm gian ác, trấn áp nhiều tổ chức phản động của địch, vận động nhiều tên ra đầu hàng Việt Minh. Năm 1945, anh trực tiếp chỉ huy một bộ phận vũ trang chặn đánh bọn phiến loạn do hai phần tử cơ hội, phản loạn cướp chính quyền là Phan Đình Tân và Trịnh Ngọc Hiền, làm thất bại ý đồ dùng áp lực để lật đổ chính quyền cách mạng còn non trẻ.

Khi đang trên đường đi công tác, ngày 22-5-1946, Lê Thành Duy lọt vào ổ phục kích của giặc Pháp ở Núi Nứa – Bà Trao (nay thuộc xã Long Sơn). Biết đây là nhân vật quan trọng, chúng đưa anh về khám đường Vũng Tàu để tiện dùng đủ mọi cực hình dã man tra tấn hòng moi móc nhiều thông tin cơ mật. Nhưng mặc đòn roi tàn bạo của kẻ thù, Lê Thành Duy không hé răng nửa lời.

Không thể khuất phục được bằng đòn roi, chúng dùng tình máu mủ ruột rà để chiêu dụ người chiến sĩ cách mạng. Địch đưa Lê Thành Duy đi gặp quận trưởng Lê Thành Tường, là họ hàng chú bác với anh. Nhưng quận trưởng chưa kịp nói gì thì anh đã giơ tay ngăn: “Tôi với anh tuy có cùng dòng họ nhưng anh có con đường của anh, tôi có con đường riêng của tôi. Thôi anh đừng nói gì nữa...”.

Bất lực, địch đưa anh ra xử bắn tại Bà Rịa, ngay đầu cầu Long Hương bên bờ sông Dinh vào ngày 28-5-1946. Sự hy sinh anh dũng của Lê Thành Duy đã tác động đặc biệt đến tâm trí quần chúng thành thị, nhất là giới công chức và trí thức, làm tăng thêm lòng căm thù của nhân dân đối với thực dân Pháp, thổi bùng ngọn lửa kháng chiến ở địa phương.

Anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu vốn đã trở thành hình tượng nổi tiếng trong thơ ca, nhạc họa, phim ảnh. Sự hy sinh bất khuất của chị mãi được thế hệ đời sau nhắc nhở mỗi khi ai đó có dịp về huyện Đất Đỏ - nơi chị cất tiếng khóc chào đời, hay ghé nghĩa trang Hàng Dương, Côn Đảo – nơi người thiếu nữ yên giấc ngàn thu nghe sóng vỗ đôi bờ.

Thượng tướng Nguyễn Văn Thành, Thứ trưởng Bộ Công an ghi cảm tưởng nhân dịp khánh thành phòng tưởng niệm.

Theo gương cha anh, năm 1947, khi mới 14 tuổi, Võ Thị Sáu tham gia Đội trinh sát vũ trang quận Đất Đỏ. Trở thành chiến sĩ trinh sát vũ trang, chị đã đóng giả nhiều vai, từ người dân đi chợ, thợ cấy, thợ gặt... luồn sâu vào vùng địch tạm chiếm từ Đất Đỏ đến Phước Lợi, Phước Hải để trinh sát địa bàn, nắm tình hình địch, kịp thời báo cho cách mạng. Từ khi có chị, Đội trinh sát vũ trang quận và lực lượng cách mạng khác ít bị địch phục kích, tránh nhiều tổn thất thương vong.

Ngày 14-7-1948, tỉnh trưởng Bà Rịa là Lê Thành Tường tổ chức mít tinh kỷ niệm quốc khánh Pháp tại quận Đất Đỏ. Đội Công an xung phong của quận Đất Đỏ nhận lệnh phá rã cuộc mít tinh. Võ Thị Sáu được giao nhiệm vụ đánh táo bạo bất ngờ. Chị mang theo lựu đạn ém vào góc chợ gần sát lễ đài từ lúc nửa đêm, hai tổ Công an xung phong được bố trí chốt chặn gần đó có nhiệm vụ bắn yểm trợ cho chị rút lui và tạo áp lực giải tán cuộc mít tinh.

Khi xe của Lê Thành Tường vừa tới, bọn lính lùa đồng bào vào sân thì chị ném lựu đạn về phía khán đài và hô to “Việt Minh tấn công”. Cuộc mít tinh chưa bắt đầu nhưng đã kết thúc trong hỗn loạn, tỉnh trưởng mất mặt với quan Tây.

Tháng 2-1950, chị lại dùng lựu đạn giết Cả Đay và Cả Suốt – hai tên lính bảo an ác ôn nguy hiểm – giữa ban ngày ngay trước cổng chợ Đất Đỏ và làm bị thương nhiều tên lính khác. Chị bị địch bắt và chịu nhiều nhục hình dã man.

Mới 16 tuổi, nhưng cô gái miền Đất Đỏ đã khiến những tên lính khiếp sợ vì ý chí sắt đá, ngoan cường. Tại phiên tòa đại hình, Võ Thị Sáu dõng dạc: “Yêu nước chống bọn thực dân xâm lược không phải là tội”. Giờ phút cuối cùng của đời mình, chị hát vang những bài ca cách mạng. Và đến khi họng súng quân thù khạc đạn, chị không hề run sợ mà nhìn ngắm bầu trời quê hương, hô vang: “Đả đảo thực dân Pháp! Hồ Chủ tịch muôn năm! Việt Nam muôn năm!”.

Bức tượng Thượng tướng Bùi Thiện Ngộ do Học viện Cảnh sát nhân dân trao tặng. Riêng hai bức của Anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu và liệt sĩ Lê Thành Duy do vợ chồng nghệ sĩ điêu khắc Kim Thanh đảm nhiệm chế tác. Nhắc đến vợ chồng nghệ sĩ điêu khắc Kim Thanh, ai cũng biết họ là đôi nghệ sĩ bỏ nhiều thời gian, tâm sức và tiền bạc điêu khắc tượng chân dung nhiều bậc danh nhân, tài hoa kiệt xuất của đất nước ở mọi lĩnh vực, chỉ đơn giản bởi tấm lòng khâm phục, biết ơn.

Tượng liệt sĩ Võ Thị Sáu và Lê Thành Duy từng được nghệ sĩ Kim Thanh nhiều lần thực hiện. Nhưng đến khi nhận lời tạc tượng để trưng bày tại Phòng Tưởng niệm của CLB Công an hưu trí Bà Rịa – Vũng Tàu, dù tuổi đã cao, vợ chồng nghệ sĩ Kim Thanh vẫn cố gắng lặn lội đến tận nhà người thân hai liệt sĩ. Đến để nghe câu chuyện hào hùng về họ, để nhìn ngắm các bức chân dung cộng với sự mô tả tỉ mỉ của người thân. Nhờ vậy, bà mới chắc chắn bức tượng mình tạc sẽ sống động và có hồn.

Dự lễ khánh thành, Thượng tướng Nguyễn Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh, trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, lực lượng Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã lập nên nhiều chiến công to lớn trong đánh địch, diệt tề, trừ gian, kiên cường bám đất, bám dân ngay trong vùng địch, bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền cách mạng, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân. Các cán bộ Công an hưu trí tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã xây dựng nên một “địa chỉ đỏ” thiết thực để giáo dục truyền thống, lịch sử cách mạng cho cán bộ chiến sĩ. Đây là một việc làm có ý nghĩa to lớn để thế hệ cán bộ, chiến sĩ trẻ biết trân trọng lịch sử, noi theo tấm gương của những người đi trước để rèn luyện, phấn đấu, góp phần xây dựng lực lượng Công an nhân dân ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Nguyễn Trang
.
.