Tổng kết trại sáng tác kịch bản sân khấu "Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống" lần thứ II, năm 2019:

Dự báo nhiều tín hiệu vui

Thứ Năm, 14/11/2019, 08:41
Sáng 5-11 vừa qua, Cục Công tác Đảng và Công tác chính trị phối hợp với Chi hội Nhà văn Công an tổ chức tổng kết trại sáng tác kịch bản sân khấu "Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống" lần thứ II năm 2019.


Đây là một trong những hoạt động nhằm hướng tới kỷ niệm 75 năm Ngày Truyền thống CAND, 15 năm Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc vào năm 2020 và nhằm tạo nguồn kịch bản sân khấu có chất lượng để chuẩn bị cho Liên hoan nghệ thuật sân khấu toàn quốc về "Hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân" lần thứ IV.

Tới dự buổi lễ tổng kết trại sáng tác có Thượng tướng Nguyễn Văn Thành - Ủy viên Trung ương  Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; Thiếu tướng Đào Gia Bảo, Ủy viên Đảng ủy Công an Trung ương, Cục trưởng Cục Công tác Đảng và Công tác chính trị; Trung tướng, nhà văn Hữu Ước, Chủ tịch Chi hội Nhà văn Công an; Phó Giáo sư Tiến sĩ Phạm Duy Khuê, Chủ tịch Hội đồng lý luận phê bình sân khấu Việt Nam cùng đông đảo các tác giả tham gia trại viết và các nghệ sĩ, diễn viên đến từ Nhà hát CAND.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Thành trao Bằng khen của Bộ Công an cho các tập thể, cá nhân trong tham mưu, tổ chức thành công Trại sáng tác kịch bản sân khấu.

Trại sáng tác kịch bản sân khấu "Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống'' lần thứ II năm 2019 đã diễn ra trong 38 ngày (từ mồng 4-6 đến 11-7-2019) tại TP. Đà Lạt (Lâm Đồng) với sự tham gia của 22 nhà văn, nhà biên kịch trong và ngoài lực lượng Công an. Để trại sáng tác này đạt được những kết quả tốt nhất, với mục tiêu tạo ra nguồn kịch bản phong phú, có chất lượng cao để hướng tới Liên hoan nghệ thuật sân khấu toàn quốc về "Hình tượng người chiến sĩ CAND" lần thứ IV, công tác chuẩn bị đã được tính toán rất kỹ lưỡng.

Từ 37 đề cương kịch bản (35 kịch bản kịch nói, 2 kịch bản cải lương) của 35 tác giả gửi về, Hội đồng nghệ thuật đã tiến hành thẩm định và đề xuất chọn ra những tác giả có đề cương kịch bản đạt tiêu chí về nội dung tư tưởng chủ đề hướng tới hình tượng người chiến sĩ CAND để tham gia trại sáng tác. Các tiêu chí được nhấn mạnh trong trại sáng tác lần này đó là: Ca ngợi truyền thống xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của lực lượng CAND trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trước yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế hiện nay; ca ngợi phẩm chất, phong cách người CAND bản lĩnh, nhân văn, vì nước quên thân, vì dân phục vụ; ca ngợi những tấm gương dũng cảm, hi sinh của các thế hệ chiến sĩ Công an; đấu tranh phòng chống suy thoái về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, "tự diễn biến, tự chuyển hóa" trong CAND...

Tham gia trại sáng tác lần này, bên cạnh những tên tuổi nhà văn, nhà biên kịch đã trở nên quen thuộc với giới kịch nghệ nước nhà như: Chu Thơm, Nguyễn Hiếu, Lê Thu Hạnh, Lê Quý Hiền, còn có nhiều nhà văn, nhà biên kịch như Vũ Thị Nguyệt, Đỗ An Ninh, Nguyễn Khách Chiến, Đăng Minh, Vũ Thị Thu Phong, Trần Thị Mỹ Dung, Phan Thị Hoàng Anh, Lê Thanh Tăng, Trần Thị Thanh Tâm, Trương Thị Huyền...

Ngoài thời gian sáng tác tập trung tại nhà nghỉ dưỡng Minh Tâm, Ban tổ chức đã dành 12 ngày để tổ chức cho các nhà văn, nhà biên kịch đi thâm nhập thực tế tại 10 đơn vị - Công an địa phương như trại giam số 6, Trại giam Nghĩa An, Công an các tỉnh Nghệ An, Quảng Trị, Quảng Nam, Gia Lai, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Hà Tĩnh và TP. Đà Nẵng với nhiều nội dung giao lưu, bổ sung vốn sống thực tế - nghiệp vụ để phục vụ công việc sáng tác cho các tác giả. Trong thời gian thâm nhập thực tế, các nhà văn, nhà biên kịch được tìm hiểu về những đóng góp của lực lượng CAND trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội; tọa đàm, gặp gỡ, giao lưu với các gương tập thể, cá nhân tiêu biểu trong phong trào học tập, thực hiện "Sáu điều Bác Hồ dạy", phong trào thi đua "Vì an ninh Tổ quốc", phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc" và những tấm gương dũng cảm, chiến đấu, anh dũng hi sinh trên mặt trận đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo vệ an ninh trật tự, bảo vệ Tổ quốc trước đây cũng như trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0.

Nhà biên kịch Lê Quý Hiền - tác giả có kịch bản "Kẻ trộm" đoạt giải C của trại sáng tác đã chia sẻ: "Ban tổ chức đã cho các nhà văn tham gia những chuyến đi thực tế hết sức thú vị. Nhưng thực tế nhất là anh em chiến sĩ đi cùng phục vụ đoàn đã kể nhiều câu chuyện xúc động cho anh em nhà văn nhà biên kịch nghe. Các cán bộ thuộc Cục Công tác Đảng và Công tác chính trị là những người luôn tận tụy, "đi trước về sau".

Thực tế, người dân thường chỉ nhìn thấy Công an khi mặc sắc phục, đang làm công vụ, nhưng cảm nhận của tôi về Công an là những người bình thường, cũng chồng xa vợ, xa con, xa quê... để làm nhiệm vụ. Họ đã phải chịu nhiều thiệt thòi về tình cảm, thậm chí là mất mát, hi sinh. Điều ám ảnh tôi nhất đó là khi tôi đến các trại giam.

Tôi phát hiện ra một điều thú vị là, trong khi các đồng chí - đồng đội ở bên ngoài đang tìm mọi cách để những kẻ phạm tội phải chịu sự trừng phạt của pháp luật, phải thụ án ở các trại giam, thì đến các trại giam lại được chứng kiến các giám thị tìm cách giáo dục để đưa các phạm nhân trở lại cuộc sống đời thường. Không chỉ có thế, "phạm nhân" là người cải tạo có thời hạn, tùy theo mức án và thái độ chấp hành án, trong khi có khi cả cuộc đời, cả thanh xuân của các giám thị lại phải sống, làm việc trong những trại giam ấy, chưa biết ngày nào mới được về...".

Thiếu tướng Đào Gia Bảo trao giải B cho các tác giả.

Phát biểu chỉ đạo tại lễ tổng kết, Thứ trưởng Nguyễn Văn Thành hi vọng rằng, qua những trại sáng tác được tổ chức công phu, kỹ lưỡng như thế này, các nhà văn, nhà biên kịch sẽ thấu hiểu, chia sẻ nhiều hơn với những vất vả, khó khăn, gian khổ và cả sự đổ máu, hi sinh của lực lượng Công an để giữ cho cuộc sống của nhân dân được bình yên. Qua đó, sẽ có thêm nhiều kịch bản hơn nữa khắc họa chân thực, xúc động về hình tượng người chiến sĩ CAND với sự dũng cảm, tận tụy "vì nhân dân phục vụ" và những hi sinh thầm lặng không thể nói hết được...

Với những đề tài phong phú như thế này, đồng chí Thứ trưởng cũng hi vọng kết quả trại sáng tác lần này sẽ là nguồn kịch bản có chất lượng tốt phục vụ cho Liên hoan nghệ thuật sân khấu toàn quốc về "Hình tượng người chiến sĩ CAND" lần thứ IV, 2020 và phục vụ công tác chính trị, tư tưởng của ngành.

Bên cạnh những thành tựu đáng kể, những tín hiệu vui đã đạt được như đã nói ở trên, Đại tá Nguyễn Văn Toàn, Phó Cục trưởng Cục công tác Đảng và Công tác chính trị - Phó trưởng ban tổ chức trại sáng tác cũng thẳng thắn nhận định: "Về chất lượng tác phẩm, các kịch bản tham gia chưa phong phú về thể tài, tất cả đều là chính kịch. Nhiều kịch bản khép kín trong câu chuyện với chuỗi nhân quả hoặc các sự kiện, hoặc lấy câu chuyện làm cơ sở cho sự kết nối đầu cuối duy nhất của bố cục nên kịch bản còn nặng về lời thoại, nhiều tự sự, kể lể, còn thiếu không gian sáng mở cho những ngoại đề và sáng tạo bổ sung cho những yếu tố kỹ thuật hiện đại khi dàn dựng trên sân khấu...".

Kết thúc trại sáng tác, từ 22 tác phẩm hoàn thiện của 22 nhà văn, nhà biên kịch gửi về, Hội đồng nghệ thuật của trại đã chọn ra các tác phẩm để trao giải, trong đó có 3 tác phẩm đoạt giải B, 5 tác phẩm đoạt giải C, 7 tác phẩm đoạt giải khuyến khích (không có giải A). Ban tổ chức nhận định, kết quả có được từ trại sáng tác sẽ trở thành nguồn kịch bản đa dạng để các đoàn nghệ thuật có nhiều cơ hội lựa chọn, dàn dựng thành các vở diễn có chất lượng tham gia Liên hoan nghệ thuật sân khấu toàn quốc về "Hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân" lần thứ IV.

Kết quả giải thưởng

Giải A: Không có

Giải B: 3 kịch bản

- Hoa sen lửa (Chu Thơm)

- Vụ án bụt mọc (Vũ Thị Nguyệt)

- Hang đầu rắn (Đỗ An Ninh)

Giải C: 5 kịch bản

- Bài ca nhân thế (Nguyễn Kháng Chiến)

- Kẻ trộm (Lê Quý Hiền)

- Nửa vùng sáng tối (Đăng Minh)

- Lời xin lỗi muộn màng (Vũ Thị Thu Phong)

- Người thứ mười ba (Lê Thu Hạnh)
Nguyệt Hà
.
.