Cục An ninh Văn hóa, Thông tin, Truyền thông (Bộ Công an):

Đưa ra ánh sáng những tội phạm "giấu mặt"

Thứ Năm, 24/05/2018, 08:51
Với những thành tích đáng tự hào, cán bộ chiến sỹ của Cục An ninh Văn hóa, Thông tin, Truyền thông (Bộ Công an) vẫn không ngừng rèn luyện học tập, tinh thông nghiệp vụ, chính trị pháp luật, hiểu về kinh tế, kỹ thuật, khắc phục mọi khó khăn, vượt lên trên tất cả để  tiếp tục hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, lãnh đạo Bộ Công an và nhân dân giao phó...


Hơn 8 năm kể từ ngày thành lập (15/1/2010), những chiến sĩ Cục An ninh Văn hóa, Thông tin, Truyền thông (A87) Tổng cục An ninh, Bộ Công an luôn đoàn kết một lòng, vượt qua mọi khó khăn thử thách, mưu trí, dũng cảm đấu tranh hiệu quả với tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật trên lĩnh vực an ninh văn hóa tư tưởng, an ninh thông tin truyền thông. Xác lập nhiều vụ án, truy tìm nhiều tên thủ phạm "gây án vô hình" trên mạng, thu hồi về cho Nhà nước hàng chục tỷ đồng; kiến nghị xử lý hàng trăm vụ việc sai phạm trên các lĩnh vực văn hóa, thông tin, truyền thông; góp phần quan trọng giữ vững an ninh chính trị, TTATXH.

Là người gắn bó với Cục A87 ngay từ những ngày đầu thành lập, lật lại những trang hồ sơ, Thiếu tướng Đặng Ngọc Tuyến, Bí thư Đảng ủy, Cục trưởng kể lại vụ án lớn, làm nên "thương hiệu độc quyền A87" và được coi là thành công lớn từ trước đến nay triệt phá đường dây trộm cắp cước viễn thông quy mô lớn có yếu tố nước ngoài, không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn đe dọa an ninh, an toàn thông tin quốc gia vào cuối tháng 11-2016.

Qua công tác nắm tình hình, các trinh sát của đơn vị thấy nổi lên một đường dây trộm cước viễn thông quốc tế có yếu tố nước ngoài sử dụng SIM ảo, mạng viễn thông ảo được kích hoạt, tạo IMEI giả tại Trung Quốc. Có rất nhiều cuộc điện thoại lạ gọi từ nước ngoài về Việt Nam nhưng lại hiện đầu số của các nhà mạng trong nước.

Lưu lượng chuyển cuộc gọi quốc tế qua sim trong nước có ngày lên tới cả nghìn cuộc. Trước tình hình trên, các trinh sát của đơn vị phối hợp với các đơn vị cung cấp dịch vụ mạng như VNPT, MobiFone, Viettel, FPT, VTVcab, SCTV tiến hành bí mật điều tra thu thập toàn bộ các thông tin.

Sau một thời gian dài tiến hành điều tra, các trinh sát đã dựng được toàn bộ thủ đoạn hoạt động phạm tội của các đối tượng trong đường dây này với nhiều thủ đoạn mới, phương tiện hiện đại. Các đối tượng phạm tội nằm trong đường dây rất giỏi về công nghệ thông tin, sử dụng những công nghệ mới nhất, hiện đại nhất dùng đường truyền Internet cáp quang để chuyển tiếp lưu lượng điện thoại từ nước ngoài về Việt Nam, sever đặt ở nước ngoài; kết hợp với ứng dụng di động, cố định, mạng Internet và sim ảo rồi lợi dụng sơ hở trong quy định về quản lý thuê bao trả trước để thiết lập trái phép hệ thống viễn thông quốc tế, chuyển lưu lượng điện thoại từ nước ngoài về Việt Nam; gây thiệt hại lớn về kinh tế, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh, an toàn thông tin của quốc gia.

Cán bộ, chiến sĩ Cục An ninh Văn hóa, Thông tin, Truyền thông báo công dâng Bác.

Mất rất nhiều thời gian, công sức xác minh truy tìm, các trinh sát xác định được hơn 90.000 số điện thoại di động thường xuyên hoạt động tại Quảng Ninh, Hà Nội, Lào Cai bị sử dụng cho các hệ thống viễn thông quốc tế trái phép. Khoanh vùng được hoạt động khai thác trái phép cước viễn thông xung quanh nhiều khu vực đặt trạm thu phát sóng BTS có nghi vấn tại Hà Nội như Trung Kính, Trung Hòa, Nam Trung Yên, Thanh Xuân, Định Công...

Hàng ngày các đối tượng có thể chuyển hàng ngàn cuộc gọi quốc tế về Việt Nam, gây thiệt hại hàng tỷ đồng đối với các nhà cung cấp dịch vụ mạng trong nước. Các trinh sát cũng đã dựng được chân dung, nhân thân của đối tượng cầm đầu trong đường dây này là Phạm Ngọc Anh (tức Phạm Công Toàn, SN 1976, trú tại TP Móng Cái, Quảng Ninh).

Khi thời cơ phá án đã đến, Cục A87 cùng Cục An ninh điều tra, Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông, Công an tỉnh Quảng Ninh tiến hành thanh tra đột xuất và khám xét đồng loạt 7 địa điểm tại Hà Nội và Móng Cái, Quảng Ninh. Kết quả phát hiện 8 hệ thống viễn thông chuyên dụng đang hoạt động bất hợp pháp các cuộc điện thoại quốc tế về Việt Nam; thu giữ 12 thiết bị thu phát sóng do Trung Quốc sản xuất, tương đương với một hệ thống 384 kênh liên lạc quốc tế cùng nhiều tài liệu, tang vật có liên quan. Quá trình điều tra đã tiến hành bắt khẩn cấp Phạm Ngọc Anh (tức Phạm Công Toàn); Nguyễn Văn Trịnh (SN 1983, trú tại Hà Nội) cùng 2 đối tượng phạm tội khác.

Một vụ án lớn khác được đơn vị khám phá, được dư luận quần chúng đánh giá cao là triệt phá ổ sách lậu lớn nhất từ trước đến nay. Đơn vị phối hợp với Đoàn Liên ngành phòng, chống in lậu Trung ương tổ chức kiểm tra đột xuất kho sách của Công ty Cổ phần đầu tư và tư vấn giáo dục Văn Hiến có địa chỉ tại số 105 phố Bắc Cầu, phường Ngọc Thụy, Long Biên - Hà Nội.

Qua kiểm tra đã phát hiện tại kho hàng của Công ty này tàng trữ số lượng lớn hơn 50.000 cuốn sách ghi tên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Toàn bộ số sách trên đều được dán tem nhái, tem chống hàng giả của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Tại thời điểm kiểm tra, ông Triệu Quang Phú, Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư và tư vấn giáo dục Văn Hiến không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của số sách trên.

Cuộc chiến với những tên tội phạm mạng, hacker giấu mặt nóng bỏng và vô cùng gian khó. Bởi lẽ để có thể lần tìm, truy tìm ra những tên thủ phạm "gây án" trên mạng đòi hỏi ngoài việc mỗi trinh sát phải có trình độ, khả năng công nghệ thông tin cao còn phải có tinh thần nhiệt huyết, sự say mê, hết lòng với công việc.

Nhưng dẫu khó khăn, gian khó đến thế nào các chiến sĩ Cục A87 luôn khắc phục mọi khó khăn, lập nên nhiều chiến công xuất sắc, góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh với loại tội phạm "tàng hình" này, đảm bảo an ninh văn hóa, thông tin truyền thông. Với sự đoàn kết nỗ lực, cố gắng, quyết tâm không quản ngại gian khó, lãnh đạo, cán bộ chiến sĩ Cục A87 đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị được giao; khẳng định được vị trí, vai trò của mình trong lĩnh vực đấu tranh với tội phạm thông tin, truyền thông; góp phần giữ vững an ninh chính trị, TTATXH. Đơn vị nhiều lần tham mưu cho lãnh đạo Tổng cục An ninh, lãnh đạo Bộ Công an để báo cáo lãnh đạo Đảng, Nhà nước ban hành nhiều Chỉ thị, Đề án liên quan an ninh trên lĩnh vực chuyên môn; phối hợp với các đơn vị chức năng rà soát, xây dựng, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện nhiều văn bản quy phạm pháp luật phục vụ công tác quản lý nhà nước về an ninh trên lĩnh vực văn hóa, thông tin, truyền thông; góp phần đảm bảo an ninh, an toàn các sự kiện lớn về chính trị, ngoại giao, kinh tế như: Đại hội Đảng các cấp; bầu cử Quốc hội; năm APEC 2017; các phiên toà xét xử các vụ án trọng điểm...

Phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn hoạt động của các đối tượng xấu lợi dụng tự do báo chí, xuất bản, tự do sáng tác để tuyên truyền, kích động chống phá Việt Nam. Phối hợp xác minh làm rõ, xử lý ngăn chặn hàng chục vụ đối tượng xấu nhắn tin quấy rối, nói xấu, đe dọa khủng bố tinh thần một số đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước, mạo danh thân nhân lãnh đạo Bộ Công an để lừa đảo, trục lợi; đấu tranh với hàng chục vụ phóng viên vi phạm pháp luật, tống tiền doanh nghiệp; phát hiện xử lý hàng chục vụ lộ, lọt bí mật nhà nước qua báo chí, Internet.

Những phần thưởng cao quý mà Đảng, Nhà nước, Bộ Công an đã tặng thưởng cho đơn vị: Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba, Huân chương Chiến công hạng Nhất; năm 2016 đơn vị được Chính phủ tặng "Cờ thi đua Vì an ninh Tổ quốc"; 6 năm liền được lãnh đạo Bộ Công an tặng Cờ thi đua "Vì an ninh Tổ quốc" cùng hàng trăm lượt tập thể, cá nhân được tặng thưởng Huân chương, Huy chương, Bằng khen của Chính phủ, Bộ Công an, Tổng cục và các bộ, ngành, địa phương đã phần nào nói lên những cống hiến, đóng góp xuất sắc của các chiến sĩ Cục A87 trong suốt chặng đường công tác.

Thiếu tướng Đặng Ngọc Tuyến chia sẻ rằng, với những thành tích đáng tự hào như vậy song cán bộ chiến sỹ của đơn vị vẫn không ngừng rèn luyện học tập, tinh thông nghiệp vụ, chính trị pháp luật, hiểu về kinh tế, kỹ thuật, khắc phục mọi khó khăn, vượt lên trên tất cả để  tiếp tục hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, lãnh đạo Bộ Công an và nhân dân giao phó.

Việt Hưng
.
.