Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm Công nghệ cao (Bộ CA):

Đường dài còn lắm gian nan

Thứ Ba, 13/12/2011, 08:00
Hội nghị Đại hội đồng Interpol lần thứ 80 vừa được tổ chức tại Hà Nội. Theo báo cáo của tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol), tội phạm sử dụng công nghệ cao đang trở thành mối nguy hại lớn trên thế giới với thiệt hại mỗi năm lên tới 400 tỷ USD, cao hơn số tiền mà tội phạm buôn bán ma túy thu được. Cứ 14 giây lại xảy ra 1 vụ phạm tội sử dụng công nghệ cao...

Trước tình hình diễn biến gia tăng của loại tội phạm này, chúng tôi đã có cuộc gặp gỡ, trò chuyện cùng các đồng chí ở Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (CSPCTPCNC), một đơn vị mới được thành lập chưa đầy hai năm nhưng đã đạt được nhiều thành tích trong việc chống loại tội phạm được coi là "báo động đỏ" này...

Hẳn nhiều người còn nhớ vụ tống tiền Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) vào tháng 9/2010. Cục CSPCTPCNC nhận được đơn trình báo của Công ty Vinamilk về việc liên tục bị đối tượng sử dụng email để đe dọa, tống tiền bằng hình thức sẽ đưa sữa của Công ty này đã bị đối tượng tiêm thuốc diệt rầy ra ngoài thị trường, gây tâm lý hoang mang trong người dân khi mua sản phẩm sữa của Công ty Vinamilk, dẫn đến doanh thu của Vinamilk sụt giảm. Ngay lúc đó, các đồng chí ở Phòng 4 (thường trú tại Tp HCM) đã được chỉ đạo vào cuộc truy tìm đối tượng. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, chỉ trong một thời gian ngắn, đối tượng đã sa lưới. Đó là Phạm Tấn Lợi, 17 tuổi, trú tại phường 7, Tp Tân An, tỉnh Long An. Do cần tiền tiêu xài, Lợi đến một cửa hàng Internet để lên mạng, vào mục phản hồi thông tin khách hàng của Công ty Vinamilk rồi gửi bài viết cho rằng mình đang có 3 block sữa Vinamilk dâu đã tiêm thuốc xịt rầy, yêu cầu Công ty Sữa Vinamilk đưa cho y 70 triệu đồng, nếu không sản phẩm trên sẽ được tung ra thị trường. Vinamilk "thương lượng" và "đồng ý" chi cho Lợi 50 triệu đồng… Đúng hẹn, Lợi đến tiệm Internet, vào địa chỉ yahoo của y để nhận 10 mã số card điện thoại di động do Công ty Sữa Vinamilk gửi. Ngày hôm sau, y lại ra tiệm Internet nhận tiếp 5 thẻ card điện thoại di động Viettel.

Chiều cùng ngày, Lợi tiếp tục đến tiệm Internet để nhận 14 card điện thoại di động thì bị các lực lượng chức năng kiểm tra bắt quả tang. Số card điện thoại này Lợi nhờ Trương Tấn Tài, chủ tiệm điện thoại di động Tấn Tài bán giúp (mới bán được 5 card thì bị bắt). Ngày 1/6/2011, TAND TP Tân An, tỉnh Long An đã đưa vụ án sử dụng công nghệ cao để cưỡng đoạt tài sản của đối tượng Phạm Tấn Lợi ra xét xử. Bị cáo bị tuyên phạt 1 năm 6 tháng tù về tội cưỡng đoạt tài sản, cho hưởng án treo.

Đoàn Cảnh sát Australia bàn giao thiết bị chuyên dụng cho lực lượng phòng chống tội phạm công nghệ cao Việt Nam.

Cũng với thủ đoạn sử dụng công nghệ cao, tháng 6-2010, ba đối tượng người Trung Quốc là Lý Bằng, Lý Tất Trung và Lầu Thiều Cầm đã mang cả máy tính, thiết bị đọc, in thẻ tín dụng vào Việt Nam, sau đó móc nối với Nguyễn Thị Chắt, 59 tuổi, trú ở TP Vinh, Nghệ An để thanh toán khống dịch vụ qua đầu đọc thẻ, thực hiện việc rút tiền trái phép. Theo đó, chúng liên hệ với nhà hàng Minh Hằng ở TP Vinh (là đơn vị chấp nhận thanh toán thẻ) để rút tiền thông qua việc mua hàng. Chỉ trong vòng 1 tuần, các đối tượng trên đã thực hiện 115 lần quẹt thẻ, trong đó giao dịch thành công 29 lần, rút trái phép hơn 1,3 tỷ đồng của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam tại thành phố Vinh, Nghệ An... Các đối tượng trên tưởng hành động tinh vi, khép kín như vậy sẽ không bị phát hiện nhưng chúng không ngờ, khi chưa kịp tẩu tán tang vật để trốn về nước thì Cục CSPCTPCNC phối hợp với Công an Nghệ An điều tra, bắt giữ. 

Đại tá Nguyễn Thanh Hóa, Cục trưởng Cục CSPCTPCNC chia sẻ rằng, với thủ đoạn tinh vi, nên tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao tại Việt Nam tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, xảy ra trên nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội quan trọng, đặc biệt là lĩnh vực an toàn hệ thống mạng máy tính, tài chính - ngân hàng, thanh toán điện tử, thương mại điện tử; tập trung chủ yếu tại các thành phố lớn như Hà Nội, Tp HCMvà đang lan ra các tỉnh, thành phố khác như: Hải Phòng, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bình Dương, Phú Yên…  Tội phạm thường có tuổi đời trẻ (từ 14 đến 35 tuổi), chủ yếu là học sinh, sinh viên, có kiến thức và đam mê về công nghệ thông tin, một số ít là cán bộ, công chức. Chúng thường tập hợp, liên kết với nhau thông qua các diễn đàn trên mạng Internet (còn gọi là "Underground" hay "Thế giới ngầm") để chia sẻ công cụ, cách thức, thủ đoạn phạm tội. Sự liên kết giữa các đối tượng trong nước và nước ngoài ngày càng được thể hiện rõ nét. Hậu quả là những thiệt hại lên đến hàng trăm tỷ đồng cho các doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, hình ảnh của Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế. Bởi thế, năm 2011 tiếp tục được coi là năm "báo động đỏ" của an ninh mạng Việt Nam và thế giới với rất nhiều vụ tấn công, phá hoại với mục đích kinh tế, chính trị rõ ràng. Mức độ, tính chất ngày càng nghiêm trọng, chủ yếu nhằm vào hệ thống mạng của cơ quan, doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế trọng điểm của Nhà nước, gây ra nhiều hậu quả khác nhau. Tình trạng phát tán virus, phần mềm gián điệp, mã độc hại trên thế giới nhanh chóng lan truyền đến Việt Nam thông qua mạng Internet. Theo thống kê của Trung tâm an ninh mạng BKIS, năm 2011, trung bình có khoảng 160.000 máy tính tại Việt Nam bị nhiễm virus mỗi ngày. Hậu quả là, nhiều website lớn tại Việt Nam, trong đó có website của các cơ quan, tập đoàn kinh tế lớn của Nhà nước bị nhiễm virus, phần mềm gián điệp dẫn đến lộ lọt thông tin kinh tế, chính trị quan trọng.

Đại tá Nguyễn Thanh Hóa cũng cảnh báo rằng, do người dân chúng ta không phải ai cũng ý thức được rõ ràng hành vi phạm tội của loại tội phạm sử dụng công nghệ cao nên trên thực tế, tình hình sử dụng công nghệ thông tin, truyền thông để hoạt động phạm tội diễn biến rất nóng bỏng: Thông qua sử dụng mạng Internet, viễn thông, đối tượng thực hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật: lừa đảo qua chat (tán gẫu trực tuyến). Chúng cài đặt phần mềm gián điệp để chiếm đoạt tài khoản chat "Yahoo messenger" của người dùng rồi mạo danh chủ tài khoản lừa đảo chiếm đoạt tiền của bạn bè, người thân của chủ tài khoản đó, nhắn tin khuyến mãi, thư rác, phát tán văn hóa phẩm đồi trụy; trộm cắp, làm giả thẻ tín dụng, tống tiền, đánh bạc, cá độ bóng đá; mại dâm; buôn bán hàng cấm… Các ổ nhóm tội phạm tại Việt Nam liên kết chặt chẽ với tội phạm nước ngoài tạo thành những đường dây tội phạm sử dụng công nghệ cao.

Tình trạng trộm cắp, sử dụng trái phép thông tin thẻ tín dụng để mua hàng, vé máy bay điện tử diễn ra phổ biến. Một trong những vụ "nổi đình nổi đám" trong năm 2010 là vụ án về trộm cắp thông tin thẻ tín dụng của khách hàng (hai loại thẻ Visa và Master phát hành ở nước ngoài) để mua vé máy bay của Vietnam Airlines, gây thiệt hại hàng tỷ đồng. Trước tình hình đó, Cục CSPCTPCNC đã lập án đấu tranh chống loại tội phạm này. Suốt nhiều tháng liền, các trinh sát phải "ăn trên mạng, ngủ trên mạng" để tìm kiếm xác minh mọi thông tin liên quan đến nhóm đối tượng trên, làm rõ hành vi phạm tội và thủ đoạn của chúng. Vụ án thứ nhất do Nguyễn Thái Thông, là sinh viên Học viện Công nghệ thông tin NIIT - iNET tại Tp HCM cầm đầu.

Khoảng tháng 10/2009, Thông lên mạng nghiên cứu, tìm hiểu thông tin về việc hack các trang web, đăng nhập làm thành viên trong diễn đàn của trang web "cardchua.biz" dưới tên "takazawa" và làm quen được với 2 hacker khác là Huỳnh Ngọc Long (mrnoone), Nguyễn Ngọc Ánh (never.online)... Khi đã quen nhau, Thông được Long,  Ánh tặng vé máy bay đi từ TP Hồ Chí Minh đến Nha Trang. Từ đó, Thông học hỏi Long, Ánh, đồng thời tự tìm hiểu, biết được cách có thể sử dụng "CC chùa" đặt mua vé máy bay và hàng hóa tại các trang web cho phép thanh toán bằng thẻ tín dụng để sử dụng hoặc bán lấy tiền tiêu xài. Tính đến tháng 9/2010, Thông đã sử dụng trái phép thẻ tín dụng của người nước ngoài để mua 150 vé máy bay và đồ đạc các loại, gây thiệt hại hơn 286 triệu đồng và hơn 1.000 USD. Ngoài ra, các cán bộ, chiến sĩ ở Cục CSPCTPCNC cũng đã bắt khẩn cấp Mạch Hữu Tài, 23 tuổi, trú tại phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, Tp HCM và Nguyễn Trần Nhật Khương, trú ở đường Phạm Văn Hai, phường 1, quận Tân Bình, Tp HCM vì đã dùng "CC chùa" mua hàng trăm vé máy bay của  nhiều hãng hàng không như VNA, Jetstar, Tiger Airway... với tổng số tiền gần 1,4 tỷ đồng. Tài còn dùng "CC chùa" để mua hàng và đặt phòng khách sạn qua Internet… Như vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, cán bộ chiến sĩ Cục CSPCTPCNC đã làm rõ 9 đối tượng phạm tội, chuyển cơ quan điều tra khởi tố vụ án, bắt tạm giam 9 bị can. Nhờ chiến công này, Hiệp hội thẻ quốc tế đã công nhận Việt Nam kiềm chế được tội phạm trộm cắp thông tin thẻ tín dụng, tiếp tục cho Việt Nam tham gia chương trình thương mại điện tử, bán vé máy bay qua mạng bằng các loại thẻ của Hiệp hội. Bên cạnh đó, Hiệp hội thẻ quốc tế đã tặng cho cán bộ, chiến sĩ Cục CSPCTPCNC Bằng khen "Law Enforcement Award 2010" về thành tích chống gian lận thẻ…

Trên thế giới, số lượng người sử dụng Internet vào khoảng 1,8 tỷ người (tương đương khoảng 25% dân số toàn cầu). Tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, đến nay cả nước có gần 30 triệu người sử dụng Internet (chiếm 1/3 dân số cả nước); 180 nghìn tên miền Việt Nam (.vn) được đăng ký; 115 triệu thuê bao điện thoại di động; 15 triệu thuê bao điện thoại cố định…

Không thể phủ nhận những tiện ích mà công nghệ Internet đã mang lại cho con người. Tuy nhiên, cùng với đó là xu hướng gia tăng các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao cả về số vụ, tính chất, quy mô và hậu quả. Cũng chính vì thế, gánh nặng trách nhiệm đang đặt lên vai những cán bộ chiến sĩ Cục CSPCTPCNC. Họ luôn ý thức được, con đường phía trước còn lắm gian nan…

Thiên Kim
.
.