Kế hoạch Phụng Hoàng - kỳ cuối

Thứ Tư, 16/08/2006, 08:30

Lời khai của tên thám báo cáo già T.P. và thông tin từ các nguồn bí mật khác cho thấy địa bàn An Phước chuẩn bị bước vào thời kỳ sóng gió. Vì vậy, chủ trương ra tay trước “đánh đòn phủ đầu”, “nhổ” bằng được 2 bót địch cắm sâu trong vùng căn cứ, giải phóng hoàn toàn An Phước.

7. Người xưa cảnh cũ

Hoàn thành “chiến dịch khai quang”, lại cắm được hai bót sâu trong vùng giải phóng của An Phước, Tổ chức “Phụng Hoàng” Trúc Giang “luân phiên chiến dịch” sang những xã còn lại. Đối với An Phước, việc “tính sổ đám du kích cứng đầu cứng cổ” chỉ còn là thời gian, nên cũng không vội gì. Phải tính toán kỹ càng, bài bản hơn để khỏi phạm sai lầm chủ quan quá khứ. Vì thế nhiều tháng nay không nghe tiếng súng nổ, pháo rơi ở địa bàn này (trừ mấy cuộc hành quân tiếp tế cho hai bót “vùng sâu”). Và cũng vì thế mà dường như lưu lượng người tăng lên đột biến. Cứ nhìn vào lượng hàng hóa lương thực và các nhu yếu phẩm khác tiêu thụ qua “cửa ngõ” An Phước, qua báo cáo của các thành phần “hội viên” về trung tâm sẽ rõ.

Vùng giải phóng An Phước lưu lượng người tăng thì vùng “quốc gia” quản lý (xung quanh Tiểu chi khu Trúc Bình ở đầu lộ Ông Kế và khu gom dân) cũng vậy. Người quê gốc ở An Phước đi xa, kể cả người nơi khác, đã có thời kỳ sống ở An Phước nay cũng trở về thăm. Theo phản ánh của quần chúng và báo cáo của cơ sở bí mật trong khu gom dân thì trong số  đó có những người trước đây là lính đã từng đóng ở bót Cầu Đình và bót lộ Ông Kế. Đáng lưu ý là trường hợp T.P. Người này đã có thời kỳ là đồn phó đồn Ông Kế. T.P. đã có mặt ở An Phước hơn 2 tuần nay. Y về sống chủ yếu ở nhà cô Tư R. (người tình cũ, chồng đi lính và chết trận ở đâu đó), hắn đi “thăm nghèo hỏi khổ” hầu hết các gia đình trong khu gom và tâm sự với mọi người. Hồi đó xa An Phước, y bị bệnh  rồi được giải ngũ, đi mần ăn ở Vũng Tàu, nay về thăm lại “cảnh cũ người xưa”. T.P. tỏ ra rất mến con nít. Y tâm sự với mọi người: “Lấy vợ lâu rồi nhưng cô ta “bị điếc”, thấy tụi nhỏ mà phát thèm. Chuyến này về xin làm rể Trúc Giang, nhờ cô Tư sanh một đứa cho đỡ tủi...”.

Người lớn đi làm rồi, y la cà chơi với lũ trẻ  và tỉ tê vô số chuyện: “Nè, nhỏ. Ba má đi mần trong vườn có đem theo gì không?”. "Thì đem theo rựa, phảng, sọt gánh dừa chớ mang chi". Là qua  (tao, tôi) hỏi có đem theo gạo và đồ ăn...". "Có đem theo chớ”. Y sáng bừng con mắt, hỏi dồn: “Vậy cà... Nhiều hay ít?”. “Thì đủ ăn bữa trưa”. “Xạo! Má mi đem theo cả tải gạo to đùng và cả một thùng đồ hộp nữa”. “Nói dóc! Làm sao chú biết?”. “Qua thấy hẳn hoi”.

Rồi T.P. lại lân la sang những nhà khác, nơi tụi nhỏ tụ tập chơi bi. Y mở bịch kẹo chia cho từng đứa. Tụi nhỏ ngừng cuộc chơi. Một đứa nhìn T.P. tinh nghịch hỏi: “Bộ cô Tư đi vắng hay sao mà chú Hai qua chơi bên này?”. “Cổ (cô ấy) ở nhà, nhưng qua thích sang đây chơi với tụi bay. Mà này, mỗi lần du kích và... về có quà gì cho con nít không?”. “Ai mà biết được...”. “Ủa, sao vậy? Mà về nhiều người hôn?”. “Về ban đêm, có đếm đâu mà biết. Mà này, chú Hai hỏi mần chi mấy chủ trỏng (trong ấy)”. “Là vì... qua có  mấy đứa em bà con cũng làm du kích trỏng”. “Những ai vậy, chú Hai?”. “Cánh thằng Ba, thằng Tư, thằng Sáu, thằng Út, thằng Tám đó...”. “Mấy chú hy sinh cả rồi... Còn chú Út và chú Tám tui đâu có nghe nói...”. Y xoa đầu đứa bé gái ngồi bên cạnh, ôn tồn hỏi: “Nhỏ theo ba má vô vườn có gặp... gặp giải phóng không? “Là ai vậy, chú Hai?”. “Thì là... là Việt Cộng đó, biết hôn?”. “Việt Cộng là chi vậy? Tui đâu có hay. Mừa... Mừa... Mần chi mà chú Hai hỏi vậy?”. “Qua... Qua hỏi để biết vậy... Mà tụi bay cũng biết vậy thôi. Đừng nói lại với người lớn mần chi...”.

Tổng hợp các nguồn tin cơ sở bí mật cho thấy nhiều nội dung trên trùng hợp. Rất có thể địch đang chuẩn bị một “ngón đòn” mới. Trước tình hình đó, để làm rõ ý đồ và chủ động tấn công địch, lãnh đạo địa phương đã tổ chức cuộc họp “liên cơ” và thống nhất kế hoạch hành động: “Mở đợt tuyên truyền chính trị tại khu gom dân. Phát động quần chúng  tự phá thu gom trở về vườn cũ. Nếu có thể, bắt một số đối tượng, cảnh cáo, răn đe và khai thác ý đồ của địch”. T.P. đã bị bắt ngay tại khu gom dân.--PageBreak--

Dù quanh co, giấu giếm, nhưng qua động viên của cán bộ an ninh, T.P. đã thú nhận: Sau khi rời An Phước, y được cử đi học trường thám báo “Cây Mai” tại Sài Gòn. Mãn khóa được điều về Tiểu khu Kiến Hòa. Bởi đã từng đóng quân ở An Phước nên được đưa về với vỏ bọc thăm thân để thực hiện nhiệm vụ: nắm thực lực của Cộng quân từ lực lượng du kích, cơ sở hạ tầng, quan hệ của dân chúng, nhất là thái độ của họ đối với quốc gia sau “chiến dịch khai quang” và đặc biệt là xác định lãnh địa kiểm soát của quốc gia để phục vụ cho kế hoạch tái chiếm và lấn chiếm sẽ được thực thi trong nay mai.

8. Nhổ bót

Khớp lại các thông tin từ “Thiên nga tái xuất” cho tới lời khai của tên thám báo cáo già T.P. và thông tin từ các nguồn bí mật khác cho thấy địa bàn An Phước chuẩn bị bước vào thời kỳ sóng gió. Vì vậy, chủ trương ra tay trước “đánh đòn phủ đầu”, “nhổ” bằng được 2 bót địch cắm sâu trong vùng căn cứ, giải phóng hoàn toàn An Phước; sẵn sàng chống âm mưu tái lấn chiếm trước khi chuyển hướng chiến lược của địch.

Kế hoạch được nêu ra chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1: Nhổ bót Cầu Đình. Tập trung lực lượng khủng bố tinh thần địch bằng bao vây, bắn tỉa, chặn tiếp tế... Chỉ sau chưa đầy 3 tuần, bót Cầu Đình rút chạy. Giai đoạn 2: Tập trung vào “cứ điểm” cuối cùng đó là bót ven đồng trên trục lộ Ông Kế (gọi là bót Ông Kế). Mục tiêu này “xương” hơn vì Tiểu chi khu Trúc Bình có thể chi viện, giải cứu; việc bố phòng rất khó khăn cho phương án bắn tỉa. Chúng bỏ hệ thống chòi canh - lính gác ở ngay trên nóc hầm lô cốt có đắp tường đất xung quanh, bố trí phương tiện quan sát bằng một thiết bị thô sơ theo nguyên lý kính tiềm vọng của tàu ngầm. Xung quanh bót được phát quang với  3 lớp hàng rào giây théo gai cùng hệ thống mìn dày đặc. Bởi vậy, đã có đêm tụi lính say rượu, hứng chí gào lên: “Việt Cộng!... Đứa nào mò mẫm ngoài đó, có giỏi thì vô đây nhậu cho vui. Qua thách tụi bay đó... giỏi thì vô coi... bỏ mạng... bỏ ma... ạng...”. Rồi có đứa khóc, đứa cười, có đứa lại tuôn ra cái giọng khàn khàn, khê đặc về một nhạc phẩm buồn nẫu ruột: “Đời tôi cô đơn nên bao năm vẫn cô đơn... Đời tôi cô đơn... nên yêu ai cũng không thành... Đời tôi cô đơn... bao nhiêu lần nữa đây...”. Cùng tổ trinh sát, bám theo du kích xã, điều nghiên bót Ông Kế, nằm sát hàng rào ngoài cùng, nghe cái giọng khê khê, não nề, tôi cố nín để khỏi bật ra tiếng cười: “Lại thêm một đứa thất tình”.

Một phương án mới lạ được nêu ra: Dứt điểm bót Ông Kế bằng lựu đạn! Có ý kiến phản đối: - Hàng rào ngoài cùng cách bót ít ra cũng 40-50 mét. Lựu đạn nào ném tới?... - Ném không tới thì bắn - Đừng “rỡn ngươi” (trêu ngươi) vậy! Lựu đạn mần sao bắn?... Bao đời nay có ai nghe nói súng bắn lựu đạn bao giờ? - Đúng “dậy”! Không có nước nào sản xuất súng bắn lựu đạn thì... thì Việt Nam ta sản xuất. Thời con nít, ta vẫn “sản xuất” súng dàn thun (súng cao su) bắn chim đó sao!... - Ờ... ờ... hay! Hay đó!... Sáng kiến đó!...

Một cán bộ trong Ban Chỉ huy xã đội “thuyết trình” về “cấu tạo”, tính năng, tác dụng “ưu việt” và sử dụng “súng bắn lựu đạn” như sau: Dùng phương án này sẽ giữ được bí mật tuyệt đối hướng tiến công của ta. Vì không có tiếng nổ đầu nòng nên địch không thể tập trung hỏa lực phản kích. Chỉ cần mỗi đêm nã vài ba trái, liên tục vài tuần lễ là cha con nó chịu không thấu đâu. Tức nhiên, ta phải chuẩn bị thiệt chu đáo, xây dựng mô hình bắn thử hẳn hoi. Đảm bảo cự 60-70 mét là ngon lành. Nạng dàn thun bắn chim, chỉ cần chạc cây nhỏ bằng đầu ngón tay. Dây thun có thể cắt từ ruột (săm) xe đạp là được. Nhưng nạng dàn thu bắn lựu đạn phải bằng 2 gốc tre đực bắt chéo nhau chôn xuống đất. Dây thun thì phải dùng tới cả ngàn, vài ngàn sợi thun nhỏ kết lại. Đệm da để trái lựu đạn vút đi theo sức đàn hồi của dây thun phải bằng da thiệt, 2 lớp và lớn bằng cả chiếc đế dép mới chịu nổi. Có điều bắn chính xác hay không còn tùy thuộc vào số vòng dây thun cuốn xung quanh trái lựu đạn đã được rút chốt. Tức nhiên, phải quấn cả lên mỏ vịt của trái lựu đạn. Bắn cự ly gần, quấn ít vòng. Bắn cự ly xa, quấn nhiều vòng.--PageBreak--

Tính sao để khi trái lựu đạn vừa tới mục tiêu dây thun đã ruỗi hết, mỏ vịt bung ra là trái nổ liền. “Bắn pháo” kiểu này hoàn toàn bất ngờ, địch có phản ứng cũng chỉ là bắn vu vơ. Có khi nội bộ chúng còn nghi ngờ lẫn nhau “coi chừng Việt Cộng lọt vào hàng ngũ”. Bắn xong, nhổ nạng ngụy trang trận địa, cứ thủng thẳng mà rút về căn cứ an toàn. Chỉ cần "bắn" cấp tập một tuần lễ liên tục là cha con nó sẽ “bỏ của chạy lấy người”. Đứa yếu bóng vía, thêm bệnh  mê tín có khi lại cho rằng đồn của chúng bị “ma hành”.

Đúng như dự đoán, chưa đầy một tuần lễ mà lính bót Ông Kế kêu như cha chết - trên 40% quân số thiệt mạng và bị thương. Thực là “họa vô đơn chí” - đã có thương vong thì Chi khu phải mở cuộc hành quân giải cứu. Và lính cứu viện bỗng trở thành mục tiêu để các tay súng bắn tỉa của du kích ta “thực hành yếu lĩnh xạ kích bia di động”. Bị thiệt hại nặng nề, không có khả năng bổ sung quân số, đồn Ông Kế được lệnh rút lui. Rút vào ban đêm.

Thế là, “cái gai” cuối cùng đã được nhổ. An Phước hoàn toàn giải phóng. Những gia đình còn lại trong khu gom dân đã đồng loạt trở về vườn xưa, đất cũ. An Phước như bước vào mùa hội. Mùa hội của quê hương kiên cường bất khuất, giữ đất, giữ làng góp phần làm thất bại âm mưu dồn dân, lấn đất của địch.

Lời kết

Ra đời từ chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh" của Mỹ - “Kế hoạch Phụng Hoàng”, một kế hoạch mang tầm chiến lược của ngụy quyền Sài Gòn nhằm thực hiện mưu đồ tiêu diệt tận gốc hạ tầng cơ sở Cách mạng Việt Nam. Song, với ý chí kiên cường của quân và dân cả nước và đặc biệt là của quân và dân miền Nam đã làm phá sản chiến lược của Mỹ. Điều đó, đồng nghĩa với “Kế hoạch Phụng Hoàng” thất bại. Với ý chí kiên cường của quân và dân xứ dừa Bến Tre đã dấy lên phong trào “Đồng Khởi” năm 1960 để rồi ngọn lửa “đồng khởi” ấy đã lan khắp chiến trường miền Nam trở thành “lửa thiêng dân tộc” thiêu cháy tham vọng ngông cuồng của một đế quốc khổng lồ với binh hùng, tướng mạnh, vũ khí tối tân, hiện đại nhất thế kỷ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Tác giả (thứ 5 từ phải sang) về thăm đồng đội và một số gia đình cơ sở tại An Phước (tháng 10/2005).

Chiến tranh đã lùi vào dĩ vãng. Song, các nhà chiến lược của cả hai phía (ta và địch) đã và sẽ  còn nghiên cứu để tìm ra nguyên nhân sâu xa của nó. Là người được trực tiếp tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Nam, trong đó có nhiều năm hoạt động ở “Đảo dừa Bến Tre” - chiến trường đầy gian khó, chiến trường với những mương máng, kênh rạch đan dày, cái may mắn của tác giả bài viết này là được trực tiếp  đương đầu với nhiều giai đoạn chiến lược của Mỹ áp dụng ở chiến trường Nam Việt Nam mà trong đó trọn vẹn giai đoạn địch thực hiện “Việt Nam hóa chiến tranh - Kế hoạch Phụng Hoàng” tại huyện Châu Thành, một địa bàn trên cái cù lao nhỏ bé ở phía đông bắc tỉnh Bến Tre. Bài viết chỉ là tóm tắt những diễn biến phức tạp ở một địa danh cụ thể, trong một giai đoạn lịch sử cụ thể, ngõ hầu góp thêm chi tiết minh họa về chiến tranh nhân dân, chiến tranh vệ quốc vĩ đại của toàn dân tộc.

Thông qua bài viết này, tác giả xin được tỏ lời cảm ơn sâu sắc tới bà con cô bác, đồng đội, đồng chí những năm tháng đầy khó khăn, đã cưu mang, giúp đỡ để  tác giả và đơn vị của mình (Cục Tình báo H67 - Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân) hoàn thành tốt nhiệm vụ được cấp trên giao phó.

Bài viết xin được thay cho nén hương tưởng niệm đồng bào, đồng chí trên khắp chiến trường miền Nam và riêng ở địa bàn An Phước, Châu Thành, Bến Tre đã anh dũng hy sinh trong mọi giai đoạn cách mạng, đặc biệt là giai đoạn chống Việt Nam hóa chiến tranh và Kế hoạch Phụng Hoàng của địch, giữ đất, giữ dân, bảo vệ vùng giải phóng, bảo vệ hạ tầng cơ sở của cách mạng, góp phần vào Đại thắng mùa xuân năm 1975 lịch sử

.
.