Đại đội Ký Con và chiến công bắt sống hai tàu chiến Pháp

Thứ Sáu, 02/09/2005, 07:24

Ra đời trong những ngày Cách mạng Tháng Tám sục sôi, Đại đội Ký Con - đại đội nổi tiếng của Liên khu 3 mang bí danh Đoàn Trần Nghiệp, là một trong những đơn vị vũ trang đầu tiên của chiến khu Trần Hưng Đạo. Đại đội Ký Con đã lập rất nhiều chiến công xuất sắc mà tiêu biểu là đánh và bắt sống hai tàu chiến Pháp Crayssac (7/9/1945), L'Audacieux (11/9/1945).

Tổ chức tiền thân của Đại đội Ký Con là Tiểu đội Ký Con thành lập ngày 1/7/1945, sau chiến thắng Chợ Bí, bắt sống cả đại đội địch, thu hơn 100 súng, rồi Trung đội Ký Con đơn vị chủ lực trong trận đánh chiếm tỉnh lỵ tỉnh Quảng Yên 20/7/1945 và tham gia giành chính quyền ở Hải Phòng 23/8/1945. Cuối tháng 8/1945 phát triển thành Đại đội Ký Con với nhiệm vụ bảo vệ Chính quyền cách mạng ở Hải Phòng và khu mỏ Hòn Gai (1945-1946). Trong thời gian này, Đại đội Ký Con đã lập chiến công xuất sắc, tiêu biểu là đánh hai tàu chiến Pháp Crayssac (7/9/1945), L'Audacieux (11/9/1945), đánh dẹp quân Việt Cách (9/1945) tại Hòn Gai, cùng các đơn vị khác đánh lui hàng chục đợt tiến công của quân Pháp tại Hải Phòng (11/1946), sau đó phát triển thành Tiểu đoàn, rồi Trung đoàn Ký Con (tức Trung đoàn 66). Đại đội trưởng (trước đó là Tiểu đội trưởng rồi Trung đội trưởng) đầu tiên là ông Lê Phú".

Trên đây là đoạn ghi trong Từ điển bách khoa quân sự Việt Nam (tr, 239), sự việc đánh chiếm hai tàu chiến Pháp chỉ diễn ra ngay sau ngày Độc lập 2/9/1945 có mấy ngày. Gần đây, tôi đã gặp ông Lê Phú để hỏi thêm về chiến công trên và được ông cho biết:

Vào những ngày cuối tháng 8 năm 1945, thành phố cảng sôi sục khí thế cách mạng. Ngày 23/8/1945, chính quyền cách mạng đã về tay nhân dân Hải Phòng. Ngày 20/8/1945, tàu Frézouls được lệnh chạy đến đảo Long Môn thuộc đất Trung Quốc để nhận hàng tiếp tế bằng dù, thả từ máy bay xuống. Hai ngày sau, tàu Frézouls quay về vịnh Hạ Long. Tàu này vốn của Hải quân Pháp, đã chạy trốn sau đảo chính Nhật 9/3/1945. Chúng lẩn trốn trên vịnh Bắc Bộ giáp hải phận Trung Quốc. Lúc này, bọn chúng đã biết quân Tưởng sẽ vào miền Bắc và quân đội Anh sẽ vào miền Nam Việt Nam để giải giáp quân đội Nhật.

Hội thảo về chiến khu Đông Triều ( tức chiến khu Trần Hưng Đạo), tại Viện bảo tàng cách mạng Việt Nam tháng 3/1965.

Mấy ngày sau đó, sĩ quan tình báo Mỹ Piccard mang quân hàm trung úy đến tập hợp binh lính người Việt lại. Hắn thông báo về tình hình đất liền, đại để là: “Việt minh lên nắm quyền. Bảo Đại đã thoái vị. Quân Tưởng sẽ vào miền Bắc, quân đội Anh sẽ vào miền Nam”.

Thực dân Pháp tấp tểnh tìm cách núp bóng quân Đồng minh, trở lại thống trị Việt Nam. Sáng ngày 7/9/1945, tàu Crayssac đến vịnh Hạ Long, tiến sát vào bến Hòn Gai.

Từ ngày bọn tàn quân Pháp bắt được liên lạc với quân đội Mỹ, chúng nhận được tiếp tế từ máy bay thả dù xuống Bắc Hải và đảo Long Môn thuộc đất Trung Quốc. Đoàn tàu cũng được trang bị thêm các loại vũ khí của Mỹ. Ngoài những vũ khí cũ, tàu Frézouls và tàu Crayssac đều được trang bị thêm hai khẩu trọng liên 12,7mm đặt phía mũi tàu, hai khẩu đại liên Browning, một badôca, hai khẩu cạc-bin, hai khẩu súng ngắn (colt barillet), một máy vô tuyến điện (loại có ba bộ phận lắp lại, thu phát trong vòng 1.000 km) và đạn dược, lương khô.

Lúc này, quân giải phóng Chiến khu Đông Triều đã tỏa về Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Yên, Hòn Gai... Các trung đội nhanh chóng phát triển thành đại đội. Đại đội Ký Con đã ra đóng quân tại Hòn Gai.

Phát hiện tàu Pháp xâm phạm hải phận ta, đồng chí Lê Phú, Đại đội trưởng Đại đội Ký Con, nói cho đơn vị biết rõ tông tích và tính năng của tàu tuần tiễu Crayssac và âm mưu của Pháp trở lại nước ta, rồi ra lệnh xuất kích. Cả đơn vị lao nhanh ra bờ biển phía nhà Đoan (hải quân) Hòn Gai, ở đây đã có sẵn hai tàu của ta đậu ở bến. Tàu Bạch Đằng do thuyền trưởng Đạm chỉ huy. Tàu này là loại tàu kéo (remorqueur) của tư bản Pháp, tên là tàu Tigre (con hổ), sau đổi tên là Bạch Đằng, vỏ thép, chạy bằng hơi nước rất khỏe, màu sơn loang lổ để tránh máy bay Mỹ thời gian trước đó. Phía mũi tàu có đặt khẩu đại liên hotchkis ba chân. Chung quanh được xếp những bao cát chồng lên nhau. Tàu Giao Chỉ hai tầng, vỏ tàu bằng gỗ, chạy bằng hơi nước, vốn dùng chuyên chở hàng và hành khách tuyến đường Hải Phòng – Hòn Gai – Cửa Ông.

Hoàng Vinh, trung đội trưởng Trung đội I, trực tiếp chỉ huy hai tiểu đội xuống tàu Bạch Đằng, dàn quân xung quanh tàu thép. Tiểu đội 3 của Trung đội I Ký Con xuống tàu Giao Chỉ dàn quân trên tầng hai. Tất cả đều trong tư thế sẵn sàng chiến đấu.

Tàu Bạch Đằng cưỡi sóng đuổi theo về phía phải tàu Crayssac, tàu Giao Chỉ chạy theo sau về phía trái. Đại đội trưởng Lê Phú, Bùi Sinh... . cùng bốn chiến sĩ ở trên bờ sát đầu mom của núi, đường vào vịnh đến bến tàu khách, thét vang bằng tiếng Pháp “ngừng máy”.

Tàu địch phớt lờ, máy tiếp tục chạy, binh lính địch cũng trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Hai tàu Bạch Đằng và Giao Chỉ vẫn đuổi bám hai bên tàu địch. Tàu Bạch Đằng phát tín hiệu cờ cho tàu Crayssac dừng lại. Cần phải nhanh chóng giải quyết, Đại đội trưởng Lê Phú lệnh cho đồng chí Bùi Sinh cùng bốn chiến sĩ đang phục trên bờ sát mỏm núi Bài Thơ chạy ra bến tàu Hòn Gai, mượn canô chở khách, cả tổ chiến đấu lên canô lao thẳng về phía tàu Crayssac. Lúc này, tàu địch đã giảm tốc độ. Tàu Bạch Đằng và tàu Giao Chỉ càng bám sát gần tàu địch hơn. Canô của Bùi Sinh mở hết tốc độ lao thẳng áp sát vào thành tàu địch. Thủy binh Pháp dùng tay cố đẩy canô ra không cho áp sát vào thành tàu. Lê Phú, Bùi Sinh cùng bốn chiến sĩ nhanh nhẹn xung phong nhảy lên tàu địch, súng trong tay sẵn sàng nhả đạn khi quân địch chống cự và hô lớn bằng tiếng Pháp: “Giơ tay lên”. Thủy thủ Pháp đứng bên các ụ súng trên boong tàu mắt nhìn về phía thuyền trưởng và giơ cao hai tay đầu hàng.

Hai tàu Bạch Đằng và Giao Chỉ đã phối hợp kịp thời, bám sát hai bên tàu địch. Canô hoàn thành nhiệm vụ xung kích lùi lại phía sau. Tàu Bạch Đằng thay thế, áp sát ngay vào thành tàu địch. Hai tiểu đội do Hoàng Vinh chỉ huy nhanh chóng nhảy lên tàu địch với khí thế áp đảo. Các chiến sĩ ta lập tức tước súng ngắn, dao găm Mỹ và những quả lựu đạn OF của những tên thủy binh Pháp. Bùi Sinh hô lớn: “Tất cả những người Âu sang tàu bên!” và hất hàm sang phía tàu Bạch Đằng. Binh lính Pháp nhảy ào ào sang tàu bên. Tên đại úy thuyền trưởng và trung úy Mỹ ngoan cố không rời tàu. Lê Phú ra lệnh cho hai tên này: “Rời khỏi tàu”. Chúng vẫn chưa chịu rời. Tên thuyền trưởng nói: “Tôi rời tàu phải có võ lực”. Liền lúc đó, một chiến sĩ đứng sát tên thuyền trưởng bắn một phát súng ngắn chỉ thiên thị uy. Đến lúc này, hai tên sĩ quan mới chịu sang tàu Bạch Đằng.

Khi tàu địch bị bao vây, chúng nhốt những thủy thủ người Việt dưới hầm tàu đề phòng họ phản chiến. Sau khi đánh chiếm tàu, ta mở nắp hầm cho họ lên boong. Mọi người đều phấn khởi, vui mừng và đều xin tham gia cách mạng.

Trên tàu này, ngoài 6 sĩ quan thủy binh Pháp, 1 sĩ quan tình báo Mỹ và 8 thủy thủ Việt còn có một người đàn bà đứng tuổi người Việt, dáng người lao động, đang ngồi khâu dở lá cờ Mỹ. Ta cho chị ấy trở về quê quán, gia đình.

Sau khi chiếm được tàu, Bùi Sinh và một tiểu đội được giao nhiệm vụ trực tiếp phụ trách tàu. Lê Hai (Lê Hai nay là Trung tướng, nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Quân đội nhân dân Việt Nam) lục soát các ngăn tủ của tên thuyền thưởng tìm thấy công văn, chỉ thị mật của Chính phủ De Gaulle gửi cho sĩ quan và binh lính Pháp. Nội dung chủ yếu là tổ chức nhân sự cho bộ máy cai trị trên đất nước Việt Nam, khi chúng trở lại thống trị như trước đây. Trong ngăn tủ có lá cờ tam tài Pháp, in thêm ở giữa cờ ký hiệu chữ thập (croix de Lorraine) của Phái De Gaulle.

Đồng chí Lê Hai còn tìm thấy bên điện đài một bức điện chưa kịp mã hóa của tên đại úy thuyền trưởng: “Chúng tôi bị tấn công bởi tàu dắt. Cho Frezouls đến ứng cứu”.

Tất cả tài liệu trên được chuyển ngay cho Tư lệnh ủy ban quân sự liên tỉnh miền duyên hải. Tư lệnh Nguyễn Bình (đồng chí Nguyễn Bình, Tư lệnh Chiến khu năm 1948 được Hồ Chủ tịch phong quân hàm Trung tướng, sau là liệt sĩ, Anh hùng lực lượng vũ trang) đi canô Nam Hải ra Hòn Gai đến thăm tàu Crayssac. Tư lệnh Nguyễn Bình lệnh cho gỡ chữ Crayssac xuống và gắn hai chữ Ký Con bằng đồng thay ở phía mũi và đuôi để ghi công trạng của cán bộ, chiến sĩ Đại đội Ký Con đã dũng cảm phối hợp đánh chiếm được tàu của Pháp trên biển Vịnh Hạ Long.

Mấy ngày sau, vào khoảng 13 giờ ngày 11/9/1945, tàu L'Audacicux của Hải quân Pháp tới vùng biển Hòn Gai. Qua ống nhòm, chúng nhìn thấy tàu Crayssac ở phía cầu tàu thị xã Hòn Gai. Bọn Pháp liền cho tàu chạy thẳng tới. Nhưng khi đến gần, nhìn thấy lá cờ đỏ sao vàng đang phần phật bay trên cột nóc buồng lái, chúng hoảng hốt vội vàng bỏ chạy ra khơi, đồng thời đánh điện (không qua mật mã) cho đoàn thuyền của chúng ở đảo Cái Bầu: “Chúng tôi đã nhìn thấy Caryssac ở Hòn Gai, treo cờ đỏ sao vàng”.

Đồng chí Bùi Sinh cùng Tiểu đội chiến đấu trên tàu Ký Con, lập tức nổ máy, mở hết tốc lực đuổi theo. Hoa tiêu Nguyễn Văn Lầu và lái tàu Ngô Đình Định cùng các thủy thủ cho tàu rẽ sóng băng theo tàu địch.

Tàu L'Audacieux đang tháo chạy. Chúng điện cho nhau: “Crayssac đã nổ máy, xuất hiện trên biển”. Chúng nhận được điện trả lời: “Đánh đắm tàu”. Thế là, chúng ra lệnh vứt hết xuống biển, nào điện đài, nào đại liên còn gắn liền với ba chân, badôca trước khi đánh đắm tàu.

Vừa liệng xong những trang bị vũ khí xuống biển thì tàu Ký Con đuổi kịp, liền áp sát mạn vào tàu địch. Bùi Sinh cùng các chiến sĩ nhanh nhẹn nhảy ngay sang tàu địch. Bị bất ngờ, bọn chúng hoảng hốt giơ tay xin hàng. Ta chiếm được tàu L'Auscieux không tốn một viên đạn. Lá cờ tam tài bị hạ xuống, cờ đỏ sao vàng được kéo lên. Đây là chiến công thứ hai của Đại đội Ký Con trên biển Hạ Long.

Thế là, nửa đoàn tàu của quân Pháp (cả đoàn 4 chiếc) ở miền duyên hải Bắc Bộ kéo về nhằm thực hiện âm mưu trở lại chiếm nước ta đã bị lực lượng vũ trang cách mạng đánh chiếm chỉ trong vài ngày.

Cán bộ, chiến sĩ Đại đội Ký Con dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, đã bắt gọn hai tàu Pháp mà không hề tổn thất gì. Có lẽ đây là chiến công đầu tiên của quân đội ta sau Quốc khánh 2/9/1945

Trần Hồng Đức
.
.