Điểm hẹn của mùa xuân lịch sử

Thứ Năm, 26/01/2006, 16:01

Trước mắt chúng tôi là phủ Đầu Rồng – dinh Tổng thống Việt Nam cộng hòa - sào huyệt cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn, cái đích cuối cùng của nhiệm vụ đi Chiến dịch Hồ Chí Minh. Chúng tôi đã có mặt đúng trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975.

Không để mất thời cơ, đoàn chúng tôi xông thẳng lên Phủ tổng thống của Ngụy quyền Sài Gòn vừa bị quân ta đánh chiếm. Đồng chí Phó chính ủy Quận đoàn Chiến thắng cho chúng tôi biết trên lầu một có đầy đủ bộ sậu của chính quyền Sài Gòn, các nhân vật tai to mặt lớn – tổng thống, thủ tướng, phó thủ tướng, và các “dân biểu”. Để ghi được hình ảnh chân thật nhất trong ngày tàn của một chính thể, chúng tôi chọn phương pháp ghi hình bất ngờ.

Anh Khánh Dư đã bấm máy trước khi nhô lên khỏi bậc thang cuối cùng của tầng trệt tòa nhà tổng thống ngụy. Thật tuyệt! Đúng như sự mong đợi, trước ống kính là một đám người phờ phạc, với những bộ mặt lơ láo, thất thần, đứng ngồi lổn nhổn. Nhưng họ chưa phải là đối tượng của ống kính lúc này. Tôi “lái” anh Dư hướng ống kính vào một thân hình to lớn đang cúi đầu đi lại quẩn quanh trong hành lang một cách bế tắc. Tôi biết đó là Dương Văn Minh – tổng thống cuối cùng của chính quyền Sài Gòn. Ít phút khi cánh cổng Phủ tổng thống bị xe tăng húc đổ, quân giải phóng tràn vào, từ trong đoàn quân chiến thắng tiếng nói của một sĩ quan dõng dạc vang lên: “Tất cả tập họp lại! Ai là Dương Văn Minh, Nguyễn Văn Huyền, Vũ Văn Mẫu, bước lên phía trước!”.

Một dáng người to lớn dềnh dàng bước lên. Đấy là Đại tướng Dương Văn Minh – Tổng thống cuối cùng của chính quyền Sài Gòn. Cuộc đời tổng thống của ông tính thời gian chưa đủ ba ngày. Vì lễ nhậm chức tổng thống dự định lúc 11 giờ ngày 28 tháng 4 năm 1975 phải được hoãn lại đến 15 giờ cùng ngày và kết thúc vào trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975.

Trước ống kính của chúng tôi lúc này, đôi vai ông cúi gập xuống trong trạng thái nội tâm trầm uất, khép kín, và bế tắc, đôi chân nặng nề với những bước đi chậm chạp, vô định! Cuối cùng bức tường kính mặt tiền của Phủ tổng thống bị bắn vỡ đã ngăn ông lại. Đến lúc này ông ta mới nghe được tiếng sè sè của máy quay phim. Ông ta giật mình quay lại lúng túng giơ tay lên như chống đỡ, tránh né, song vô ích. Ống kính của chúng tôi đã ghi lại trọn một trạng thái tuyệt vọng trên bộ mặt của vị “Tổng thống trong những giây phút hấp hối cuối cùng”. Khi biết rõ chúng tôi là ai, khó khăn lắm ông mới lấy lại được khí thế của một chính khách. Giơ tay phác vào không khí nhiều lần, ông ta mới cất lên được tiếng nói vu vơ như trong cơn mê sảng... “Uổng quá… loại kính này hiếm lắm… bị vỡ… uổng quá…”.

Ống kính của chúng tôi lướt qua từng căn phòng đầy ắp các vị “dân biểu” nằm ngồi ngổn ngang. Sự xuất hiện bất ngờ của các nhà quay phim Giải phóng đã gây những phản xạ náo loạn trong các căn phòng – có vị đang đánh trần quạt phành phạch bằng một tờ báo vội vàng mặc lại chiếc áo. Có người vội chỉnh lại tư thế ngồi, quay mặt đi, hoặc giấu mặt sau lưng người khác…

Động thái, cử chỉ tuy có khác nhau, song đều giống nhau ở cặp mắt lơ láo, hổ ngươi, sự tan rã qua nhanh của chế độ Việt Nam cộng hòa mà họ là những người đại biểu.

Người có vẻ bình tĩnh hơn cả là Nguyễn Văn Hảo – Phó thủ tướng chính quyền Sài Gòn. Chúng tôi có nhận xét như vậy vì Hảo biết cách trấn an cho mình như là người đứng ngoài cuộc bắn giết, mà chỉ giữ chức trách về kinh tế trong nội các Sài Gòn mà thôi. Vì thế, với dáng điệu của một chính khách, dù biết mình đang ở vị thế của một tù binh, song Hảo vẫn hỏi chúng tôi một câu khá kiểu cách: “Chúng tôi chờ đợi các ông vào thương thuyết, không ngờ các ông vào với sức mạnh?”. Quả thật, tôi không có ý định đối ngoại với họ lúc này, vì đó là công việc của Ủy ban Quân quản. Vả lại lúc này thời gian là vàng, không thể rời chiếc máy ghi hình được. Nhưng trên lầu một của phủ Đầu Rồng lúc ấy chỉ có những người phóng viên quay phim giải phóng, tôi đành phải trả lời câu hỏi của Hảo:

- Nếu ông không tự dối mình thì những điều ông vừa nói không đúng sự thật. Giả thử các ông có ý định thương thuyết, vậy các ông giải thích như thế nào về hành động chống đối lực lượng vũ trang giải phóng một cách ngoan cố, tử thử ở Xuân Lộc, Nước Trong, Đồng Xoài, Biên Hòa, Tân Cảng, Cầu Sài Gòn?… Và ngay quanh ngôi nhà các ông định “thương thuyết” là một vành đai bảo vệ bằng xe tăng, xe bọc thép, những ổ đề kháng…

Hảo biết điều hơn, đấu dịu:
- Các ông chiến thắng là phải, vì các ông có tổ chức.
- Ông mới nói đúng một phần, điều cơ bản là chúng tôi chiến đấu vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, cho một đất nước Việt Nam thống nhất, độc lập và tự do.

Trong lúc tôi đối thoại, anh Hùng đã bật máy ghi âm, nhưng vì máy quá cũ, tiếng kêu to, Hảo nghe thấy. Để tỏ ra mình vẫn là một chính khách Hảo phản ứng:
- Tôi đề nghị các ông không ghi âm.
 Thấy Hảo luôn luôn lẫn lộn chỗ đứng hiện nay của mình, tôi nghiêm mặt nói:
- Ông không còn cái quyền đó nữa!

Không khí của cuộc “gặp gỡ” có chiều hướng thay đổi, không căng thẳng như trước. Một số “dân biểu” đã vây quanh chúng tôi, vì thấy mấy anh giải phóng này không mang súng, không dữ dằn, cũng không giống những bức tranh tâm lý chiến vẽ “Việt Cộng” mắt lồi, răng nanh, có đuôi như quái vật ăn thịt người treo trên các ngõ ngách Sài Gòn.

Có người cất tiếng hỏi:
- Bao giờ chúng tôi được về nhà?
- Điều đó thuộc quyền của Ủy ban Quân quản thành phố.

Giữa lúc đó đạo diễn Bùi Đình Hạc và nhà quay phim Lưu Xuân Thư cũng đã có mặt. Dường như ông Dương Văn Minh cũng đã lấy lại được sự cân bằng ít nhiều, ông ta lặng lẽ quan sát chúng tôi. Sau cặp mắt kính của ông lúc này, những phóng viên mặt trận của Quân Giải phóng, không giống như sự miêu tả của báo chí Sài Gòn lâu nay là “Việt Cộng” phải sống trong rừng rậm đói bệnh gầy gò xanh lét, bảy người bíu vào một cọng đu đủ mà không gãy. Nhất là khi nhìn thấy anh Lưu Xuân Thư thân hình khỏe khoắn, to cao.

Ông Minh hỏi chuyện anh Thư như cách hai người cùng đường phố đã quen biết nói chuyện với nhau:
- Ông cũng to con nhỉ, ông có đá banh không?
- Có chứ!
- Trước tôi cũng đá banh.
Tiếng cười bất chợt của những người xung quanh góp phần làm cho không khí nhẹ đi. Trong lúc ông Minh đang bị câu thúc trên tòa nhà thì có một cô gái ngồi ủ rũ, cô đơn dưới bồn hoa chờ đợi. Với dáng ngồi co lại sợ sệt, nhưng nhẫn nhục và tự tin, cô cúi đầu giấu gương mặt còn rất trẻ vào đôi đầu gối cao gầy của mình. Đấy là con gái của ông Dương Văn Minh đang ngồi đợi ba về.

(Sau này người phát ngôn của Bộ Ngoại giao ta có nói với báo chí: “Ông Dương Văn Minh là Tổng thống cuối cùng của chế độ Sài Gòn cũ vào giai đoạn cuối cùng của cuộc chiến tranh, bằng tuyên bố đầu hàng vô điều kiện trước lực lượng vũ trang giải phóng, ông đã góp phần làm giảm bớt tổn thất của cuộc chiến tranh”).--PageBreak--

Sẽ là một thiếu sót nếu để “lọt lưới” bộ mặt ông chủ thực sự của phủ Đầu Rồng là Nguyễn Văn Thiệu. Thiệu đã ngồi trên ngôi tổng thống 9 năm với bao nhiêu tội ác với dân với nước vừa chạy trốn ra nước ngoài ngày 21/4/1975. Vì vậy có ý kiến cho rằng ông Dương Văn Minh chỉ là tổng thống tình thế, mang tính tượng trưng trong một tình huống bất khả kháng, không còn cách nào khác. Còn chính Nguyễn Văn Thiệu mới là tổng thống cuối cùng của một “triều đại” đổ nát.

Tướng Thiệu đã tẩu thoát, song những gì còn lại ở phủ Đầu Rồng lúc này đủ phác họa một chân dung của Thiệu, một tổng thống bù nhìn. Những ai muốn vào trong dinh cơ của Thiệu buộc phải bước qua một tấm thảm tròn rộng lớn màu đỏ chóe, chiếm gần hết diện tích của đại sảnh. Trên tấm thảm là một đầu rồng hung dữ đang há ngoác mồm đỏ lòm, dương nanh vuốt nhọn hoắt như đe dọa mọi người. Có lẽ từ hình ảnh dã thú này mới nảy sinh cái tên dị biệt phủ Đầu Rồng.

Sống trong một tòa nhà kiên cố như một lôcốt Mỹ (kiên cố đến mức quả bom phản chiến của Nguyễn Thành Trung thả trúng vào chính giữa ngôi nhà mà chỉ khoét được cái lỗ to bằng cái nong), suốt ngày đêm lính canh gác vẫn vòng trong vòng ngoài, ấy vậy mà Thiệu luôn sợ sệt. Ông ta đặt một nút điện báo động bí mật dưới tay ghế ngồi làm việc trong phòng của mình. Thiệu tự vỗ ngực cho mình là người hùng của “Đệ nhị cộng hòa”, thích chơi đấu bò hoang dã. Biểu trưng cho sức mạnh trên lầu ba của phủ Đầu Rồng Thiệu cho bày la liệt các loại đầu bò dã thú do các viên tướng đồn trú vùng biên ải, rừng núi cao nguyên đem về tặng Tổng thống để lấy hên.

Trên lầu thượng của phủ Đầu Rồng – nơi có thể quan sát toàn cảnh Sài Gòn, Thiệu còn cho đặt một kính tiềm vọng, ngày đêm dòm ngó xung quanh, cảnh giác và đối phó. Tính cách võ biền của Thiệu được bộc lộ rất rõ ở hai vật thể đặt bên nhau – một bên là chiếc tiềm vọng kính và một bên là hai con hổ đang nhe những chiếc răng nhọn. Trước kia mọi thứ bị phủ kín, còn bây giờ được phơi bày ra ánh sáng, lộ mọi hình tích, trông thật trơ trẽn.

Chúng tôi rời khỏi phủ Đầu Rồng mà có cảm giác như vừa qua một đêm dài. Bên ngoài, rạng đông đang lên. Thành phố ngập tràn trong ánh nắng ban mai. Những dòng người như thác lũ với những băng cờ rực rỡ tràn ngập trên các đường phố Sài Gòn. Xe của chúng tôi như bị trôi đi giữa dòng thác cuộn chảy. Trên đường phố đâu đâu cũng bắt gặp những ánh mắt sáng ngời với những nụ cười tươi rói xen lẫn những nét mặt xúc động, ưu tư, có cả nụ cười và nước mắt trong ngày hội lớn của dân tộc được đoàn tụ.

Những hình ảnh đã ghi được trong suốt chặng đường đi Chiến dịch Hồ Chí Minh đã đi vào tác phẩm điện ảnh “Thành phố lúc rạng đông” – một bộ phim tài liệu lịch sử màu, màn ảnh rộng.

Bộ phim “Thành phố lúc rạng đông” đã được tặng Giải nhất quốc gia – Bông sen Vàng, trong Liên hoan phim Việt Nam lần thứ ba, năm1975. Trong Liên hoan phim Quốc tế – Leipzig 1975 bộ phim “Thành phố lúc rạng đông” đoạt giải thưởng lớn – Bồ câu vàng với điểm 10 tuyệt đối của Ban giám khảo

.
.