Cuộc đối mặt ngày 17/6/1945 tại núi Nùng, vườn Bách Thảo (Hà Nội)

Thứ Ba, 22/08/2006, 09:00
Tôi đã giao cho từng tổ nhiệm vụ riêng biệt như: Tổ nào kiểm soát bọn mật thám chìm, không để chúng bắt giữ anh chị em mình và có nhiệm vụ đánh tháo cho những anh chị em bị chúng bắt giữ. Các tổ viên không được mang theo vũ khí, trừ người có nhiệm vụ riêng được giao. Các tổ phải chú ý “cắt đuôi” không để bọn mật thám chìm theo dõi...

Vào đầu tháng 6/1945, anh Nguyễn Khang, Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ, phụ trách địa bàn Hà Nội gặp tôi, trao nhiệm vụ mới: “Theo lệnh phát xít Nhật, bọn Đại Việt quốc gia liên minh sắp tổ chức kỷ niệm ngày Nguyễn Thái Học bị Pháp xử tử, nhưng chính là để chúng tuyên truyền thuyết Đại Đông Á của Nhật. Tuấn huy động tất cả các anh chị em và cả những người có cảm tình với Cách mạng đến dự cuộc míttinh ấy và phải phá bằng được, không để chúng lừa dối nhân dân... Nhớ là “phải phá bằng được cuộc míttinh ấy của bọn phản động...”.

Tôi nhận nhiệm vụ của anh Nguyễn Khang giao cho mà thấy lo lắng, phải tìm cách làm sao để thực hiện được việc này. Tôi họp với 11 anh chị là tổ trưởng, nhưng chỉ dám đến gặp từng người vì hoạt động đơn tuyến, để trao đổi công việc và bàn kế hoạch phá được cuộc míttinh này của bọn phản động Đại Việt Quốc dân đảng.

Qua tiếp xúc với từng anh chị tổ trưởng, tôi đã hình thành được kế hoạch hành động:  Lần này không giống như việc phá cuộc lễ truy điệu tên Trần Văn Nhung là tay sai của phát xít Nhật, tham dự cuộc đảo chính chống Pháp bị bắn chết, vì lần đó chúng tổ chức ngay ở ngã tư Tràng Tiền, nên chúng tôi chỉ rỉ tai những người đi đường không tham dự để chúng vây ráp bắt đi lính cho chúng. Lần này chúng tổ chức quy mô lớn hơn và lấy danh nghĩa kỷ niệm Nguyễn Thái Học, nhà yêu nước chân chính, nên chắc có đông người đến dự.

Tôi không biết còn có lực lượng Việt Minh nào khác tham dự hay không nhưng riêng chúng tôi gồm hơn 40 anh chị em chuyên hoạt động bí mật ở nội thành phải cáng đáng nhiệm vụ này là chính. Vì thế tôi phổ biến để anh chị em các tổ chuẩn bị nhiều truyền đơn để rải trong công viên Bách Thảo. Nhiệm vụ in truyền đơn do anh Lê Đức Huy (tức Đại tá Lê Thái Mỹ, Viện trưởng Viện Kiểm sát quân sự tình nguyện Việt Nam ở Lào và Campuchia) đảm nhận vì nhà anh là hiệu khắc dấu Ích Cát ở đầu phố Hàng Gai, có điều kiện khắc gỗ các khẩu hiệu cách mạng.

Tôi bố trí các tổ Việt Minh đứng xen kẽ với những người cảm tình với cách mạng, rải rác khắp xung quanh hồ trước núi Nùng là nơi bọn Đại Việt tổ chức cuộc míttinh này. Anh chị em sẽ tự động đứng tại vị trí thích hợp và khi nghe có tiếng hô khẩu hiệu “Đả đảo...” thì hưởng ứng hô theo ngay. Đồng thời lúc đó rải truyền đơn và cắm cờ đỏ sao vàng, cờ búa liềm ở các thân cây... Riêng các chị em nữ sinh chỉ làm nhiệm vụ phá rối, có nghĩa là khi đã nghe thấy anh em khác hô khẩu hiệu đả đảo, thì các chị lấy cớ len lỏi trong đám đông nhân dân, kêu to: “Về đi! Về đi! Bọn Nhật khủng bố đấy!”.

Tôi đã giao cho từng tổ nhiệm vụ riêng biệt như: Tổ nào kiểm soát bọn mật thám chìm, không để chúng bắt giữ anh chị em mình và có nhiệm vụ đánh tháo cho những anh chị em bị chúng bắt giữ. Các tổ viên không được mang theo vũ khí, trừ người có nhiệm vụ riêng được giao. Các tổ phải chú ý “cắt đuôi” không để bọn mật thám chìm theo dõi...

Một ngày trước, 16/6/1945, tôi đã ngấm ngầm theo dõi, quan sát sự chuẩn bị của bọn chúng ở vườn Bách Thảo và thấy chúng chưa phát hiện được việc lên kế hoạch phá cuộc míttinh của chúng tôi...

Sáng 17/6/1945, tôi đến vườn Bách Thảo từ sớm đã thấy lác đác các anh chị em đứng rải rác lẫn với nhân dân ở quanh hồ nước, trước núi Nùng (có tài liệu gọi là Long Đỗ). Trước ngôi miếu, trên lưng núi Nùng là nơi chúng bày bàn thờ, có ảnh đồng chí Nguyễn Thái Học, đỉnh đồng, lư hương, đèn nến...

Bên các bậc gạch lên xuống có đặt mấy vòng hoa bằng hạt cườm và hoa tươi. Có điều làm tôi lo lắng là ngay dưới chân núi Nùng, sát bàn thờ là bọn thanh niên áo nâu của tên Võ Văn Cầm, một kẻ theo Đại Việt, có mang theo súng trường, đứng dàn thành hàng rào danh dự. Và ở quanh núi Nùng, bên các gốc cây là những tên lính Nhật, súng trường giương lưỡi lê... đứng gác lạnh lùng như sẵn sàng nổ súng can thiệp vào việc phá rối cuộc míttinh này của anh chị em Việt Minh chúng tôi. Tôi thoáng nghĩ “đã phóng lao thì phải theo lao”, có bị bắt cũng là vì hy sinh cho cách mạng. Ít nhất chúng tôi cũng phải phá cho kỳ được cuộc míttinh phản động này, không để chúng tuyên truyền thuyết Đại Đông Á phản động, làm mê hoặc nhân dân.

--PageBreak--

Khi tên Nguyễn Ngọc Sơn lên nói về thân thế và sự nghiệp cách mạng của Nguyễn Thái Học, chúng tôi và mọi người vẫn đứng yên. Nhưng khi đến lượt tên Nguyễn Thế Truyền đăng đàn, tôi đã chuẩn bị. Khi hắn nói, nước Việt Nam đã loại bỏ được kẻ thù là thực dân Pháp sau hơn 80 năm chịu làm nô lệ cho chúng, nhưng hắn lại quy công về Thiên hoàng và chủ thuyết Đại Đông Á, tôi không để cho tên Truyền nói tiếp, liền bấm tay anh Ngô Tất Oánh (tức Đại tá Lê Thanh Quang, Phó Tư lệnh Hà Sơn Bình - nay là Hà Tây). Anh Oánh người cao to, chắc cũng xúc động, nhưng cố gắng lấy giọng hét to: “Đả đảo tên Nghiệp và Sơn, tay sai bán nước của phát xít Nhật!”. “Ủng hộ Việt Minh!...”. “Việt Nam độc lập, đánh đuổi thực dân Pháp và phát xít Nhật!...”.

Anh Oánh chưa kịp hô tiếp thì quanh hồ đã rào rào nổi lên những tiếng hô hưởng ứng lời của anh, rầm rầm, hùng dũng vang cả vùng bao quanh núi Nùng. Tiếp sau những lời hô đả đảo... ủng hộ Việt Minh... là những tiếng cười nói ồn ào của nhân dân. Lúc này truyền đơn được các anh chị em bí mật tung ra bay trắng xóa cả một vùng quanh núi Nùng. Đó đây, cờ đỏ sao vàng và cờ búa liềm đã cắm vào các thân cây khắp vườn Bách Thảo.

Trong khi ấy, tổ nữ sinh của chị Tuyết Minh (nữ chính trị viên tiểu đoàn của Liên khu 1, chiến sĩ quyết tử của Trung đoàn Thủ đô) đã len lỏi trong các đám đông nhân dân, miệng không ngớt lời la to: “Về đi! Về đi, bọn Nhật khủng bố đấy!” càng làm cho nhân dân sợ hãi, rùng rùng bỏ ra về, không ở lại dự cho xong cuộc míttinh của bọn Đại Việt...

Bọn địch chưa kịp phản ứng, tôi còn đang phấn khởi vì thấy thắng lợi thì anh Quế (tổ trưởng được giao nhiệm vụ đi kèm bảo vệ cho tôi) đã rút súng ngắn ra cầm ở tay và giục tôi: “Tuấn! Lên đi... lên bắt bọn thanh niên áo nâu của chúng giải tán!”.

Tôi như bị cuốn hút vào không khí sục sôi, cũng rút khẩu Chiêu Hòa vẫn giắt sau lần áo dài trước bụng, người bừng bừng chất men say cách mạng, chạy vụt lên chỗ bọn thanh niên áo nâu đang đứng làm hàng rào danh dự, ngơ ngác không hiểu chuyện gì đã xảy ra. Tôi chỉ súng vào mặt chúng, quát to: “Giải tán mau! Giải tán mau!”.

Bọn chúng thấy tôi vung khẩu súng vào mặt nên sợ hãi chúi vào nhau không dám chống cự gì. Còn tên Nguyễn Thế Truyền đã phải ngừng diễn thuyết, nói ọ ẹ vào loa phóng thanh: “Các anh Việt Minh hiểu chúng tôi lầm rồi”. Còn bọn Nhật đứng gác ở gốc cây ngơ ngác chẳng hiểu gì nên lặng lẽ kéo nhau ra khu vườn Bách Thảo.

Ngày hôm sau và những ngày tiếp sau nữa, tôi đi gặp các tổ trưởng trao đổi với anh chị em đoán rằng, khi địch tỉnh ra, nhất định chúng sẽ tổ chức lùng sục, khám xét... Và đúng như vậy! Ngay ngày hôm sau, bọn lính Nhật đã đến hiệu khắc dấu Ích Cát là nhà của anh Huy để khám xét. Nhưng chúng không ngờ rằng anh Huy đã cuốn số truyền đơn còn lại trong chiếc mành nứa, treo tòng teng ở trước hiên nhà, ngoài hè phố.

Còn anh Mạc Phúc Ứng, con chủ nhà in Mạc Đình Tư (sau là chủ nhà in Lê Văn Tân ở cuối phố Hàng Bông) vừa đi chơi về, gần tới nhà, thấy lính Nhật đang khám xét trong nhà liền vội bỏ đi ngay. Anh Ngô Tất Oánh, công nhân Hãng Dấu Tam Anh, ở phố Thụy Khuê, sáng hôm sau đi làm gặp ngay người chủ đứng trước cửa, ông ta cười cười nói với anh Oánh: “Bây giờ mới lộ mặt nhé! Sao hôm qua hét to đến thế?”.

Riêng tôi, một sớm đang còn ngủ trên giường, nhà ở phố Hòa Mã, chợt nghe tiếng xe của nhà binh Nhật xịch đỗ trước cửa, tiếng của bọn lính Nhật xí xố, tôi choàng dậy, xách chiếc cặp da đựng 4 khẩu súng ngắn, ném qua tường nhà bên cạnh, trèo lên nhảy vào trong sân, rồi cứ thế luồn qua mấy nhà lân cận cùng dãy, rồi từ từ đi ra cửa trước, trước con mắt ngơ ngác của chủ nhà nhìn theo.

Mấy hôm sau khi gặp lại anh Khang, tôi chưa kịp báo cáo kết quả sự việc thì anh đã nói: “Tốt đấy! Nhưng việc Tuấn lên đối mặt với kẻ địch là liều lĩnh...”. Thì ra, anh đã nắm được tình hình, chắc qua cơ sở khác báo cáo để anh biết. Nhưng thấy anh cười, tôi cũng bớt sợ và cũng thấy vui vì mọi lần gặp, anh em không bao giờ thấy anh cười mà chỉ giao nhiệm vụ rồi đi ngay. Hôm nay, thấy anh cười có nghĩa là anh khen đấy!

Việc phá cuộc míttinh ngày 17/6/1945 là cuộc tập dượt đấu tranh công khai với địch để ngày 17/8/1945, anh chị em Việt Minh toàn thành Hoàng Diệu đã phá tan cuộc míttinh của “Tổng hội Viên chức” trước Nhà hát Lớn với lá cờ đỏ sao vàng khổ rất lớn, treo từ nóc Nhà hát thành phố xuống gần tới lễ đài, để từ đó có người lên diễn thuyết kêu gọi toàn dân đứng lên làm cuộc khởi nghĩa lịch sử 19/8/1945.  

Ngày ấy, cùng với người dân Hà Nội toàn thể anh chị em Việt Minh của 11 tổ hoạt động ở nội thành đã cùng nhân dân chiếm giữ Phủ Khâm sai, Trại Bảo An binh, Sở Liêm phóng, mở màn cho cuộc tổng khởi nghĩa trong toàn quốc đến ngày 25/8/1945 mới xong, mở ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới.

Đã hơn 60 năm qua, những kỷ niệm hoạt động của tuổi trẻ “bùng nổ” ngày ấy vẫn còn in đậm trong tôi, như vừa mới xảy ra ngay ngày hôm qua..

Lê Tuấn
.
.