Kế hoạch Phụng Hoàng - kỳ 2

Thứ Sáu, 30/06/2006, 09:00

Chuyện xảy ra thuộc địa bàn xã An Tịnh, Trảng Bàng, Tây  Ninh cuối năm 1969. Theo phân chia địa giới hành chính của ngụy quyền miền Nam thời đó thì Trảng Bàng thuộc địa phận tỉnh Hậu Nghĩa. Cả tỉnh chỉ có 4 huyện: Củ Chi, Đức Hòa, Đức Huệ và Trảng Bàng. Dân số 194.501 người, riêng Trảng Bàng 67.911 người.

(Tiếp theo kỳ trước)

Mừng công trước trận

Từ tối hôm trước, tư dinh của Mã Sơn Nhân - Tỉnh trưởng Hậu Nghĩa, Tiểu khu trưởng, kiêm Chủ tịch Ủy ban Phụng Hoàng tỉnh rộn rã tiếng nói cười. Dường như có mặt đông đủ các sĩ quan chủ chốt của Tiểu khu Hậu Nghĩa và Chi khu Trảng Bàng. Các “anh tài” có mặt để liên hoan mừng công cho trận càn lớn diễn ra vào hôm sau do Trung tâm Phụng Hoàng quận Trảng Bàng thực hiện, có sự hỗ trợ của lực lượng tiểu khu, do Tỉnh trưởng Mã Sơn Nhân trực tiếp chỉ huy. Mục tiêu nhằm vào xã An Tịnh.

Giờ “G” - giờ xuất phát hành quân - vào 3 giờ sáng. Mục tiêu An Tịnh được khép kín trước khi trời sáng với tinh thần “không để một tên Việt Cộng nào chạy thoát”. Đúng như tính toán của địch, cuộc càn quá bất ngờ, lại diễn ra lúc gần sáng nên hầu hết cán bộ cơ sở ở địa phương, cả cán bộ một số cơ quan, đơn vị của huyện, tỉnh và “R” (Bộ Tư lệnh miền Nam) về bám trụ ở An Tịnh để hoạt động không một ai kịp di chuyển sang địa bàn khác nên đều phải xuống hầm bí mật. Nhiều người bị bắt, hàng chục cán bộ hy sinh. Một điều hết sức kỳ lạ là, hầu hết hầm bí mật bị địch phát hiện rất nhanh và chính xác, kể cả những hầm đã xây dựng và giữ được bí mật, an toàn từ nhiều năm nay.

Với chủ trương “Nội bất xuất, ngoại bất nhập”, tất cả các gia đình đều bị kiểm tra, lục soát. Tiếng loa gọi đầu hàng lải nhải ở nhiều nơi, tập trung ở ấp An Bình. Thậm chí chúng để loa ngay trên một số nắp hầm bí mật với cái điệp khúc nghe đến nhàm tai: “Hỡi các cán binh Việt Cộng! Các anh đã bị bao vây. Hãy nhanh chóng đầu hàng quân đội quốc gia để được ân hưởng chánh sách khoan hồng. Nếu không, các anh sẽ bị tiêu diệt...”; “Việt Cộng! Việt Cộng! Chúng tôi biết các anh đang ở dưới hầm này. Hãy nhanh chóng quy hàng để đảm bảo an toàn tính mệnh. Nếu không, hầm này sẽ bị hủy diệt...”.

Người tình nghi bị bắt trong trận càn.

Thời đó, An Tịnh được đánh giá là địa bàn an toàn, thuận lợi cho hoạt động bám trụ, nhất là đối với những đơn vị cần móc nối, tiếp xúc với cơ sở nội thành. Được chính quyền địa phương hỗ trợ và bà con cô bác giúp đỡ nên mỗi cán bộ nằm vùng đều sớm xây dựng được hầm bí mật riêng. Nếu là tổ công tác thì có thể phát triển tới hai, ba hầm. Hầm được xây dựng ngay trong nhà, ngoài vườn của dân, cặp theo các bờ tre, bờ cỏ, tới các khu vườn hoang, rừng chồi gần nhất.

Thời gian hoạt động chủ yếu về đêm với xô bồ công việc: gặp gỡ quần chúng tuyên truyền chủ trương, chính sách của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam; gặp gỡ cảnh cáo, răn đe đối tượng chống đối cách mạng; sinh hoạt với số cán bộ hoạt động hợp pháp; mua sắm thuốc men, nhu yếu phẩm cho lực lượng ở căn cứ. Ngày xuống hầm bí mật. Có những thời điểm địa bàn yên tĩnh có thể hoạt động theo hình thức bán hợp pháp: ban ngày cũng ở luôn trong nhà dân. Cố nhiên, đó là những gia đình cơ sở cách mạng. Mấy tháng nay địa bàn An Tịnh yên tĩnh vì địch tập trung vào khu vực ven đô, lo bảo vệ đô thành Sài Gòn, các thị xã, thị trấn; thi thoảng mới có báo động như để “hâm nóng” tình hình, “đánh thức” địa bàn đừng lơ là mất cảnh giác. Đó là những lần tổ trinh sát trực chiến phát hiện lính hành quân về hướng An Tịnh.

Có lần vừa báo động được vài chục phút lại thấy chúng rẽ đi hướng khác; vài ba lần trực thăng từng tốp, từng tốp quần thảo trên bầu trời An Tịnh như chuẩn bị cho một cuộc đổ quân theo chiến thuật “trực thăng vận” nhưng rồi lại lẳng lặng bỏ đi. Mỗi lần như thế, tất cả cán bộ “nằm vùng” đều nhanh chóng tản xuống hầm bí mật. Bởi vậy, đã có những giọng cười sảng khoái và nhận định lạc quan rằng: “Tụi này làm phép vậy thôi. Tía (bố, ba) nó bảo cũng không dám mò vô An Tịnh. Kỳ nào vô mà không bỏ xác mấy thằng...”.

Song, ai có thể ngờ được rằng, với thủ đoạn hết sức nham hiểm, mỗi lần chuẩn bị cho một cuộc “hành quân giả” hoặc “đổ quân giả” như thế, từ mấy ngày trước, kẻ địch đã bí mật đưa về An Tịnh nhiều toán thám báo, mật báo viên, ngụy trang với nhiều hình thức khác nhau để thu thập tin tức, nắm quy luật hoạt động của ta và đặc biệt là nhằm phát hiện chính xác các hầm bí mật để phục vụ cho cuộc hành quân “trăm phần thắng” đúng như lời Mã Sơn Nhân trong đêm mừng công trước trận đã cao giọng: “Các chiến hữu hãy cạn ly trăm phần trăm, chúc mừng cuộc xuất quân trăm phần thắng!... Trăm phần thắng!...”. Bởi vậy, binh lính tham gia trận càn hôm ấy được giao nhiệm vụ và phân công từng khu vực rất cụ thể. Chỉ cần tới mục tiêu đã được đánh dấu sẵn là có thể xác định được ngay hầm bí mật.--PageBreak--

Có thể nói, những thông tin để chấm định mục tiêu phục vụ cho trận càn hôm ấy của Trung tâm Phụng Hoàng Trảng Bàng rất chính xác, nó đã gây thiệt hại lớn cho ta. An Tịnh quê hương truyền thống cách mạng kiên cường của “Miền Đông gian lao và anh dũng” bỗng rơi vào tình thế “địa bàn trắng”. Bọn phản động được thế, ra tay đàn áp, khủng bố quần chúng cách mạng, nhất là những gia đình thuộc diện “thiên Cộng sản”. Quần chúng hoang mang lo sợ. Một số cán bộ cơ sở còn sót lại không có điều kiện hoạt động, phải tạm lánh sang xã khác bám trụ, chờ thời cơ móc nối trở về An Tịnh.

Nhờ sự hỗ trợ của tỉnh, của huyện tập trung điều tra, nghiên cứu xử lý những tên tay sai đầu sỏ, những “hội viên” tích cực của tổ chức Phụng Hoàng nên gần một năm sau An Tịnh trở lại với cuộc sống bình thường, lại bừng bừng khí thế cách mạng tiến công, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Với tác giả bài viết này, ngoài nỗi đau chung, còn mang nỗi niềm riêng bởi trong số cán bộ hy sinh hôm đó ở An Tịnh có 2 đồng chí cùng đơn vị, đó là Sáu Bia và Hai Dần (tức Nguyễn Văn Giai), cán bộ Cụm tình báo chiến lược B49, thuộc Cục Nghiên cứu Bộ Tổng tham mưu (nay là Tổng cục II, Bộ Quốc phòng), đồng thời trực thuộc J22 (đơn vị Tình báo chiến lược) thuộc Bộ Tư lệnh miền Nam. Nguyễn Văn Giai còn là người có nhiều điểm chung với tác giả: cùng quê miền Bắc, cùng được huấn luyện nghiệp vụ, rồi cùng đoàn 15 cán bộ tình báo đi chiến trường miền Nam năm 1965. Trong trận càn ấy, cả Sáu Bia và Hai Dần đều dũng cảm chiến đấu tới viên đạn cuối cùng bằng lựu đạn, bằng súng ngắn đã gây tổn hại lớn cho địch khiến bọn chỉ huy trận càn hôm đó phải thốt lên: “Đây là 2 tên Việt Cộng ngoan cố nhất! Phải kéo xác chúng về bêu nắng tại sân vận động!...”.

Thiệt hại trong trận càn có cả thường dân và trẻ em.

Trước lúc hy sinh, Nguyễn Văn Giai đã kịp tiêu hủy toàn bộ tài liệu dưới hầm bí mật. Gương hy sinh bất khuất, kiên cường của anh sau này đã được Đảng, Nhà nước tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (anh là người con của quê hương Liễu Khê, Song Liễu, Thuận Thành, Bắc Ninh). Kết thúc trận càn hôm ấy, kẻ địch đã chở xác các chiến sĩ ta về sân vận động Trảng Bàng rồi đem chôn ở đâu không biết. Tôi đã đi tìm nhiều lần không được. Cuối năm 2001, nhân Hội nghị Công an toàn quốc tại TP HCM, Hội nghị tổ chức “Về nguồn” thăm chiến khu Dương Minh Châu. Đây là dịp may để tôi được ghé qua Trảng Bàng, nơi mà người bạn chiến đấu thân thiết của tôi đã nằm lại vĩnh viễn ở đó mà cho tới nay vẫn chưa tìm được hài cốt. Dừng xe ở Sân vận động Trảng Bàng, tôi đốt một tuần hương tưởng niệm đồng đội đã hy sinh 32 năm trước ở An Tịnh. Âm thầm nhớ bạn, tôi viết một bài thơ tặng Nguyễn Văn Giai với tiêu đề: “Tìm bạn”, với nội dung như sau:

Chiều nay tôi về thăm bạn/ Vợi bớt bao niềm nhớ thương/ Nỗi đau dài theo năm tháng/ Theo tôi trên mọi nẻo đường/ Mỗi lần trở lại Trảng Bàng/ Bấy nhiêu lần lòng se thắt/ Tôi đốt bao nhiêu tuần nhang/ Bấy nhiêu lần rơi nước mắt/ Hơn 30 năm xa cách/ Bạn đi biền biệt không về/ Bạn ngủ sâu trong lòng đất/ Trảng Bàng thành một miền quê/ Linh thiêng bạn về Liễu Khê/ Thăm mẹ cha vừa xa khuất/ Quê hương ngàn lần đổi khác/ Mình tôi năm tháng đi về/ Tình thương một thời trận mạc/ Tôi thành con đất Liễu Khê...

Mạch nước ngầm lý tưởng

Trong vòng hơn một năm mà căn cứ của đơn vị K8 bị bom địch đánh phá tới 4 lần gây tổn thương rất lớn. Có căn cứ mới xây dựng xong hôm trước thì hôm sau đã bị giội bom. Không phải chỉ có căn cứ của K8 bị tàn phá, mà cả những cơ quan, đơn vị đóng gần K8 cũng đều chung số phận. Bởi vậy, các đơn vị ban đầu tìm cách xa lánh để đề phòng bị “vạ lây”. Những đàm luận xung quanh việc không an toàn của K8 tập trung vào những yếu tố sau:

1. Ý thức bảo vệ yếu, đặc biệt là việc giữ khói, lửa không tốt. Đây là yếu tố dễ lộ nhất. Nó đã trở thành “tâm niệm” của mỗi người lính ở chiến trường: “Nấu không khói, nói không to, ho không thành tiếng”.
2. Yếu tố lộ thứ 2: Rất có thể lính K8 ý thức bảo mật kém, vô nguyên tắc, không kín miệng, nhất là ở những nơi “tai vách, mạch rừng”.
3. Rất có thể lộ từ khâu điện đài. Cả vùng đều biết K8 là đơn vị thông tin vô tuyến thường xuyên phải điện báo về cấp trên. Đây là yếu tố rất dễ bị phát hiện. Nhất là đối với máy bay trinh thám của địch loại  L19. Nó chỉ cần lượn hai, ba vòng dù ở rất cao trên bầu trời khu vực căn cứ đóng quân của ta trong lúc hệ thống điện đài đang phát sóng là phát hiện chính xác tọa độ máy phát của ta.--PageBreak--

Từ tình hình trên, lãnh đạo đơn vị rất trăn trở. Đã nhiều cuộc họp lãnh đạo phải nhắc nhở rất gay gắt và nêu ra nhiều câu hỏi thảo luận nhằm tìm ra nguyên nhân để sớm khắc phục. Nhưng tất cả các yếu tố trên đều bị loại trừ. Bởi, qua khảo sát cho thấy ý thức bảo mật của cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị rất tốt. Vả lại, đã mấy lần chuyển tới khu vực căn cứ mới, chưa hề có quan hệ, tiếp xúc với dân, không nấu nướng ban ngày. Tất cả đều thực hiện vào ban đêm ở hầm bếp ngụy trang kín, không có một ánh lửa lọt ra ngoài. Điện liên lạc cũng thực hiện vào ban đêm và những lúc đó không hề có máy bay địch bay qua bầu trời căn cứ K8.

Ấy vậy mà căn cứ vẫn bị đánh. Bao nỗi day dứt, giày vò đối với Đoàn trưởng Trần Hoàng về cái điều mà anh chưa dám thổ lộ cùng ai, bởi nó liên quan tới vấn đề nội bộ: “Chẳng lẽ đơn vị có nội gián?...”. Anh đã cùng Đoàn phó phụ trách công tác chính trị tư tưởng và tổ chức rà đi soát lại danh sách cán bộ, chiến sĩ toàn đơn vị tới nhiều lần và đi tới kết luận: “Tất cả đều tốt. Họ không thể làm tay sai, chỉ điểm cho địch. Nếu làm như vậy - chỉ điểm cho địch đánh vào căn cứ thì chính họ cũng là người chung số phận”.

Tình cờ, tại cuộc họp tại lán chỉ huy nghe Đoàn phó thông báo tình hình chiến sự, bỗng có tiếng “kéo bễ” của một cán bộ từ dãy ghế cuối lán. Đoàn trưởng Trần Hoàng đi xuống, vỗ nhẹ vào vai, nhắc nhở:

- Nè! Nghe thời sự mà say sưa thế! Đêm hồi hôm làm gì mà hôm nay “nghỉ bù” kỹ vậy? - Lâm, anh chàng “kéo bễ” giật mình phân bua:
- Đêm hồi hôm thức khuya quá. Xin anh thông cảm.
- Làm gì mà thức khuya?
-  Tụi em là “lính quay” mà. Người đời vẫn có câu: Quay Gagônô, ngủ như bò là vậy.
- Bịa! Làm việc khuya sao từ sáng tới giờ mình chưa thấy cơ yếu báo cáo bản tin nào?
- Hồi đêm chỉ có điện đi, không có điện đến.
- Điện đi thì cũng có bao nhiêu đâu?
- Nhiều chớ! Tụi em quay cả tiếng mấy đồng hồ, mỏi rã cả tay mà không nhiều sao được.

Trần Hoàng phân vân suy nghĩ về câu nói tình cờ  của người “lính quay”. Lạ thật! Không có điện đi. Tới phiên phải giữ liên lạc. Cớ sao lại “liên lạc mấy tiếng đồng hồ”?... Thế là bỗng dưng hàng lô sự kiện tới tấp dội về trong trí nhớ Trần Hoàng mà tất cả đều liên quan tới bộ phận báo vụ do Huỳnh Văn Thê làm đài trưởng. Tất cả những lần căn cứ của đơn vị bị ném bom, hầu như tất cả các bộ phận ít nhiều tổn thương, nhưng riêng bộ phận báo vụ lại tuyệt đối an toàn. Có tới vài lần máy bay “đầm già” lượn trên khu vực căn cứ của đơn vị mà anh vẫn nghe nhịp ma-níp tạch tè, tạch tè...  đều đều phát đi từ hầm báo vụ, đến nỗi anh phải la lên “máy bay, máy bay”, nhịp ma-níp mới chịu ngừng. Lại nữa, có một đêm mưa bão lớn, không có thông tin gì cần báo cáo về trên, anh thông báo bộ phận báo vụ cho  anh em nghỉ một phiên liên lạc. Với trách nhiệm của một người lãnh đạo, đêm đó Trần Hoàng vẫn đi kiểm tra tất cả khu vực căn cứ của đơn vị, vậy mà hầm điện đài vẫn làm việc bình thường. Về tới hầm chỉ huy, Hoàng ca cẩm với Đoàn phó: “Cái thằng cu Thê tham công tiếc việc, mưa gió như vầy, đã nói cho anh em nghỉ một phiên mà nó đâu có tha...”.

Thế đấy. Cứ chuyện này nối tiếp chuyện kia, nhưng tất cả đều dang dở, bởi trong anh, người cán bộ đài trưởng Huỳnh Văn Thê với vóc dáng cao gầy, nhanh nhẹn, tháo vát, năng nổ trong mọi công việc của đơn vị. Một cán bộ trẻ đầy triển vọng. Gia đình tốt, bản thân quá tốt, 5 năm liền đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua. 17 tuổi trốn quân địch, trốn gia đình vào chiến khu đi theo cách mạng. Đơn vị cử đi học báo vụ rồi trở về công tác cho tới nay. Loại, cần phải loại cậu ta ra khỏi những chuyện ngẫu nhiên, trùng lặp vừa rồi. Mọi sự việc,  đã là chỉ huy dù lớn hay nhỏ đều không có quyền suy diễn theo cảm tính

.
.