Kỷ niệm 51 năm ký kết Hiệp định Giơnevơ (20/7/1954 - 20/7/2005):

Dòng sông và cây cầu lịch sử

Thứ Ba, 30/08/2005, 07:43

Bến Hải cũng giống như bao con sông khác của miền Trung, hiền lành và trong xanh. Sau khi ký Hiệp định Giơnevơ, nước Việt Nam bị chia cắt làm 2 miền, lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới quân sự tạm thời. Và lịch sử kiến tạo cũng không ngờ con sông thơ mộng vào loại hàng đầu của miền Trung này lại là ranh giới của sự chia cắt 2 miền đất nước ta.

Từ Tp.HCM ra Bắc, qua Đông Hà, thị xã của tỉnh Quảng Trị khoảng hơn chục kilômét là đến dòng sông xanh một thời là nỗi đau chia cắt đất nước: dòng sông Bến Hải với cầu Hiền Lương. Con sông lịch sử này có tên khai sinh là sông Minh Lương, dài gần 100km, bắt nguồn từ dãy Trường Sơn, biên giới Việt - Lào, chảy dọc vĩ tuyến 17 từ tây sang đông, ranh giới của 2 huyện vùng đất thép Quảng Trị: Vĩnh Linh và Gio Linh, nơi có hàng rào McNamara trong cuộc chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược.

Theo Hiệp định Giơnevơ vùng phi quân sự (Dé miltaire Zone-DMZ) được quy định thiết lập dọc hai bờ sông, mỗi bên cách bờ sông 5 km. Đường giới hạn có cắm hệ thống cột mốc bằng gỗ sơn trắng, trên có tấm biển lớn với 2 hàng chữ bằng 2 thứ tiếng Việt và Pháp: Giới tuyến quân sự tạm thời (Ligne de dé cramation milli taire provisoire).

Theo hiệp định quy định, tại khu vực này hai bên không được bố trí quân đội mà chỉ có lực lượng cảnh sát làm nhiệm vụ canh gác, bảo vệ an ninh cho vùng giới tuyến quân sự tạm thời.

Sông Bến Hải, nỗi đau chia cắt

Sau Hiệp định Giơnevơ, đế quốc Mỹ nhảy vào miền Nam Việt Nam thay chân thực dân Pháp, tiến hành chia cắt đất nước ta và lập ra chính quyền bù nhìn Ngô Đình Diệm. Từ giới tuyến quân sự tạm thời, sông Bến Hải đã trở thành nỗi chia cắt dân tộc ta suốt 21 năm trời với bao xương máu của nhân dân Gio Linh và Vĩnh Linh (Quảng Trị) và cán bộ, chiến sĩ, quân đội.

Như thường lệ hàng năm, vào những ngày lễ, tết hay ngày đầu tháng, bà con ở 2 bờ Hiền Lương lại đổ ra các bến của dòng sông để tìm người thân 2 bờ giới tuyến. Ở bờ Nam, Mỹ - ngụy đã không từ bỏ một thủ đoạn nào từ khủng bố, đánh đập đến dùng súng bắn vào bà con nào có ý định vượt sang bờ Bắc thăm người thân. Hàng trăm bà con đi thăm thân nhân hai bên bờ sông đã ngã xuống vì mũi súng tàn ác của lính ngụy Sài Gòn gác cầu.

Ngày 20/5/1967, bà con các làng Xuân Mỹ, Bạch Lộc, Trung Sơn... của huyện Gio Linh đã lợi dụng lúc pháo bộ đội ta bắn vào đồn địch, ùa chạy ra sông, bơi sang bờ Bắc. Tại các bến bờ Bắc, nhân dân huyện Vĩnh Linh bất chấp bom đạn trên đầu, chèo đò sang để cứu bà con bờ Nam đang bị quân ngụy xả súng bắn. Bọn ngụy quyền Sài Gòn còn gọi pháo từ đỉnh Dốc Miếu (phía Gio Linh), và từ Hạm đội 7 ngoài Cửa Tùng bắn thẳng vào bà con, gây cảnh chết chóc đau thương ngay giữa dòng Hiền Lương, mà nay cứ đến ngày đó, bao gia đình vẫn ra khúc sông này để cúng, cầu yên lành cho những người thân của họ bị bom đạn Mỹ cướp đi. Trong trận địch bắn pháo ngày đó, riêng tại xã Trung Sơn, bà con ta đã bị chúng bắn chết và bị thương 120 người. Hai bờ Hiền Lương, dù có bị chia cắt, nhưng tình máu mủ, ruột rà người dân Vĩnh Linh và Gio Linh không bao giờ bị chia cắt.

Cầu Hiền Lương nối 2 miền

Là cây cầu được chính quyền phủ Vĩnh Linh cho xây dựng bằng gỗ từ năm 1928, trên khúc sông có chiều rộng khoảng 100 mét. Lúc đó, cầu có chiều rộng chỉ 2 mét phục vụ khách bộ hành. Năm 1931, thực dân Pháp cho sửa chữa lại, nhưng vẫn chỉ cho người đi bộ, còn xe 4 bánh qua sông vẫn phải bằng phà. Năm 1943, Pháp cho nâng cấp cầu một lần nữa, nhưng chỉ có loại xe cơ giới loại nhỏ cho qua cầu. Năm 1950, do yêu cầu quân sự, Pháp lại cho xây dựng cầu bằng bêtông cốt thép, có chiều dài 162 mét, rộng 3,5 mét, trọng tải 10 tấn. Cầu xây dựng được 2 năm thì bị du kích ta đặt mìn đánh sập để ngăn chặn sự tiến công của địch.

Tháng 5/1952, Pháp cho xây cầu mới, dài 178 mét, có 7 nhịp bằng trụ bêtông cốt thép. Mặt cầu làm bằng gỗ thông rộng 4 mét, hai bên có thành chắn cao 1,2 mét. Trọng tải tối đa của cầu là  18 tấn. Cây cầu xây dựng mới này tồn tại được 15 năm, đến năm  1967 thì bị bom Mỹ đánh sập.

Từ năm 1972 đến 1974, để phục vụ chiến trường miền Nam, công binh ta đã bắc một chiếc cầu phao dã chiến cách cầu cũ 20 mét về phía thượng lưu để phục vụ chiến đấu. Năm 1974, khi Quảng Trị giải phóng, ta cho xây lại cầu mới bằng bêtông cốt thép dài 186 mét, rộng 9 mét, có hành lang cho người đi bộ rộng 1,2 mét. Cây cầu này mang một ý nghĩa rất lớn, bộ đội ta đã vượt qua cầu này để tiến quân giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Khi tỉnh Quảng Trị chưa được giải phóng, ở giữa cầu, được vạch một đường chỉ ngang sơn trắng rộng 1cm, làm ranh giới giữa 2 miền. Nhiều năm liền, chúng luôn dùng màu sắc của sơn để làm phân ranh chia cắt, nhưng khi chúng chuyển màu sơn, luôn bị ta xóa đi thành một màu thống nhất.

Trong 19 năm trời (1954 - 1973), khi cây cầu bắc qua sông trở thành nỗi chia cắt, không một người thân của 2 bên được công khai thăm viếng nhau, mỗi tháng, đúng ngày chẵn đầu tháng mỗi tổ trực 3 người của ta sang bờ Nam, ngày lễ, tổ  3 người của đối phương sang bờ Bắc để trao đổi công việc.

Đồn công an Hiền Lương của ta, cách quốc lộ 1A 100 mét về hướng đông gồm 3 khu nhà A-B-C tạo thành chữ V (ý tưởng của 2 chữ Việt Nam thống nhất), còn gọi là nhà liên hợp được xây dựng từ năm 1955, theo kiểu nhà sàn, với kích thước  12 x 6 m, lợp bằng ngói đỏ tươi. Đây là nơi đặt trụ sở chỉ huy của công an ta, là nơi giao ban giữa lực lượng 2 bên, và cũng là nơi tiếp các đoàn khách quốc tế, các đoàn khiếu nại với tổ chức quốc tế 76 (gồm đại diện Canada, Ấn Độ, Ba Lan) giám sát sự hoạt động của hai bên.

Tại khu nhà liên hợp, trong chiến tranh ác liệt, bà con của bờ Nam đã được bộ đội ta dùng loa cực lớn công suất  500W, đường kính vành loa 1,7m; và  20 loa bổ sung loại 50W, 4 loa loại 250W để mở các chương trình của Đài Tiếng nói Việt Nam cho bà con bờ Nam nghe.

Một di tích gắn bó với bà con Quảng Trị và cả nước là cột cờ Tổ quốc ở bờ Bắc, được xây dựng từ năm 1962, có chiều cao 38,6 mét, kéo lên lá cờ Tổ quốc lớn với diện tích lá cờ 134m2, nặng 15 kg. Cột cờ này, thay cột cờ ống thép cao 34,5 mét, xây dựng tháng 7/1957; cách đỉnh cột cờ  10 mét, là một cabin to để chiến sĩ ta thường lên đứng treo cờ. Đây được coi là cột cờ cao nhất nằm trên vĩ tuyến 17 ngày và đêm. Nhân dân bờ Nam và bờ Bắc, mỗi khi nhìn thấy lá cờ yêu quý của Tổ quốc đều sung sướng, tự hào

Phạm Hà Tĩnh
.
.