Học tiếng của bà con dân tộc để phá những vụ án hiểm hóc

Thứ Năm, 15/06/2017, 12:20
Chúng tôi đến Sa Pa vào một ngày mưa gió sụt sùi như muốn níu chân người ở lại, song trên những cung đường, Trung tá Nguyễn Trung Kiên, Phó trưởng Công an huyện SaPa (Lào Cai) và các đồng đội vẫn đang bộn bề triển khai kế hoạch phá án... 


Tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai rồi hệ thống cáp treo Fanxipăng đi vào hoạt động, du khách trong và ngoài nước đến với vùng đất được mệnh danh là "nơi gặp gỡ đất trời" cũng tăng đột biến, đồng nghĩa với nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự của các anh bộn bề hơn cả.

1.Hai mươi lăm tuổi, chàng sinh viên Đại học Cảnh sát nhân dân Nguyễn Trung Kiên khăn gói về Sa Pa nhận công tác với bao hăm hở và hoài bão. Dù sinh ra và lớn lên ở mảnh đất "nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt" nhưng anh vẫn chưa thể mường tượng được những khó khăn ở vùng đất mới. Vào thời điểm đó, thị trấn SaPa vẫn còn là vùng đất rất hoang sơ...

Cả đơn vị có hơn 40 cán bộ chiến sỹ, tính theo quân số anh là người thứ 48. Thời điểm đó, lãnh đạo và cán bộ chiến sỹ cùng sinh hoạt trong những dãy nhà chật chội, đêm đến cái rét lùa vào tê tái; bộ quần áo phơi đêm hôm trước, sáng hôm sau đã đóng băng.

Vào thời điểm đó, số sinh viên có trình độ đại học lên vùng cao nhận công tác không nhiều nên ngay sau khi nhận nhiệm vụ, anh đã được lãnh đạo giao nhiệm vụ chắp bút, viết báo cáo về các vụ án, vụ việc xảy ra trên địa bàn. Những đêm chong đèn trong cái rét tê tái ở vùng đất có độ cao gần 2.000m so với mặt nước biển, người cán bộ trẻ ấy tỷ mỷ đọc từng tập tài liệu, nắn nót từng câu chữ, hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Trong điều kiện còn khó khăn ấy, tình cảm nồng ấm, sự quan tâm của lớp cán bộ đi trước giúp anh vơi đi nỗi nhớ nhà và cái rét tái tê ở đỉnh Fanxipăng quanh năm mây phủ. Lý giải về việc đến giờ anh vẫn có thể nhớ được từng góc phố, những người cao tuổi từng sống ở thị trấn, Trung tá Nguyễn Trung Kiên cười xòa: "Khi đó, sau những giờ lao động miệt mài, với một chiếc đèn pin, một cái áo khoác ấm, tôi lại đi bộ khắp thị trấn vừa để tìm hiểu địa bàn, vừa nắm bắt phong tục tập quán của bà con vùng cao. Những vụ việc, vụ án xảy ra trên các thôn bản vùng cao, tôi trực tiếp đi khám nghiệm và điều tra xác minh. Bởi thế mà bây giờ các trinh sát chỉ cần báo cáo thông tin, tôi đã có thể hình dung ra địa bàn, từ đó có những chỉ đạo sát sao để phá án...".

Trung tá Nguyễn Trung Kiên bên tập hồ sơ.

2. Từ sự lạ lẫm ban đầu, Trung tá Nguyễn Trung Kiên dần trưởng thành hơn trong công việc. Anh được bổ nhiệm làm Đội phó Đội Cảnh sát hình sự rồi sau đó là Đội trưởng và hiện là Phó trưởng Công an huyện phụ trách điều tra hình sự.

 "Đánh án ở vùng cao cũng có những đặc thù riêng, cán bộ Công an ngoài ngoại ngữ còn phải biết nội ngữ, bởi ở nơi đây có đến 60% là người dân tộc Mông" Trung tá Nguyễn Trung Kiên hóm hỉnh nói với chúng tôi. Rồi anh kể một câu chuyện được coi là "đặc sản" của vùng cao, nhưng qua đó cũng phần nào nói lên sự vất vả của Công an huyện Sa Pa. Vụ án xảy ra tại một xã cách trung tâm thị trấn 25km.

Vào thời điểm đó, để đến được xã chỉ có cách duy nhất là đi bằng xe máy và đi bộ; do mâu thuẫn 3 thanh niên đã gây ra cái chết cho một nạn nhân cùng xã. Sau nhiều ngày triệu tập, cả ba vẫn im lặng, bất cứ câu hỏi gì của anh và các điều tra viên đều nhận được câu trả lời "Chi pâu" (không biết); trong khi đó đơn vị chưa có cán bộ phiên dịch...

Khi tìm hiểu về nhân thân của đối tượng, Trung tá Nguyễn Trung Kiên biết cả 3 đều có thể nói tiếng phổ thông rất tốt, nhưng chúng ngầm thỏa thuận với nhau để đối phó với cơ quan điều tra. Khi thời hạn tạm giữ sắp hết, người chỉ huy đơn vị đã nghĩ ra một cách rất hiệu quả, "tương kế tựu kế" đấu trí với các đối tượng, buộc chúng phải bộc lộ.

Trong lúc trao đổi vụ án, anh và các đồng đội tạo ra một tình huống nghiệp vụ và cố tình để các đối tượng nghe thấy. Một trong số các đối tượng lúc đó đã không giữ được mình, buột miệng thốt lên: Cán bộ sai rồi. Vậy là chỉ bằng một sự tinh ý, nút thắt của vụ án đã được hé mở. Các đối tượng sau đó đã khai nhận hành vi phạm tội.

Sau thành công của vụ án, anh quyết tâm học nội ngữ. Vậy là ngày đi làm, tối đến anh mày mò học tiếng của người vùng cao. Nhờ sự cần cù, chỉ thời gian ngắn, anh đã có thể sử dụng ngôn ngữ của người bản xứ.

Chia sẻ với chúng tôi, Trung tá Nguyễn Trung Kiên bộc bạch: Ở vùng cao, nếu cán bộ có thể nói được tiếng của người bản xứ thì khoảng cách sẽ được xóa đi nhiều. Bản thân bà con vì thế cũng có cái nhìn thiện cảm hơn đối với những cán bộ Công an; họ trở thành tai mắt, giúp lực lượng Công an, góp phần giữ vững an ninh trật tự ngay ở cơ sở. Những lần bám bản, "ba cùng" với bà con vùng cao, ngoài việc nắm bắt địa bàn, anh còn vận động người dân từ bỏ những phong tục tập quán lạc hậu; tuyên truyền về chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước..., vận động người dân không nghe theo kẻ xấu, sống và làm việc theo quy định của pháp luật.

3. Ở các tỉnh miền núi phía Bắc, vốn được coi là gian nan nhất cả nước thì khó khăn chẳng kể xiết bằng lời. Câu chuyện về lần vào hiện trường phá vụ trọng án xảy ra tại địa bàn giáp ranh với xã Tả Phời, TP Lào Cai (Lào Cai) là một ví dụ.

Để vào hiện trường, hôm đó chỉ có cách duy nhất là đi bộ, những người có kinh nghiệm đi rừng cũng phải mất gần 6 giờ, đầu gối lúc nào cũng chạm với cằm. Khu vực hiện trường còn phải đi qua một khu rừng nguyên sinh, dù đốt đuốc nhưng đám vắt vẫn nhung nhúc bâu lấy người. Lúc lên đã vậy, lúc xuống thì đi mà cứ như chạy...

Khi đoàn công tác hoàn thành công tác khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi trở ra thì mặt mũi ai cũng xám xịt vì khói đuốc. Khoảng 20h, họ mới bắt đầu xuống  bản. Đường đi cheo leo, vừa đói, vừa khát, họ chỉ có chút mèm mén được bà con nhân dân nấu vội mang đi để ăn tạm. Bữa cơm muộn nơi bản vùng cao nằm vắt vẻo lưng chừng núi vẫn ấm lòng bởi thành công của chuyên án, vì tình người nơi rừng sâu núi thẳm.

Rồi kế đó là những câu chuyện dở khóc, dở cười do nhận thức còn nhiều hạn chế của bà con vùng cao. Lần ấy, anh cùng đồng đội giải quyết một vụ vụ tai nạn giao thông xảy ra trên địa bàn. Khi công tác khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi hoàn tất, tiến hành bàn giao thì gia đình nạn nhân nhất quyết không nhận tử thi... Họ yêu cầu người gây ra tai nạn phải hỗ trợ tiền mới lo đám tang cho người xấu số. Trong tình huống ấy, người chỉ huy như anh và cán bộ đơn vị phải động viên cả hai bên gia đình để lo đám tang cho nạn nhân, đồng thời làm tốt công tác tư tưởng cho gia đình nạn nhân nhưng cũng phải mất nhiều giờ đồng hồ thuyết phục...

Đó chỉ là một trong muôn vàn những khó khăn của đánh án vùng cao. Trong những năm qua, nhiều vụ án nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng trên địa bàn được khám phá thành công bằng sự đam mê của người chỉ huy say nghề đã góp phần giữ bình yên địa bàn vùng cao. Một trong số đó phải kể đến vụ  án xảy ra tại xã bản Giàng Tra, xã Sa Pả (huyện Sa Pa).

Khi được phát hiện, xác nạn nhân xấu số nằm ở một khe suối, mặt mũi đã biến dạng, tay bị trói bằng dây thừng; chân và đầu nạn nhân cũng bị quặt ra sau siết bằng dây thép, chết trong tư thế ngồi quỳ trong bao tải dứa. Kết quả khám nghiệm còn phát hiện trên người có một số vết đâm xuyên thấu ngực... Ngay khi nhận tin, Trung tá Nguyễn Trung Kiên đã cùng cán bộ Công an huyện Sa Pa; Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Lào Cai có mặt tại hiện trường.

Ở một bản vùng cao nằm cách xa trung tâm thị trấn thì vụ trọng án trên gây xôn xao dư luận. Áp lực đối với anh và các đồng đội được tính  từng ngày, từng giờ. Anh chia sẻ: Do tính chất nghiêm trọng, vụ án do Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh chủ trì nhưng để phá án thành công, anh cùng đồng đội đã tốn nhiều công sức.

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, danh tính nạn nhân được xác định là Vàng A Páo (SN 1987, người dân tộc Mông, trú tại bản Chu Va 12, xã Sơn Bình , huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu), một đối tượng nghiện ma túy, từng có một tiền án về tội trộm cắp tài sản. Cùng với các cán bộ Công an tỉnh Lào Cai, Trung tá Nguyễn Trung Kiên và đồng đội đã ăn ngủ tại địa bàn, nơi cuối cùng đối tượng Páo có mặt trước khi tử vong...

Trong những ngày đó, anh em rà soát, xác minh từng thông tin và xác định đối tượng nghi vấn Giàng A Chảo, kẻ từng có một tiền án về tội "Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh". Bằng sự nỗ lực của các lực lượng nghiệp vụ, kẻ thủ ác Giàng A Chảo sau đó đã bị bắt giữ và buộc phải khai nhận hành vi phạm tội.

Đồng phạm với Chảo chính là con trai của anh ta, đối tượng Giàng A Dình, sau đó cũng sa lưới. Trong vụ án này, khi phát hiện Vàng A Páo đột nhập vào chuồng gà, Chảo và con trai cả là Dình bắt được Páo. Sau khi đánh nạn nhân, Dình dùng thanh tre cật chuẩn bị sẵn đâm xuyên qua ngực Páo... Sau đó thì cả hai cha con cho nạn nhân vào chiếc bao tải dứa ném ra suối.

Đó chỉ là một trong nhiều vụ án Trung tá Nguyễn Trung Kiên và đồng đội đã tham gia khám phá thành công. Với những thành tích đã đạt được, 5 năm liên tiếp, anh đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua sơ sở. Trung tá Nguyễn Trung Kiên là một trong những Chiến sỹ thi đua toàn lực lượng Công an nhân dân; nhiều lần được Bộ Công an; UBND tỉnh Lào Cai tặng bằng khen về thành tích xuất sắc trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. 

Xuân Mai - Nguyễn Hương
.
.