Gặp người cắm cờ trên nóc Dinh Độc lập

Thứ Bảy, 17/02/2007, 09:30
Năm 2000, người Đại đội trưởng cắm cờ trên nóc dinh Độc Lập năm xưa  được về nghỉ hưu tại quê nhà với quân hàm Đại tá. Mái tóc pha sương, nhưng sức vóc của một chỉ huy xe tăng vẫn còn đó.

Sau những chuyện vui buồn, câu chuyện về người cắm cờ trên dinh Độc Lập vào mùa xuân năm 1975 đã được khẳng định đúng như lịch sử đã diễn ra. Sáu năm sau khi về hưu, cuộc sống của anh đã hòa vào cuộc sống của người dân vùng biển Thụy Xuân.

Mùa xuân này, có một tin vui đến với anh, Hội CCB,  Đảng ủy, HĐND, UBND xã Thụy Xuân, huyện Thái Thụy (Thái Bình) đã có văn bản đề nghị lên Hội đồng Thi đua khen thưởng các cấp phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho Đại tá, cựu chiến binh Bùi Quang Thận.

Về hưu, như bao cựu chiến binh khác, anh hòa vào cuộc sống đời thường, phụ giúp vợ bán hàng. Anh bảo mình đi xa lâu quá, chẳng đỡ đần vợ con, nay được nghỉ, chính là cơ hội để bù lại. Anh chị có ba con và cả ba đều thành đạt.

Mấy năm trước, vợ chồng anh bán xe đạp mini Nhật, ba năm gần đây, anh chị mở cửa hàng gas, ở ngay trung tâm phố biển Thụy Xuân khá đông đúc. Sáng sáng, anh giúp vợ mở cửa hàng và thay chị bán hàng khi chị bận công việc khác. Khách đến với cửa hàng không chỉ trong xã mà còn ở mấy xã lân cận.

Vì vậy, những khách hàng xa, anh giao cho một đứa cháu, những khi cháu bận, anh cũng sẵn sàng phi xe máy vượt dăm cây số đến tận nhà thay bình gas cho khách. Anh bảo mỗi lần như thế được 5 ngàn một bình gas to và 500 đồng một bình gas nhỏ nhưng vui vì sức mình còn lao động được. Công việc làm anh vui vì nó góp phần phục vụ cuộc sống bà con, lại có thêm những bạn bè mới.

Chưa thoả mãn với gì mình đã có, gần đây, phong trào làm đầm nuôi tôm cua ở quê anh phát triển, anh Thận lại đầu tư gần 40 triệu đồng đấu thầu 4 sào đầm, xây bờ bãi, nhà coi,  mua máy bơm nước... Đầm cách nhà hơn nửa cây số.

Đại tá, cựu chiến binh Bùi Quang Thận bên chiếc đầm của mình.

Trừ những ngày bận họp hành, sáng chiều anh ra đầm tôm. Theo anh nghề nuôi tôm cua như nuôi con thơ, tí dễ tí khó, từ việc cho chúng ăn, dọn vệ sinh đầm bãi, bơm thay nước... Nhiều hôm tối nhọ mặt người mới về.

Thấy anh lao động vất vả, vợ anh gàn mãi, nhưng anh không nghe. Anh vẫn giữ quan điểm làm cho nó vui, lao động chân tay cũng có cái thú của nó. Càng làm càng thấy mình khỏe ra. Nhìn đàn tôm trong đầm lớn lên trông thấy thật sướng mắt. Nhất là đến mùa thu hoạch một cân tôm là có bạc trăm rồi.

Nhưng không may, lứa đầu anh thả 2 vạn con tôm, vì sơ suất nên tôm chết hết. Anh lại thả tiếp, lần này có kinh nghiệm hơn nên gỡ lại được vốn lần trước và lãi chút đỉnh. Tháng tám vừa qua, thu hoạch tôm xong, anh lại đầu tư 3 triệu đồng nuôi cua.

Giữa trưa nắng hè, anh dùng vó cất cua cho tôi coi. Ao còn kha khá, con to nhất tới bốn, năm lạng. Anh cười tươi và thông báo, đến nay đã thu đủ vốn. Trong “túp lều bác Tôm” của anh xem ra cũng đủ thứ, từ tivi, đài, xoong chảo, bát đĩa. Nhiều đêm cả hai vợ chồng anh ra đây trông coi đầm.

Đêm yên tĩnh, gió biển mát mẻ vô cùng, không máy điều hòa nào so được. Anh Thận tâm sự, đây cũng là một cách hòa mình vào cuộc sống lao động của quê hương. Mình vốn gốc gác là một chàng trai vùng biển.

Trông anh đứng bên chiếc máy bơm dưới trời nắng lửa đang hối hả bơm nước vào đầm, tôi không hình dung nổi cách đây hơn ba mươi năm chính người này đã cắm cờ trên nóc dinh Độc Lập và cách đây 5 năm còn lấp lánh trên vai quân hàm Đại tá chỉ huy một đơn vị xe tăng. Xa cái ngày đó lâu rồi, nhưng những ký ức và thời quân ngũ thi thoảng lúc ẩn, lúc hiện trong anh.

Hút thêm một hơi thuốc lào, phả khói lên trần nhà, anh Thận như hòa dòng tâm sự vào khói thuốc rồi nhẩn nha nói:

- Còn sự kiện cắm cờ trên nóc dinh Độc Lập của tôi thì lịch sử đã ghi nhận. Giây phút ấy thật khó quên trong cuộc đời của tôi. Đây là hành động tất yếu của người chiến sỹ ở giây phút lịch sử thiêng liêng. Bất kỳ ai có được giây phút ấy cũng không thể làm khác.Việc làm ấy trước hết thuộc về lịch sử dân tộc.

Còn chuyện sau chiến thắng 1975, ba chiến sỹ trong xe 843 như là bị thiệt thòi. Sau giải phóng miền Nam, hầu hết những người lính đi chiến đấu nhiều năm xa nhà đều muốn về quê như là một khát khao hạnh phúc. Lư Văn Hỏa, Thái Bá Minh, Nguyễn Văn Kỷ về quê trở lại đời thường hay chuyển ngành cũng là chuyện bình thường.

Tôi lúc đó nếu quân đội không cho đi học thêm thì tôi cũng về quê như bao người lính khác. Còn việc tôi chưa được phong tặng Anh hùng là sự cố nhỏ nhoi. Lý do vô cùng đơn giản và không hề liên quan đến chiến công và phẩm chất tư cách của người chiến sỹ.

Khi đơn vị về thẩm tra lý lịch để phong Anh hùng cho tôi thì lãnh đạo địa phương xã tôi lúc đó đã nhận xét bố tôi là người đồng bóng, mê tín dị đoan. Chỉ có vậy thôi! Huyện đội Thái Thụy lúc đó đã can thiệp nhưng xã vẫn không đổi ý.

Cách đây mấy mươi năm, vậy mà nhận thức của con người còn băng bó lắm. Thế là đơn vị cũng thôi luôn. Nhiều lúc nghĩ lại thấy mình bị thiệt thòi nhưng so với biết bao đồng đội nằm lại rừng xanh núi đỏ, thấy mình đã may mắn quá nhiều. Nên cứ thế thời gian trôi đi.

Rời căn chòi trông tôm của vợ chồng anh Thận, tôi đã có cuộc trò chuyện với Thượng tá Trịnh Quang Hiền - nguyên Trưởng phòng Cán bộ Quân đoàn 1. Thay lời, Thượng tá đưa cho tôi đơn đề nghị xét tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho đồng chí Bùi Quang Thận gửi các cấp ủy Đảng chính quyền tỉnh Thái Bình, Lữ đoàn 203, Quân đoàn 2, Cục Chính sách Tổng cục Chính trị, Ban thi đua khen thưởng Bộ Quốc phòng.

Đơn nêu rõ, đồng chí Bùi Quang Thận có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ: Riêng năm 1975, chiến đấu 4 trận lập công xuất sắc, là người chỉ huy xe tăng đầu tiên húc đổ cổng dinh Độc Lập, người cắm cờ trên dinh Độc Lập.

Từ 1975 đến 2000 đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ Tiểu đoàn trưởng, Lữ đoàn phó, Lữ đoàn trưởng, Chủ nhiệm Quân đoàn. Đồng chí Bùi Quang Thận đã được Đảng, Nhà nước tặng  thưởng: 1 Huân chương Chiến công hạng nhất, 3 Huân chương Chiến công giải phóng hạng nhất, nhì,  ba, 1 Huân chương Chiến công chống Mỹ hạng ba, 1 Huy chương Quân kỳ quyết thắng, Huy chương Vì sự nghiệp thế hệ trẻ Việt Nam.

Xe tăng 843 được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng 3. Từ khi về nghỉ hưu, đồng chí Thận luôn giữ vững và phát huy tốt truyền thống anh bộ đội Cụ Hồ, gương mẫu chấp hành mọi quy định của địa phương, thẳng thắn, kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện sai trái. Có trách nhiệm xây dựng địa phương trong sạch vững mạnh.

Dưới lá đơn là chữ ký và họ tên của 10 cựu chiến binh cấp bậc từ thiếu tá đến đại tá. Cầm lá đơn đó trong tay, tôi thực sự cảm động về tình cảm của những người lính với đồng đội mình sau chiến tranh. Những cựu chiến binh từng vào sinh ra tử  này, họ không ở cùng đơn vị, không chiến đấu cùng với anh Thận nhưng như Thượng tá Hiền tâm sự, cả nước mình chỉ có một người cắm cờ trên nóc dinh Độc Lập, chiến công của anh đã ghi vào mốc son lịch sử dân tộc và thành tích của anh rất xứng đáng được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND

Ghi chép của Lã Quý Hưng
.
.