Cuộc chiến chống tội phạm mua bán người và sứ mệnh đặc biệt của những người lính

Thứ Sáu, 13/05/2016, 08:07
"Gọi là sứ mệnh thì hơi to tát, nhưng thực sự công tác xác minh, giải cứu, tiếp nhận và bảo vệ nạn nhân rất quan trọng. Vì từ đó cơ quan chức năng mới có thể củng cố tài liệu để xử lý đối tượng triệt để, kết thúc vụ án…", Đại tá Trần Mười, Trưởng Phòng 6 cho biết...


Đến tận bây giờ, ánh mắt trong veo nhưng đượm buồn của cháu gái tên N., dân tộc Khơ Mú - nạn nhân bị lừa bán vào động mại dâm ở Chiết Giang, Trung Quốc vẫn còn ám ảnh Thượng tá Đinh Văn Trình, Đội trưởng một đội thuộc Phòng 6, Cục Cảnh sát hình sự (CSHS) Bộ Công an. Quá trình từ khi nhận được thông tin về nạn nhân, đến khi xác minh, liên lạc, tiếp cận cháu bé; cũng như làm công văn trao đổi với phía Công an Trung Quốc giải cứu thành công, trao trả cháu về Việt Nam… anh không quên bất cứ một chi tiết nào, dù nhỏ nhất. Có lẽ, câu chuyện cuộc đời đẫm nước mắt của các nạn nhân đã khiến hành động giải cứu trở thành "sứ mệnh" của Thượng tá Trình và đồng đội…

"Gọi là sứ mệnh thì hơi to tát, nhưng thực sự công tác xác minh, giải cứu, tiếp nhận và bảo vệ nạn nhân rất quan trọng. Vì từ đó cơ quan chức năng mới có thể củng cố tài liệu để xử lý đối tượng triệt để, kết thúc vụ án…", Đại tá Trần Mười, Trưởng Phòng 6 cho biết.

Được thành lập từ năm 2005, Phòng 6 Cục CSHS hiện vừa là thường trực Đề án 2 Chương trình 130 về phòng chống mua bán người, tham mưu cho lãnh đạo các cấp chỉ đạo Công an các địa phương phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành chức năng triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa và đấu tranh phòng chống mua bán người; vừa trực tiếp lập án đấu tranh, thụ lý điều tra các vụ án mua bán người và phối hợp làm tốt công tác xác minh, giải cứu, bảo vệ nạn nhân.

Mua bán người là một trong những loại tội phạm rất phức tạp trong phòng ngừa và điều tra, xử lý. Chính bởi vậy nên các CBCS khi đã nhận nhiệm vụ là phải chịu vô vàn khó khăn. Trước hết, là khó khăn trong công tác xác minh. Nạn nhân khi đã bị mua bán ra nước ngoài tức là thủ phạm đã đưa một con người ra khỏi phạm vi lãnh thổ, giấu mọi tung tích, đưa sâu vào nội địa càng tốt để khai thác, bóc lột lâu dài, thông tin rất hạn chế, được đặt tên giả, cắt đứt liên lạc. Nếu đã bị bán vào động mại dâm thì nay chuyển động nọ, mai chuyển động kia, phải kết nối cả mạng lưới rộng lớn, linh hoạt mới có thể truy tìm, xác minh được", Thượng tá Đoàn Thế Vinh, Phó trưởng Phòng 6 lý giải.

Cán bộ, chiến sỹ Phòng 6 Cục CSHS họp bàn phương án giải cứu nạn nhân.

Anh lấy ví dụ trường hợp của nữ sinh H. ở Hoài Đức, Hà Nội, bị bạn bè lôi kéo, rủ rê sang Trung Quốc đi du lịch. Khi sang đến nơi mới tá hoả biết mình bị bán vào cơ sở mại dâm. Nữ sinh này bị ép quan hệ tình dục nhưng không đồng ý nên đã bị chủ chứa đánh gãy chân, nhốt vào chuồng chó béc-giê. Chuồng có 2 ngăn, hằng ngày chúng vẫn cho chó ăn, còn nữ sinh bị bỏ đói mấy ngày liền không cho ăn uống. "Chúng tôi đã sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, xác minh vị trí cụ thể, cung cấp thông tin kịp thời, chính xác để phía Công an Trung Quốc đột kích giải cứu nữ sinh cùng với 10 cô gái khác nữa, nếu không có lẽ bây giờ cô gái vẫn chưa thể thoát khỏi "địa ngục trần gian" ấy…".

Khi đã xác minh được, công tác giải cứu cũng không kém phần gian nan. Thượng tá Đinh Văn Trình vẫn còn nhớ vụ việc nạn nhân M. quê ở Yên Bái, bị bán sang Trung Quốc khi mới 13-14 tuổi. Rất xinh và còn trẻ nên M. trở nên đắt giá (tiền bán dâm gấp 5-7 lần người khác), giúp chủ kiếm được nhiều tiền, lượng khách đông.

Cũng chính vì vậy nữ chủ chứa đã nhận M. làm con nuôi, luôn kè kè trông chừng bên cạnh, tối ngủ cùng giường… khiến công tác liên lạc, giải cứu nạn nhân hết sức khó khăn. Thượng tá Đinh Văn Trình kể: "Bản thân M. rất muốn được về, tuy nhiên bọn chủ chứa nhìn thấy tiềm năng kiếm tiền từ cháu bé nên dùng thủ đoạn "lạt mềm buộc chặt" để dụ dỗ M. ở lại. Chúng vẽ ra chuyện ghi nợ M. số tiền mấy trăm triệu, hứa một thời gian sau sẽ trả để cô bé ảo tưởng về số tiền, không tố cáo chúng và từ bỏ ý định bỏ trốn.

Khi M. phát hiện âm mưu, quyết định bỏ trốn, các đối tượng lại bày ra màn kịch đổ oan cho M. ăn cắp dây chuyền vàng, doạ báo Công an Trung Quốc bắt và chặt chân M. để em nhụt chí…". Ngoài việc ngây thơ, tin người nên bị lừa như M., nhiều phụ nữ bị luân chuyển mua bán nhiều lần, trao tay nhiều người nên không tin tưởng ai, kể cả cán bộ giải cứu. Các cán bộ Phòng 6 sau khi kết nối với các nạn nhân lại phải dùng hết tình cảm và lý lẽ để thuyết phục các nạn nhân có niềm tin và làm theo các chỉ dẫn…

Giải cứu được nạn nhân, các cán bộ đôi lúc lại vấp phải sự bất hợp tác từ phía gia đình. Thượng tá Đoàn Thế Vinh chưa thôi xót xa trước hoàn cảnh của em Q. ở Hải Dương bị bạn trai lừa sang Trung Quốc làm ăn. Quá khủng hoảng tinh thần nên bố nạn nhân dù bị mù hai mắt vẫn chống gậy đi khắp nơi gửi đơn cầu cứu, trong khi mẹ khóc cạn hết nước mắt vì thương con.

Trực tiếp tiếp nhận hồ sơ, anh đã họp chuyên án, chỉ đạo anh em xác minh, sớm xây dựng kế hoạch triển khai. Về phía Q., sau khi sang nước bạn một thời gian đã bị đối tượng báo Công an Trung Quốc bắt, bị trục xuất về nước trong tình cảnh không một xu dính túi, trên người chỉ còn quần soóc và áo hai dây. Tuy nhiên khi Q. được đưa về nước an toàn thì người bác ruột làm cán bộ xã đã không cho Q. cộng tác với cơ quan Công an để điều tra, làm rõ các đối tượng lừa đảo và đường dây mua bán người.

"Bằng tình người chúng tôi nỗ lực xác minh giải cứu Q. bao nhiêu, thì cũng bằng tình người chúng tôi thuyết phục gia đình Q. đứng ra trình báo", anh nói. Về sau, người mẹ của Q. do mủi lòng trước trách nhiệm và sự tận tuỵ của cơ quan Công an nên 3h sáng đã bí mật bắt xe từ Hải Dương đưa con gái đến trình diện, cung cấp đầy đủ thông tin, giúp lực lượng điều tra phá án…

Có thâm niên 10 năm công tác ở Phòng 6, ấn tượng nhất đối với Thượng tá Đinh Văn Trình có lẽ là lần anh trực tiếp sang Trung Quốc giải cứu 3 cháu bé từ 14-16 tuổi bị người đàn ông Trung Quốc lấy vợ Việt Nam tên L. lừa bán. Đối tượng này hứa hẹn các cháu sang bố trí việc làm với mức lương 7 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên một thời gian sau, gia đình nạn nhân nhận được thông tin từ một người Việt đang làm ăn tại Quảng Đông (Trung Quốc) thông báo các cháu đang bị một số đối tượng, trong đó có 2 vợ chồng L. nhốt, ép làm gái mại dâm.

Người đàn ông này nhân một lần hai vợ chồng L. đi vắng đã nghe tiếng kêu cứu nên đến tìm hiểu. Biết ổ nhóm vợ chồng L. hoạt động theo kiểu xã hội đen nên người đàn ông yêu cầu Công an Việt Nam phải sang tận nơi mới tin tưởng cung cấp thông tin. Lãnh đạo Cục CSHS đã giao cho Thượng tá Đinh Văn Trình trực tiếp xử lý thông tin.

Dưới sự hướng dẫn của anh, người đàn ông đã giải cứu 3 cháu bé, đưa đến nơi an toàn, nhưng do sợ bị các đối tượng trả thù, bản thân cũng không thể giữ 3 cháu quá lâu nên ông đề nghị trong vòng 1-2 ngày lực lượng Công an phải đến giải cứu, nếu không sẽ đẩy các cháu ra ngoài vì sự an toàn của chính gia đình mình.

Trước tình thế cấp bách về mặt thời gian, một mặt Thượng tá Trình báo cáo lãnh đạo Bộ, lãnh đạo Cục có phương án xử lý, một mặt thông báo ngoại giao với phía Công an Trung Quốc. Sau đó, anh cùng với Thượng tá Trần Đình Huấn, Phó Trưởng phòng 6 và một số đồng chí trong tổ công tác sang Quảng Đông, Trung Quốc tìm gặp người đàn ông kia, đồng thời tiến hành giải cứu các cháu ngay trong đêm, đưa các cháu về Tổng lãnh sự quán Việt Nam ở Trung Quốc. Vướng mắc trong khâu làm thủ tục, dù giải cứu được nhưng anh cùng đồng đội phải lưu lại nước bạn 1 tuần để chứng minh các cháu là người Việt Nam.

Khi đi tàu hoả về, đến khu vực biên giới, đoàn công tác còn phải vượt qua bao "cửa ải" hai nước mới có thể làm giấy thông hành cho các cháu qua cửa khẩu… Có thể nói, việc làm thế nào vừa đảm bảo nguyên tắc đối ngoại trong hợp tác quốc tế về phòng chống tội phạm, vừa giữ được tín nhiệm đối với người duy nhất hỗ trợ giải cứu nạn nhân cũng như đảm bảo an toàn tính mạng cho các nạn nhân là vấn đề đau đầu, khiến các anh phải xây dựng kế hoạch chi tiết, tỉ mỉ. Đảm bảo an toàn cho người báo tin và cho các cán bộ tham gia phá án cũng là nhiệm vụ quan trọng, khiến tổ công tác vừa đấu lý đấu trí vừa tính toán kỹ…

Chia tay các cán bộ Phòng 6, cũng là lúc Đại tá Trần Mười triệu tập một cuộc họp về chuyên án mới. Chống tội phạm mua bán người và giải cứu các nạn nhân là cuộc chiến không bao giờ ngơi nghỉ. Các anh chỉ tạm thời ngon giấc khi biết nạn nhân vừa được giải cứu đã trở về an toàn trong vòng tay gia đình. Nghe "tiếng kêu cứu" mới, các anh lại lập tức lên đường, bất kể là ngày hay đêm…

"Khó nhất trong công tác giải cứu là nạn nhân ở nước ngoài, cần giải cứu ngay mà mình không sang trực tiếp được, trong khi đường ngoại giao mất nhiều thủ tục khiến việc giải cứu bị chậm trễ. Nhiều lúc chúng tôi cảm thấy bất lực vì xác minh được vị trí của nạn nhân nhưng chưa thể giải cứu ngay lập tức, trong người bứt rứt, mất ăn mất ngủ. Lương tâm người cán bộ CSHS khi biết vẫn còn nạn nhân ở ngoài bị xâm hại, bóc lột thì quyết tâm phải giải cứu bằng được. Chỉ khi họ được trở về, chúng tôi mới thanh thản, nhẹ nhõm…" (Thượng tá Đinh Văn Trình). 

Nạn nhân trở về thường bị sang chấn tâm lý, thái độ tiêu cực với cuộc sống. Có nạn nhân mỗi ngày phải "tiếp khách" 50 lần, sau 6 tháng trở về bị nhiễm HIV nên khủng hoảng tinh thần, ghê sợ đàn ông… Chúng tôi đã cùng với các tổ chức quốc tế tiếp cận, làm công tác tư tưởng, đưa các em, các cháu lên chùa để tĩnh tâm, giải toả stress. Bằng tình cảm, khả năng của cán bộ chiến sỹ, chúng tôi khơi gợi lòng yêu thương đồng loại, vận động, kêu gọi các tổ chức hỗ trợ các nạn nhân sau giải cứu. (Thượng tá Đoàn Thế Vinh).

Quỳnh Vinh
.
.