Đoàn nghệ thuật Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động: Niềm vui từ những chuyến đi
"Ca sĩ xinh ơi là xinh mà hát cũng hay nữa chứ. Lâu lắm rồi chúng mình mới được xem một chương trình biểu diễn hay thế...". Những ca từ của bài hát "Người Mèo ơn Đảng" đã kết thúc chương trình nghệ thuật mà vẫn như réo rắt âm vang núi rừng Mường Nhé (Điện Biên): "Đây rừng núi lưng đèo người Mèo ca hát/ Sao còn sáng trên trời người Mèo ơn Đảng/ Bao đời nay sống nghèo lam lũ/ Nay cuộc sống dân Mèo từ đây sáng rồi/ Nhớ ơn Đảng đưa tới/ Ta từ nay ấm no/ Không bỏ rẫy đốt nhà mà lang thang nghèo suốt đời/ Từ nay dân Mèo sống chung/ Bản Mèo vui trong tiếng khèn/ Người Mèo ơn Đảng suốt đời".
1. Không giấu nổi niềm vui, những cô gái H Mông rỉ tai nhau và cười khúc khích. Đó là một đêm đông lạnh giá, cánh rừng già bị phủ trắng tuyết. Tại Nhà Văn hóa huyện Mường Nhé vẫn nồng nàn tình quân dân, những tiết mục giao lưu hòa quyện tình người. Giữa ánh trăng rừng, lời ca tiếng hát như mãi vang xa… Có lẽ, với cán bộ, chiến sĩ và diễn viên Đoàn nghệ thuật Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, chuyến đi biểu diễn phục vụ chiến sĩ và đồng bào Mường Nhé sẽ mãi là một kỷ niệm khó quên.
Gian khổ, vất vả bao nhiêu thì niềm vui, sự gắn bó với người dân nơi biên cương Tổ quốc càng bền chặt bấy nhiêu. Trung tá Đỗ Tiến Thùy, Đoàn trưởng đã kể về chuyến đi lưu diễn ấy với nỗi nhớ khó quên. Vào những ngày rét như cắt da cắt thịt, có nơi nhiệt độ xuống 2-3 độ C, đoàn công tác lên đường lên Mường Nhé, một vùng xa xôi hẻo lánh nhất của tỉnh Điện Biên nhân dịp có đoàn công tác của lãnh đạo Đảng, Nhà nước về thăm đồng bào vùng cao.
Cán bộ, chiến sĩ Đoàn nghệ thuật Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động tuyên thệ tại Lễ Công bố quyết định thành lập. |
Một chuyến đi gian khổ mà đáng nhớ. Vì gấp gáp nên cả đoàn gồng gánh đồ nghề lên sân bay nhưng thời tiết bất lợi, sương mù dày đặc nên họ phải đi bằng… đường bộ. Từ Hà Nội, đi ròng rã một đêm trên chuyến xe lắc lư khúc khuỷu, những đoạn cua tay áo khiến người như nghiêng suốt chặng đường dài. 9h sáng hôm sau đoàn mới đến huyện Mộc Châu dừng chân ăn cơm.
Vào thời khắc ấy, tuyết phủ trắng xóa từng cành cây ngọn cỏ, chiếc xe ì ạch nhích từng mét. Lại một đêm nữa người và xe vật vã trên đường, sáng hôm sau mới tới thành phố Điện Biên. Bắt đầu lên Mường Nhé bằng con đường nhỏ, nếu 2 xe tránh nhau sẽ có nguy cơ tắc đường. Vì vậy, phải chuyển tất cả đồ nghề sang một chiếc xe có trọng tải nhỏ hơn để lách cho dễ dàng.
"Chúng tôi đi từ 6h sáng tới 3h chiều đoàn mới đến được Mường Nhé. Nhưng rất may là anh em diễn viên, ca sĩ có lẽ vì rất háo hức được phục vụ đồng bào nên chẳng có ai bị… say xe" - Trung tá Thùy phấn chấn. Anh em trong đoàn chỉ kịp gặp gỡ cán bộ địa phương và ăn tối xong là dựng sân khấu dã chiến. Trời còn sáng mà bà con đã kéo đến đông kín cả sân Nhà Văn hóa huyện. Đó là nguồn động viên rất lớn với cán bộ chiến sĩ trong đoàn. Bất ngờ trời đổ mưa khiến cái rét càng tái tê. Có người lo lắng: "Có nên lắp sân khấu nữa không?". Trung tá Thùy quả quyết: "Cứ lắp sân khấu, mưa cũng biểu diễn phục vụ bà con".
Quả nhiên, trời đã chiều lòng người, mọi người ăn tối xong là trời tạnh. Có tiết mục biểu diễn, diễn viên phải mặc trang phục mỏng manh cho phù hợp. Bà con dân bản thương đã đốt những đống lửa hồng xung quanh khiến lòng người càng thêm ấm áp… Những bài ca đi cùng năm tháng ca ngợi Đảng, Bác Hồ cứ ngân nga vang xa giữa núi rừng biên cương… Bà con các dân tộc nô nức kéo nhau tới xem.
Một tiết mục biểu diễn của Đoàn nghệ thuật Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động. |
Bà con cho biết, lâu lắm rồi họ mới có được một cuộc biểu diễn hay đến thế. Chuyến biểu diễn phục vụ đồng bào Mường Nhé đã thành công ngoài sự tưởng tượng của cán bộ, chiến sĩ trong Đoàn. Tất cả chia tay trong lưu luyến. Đúng 4h sáng hôm sau, đoàn lại tiếp tục trở về Hà Nội để kịp một chương trình biểu diễn của Bộ. Đường trở về cũng đầy gian khổ, đất đá lở ngập đường, xe ôtô bị sa lầy. Các diễn viên nữ mang đồ nghề xuống xe để các diễn viên nam "tăng bo" (may mà có đạo cụ, cuốc xẻng trên xe) đào đất đá hai bên đường, tất cả bám sườn xe đẩy gần một tiếng đồng hồ mới… thoát hiểm.
2. Sau cuộc đó, đoàn vào biểu diễn tại Tây Nguyên, nơi ánh nắng chan hòa của "mùa con ong đi kiếm mật", nơi có Trung đoàn Cảnh sát cơ động Tây Nguyên đóng quân giữ gìn bình yên thôn bản. Cứ ở đâu có quân và dân là đoàn tới biểu diễn phục vụ. Thượng úy Trịnh Thị Hà Nhi, Đội trưởng, dáng người thanh mảnh, nước da trắng hồng và giọng ca trong trẻo như hút hồn người. Mỗi khi bài ca về Tây Nguyên kết thúc là Nhi lại nhận được những tràng vỗ tay không ngớt, những đóa hoa rừng giản dị mộc mạc được những chàng trai cô gái ôm lên sân khấu trao tặng. Đó là món quà đầy ý nghĩa với những diễn viên chiến sĩ như Nhi.
Hôm đó, trong ngôi nhà rông ánh sáng chan hòa, ché rượu cần cứ vơi lại đầy. Những chiến sĩ của Đoàn Nghệ thuật Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động đã mang tới Tây Nguyên một không khí vui tươi ấm áp. Thiếu úy Nguyễn Thị Hà Nhung giọng thiết tha rộn ràng với bài "Tháng ba Tây Nguyên" khiến cả không gian như bừng tỉnh một mùa xuân tràn đầy hoa trái: "Tháng ba mùa con ong đi lấy mật/ Mùa con voi xuống sông hút nước/ Mùa em đi phát rẫy làm nương/ Anh vào rừng đặt bẫy cài chông/ Tháng ba sớm sớm mẹ ra rừng/ Theo dấu chân rùa đi tìm nấm mối/ Chiều chiều cha chọn một góc vườn…".
Những bài ca ca ngợi Đảng, Bác Hồ và đời sống ấm no của người dân Tây Nguyên đã khiến không gian nghệ thuật lan tỏa khắp núi rừng hùng vĩ. Ánh trăng rằm đã chếch bóng mà lòng người quyến luyến bịn rịn vẫn chẳng muốn chia tay…
Những chuyến đi, những bài ca và những chương trình nghệ thuật đặc sắc có sức cuốn hút mạnh mẽ lòng người. Mỗi một đêm diễn là sự lớn lên, đong đầy xúc cảm của những nghệ sĩ - chiến sĩ. Mấy ai biết rằng, đoàn mới có 1 tuổi quân.
Trung tá Đỗ Tiến Thùy cho biết, tiền thân của đoàn là đội văn nghệ xung kích của Cục Cảnh sát bảo vệ, hạt nhân văn nghệ của các đơn vị hội tụ về. Khi thành lập lực lượng Cảnh sát cơ động lớn mạnh, với yêu cầu nhiệm vụ phục vụ văn hóa và đời sống văn hóa tinh thần cho cán bộ chiến sĩ đóng quân ở khắp mọi miền đất nước, góp phần đấu tranh phòng chống tội phạm, đảm bảo an ninh quốc gia, từ đó, Đoàn Nghệ thuật Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động đã ra đời cuối năm 2012, chính thức ra mắt tháng 5/2013. Từ đó đến nay, đoàn đã tổ chức gần 60 chương trình văn nghệ, mang lời ca tiếng hát và các chương trình nghệ thuật đặc sắc đi phục vụ các đơn vị trong và ngoài lực lượng Công an nhân dân trên khắp mọi miền Tổ quốc. Những tên tuổi: Hồng Nhung, Khắc Tiệp, Thanh Liêm, Quốc Toản, Thanh Tùng... là những giọng ca từng gây xúc động lòng người. Lời ca tiếng hát của các nghệ sĩ - chiến sĩ ngày càng bay cao bay xa, động viên tinh thần những người lính xa nhà làm nhiệm vụ nơi biên cương Tổ quốc, vững tay súng gìn giữ sự bình yên cuộc sống.
Lời ca ấy không chỉ bay bổng ở những thành phố lớn mà tới mọi miền Tổ quốc, hải đảo xa xôi. "Tháng tư này đoàn sẽ ra Trường Sa biểu diễn phục vụ chiến sĩ canh giữ biển trời Tổ quốc" - Đoàn trưởng Thùy bộc bạch. Trong bữa cơm trưa, nghe đoàn trưởng nói có chương trình đi Trường Sa, ai cũng giơ tay xung phong: "Em đi nhé, cháu đi nhé'.
Chắc chắn, ra Trường Sa, lời ca tiếng hát của những nghệ sĩ - chiến sĩ sẽ át đi phong ba bão táp, giúp người lính chắc tay súng canh giữ biển trời nơi đảo xa... "Tình yêu nghề của các nghệ sĩ trong đoàn luôn đầy ắp. Dù còn nhiều khó khăn, chúng tôi cũng quyết tâm xây dựng đoàn lớn mạnh, dựng nhiều chương trình hay, tiếp tục đi biểu diễn phục vụ nhân dân và chiến sĩ ở khắp mọi miền Tổ quốc" - Trung tá Đỗ Tiến Thùy chia sẻ