Đại tướng Trần Đại Quang - một tấm lòng nhân ái
- Dấu ấn của Chủ tịch nước Trần Đại Quang trong hoạt động của ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương
- Chủ tịch nước Trần Đại Quang với công tác đối ngoại Công an nhân dân
- Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng (*)
- Chủ tịch nước Trần Đại Quang với việc xây dựng hiến pháp năm 2013
Có lẽ ở ta, hiếm thấy có bộ, ngành nào mà lãnh đạo bền bỉ với văn chương như thế. Bởi đã gần 20 năm nay, Bộ Công an luôn trọng thị mời gọi các nhà văn Việt Nam đồng hành cùng sáng tác văn chương, nghệ thuật. Đây là mối lương duyên giữa Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam trong hành trình sáng tạo những hình tượng văn học đẹp về người chiến sỹ Công an và phong trào quần chúng bảo vệ An ninh Tổ quốc.
Còn nhớ năm 2014, khi Nhà xuất bản CAND tổ chức bế mạc Trại sáng tác văn học "Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống" lần thứ ba tại thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng, đồng chí Đại tá, nhà văn Phùng Thiên Tân, Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản CAND đã trực tiếp lên báo cáo Bộ trưởng Trần Đại Quang với thiện ý khiêm tốn: "Nếu anh bận công việc quá thì chỉ xin phân công đồng chí Thứ trưởng vào dự chỉ đạo buổi bế mạc long trọng này".
Nghe thế, đồng chí Bộ trưởng khẳng định ngay: "Không! Để tôi vào gặp gỡ, trao đổi với các nhà văn chứ". Và theo lời nhà văn Phùng Thiên Tân thì ngay tức khắc, đồng chí Bộ trưởng chỉ đạo cụ thể luôn: "Nhân sự kiện này, Tổng cục Chính trị CAND bàn với nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nên mời thêm khoảng 50 nhà văn Việt Nam tiêu biểu của toàn quốc vào dự buổi gặp mặt, để qua đó, tôi thay mặt lãnh đạo Bộ Công an cảm ơn tình cảm của anh, chị em văn nghệ sỹ cả nước đã đồng hành, giúp đỡ lực lượng Công an suốt mấy chục năm qua".
Chủ tịch nước Trần Đại Quang trao Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về lĩnh vực văn học- nghệ thuật cho các tác giả, đại diện gia đình các tác giả đoạt giải. |
Đại tướng còn căn dặn đồng chí Trung tướng Bùi Bá Định, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị CAND và nhà văn Phùng Thiên Tân cụ thể từ việc gửi giấy mời, lo vé máy bay đến chuyện tổ chức xe đưa đón các nhà văn chu đáo từ sân bay về Đà Lạt, chuẩn bị quà tặng anh chị em nhà văn trọng thị. Thậm chí, Bộ trưởng còn hướng dẫn tỉ mỉ việc mời cơm các nhà văn cần bàn với Khu nghỉ dưỡng Minh Tâm của Bộ kiểm tra kỹ thực phẩm sạch, đảm bảo an toàn, kẻo các nhà văn, nhất là các bác cao tuổi đi đường xa đến mà ăn vào, bụng dạ không tốt ảnh hưởng đến sức khỏe là Bộ ta "mang tiếng" lắm…
Vậy là tháng 4 năm 2014 đó, Đại tướng Trần Đại Quang đã bay vào Lâm Đồng. Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, các Phó Chủ tịch là: Nhà văn Nguyễn Trí Huân; nhà thơ Trần Quang Thiều cùng hơn 50 anh chị nhà văn cả nước có mặt vui mừng đón đồng chí Bộ trưởng. Cuộc giao lưu diễn ra ấm cúng, thân mật như người nhà.
Đại tướng Trần Đại Quang xúc động nói, ông rất khâm phục sự vất vả hi sinh của nhiều thế hệ cán bộ, chiến sỹ CAND để bảo đảm, giữ gìn nền an ninh, trật tự của đất nước. Đặc biệt là những năm gần đây, anh em cán bộ, chiến sỹ trẻ rất nhiệt huyết, dũng cảm, mưu trí, dấn thân, xứng đáng với truyền thống Anh hùng, vẻ vang của lực lượng CAND, với sự cống hiến, hy sinh của các thế hệ cha anh.
Hiện, công việc của Công an thời bình rất nhiều, lại đa dạng, phức tạp, đòi hỏi phải vất vả, hi sinh. Ông mong mỏi các nhà văn, các văn nghệ sỹ nói chung đồng hành cùng lực lượng Công an để anh em không đơn độc trong cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm, đặc biệt là thâm nhập thực tế công tác, chiến đấu của lực lượng CAND, nhất là ở cơ sở và các đơn vị trực tiếp chiến đấu. Bằng tâm huyết và tài năng, các nhà văn sẽ sáng tác những tác phẩm có giá trị nghệ thuật động viên, khích lệ cán bộ, chiến sỹ Công an và người dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đại tướng Trần Đại Quang cũng chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tạo mọi điều kiện thuận lợi để có thêm nhiều nhà văn Việt Nam được thâm nhập thực tế, tìm hiểu cuộc sống công tác của Công an cũng như cung cấp tư liệu lịch sử, nhân vật để các nhà văn sáng tạo. Nhiều nhà văn cao tuổi có mặt hôm đó như nhà văn Đỗ Chu, nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải đã phát biểu tỏ rõ sự phấn khởi, xúc động khi được tâm sự thật lòng với người lãnh đạo cao nhất của lực lượng Công an, khích lệ, mở ra những hứa hẹn mới để các nhà văn có cơ hội sáng tạo những tác phẩm đỉnh cao về đề tài Công an mà văn nghệ sỹ rất thích được thử sức.
Một năm sau, khi chuẩn bị trao giải thưởng cuộc vận động sáng tác văn học "Vì an ninh tổ quốc và bình yên cuộc sống" (2012-2015), lại thêm một kỷ niệm đáng nhớ nữa giữa Đại tướng Trần Đại Quang với các nhà văn Việt Nam. Đó là năm 2015, nhân kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống lực lượng CAND (19/8/1945-19/8/2015), Trung tướng Bùi Bá Định, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị CAND chỉ đạo tôi, lúc đó là Giám đốc kiêm Tổng Biên tập Nhà xuất bản CAND báo cáo đồng chí Bộ trưởng xin được tổ chức buổi lễ trao giải thưởng văn học bằng hình thức một đêm truyền hình trực tiếp có tên là "Những trang sách Vàng CAND".
Chúng tôi còn đề xuất thêm một ý tưởng nữa, là đề nghị lãnh đạo Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam cùng xét trao tặng giải thưởng tôn vinh các nhà văn Việt Nam đã có những tác phẩm văn học xuất sắc về đề tài Công an suốt 70 năm qua. Đồng chí Đại tướng Trần Đại Quang tâm đắc lắm, đánh giá cao sáng kiến này, ông nói rằng, nhiều nhà văn Việt Nam đã dành tình cảm và đồng hành với lực lượng Công an chúng ta suốt một quá trình dài 70 năm, chúng ta phải hết sức trân quý công lao và những trang sách thấm đẫm mồ hôi, nước mắt ấy và con người nhà văn - chủ thể của sáng tạo.
Ông dặn chúng tôi, nhớ đừng có để sót ai, vì viết được một tác phẩm khó khăn, vất vả lắm, câu chữ là sáng tạo riêng, không ai giống ai. Tôn vinh cũng là một hình thức tri ân các văn nghệ sỹ, nên làm thường xuyên, bởi mỗi thời kỳ lại xuất hiện những tài năng mới.
Chúng tôi hết sức vui mừng và thực hiện nghiêm chỉ đạo của đồng chí Bộ trưởng. Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khi biết chủ trương của Bộ Công an như thế thì hết sức ủng hộ. Ông cử các nhà văn Việt Nam có uy tín tham gia Hội đồng xét chọn những nhà văn nào thật xứng danh. Về đêm truyền hình trực tiếp, nhà thơ Hữu Thỉnh hứa đích thân ông sẽ đi "thuyết khách" mời Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến dự và trao giải. Ông bảo vì sáng kiến của Bộ Công an hay quá, Hội Nhà văn Việt Nam nhiệt liệt ủng hộ bằng tất cả tấm lòng.
Năm 2015 đó, Hội đồng xét chọn của Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam đã họp chọn rất công minh, khách quan. 18 nhà văn toàn quốc được tôn vinh gồm: Nhà văn Ma Văn Kháng, Hồ Phương, Hữu Mai, Mai Thanh Hải, Nguyễn Trần Thiết, Lê Tri Kỷ, Đặng Thanh, Triệu Huấn, Ngôn Vĩnh, Văn Phan, Lương Sỹ Cầm, Nguyễn Thị Ngọc Hải, Xuân Đức, Nguyên Hùng, Hữu Ước, Nguyễn Quang Thiều, Trần Diễn, Phùng Thiên Tân… Chúng tôi thấy Đại tướng cười vui khi cầm bút ký vào tấm bảng vàng danh hiệu "Nhà văn Việt Nam vì An ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống".
Đêm 19-6-2015 ấy, Nhà xuất bản CAND đã phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức thành công lễ tôn vinh và trao giải thưởng cho các nhà văn và tác giả. Buổi lễ được truyền hình trực tiếp trên sóng VTV1.
Đồng chí Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Đại tướng Trần Đại Quang đã lên sân khấu trao giải và tôn vinh các nhà văn. Khi trao bằng vinh danh cho đại diện gia đình các nhà văn đã quá cố, tôi quan sát thấy Đại tướng Trần Đại Quang dừng lại thăm hỏi điều gì đấy rất lâu… Đó là một kỷ niệm văn chương vô cùng đáng nhớ, xúc động không chỉ của riêng ông, một vị Đại tướng, Bộ trưởng mà còn cả của chúng tôi, những chiến sỹ, nhà văn trên mặt trận văn hóa văn nghệ.
Với Chi hội Nhà văn Công an, Đại tướng Trần Đại Quang rất ân tình, quan tâm cụ thể đến bước phát triển lực lượng và những sáng tác mới của anh em. Nhiều lần ông chủ động mời nhà văn - Thiếu tướng Khổng Minh Dụ, Trung tướng - nhà văn Hữu Ước (Chủ tịch Chi hội Nhà văn Công an) đến dùng cơm trưa để tìm hiểu về sáng tác và cuộc sống của các nhà văn.
Gặp nhà văn Khổng Minh Dụ, ông thường gọi thân mật bằng cái tên trìu mến, lúc thì "Khổng đại huynh", lúc thì "Khổng tiên sinh" khiến câu chuyện thêm vui, thắm tình anh em. Gặp nhà văn Hữu Ước, ông quan tâm hỏi han về nhà văn cao tuổi Lương Sỹ Cầm, Văn Phan dạo này sức khỏe ra sao, sáng tác thế nào? Ông nói là thấy rất vui khi biết lực lượng các nhà văn Công an phát triển nhanh, bây giờ gần bằng các nhà văn Quân đội, có nhiều tác phẩm văn học chất lượng, hấp dẫn…
Giờ đây, Chủ tịch nước, Đại tướng Trần Đại Quang đã đi xa nhưng mỗi khi hồi ức lại, những sự quan tâm của ông với văn học , tôi lại thấy thẳm sâu một tấm lòng nhân ái.