Kế hoạch Phụng Hoàng - kỳ 3

Thứ Bảy, 01/07/2006, 09:43

Dẫu sao, cái chuyện tình cờ từ cậu Lâm “lính quay” hôm nào vẫn cứ ám ảnh mãi Trần Hoàng. Anh mang chuyện này trao đổi với Lê Tuyên - Phó đoàn phụ trách chính trị - tư tưởng. Hai người nhất trí một phương án “khoanh vùng thử nghiệm”. Công việc đảm bảo tuyệt đối bí mật.

(Tiếp theo kỳ trước)

Quả tang

“Mục tiêu” mở màn tập trung vào khu vực điện đài và chọn thời điểm tối hôm ấy phiên liên lạc. Lúc 22 giờ 30 phút cũng không có tin tức cần báo cáo về trên. Sau khi đi kiểm tra các bộ phận xong, hai người về tới khu vực hầm điện đài giữa lúc nhịp ma-níp liên lạc đầu tiên của Huỳnh Văn Thê được phát lên không trung. Sau hơn 30 phút trôi qua, nhịp... tịch tè... tịch tè tè... vẫn đều đều phát đi. Hai người chủ động đẩy cửa lán bước vào. Tiếng máy quay vẫn rè rè nhưng nhịp ma-níp bỗng dừng lại. Thê gỡ tai nghe đặt xuống bàn, quay lại phía 2 cán bộ lãnh đạo. Trần Hoàng nhìn Thê, lên tiếng:
- Sao, hôm nay điện đến nhiều không?
- Dạ... thưa 2 anh... đài bạn thông báo hôm nay không có tin tức, chỉ thị gì.
Trần Hoàng nhìn Thê, nghiêm giọng:
- Điện đi không có. Điện đến cũng không. Vậy vừa rồi cậu liên lạc với ai mà lâu thế?...
Thê lúng túng:
- Dạ thưa!... Thưa 2 anh... Em nói chuyện tầm phào với đứa bạn ở đài bạn.
- Bạn tên gì? Tại sao lại bắt anh em quay mửa mật như vậy để tầm phào?...

Thế là Thê bị bắt ngay đêm hôm đó. Ngay lúc đang sử dụng điện đài của ta để liên lạc với trung tâm của địch. Khám người Thê còn thu được cả một bản quy ước liên lạc, mật khẩu liên lạc với đài địch cùng nội dung bản tin nóng hổi Thê vừa báo cáo về trung tâm rất chi tiết về khu vực đóng quân của đơn vị.

Lời thú tội của kẻ phản bội

Gần 2 năm trước (đầu năm 1970) Huỳnh Văn Thê được đơn vị cho nghỉ phép  5 ngày để ra cửa ngõ chiến khu liên hệ tìm người “móc nối gia đình” lên thăm. Hồi đó anh em quê miền Nam muốn gặp người thân trong gia đình đều làm vậy. Về những địa bàn tương đối yên tĩnh, tìm một gia đình tốt trong khu gom dân hoặc ấp chiến lược, hồi đó thường gọi là “cơ sở móc nối thăm thân” cung cấp địa chỉ gia đình, giới thiệu tóm tắt đặc điểm bản thân nhờ bà con về dẫn người nhà lên thăm. Tùy lúc, tùy nơi, có những trường hợp phải chờ đợi tới ba, bốn ngày mới gặp được gia đình. Trường hợp Huỳnh Văn Thê lần ấy thuận lợi hơn. Cơ sở đi sáng hôm trước thì chiều hôm sau đã đưa được mẹ Huỳnh Văn Thê lên thăm. Lâu ngày mới gặp nhau, hai mẹ con mừng mừng, tủi tủi. Thê như một nhà báo, “phỏng vấn” mẹ bao điều về quê hương, xóm ấp, về bà con thân thiết. Cùng lúc đó, một cháu gái chừng hơn 10 tuổi từ phía bên kia lộ đi sang, lễ phép:
- Thưa cậu Hai! Có phải cậu là Hai Thê? Chú Tư đang uống “Lade” bên kia lộ. Chú Tư nói là bạn của cậu, biểu con qua mời cậu sang bển uống “Lade”.

Thê mừng thầm. Vừa chân ướt, chân ráo tới nơi đã gặp bạn, vội chạy sang quán giải khát bên kia đường. Trong khi đang lớ ngớ nhìn trước, ngó sau tìm người quen thì một thanh niên từ phòng trong đi ra, tươi cười nắm tay Thê nói:
- Vô, vô trong kia. Bạn anh đang chờ trong đó.
Thê theo người thanh niên lạ mặt vào phòng trong nhưng chẳng có người quen nào. Chỉ duy nhất một người đàn ông tầm thước, tuổi chừng trên dưới bốn mươi. Người đó ném cái nhìn sắc lạnh về phía Thê và chỉ chiếc ghế đối diện.
- Anh là Huỳnh Văn Thê phải không? Xin mời ngồi. Chúng tôi có việc cần bàn với anh.

Rồi người đó rút trong túi áo ra một chiếc thẻ, chìa trước mặt Thê, gằn giọng:
- Chúng tôi là An ninh Vùng III chiến thuật. Anh đã bị bắt. Nhưng không. Chúng tôi sẽ không bắt anh mà còn tạo mọi điều kiện thuận lợi để anh ở lại thăm mẹ cho tới khi hết phép, với điều kiện anh phải cộng tác với chúng tôi vì đại nghĩa quốc gia...
Thê lặng người giây phút rồi ấp úng:
- Nhưng cụ thể là các anh bắt tôi phải làm gì?... mà liệu tôi có làm được không?
- Yên tâm đi! Công việc trong tầm tay của anh, hôm nay ta gặp nhau, chỉ cần anh nhận lời thôi chứ chưa cần làm chi hết. Đây là chuyện lâu dài. Hết phép, anh cứ trở về đơn vị công tác bình thường. Khi có yêu cầu công việc, chúng tôi sẽ liên lạc với anh. Trước mắt, chúng tôi sẽ cung cấp cho anh một số tài liệu mà với nghề vô tuyến truyền tin điêu luyện như anh, chỉ cần xem qua là sử dụng được ngay. Ngày sụp đổ của chế độ Cộng sản không còn bao xa. Chúng tôi rất hoan nghênh sự cộng tác của anh vì chính nghĩa quốc gia. Mọi hành động của anh sẽ có ảnh hưởng trực tiếp tới gia đình - mẹ và các em của anh. Chúng tôi sẽ đảm bảo an toàn và chăm lo chu đáo cho họ. Bởi hàng tháng anh sẽ có chế độ lương hẳn hoi. Đây là một yêu cầu quan trọng, cả anh, cả chúng tôi phải tuyệt đối giữ bí mật. Giữ tốt bí mật chính là để bảo vệ anh, tạo điều kiện để anh có thể chui sâu, leo cao trong tổ chức của Việt Cộng...--PageBreak--

Sự việc quá bất ngờ. Nó diễn ra trong thời gian chưa đầy mười lăm phút. Thê ngồi lặng câm như kẻ mất hồn trước lời tâm sự dịu dàng của người đối diện:
- Vui lên đi! Yên tâm đi! Nghĩ suy làm chi cho mệt. Bây giờ ta cần cụ thể với nhau một công việc thuộc về thủ tục, quy định của tổ chức. Đây! Có cái này đây. Chúng tôi đã chuẩn bị rồi. Chỉ cần anh ký vào là xong.

Họ đặt trước mặt Thê một tờ cam kết đã đánh máy sẵn. Yêu cầu Thê ký vào và ghi luôn thời gian liên lạc định kỳ và tần số của đài K8. Tất nhiên, gọi là “có đi, có lại”, họ dúi vào tay Thê một tờ giấy nhỏ ghi mật khẩu liên lạc và tần số của đài “SG3”. Đắn đo giây phút rồi Thê hạ bút ký vào tờ cam kết. Bàn tay Thê “nhúng chàm” từ giây phút đó.

Nửa năm sau, phiên liên lạc đầu tiên trong tháng với trung tâm trên “R”. Sau khi giải quyết xong số điện đi và đến, dứt ký hiệu chào tạm biết, Thê nhận được ngay tín hiệu của “SG3”. Màn chào hỏi, nhận điện diễn ra trong vòng 5 phút, kèm theo nội dung vắn tắt: “Phiên liên lạc sau sẽ có chỉ lệnh của thượng cấp. Chúc mạnh giỏi, bình an". Quả nhiên, phiên liên lạc lúc 22 giờ 30 phút hôm sau, thượng cấp có chỉ lệnh như sau: “Gửi X28”. Giữ liên lạc theo quy định. Thường xuyên báo cáo trung tâm về hoạt động của Việt Cộng bao gồm: địa chỉ đóng quân, biên chế, tổ chức, đặc thù của từng lực lượng... Lấy sông, suối, chỗ đứng của X28 làm chuẩn. Tỉ như: Căn cứ Tỉnh ủy tỉnh H. cách 350m về hướng đông - nam; căn cứ Huyện đội cách 300m về phía tây... Lưu ý, “chỗ đứng” của X28 di chuyển tới đâu trung tâm đều biết. Khi có pháo binh và không tập, yêu cầu phải bám chắc hầm trú ẩn, không được lên khỏi mặt đất để đảm bảo an toàn. Theo dõi kết quả và các trận không tập báo cáo về trung tâm...”. Con đường dẫn tới phản bội và trở thành tội ác của Thê là như vậy.

Lần ra tung tích

Qua khảo sát, nghiên cứu đặc thù tâm lý các cơ quan đặc biệt của chế độ Sài Gòn như: An ninh Quân đội, Phủ đặc ủy Trung ương Tình báo, Cảnh sát đặc biệt, Biệt đội sưu tập, cho thấy lực lượng này rất mê sưu tầm, nghiên cứu tài liệu qua nguồn khai thác tù binh và tài liệu, nhật ký, tư từ của “Cán binh Việt Cộng” thu được từ “chiến lợi phẩm” ở tất cả các chiến trường. Theo họ thì đây là một nguồn thông tin rất có giá trị phục vụ cho việc nghiên cứu phát triển lực lượng bí mật cài cắm vào nội bộ đối phương để thực hiện ý đồ chui sâu, leo cao.

Lá thư  ký tên Huỳnh Văn Thê - một “Cán binh Việt Cộng” gửi cho một người bạn cố tri mà lực lượng hành quân tấn công vào khu vực nam Bến Cát thu được trong một chiếc balô chiến lợi phẩm là một điển hình trong số tài liệu thuộc loại đó. Chỉ một lá thư đó thôi, ấy vậy mà “các chú trong lực lượng đặc biệt đều mê”. Có lẽ có sự dàn xếp nào đó nên cuối  cùng “chú an ninh quân đội” được tiếp nhận. Thư gửi theo đường giao liên, qua hòm thư của một đơn vị Quân giải phóng. Đây là đôi bạn tâm giao. Sinh ra và lớn lên ở đồng bằng sông Cửu Long thuộc quê hương Đồng Khởi.

Không nói tới ở huyện nào, xã và ấp nào. Thư có nhắc tới một con sông, một con rạch, một lộ đá có gắn bó với tuổi thơ của hai người. Thê tâm sự với bạn về việc tòng quân của mình: “...Trốn quân dịch, trốn gia đình vào bưng, được cậu Sáu cho theo về “R”, được vào công tác ở một đơn vị thông tin, rồi được cử đi học vô tuyến điện - cái nghề “ăn dưới đất nói chuyện trên trời”, rồi trở về làm hiệu thính viên, rồi lên đài trưởng...”. Chỉ bấy nhiêu thôi, vậy mà các nhân viên Biệt động sưu tập vẫn lần ra tung tích tác giả bức thư trên - Huỳnh Văn Thê là con bà Tư Thơ, nhà ở ấp..., xã..., huyện... Cha chết sớm. Hiện ở quê chỉ còn mẹ và 2 em. Ở quê không biết Thê đi theo Quân giải phóng vì bà Tư Thơ vẫn thường nói với mọi người: “Thằng nhỏ theo dì Tám mần ăn trên Sài Gòn”.

Sau “sự kiện” ấy mọi việc vẫn bình yên. Có khác chăng, đó là một chỉ thị “kín” của quận trưởng, kiêm chỉ huy trưởng, kiêm trung tâm trưởng tổ chức Phụng Hoàng quận cho các hội viên và lực lượng bí mật ở xã, ấp nơi đương sự cư ngụ là phải tiến hành tất cả các biện pháp giám sát chặt chẽ di biến động của đương sự - từ việc đi lại, tiếp xúc, quan hệ, tới việc sinh hoạt, mua sắm trong gia đình, nhất là những dấu hiệu biểu hiện đương sự chuẩn bị đi xa đâu đó đều phải báo cáo gấp về trung tâm. Chẳng thế mà buổi trưa nhà bà Tư Thơ có một khách lạ tới thăm thì tối hôm đó đã có 3 nguồn tin báo cáo về quận mọi nội dung cơ bản khớp nhau: “Khoảng xế trưa ngày..., tháng..., năm... tại mục tiêu T5 xuất hiện khách lạ. Đàn bà, tuổi chừng trên 50, bận bà ba đen. Người này có thể từ xa tới. 15 giờ 30 phút, chủ và khách đi chợ. Mua nhiều bánh kẹo, càphê, có cả một cây thuốc Rubi. Khả năng T5 chuẩn bị đi thăm con...”.--PageBreak--

Theo đánh giá của các cơ quan đặc biệt thì dạng như Huỳnh Văn Thê là mục tiêu “số dách”. Nếu dứt điểm được thì đây là “mạch nước ngầm lý tưởng” mặc sức khai thác, đảm bảo bí mật “nghìn phần trăm”. Một vòng bí mật khép kín, giao thông liên lạc, tổng hợp báo cáo tới khâu truyền tin... tất cả chỉ một người. Nhằm vào đây chỉ là được nhiều hay ít, thắng lớn hay nhỏ, chứ không có mất. Có mất chăng chỉ là mất công chút đỉnh...

Đúng như dự đoán của các cơ sở bí mật địa phương, chuyến xe đò xuất phát sớm hôm sau từ bến xe Kiến Hòa đi miền Đông có cả bà Tư Thơ và người khách lạ. Qua khỏi phà Rạch Miễu bổ sung thêm 2 hành khách mới, đó chính là 2 nhân viên thuộc An ninh quân đội vừa nhận bàn giao đối tượng từ Cảnh sát đặc biệt Kiến Hòa. Đó chính là 2 người tiếp xúc ban đầu với Huỳnh Thê và là cán bộ điều khiển sau này của X28...

GIỮ ĐẤT

1. Cuộc chuyển quân lịch sử
Sau chiến dịch Mậu Thân (1968), địch phản kích quyết liệt trên khắp chiến trường miền Nam, đặc biệt là chiến trường đông và tây bắc Sài Gòn. Tới cuối năm 1969, có thể nói đó là giai đoạn khốc liệt nhất. Nhiều xã, ấp trở thành “vùng trắng”, các lực lượng giải phóng không còn đất bám trụ. Nhiều khu rừng tan hoang, bình địa do chiến tranh hủy diệt của địch. Dọc bờ sông Sài Gòn thuộc khu vực Củ Chi, Bến Cát, Bình Dương không còn lấy một lùm cây xanh. Nhiều đơn vị cấp xã, cấp huyện nằm trong khu vực trọng điểm đánh phá không còn đất bám trụ, phải tạm lánh đi địa bàn khác hoạt động. Khó khăn chồng chất khó khăn, đặc biệt là đối với các cụm tình báo phải thường xuyên gặp gỡ cơ sở nội thành.  Hầu như các “cửa ngõ” đều bị bịt kín, nhiều chuyến liên lạc gián đoạn.

Trước tình hình đó,  được phép của cấp trên, đơn vị cụm H67 chúng tôi (tiền thân của nó khi còn ở miền Đông Nam Bộ gọi là A20, do đồng chí Lê Văn Vĩnh (Bẩy  Vĩnh) là cụm trưởng. Tháng 4/2006,  An ninh thế giới đã đăng loạt bài "Chiếc xe màu máu" của tác giả Hà Bình Nhưỡng) quyết định chuyển căn cứ về đồng bằng sông Cửu Long, thuộc xã An Phước, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Được đồng chí Ba Đào, Tỉnh đội trưởng giới thiệu với danh nghĩa “Đoàn nghiên cứu địa hình Tỉnh" để ngụy trang cho nhiệm vụ của đơn vị mình. Tuy cách Sài Gòn trên 80 km, nhưng điều kiện liên lạc, gặp gỡ cơ sở bí mật sẽ thuận lợi hơn. Lúc đó có lẽ địch phải lo đối phó với chiến trường sôi động nên  địa bàn Bến Tre, xứ sở Cù lao, kênh rạch đan dày còn tương đối yên tĩnh. Qua phà Rạch Miễu chừng 3 cây số là tới Chi khu Trúc Giang, rẽ trái theo lộ 17 chừng 5km là tới An Phước. Từ căn cứ ở miền Đông Nam Bộ, với những cánh rừng xác xơ bởi đạn bom cày xới, nay về bám trụ ở đồng bằng với rừng dừa bát ngát, quả là một cuộc “chuyển quân lịch sử”.

Ngày ấy, An Phước còn sầm uất lắm. Từ lộ 17 băng qua cánh đồng chừng 500m là tới nhà dân.  Dân ở cặp theo mé đồng và rải rác cả trong rừng dừa. Cánh rừng dừa nơi hai xã An Phước, Phú An Hòa dài cả chục cây số, bề ngang chừng trên dưới 1 cây số, phía sau là sông Ba Lai, dòng sông phân cách giữa An Phước, Phú An Hòa với phía bên kia là xã Phước Thạnh, Hữu Định, và qua Phước Thạnh là tới thị xã Bến Tre. Quả là một địa bàn bám trụ tuyệt vời. Cứ xàng xê, qua lại hai bờ sông Ba Lai mà xây dựng căn cứ là ngon lành. Chưa kể tới việc được về “sinh cơ lập nghiệp” ngay trên mảnh đất gồm toàn những xã có truyền thống cách mạng kiên cường bám trụ giữ đất, giữ dân mà sau này đều được tuyên dương xã Anh hùng; được hít thở không khí trong lành của đồng bằng sông nước, được sống với bà con cô bác, những con người đầy nghĩa tình của “quê dừa Đồng Khởi” được gặp gỡ các “em gái miệt vườn” chính hiệu... Chúng tôi coi đó là những ngày êm đẹp nhất sau bao năm chinh chiến và có biết đâu, An Phước lại trở thành miền quê gắn bó máu thịt của đơn vị mình. Nhiều cán bộ, chiến sĩ H67 đã nằm lại vĩnh viễn tại nghĩa trang quê dừa An Phước, nhiều mối tình nên thơ nảy nở trên mảnh đất anh hùng ấy để tôi may mắn được đứng ra làm chủ hôn cho họ

.
.