Giữ bình yên nơi từng là "địa ngục trần gian"

Thứ Sáu, 22/10/2010, 11:22
Công an huyện Côn Đảo là một đơn vị đặc biệt nhất mà tôi từng đến bởi: Đơn vị này đóng quân "nơi đảo xa"; là đơn vị Công an cấp huyện nhưng không có... cấp dưới (cấp xã, phường, thị trấn). Đặc thù này là do huyện Côn Đảo là đơn vị hành chính cấp huyện đang duy trì chế độ chính quyền một cấp. Nghĩa là mọi hoạt động đều thông qua cơ quan hành chính cấp huyện chứ không có cấp xã, phường...

Sau khi đặt chân đến Côn Đảo, điểm đầu tiên chúng tôi đến là đại bản doanh của Công an huyện. Trụ sở Công huyện rất khang trang, sạch đẹp. Các chiến sĩ trong sắc phục của ngành hồ hởi đón tiếp đoàn khách mới từ Hà Nội vào. Cũng giống như nhiều đơn vị Công an cấp huyện, ngay tại vị trí bắt mắt nhất treo bảng ảnh điều lệnh đội ngũ. Hình ảnh chiến sĩ trẻ trong tư thế, phục trang chuẩn mà đi bất kỳ đơn vị Công an nào trong đất liền cũng thấy đã nhắc nhở chúng tôi rằng, điều lệnh đội ngũ được Công an Côn Đảo thực hiện rất nghiêm chỉnh.

"Con chào chú!" - Một đồng chí mặc quân phục Cảnh sát cất lời chào và dìu người đàn ông lớn tuổi đang chống gậy khập khiễng bước lên thềm. Sau này, tôi mới biết người đàn ông kia chính là chú Năm - một cựu tù chính trị Côn Đảo. Sau ngày 30/4/1975, các chiến sĩ tù chính trị đang bị giam cầm ở Côn Đảo vùng dậy, xóa sổ "địa ngục trần gian". Lúc này, chú Năm cũng là một trong những người tù tham gia cuộc giải phóng hòn đảo xinh đẹp vùng Đông Nam Tổ quốc. Ngay thời khắc ấy, chú tình nguyện tham gia vào lực lượng Công an, trở thành một trong những chiến sĩ đầu tiên của Công an huyện Côn Đảo.

Chiến sĩ Công an Côn Đảo làm nhiệm vụ ở cảng cá Bến Đầm.

Có một điều rất thú vị ở Công an huyện Côn Đảo là, nhìn vào tuổi đời của cán bộ chiến sĩ, ta có thể biết được truyền thống của đơn vị này. Nó như một trang sử sống, thể hiện rõ từ ngày đầu thành lập đến các thế hệ kế cận sau này. "Cây đại thụ" ở Công an huyện Côn Đảo chính là đồng chí Huỳnh Thanh Khiết, Trưởng Công an huyện. Còn trẻ nhất là các tân binh đeo hàm Thượng sĩ mới chân ướt, chân ráo đặt chân lên đảo. Trò chuyện với các anh, tôi biết rõ hơn về các thế hệ kế tiếp của công an huyện. Mỗi người trong số họ có cái duyên gắn bó với Côn Đảo khác nhau nhưng tựu trung cùng một đặc điểm - đến rồi không thể đi được, vì đã quá yêu mảnh đất này.

Thượng tá Huỳnh Thanh Khiết đến Côn Đảo năm 1977, khi là lính tân binh thuộc biên chế Công an tỉnh Hậu Giang (cũ). Gia nhập đơn vị Công an mới khai sinh và gắn bó đến hôm nay nên người anh như pho sử sống khi đề cập đến đơn vị và cả về huyện đảo Côn Đảo. Nếu khi mới thành lập, huyện Côn Đảo là phế tích của chế độ thực dân, đế quốc thì nay, Côn Đảo là thiên đường xanh. Quả đúng vậy, Côn Đảo hôm nay rất đẹp, rất thanh bình giữa biển khơi. Lực lượng Công an huyện ngày đầu sơ khai quân số ít ỏi, nay lớn mạnh với đầy đủ các đội nghiệp vụ.

Trước khi bị thực dân Pháp biến thành địa ngục trần gian, Côn Đảo là một hòn đảo xinh xắn với cư dân hiền lành, chất phác.

Qua câu chuyện với những người gắn bó lâu với Côn Đảo như đồng chí Khiết, đồng chí Thị, đồng chí Phiệt...., chúng tôi còn biết thêm rằng ở đây, mỗi tên đất, tên làng đều gắn với huyền tích. Những huyền tích xa xưa phải kể đến tích Hòn Cau và bãi Đầm Trầu; Hòn Tài - Hài Trác; bãi Ông Đụng... Còn từ khi thực dân Pháp, rồi đế quốc Mỹ biến hòn đảo xinh đẹp này thành "địa ngục trần gian" cũng có những cái tích mới ra đời. Những cái tích gắn với người tù Côn Đảo, với chế độ nhà tù hà khắc, phi nhân quyền. Đó là cầu Ma Thiên Lãnh, là cầu tàu lịch sử 914, là nghĩa trang Hàng Dương...

Trong 113 năm nhà tù Côn Đảo tồn tại, cầu tàu 914 là nơi đầu tiên tiếp nhận những người tù khi tàu cập bến. Nữ anh hùng CAND Võ Thị Sáu khi đặt chân đến đây đã hiên ngang đi giữa hai hàng lính lê dương. Người con gái đất đỏ nhỏ nhắn kiên cường trước họng súng của kẻ thù tại mảnh đất bị bọn thực dân biến thành nơi khét tiếng hung bạo. Và chỉ sau một đêm đặt chân xuống cầu tàu, nơi in dấu chân của hàng vạn người tù Cộng sản, người con gái ấy đã bị chúng thi hành bản án tử hình. Những huyền tích về sự linh thiêng của nữ chiến sĩ Công an Anh hùng Võ Thị Sáu đã làm khiếp vía bọn chúa đảo, cai ngục. Còn với dân lành, huyền tích về sự linh thiêng của "cô Sáu" đi vào đời sống tâm linh một cách tự nhiên, an lành. Bên phần mộ Anh hùng Võ Thị Sáu hôm nay, hầu như lúc nào cũng có hương, hoa trắng. Chị Sáu là tấm gương mẫu mực để các thế hệ Công an huyện Côn Đảo nói riêng và lực lượng Công an nói chung học tập, noi theo.

Xây dựng lực lượng vững mạnh, làm tốt công tác phòng chống tội phạm là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục được cán bộ, chiến sĩ Công an huyện nghiêm túc thực hiện. Đấu tranh chống tội phạm, đặc biệt với tội phạm truy nã là công việc rất khó khăn, nhất là đối với các chiến sĩ Công an đóng quân ở huyện đảo. Muốn vào trong đất liền, anh em chiến sĩ phải đi mất cả ngày trời (nếu đi bằng tàu thủy), còn đi máy bay chi phí lại tốn kém nên phương tiện này chỉ được chọn khi có việc cần kíp.

Cũng bởi đặc điểm là nơi có nhiều tàu thuyền neo đậu nên chỉ riêng ở khu vực cảng cá Bến Đầm, lượng người tứ chiếng tập trung về đây đông. Trà trộn trong những tàu đánh bắt xa bờ, có cả những kẻ phạm pháp hình sự. Đối tượng trốn truy nã Nguyễn Hữu Tại, sinh năm 1984, quê ở Bình Định là một ví dụ. Cũng như những ngư dân khác, khi tàu cập cảng Bến Đầm hắn cũng lên vui chơi. Chính những ngày Tại xả strees ở đây thì bị cán bộ, chiến sĩ Công an đồn Bến Đầm phát hiện là đối tượng đang bị Công an tỉnh Ninh Thuận phát lệnh truy nã toàn quốc.

Ngoài việc tiếp cận đối tượng, các đồng chí Cảnh sát còn xác minh từ Ninh Thuận. Đúng là hắn phạm tội giết người, cơ quan điều tra đang lùng bắt. Mặc dù thông tin xác minh khẳng định, nguồn tin ban đầu là đúng nhưng anh em không bắt trực tiếp mà động viên hắn tự thú. Ban đầu, Tại cảnh giác, giả vờ không biết việc trước kia mình làm. Tuy nhiên, trước lời lẽ vừa có lý, vừa có tình, hắn dần khuất phục. Khi cán bộ Công an tỉnh Ninh Thuận ra đến Côn Đảo, Tại ngoan ngoãn chấp hành lệnh dẫn giải về đất liền.

Trung tá Trần Văn Thị, phó Trưởng Công an huyện Côn Đảo cho biết, trong 6 tháng đầu năm, đơn vị tổ chức hai lần vào bờ bắt đối tượng truy nã. Đó là các đối tượng Nguyễn Thị Thanh, Nguyễn Văn Đơ, những kẻ phạm tội đánh bạc và cướp giật. Cũng trong khoảng thời gian này, Công an huyện cũng khám phá thành công 4 vụ phạm pháp hình sự. Tại hội trường Công an huyện Côn Đảo, chúng tôi có cuộc gặp gỡ với các cựu tù Côn Đảo đang sống trên hòn đảo xinh tươi này. Giữa cán bộ chiến sĩ Công an huyện Côn Đảo từ lâu có sự gắn kết thân thiết với các cựu tù. Đó là tình thân được gây dựng bởi chính những con người cùng chung mục đích cao cả trong hành trình bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ và sự bình yên của nhân dân.

Thượng tá Trần Văn Quý, phó Trưởng Công an huyện cho biết, các anh rất tự hào được làm nhiệm vụ ở mảnh đất thiêng liêng này. Mỗi tấc đất, mỗi ngọn cây đều mang trên mình xương máu của người chiến sĩ Cộng sản. Vì thế, đảm bảo bình yên cho Côn Đảo không chỉ là nhiệm vụ, mà có là sứ mệnh thiêng liêng. Công tác quản lý hành chính, tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ, phòng chống tội phạm... được Công an huyện triển khai đồng bộ. Trong 6 tháng đầu năm 2010, Công an huyện cấp phát 158 chứng minh thư nhân dân; đăng ký mới 68 xe mô tô; xử lý hơn 150 trường hợp vi phạm Luật Giao thông; khám phá thành công 100% các vụ pháp pháp hình sự...

Chiến sĩ trẻ Đỗ Phúc Hiệp, Công an đồn Bến Đầm cho biết, sau khi tốt nghiệp trường Trung cấp Cảnh sát nhân dân, anh tình nguyện ra công tác ở Côn Đảo. Công việc của 8 cán bộ chiến sĩ Công an đồn Bến Đầm, nơi mỗi ngày có hàng trăm lượt tàu, ghe neo đậu tuy vất vả song anh rất tự hào. Gặp Hiệp đang đi tuần tra ở cảng Bến Đầm, chúng tôi thấy rõ sự thân tình giữa người cảnh sát và các ngư dân, chủ tàu, ghe. Sự có mặt của các anh đem lại bình yên cho bến cảng cá lớn nhất Côn Đảo với hàng trăm lượt người tới, lui mỗi ngày.

Thành lập năm 1977, đến nay Công an huyện Côn Đảo ngày càng lớn mạnh. Hàng ngày, hàng giờ các anh đang thực hiện sứ mệnh giữ bình yên cho hòn đảo xinh đẹp thu hút hàng vạn khách du lịch mỗi năm, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước

Cao Hồng
.
.