Cục Hồ sơ nghiệp vụ an ninh (Bộ Công an): Những người tìm "vàng" dưới lớp bụi thời gian

Thứ Ba, 28/05/2013, 08:00

"Cho tôi thay mặt họ hàng, con cháu của gia đình xin chân thành cảm ơn tới Cục Hồ sơ nghiệp vụ an ninh (Bộ Công an) đã bỏ công tìm kiếm được tấm ảnh của cha tôi mà đã 40 năm qua không tìm được" - Đó chỉ là một trích dẫn trong số rất nhiều lá thư cảm ơn của những gia đình chính sách mà các cán bộ, chiến sĩ Cục Hồ sơ nghiệp vụ an ninh (A93) nhận được. Những tình cảm giản dị, chân thành ấy đã là nguồn động viên để các anh tiếp tục sự nghiệp thầm lặng mà ý nghĩa của mình. Và đó cũng chính là lý do để chúng tôi có điều kiện được trò chuyện và hiểu hơn về công việc của những chiến sĩ an ninh hồ sơ.

Có lẽ không bao giờ ông Trương Văn Tiến ở phường Hùng Vương, quận Hồng Bàng, Tp Hải Phòng quên được ngày ông và gia đình nhận được công văn trả lời của Cục Hồ sơ nghiệp vụ an ninh về thông tin quá trình hoạt động cách mạng của cha ông - cụ Trương Văn Lực. Cụ Trương Văn Lực (sinh năm 1901) sinh thời là một chiến sĩ hoạt động cách mạng sôi nổi. Cụ từng là Bí thư chi bộ đầu tiên tại An Lạc, Cam Lộ, Hồng Bàng từ năm 1927 đến năm 1931. Cụ từng bị địch kết án 5 năm tù. Hai lần bị địch bắt, tra tấn dã man nhưng cụ vẫn không khuất phục. Sau rồi, cụ bị địch đầu độc đến thành điên dại và trả về địa phương. Đến năm 1946 thì cụ qua đời. Cụ Trương Văn Lực được suy tôn là liệt sĩ. Tuy nhiên, một điều mà cả gia đình ông Trương Văn Tiến và chính quyền địa phương rất lấy làm tiếc là không có được một tấm di ảnh nào của cụ. Thế nên khi nhận được kết quả từ Cục A93 rằng đã tìm được di ảnh và thông tin của cụ thì đối với họ, đó là niềm hạnh phúc vô bờ. Niềm vui càng được nhân lên khi chính quyền Tp Hải Phòng đã quyết định lấy tên người cộng sản kiên trung ấy để đặt tên cho một con đường.

Năm 2012, khi ngành điện lực Hải Phòng bắt tay vào làm cuốn sách về lịch sử của ngành thì khó khăn gặp phải là không có một chút thông tin nào về quá trình hoạt động của đồng chí Hoàng Văn Đoài, là Ủy viên BCH Đảng bộ Tp Hải Phòng từ năm 1930, Bí thư chi bộ Đảng đầu tiên của ngành điện lực thành phố. Ngay cả quê quán cụ ở đâu, ngành điện lực cũng không còn ai biết. Nhờ sự nhiệt tình của các đồng chí ở A93, quá trình hoạt động cách mạng sôi nổi, kiên trung của cụ Hoàng Văn Đoài đã được chứng minh chi tiết, cụ thể...

Đó là hai trong số nhiều trường hợp mà chúng tôi được Thượng tá Trần Viết Sách - Phó phòng Lưu trữ và khai thác Hồ sơ nghiệp vụ an ninh và cũng là người trực tiếp tham gia tìm di ảnh và thông tin cho hàng trăm gia đình chia sẻ. Được biết, qua hơn 55 năm thành lập, lực lượng Hồ sơ An ninh đã cung cấp hồ sơ tài liệu về hàng trăm đồng chí lão thành cách mạng, hàng trăm di ảnh của các chiến sĩ cách mạng bị tù đày trong các nhà tù của chế độ cũ, cung cấp hàng vạn xác nhận thời gian hoạt động cách mạng cho các cán bộ, thân nhân gia đình cán bộ hoạt động cách mạng để thực hiện chính sách ưu đãi người có công với nước. Bên cạnh đó, lực lượng Hồ sơ nghiệp vụ an ninh còn khai thác, cung cấp hàng nghìn hồ sơ tài liệu quý hiếm cho Ban nghiên cứu Lịch sử Đảng và Nhà Bảo tàng các tỉnh, thành phố trong toàn quốc như Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh, Bảo tàng Cách mạng… Đặc biệt Cục Hồ sơ nghiệp vụ an ninh cũng là đơn vị đã cung cấp nhiều tư liệu quý như ảnh và tư liệu về cụ Nguyễn Sinh Sắc - thân sinh của Bác Hồ cho Bảo tàng Hồ Chí Minh. Những tài liệu này được đánh giá rất cao và hiện đang trưng bày tại Bảo tàng. Cục cũng là đơn vị cung cấp tài liệu cho Ban Biên giới (Bộ Ngoại giao) về việc chính quyền Pháp ở Đông Dương đã ký với nhà Thanh, trong đó khẳng định Trường Sa, Hoàng Sa là chủ quyền của Việt Nam...

Đại tá Nguyễn Đức Đoái, Phó Cục trưởng Cục Hồ sơ nghiệp vụ An ninh trao di ảnh cụ Trương Văn Lực và giấy hoạt động cách mạng của cụ cho gia đình ông Trương Văn Tiến.

Thượng tá Trần Viết Sách cũng chia sẻ, hiện tại trong hồ sơ lưu trữ thu được của Pháp sau năm 1945 mà đơn vị có nhiệm vụ bảo quản, giữ gìn đang có khoảng 100.000 bức ảnh mà người Pháp lập hồ sơ quản lý. Có những thời điểm, mỗi ngày các anh nhận được hơn 50 lá thư, đơn kiến nghị của những gia đình chính sách xin được cung cấp di ảnh, tư liệu về những người thân của họ. Trước hết là để có tấm ảnh đặt lên bàn thờ theo đạo hiếu của người Việt. Sau là cơ sở, căn cứ để gia đình hoàn thiện hồ sơ đề nghị với Đảng, Nhà nước truy tặng danh hiệu cho những người đã khuất, giải quyết chế độ chính sách người có công với cách mạng. Mà theo quy định của cơ quan, không quá 10 ngày các anh phải có công văn trả lời. Đây là công việc không hề đơn giản. Chưa kể hầu hết tài liệu lưu trữ đều bằng tiếng Pháp, lại là tiếng Pháp cổ đòi hỏi sự chuẩn xác và cả phòng chỉ có 3 người biết tiếng Pháp nên khối lượng công việc khá nặng nề.

Vừa trò chuyện, Thượng tá Trần Viết Sách vừa cho chúng tôi xem những tập tài liệu bằng tiếng Pháp chữ nhỏ li ti trên nền giấy đã ố vàng. Vì yêu cầu công việc, có thời điểm, các anh phải dịch nguyên văn hơn 30 trang sách tiếng Pháp trong vòng 3 ngày. Chưa kể một số tài liệu vì thời tiết nóng ẩm, vì hoàn cảnh lịch sử chiến tranh phá hoại... không có điều kiện để bảo quản tốt nên bị mối xông, mục nát. Có những tập tài liệu các anh không dám động vào vì nếu chỉ cần chạm nhẹ cũng có thể vỡ vụn. Từ 2 năm trở lại đây, khi phần mềm quản lý hồ sơ lưu trữ được hoàn thiện, đưa vào sử dụng thì công việc quản lý, khai thác đã hiệu quả hơn. Khi khu di tích Hỏa Lò đặt bảng đồng ghi danh những chiến sĩ cách mạng để người dân tới tham quan, một số nhân chứng cho biết trong số đó có nhiều người không phải là chiến sĩ cách mạng. Ban quản lý khu di tích Hỏa Lò đã có công văn gửi Bộ Công an và được Lãnh đạo Bộ giao cho A93 xử lý và chỉ một thời gian ngắn, các anh đã tìm ra được chính xác trong số 48 người ấy, có 17 đồng chí có công với cách mạng được tôn vinh.

Những người như Thượng tá Trần Viết Sách gắn bó gần 40 năm với công tác hồ sơ đã không thể nhớ hết những trường hợp các anh tìm được tư liệu thông tin và ảnh cho thân nhân các liệt sĩ. Công việc bận rộn khiến anh hầu như rất ít khi về nhà trước 6 giờ chiều. Bởi như anh chia sẻ, tính chất công việc tìm tài liệu là phải liên lục, nếu bị gián đoạn sẽ phải bắt đầu lại từ đầu nên thời gian anh làm việc hiệu quả nhất lại là từ 4h đến 6h chiều. Khi đó anh không bị làm phiền bởi những cuộc điện thoại mà có thể toàn tâm, toàn ý vào những trang tư liệu đã ố màu thời gian. Vất vả là vậy nhưng có trường hợp, chỉ trong vài ngày là các anh có thông tin chuyển về cho gia đình nhưng cũng có những trường hợp thời gian tìm kiếm lên tới 9 năm, như trường hợp một gia đình chính sách ở Thái Bình. Hay trường hợp có một người dân ở Khương Thượng nhờ tìm di ảnh và thông tin người thân. Hàng tháng trời cả gia đình và đơn vị điện thoại liên tục để bổ sung thông tin nhưng vẫn chưa tìm ra. Một ngày, vào khoảng 4 giờ chiều, khi Thượng tá Trần Viết Sách đã định tắt máy tính nghỉ ngơi thì bất ngờ một chi tiết chưa tìm lóe lên trong đầu. Anh quyết định bắt đầu từ cơ sở dữ liệu ấy và như một phép màu, những thông tin về trường hợp này đã xuất hiện.

Với những cán bộ chiến sĩ làm công tác hồ sơ, ngoài trách nhiệm, chuyên môn thì cái tâm với công việc là điều không thể thiếu. Bởi nếu chỉ thuần túy là công việc, chỉ cần 5 phút là các anh có thể trả lời cho người dân là có hay không có thông tin. Nhưng đã có nhiều trường hợp cả chục năm trời các anh vẫn dò dẫm đi tìm. Hơn ai hết, khi chứng kiến những người dân gom góp tiền để tàu xe đi Hà Nội, ăn cơm bụi thuê nhà trọ chỉ mong mang được về tấm di ảnh hay chút thông tin ít ỏi của người thân thì các anh không thể làm hời hợt được. Các anh hiểu rằng, nếu không tìm thấy ở đây, họ sẽ không biết đi đâu, bấu víu vào đâu để tìm thông tin. Bản thân những gia đình ấy đã rất thiệt thòi rồi nên với các anh cố gắng giúp đỡ họ là phương châm hàng đầu. Phần thưởng vô giá cho những vất vả ấy là những lá thư cảm ơn của người dân từ mọi miền Tổ quốc. Thỉnh thoảng có những gia đình đến với chút quà là một vài trái bưởi Phúc Trạch, cân lạc nhân...nhưng là cả tấm lòng kính trọng, biết ơn. Hạnh phúc của các anh còn là khi chứng kiến họ hàng, con cháu của những tiền bối cách mạng mà các anh giúp tìm kiếm tư liệu đã nghẹn ngào rơi nước mắt ôm di ảnh của người cha, người ông mà họ chưa một lần được gặp mặt…

Theo Đại tá Nguyễn Đức Đoái, Phó Cục trưởng Cục Hồ sơ nghiệp vụ An ninh thì riêng cung cấp thông tin giải quyết theo chế độ chính sách theo Hướng dẫn số 30 - HD/BTCTW của Ban Tổ chức Trung ương, khoảng hơn 2 năm cho đến thời điểm này, Cục đã tiếp nhận được khoảng gần 2.000 lá đơn. Trong đó, 1/3 số đơn thư ấy là được cán bộ, chiến sĩ của Cục tìm được thông tin tư liệu chuyển cho gia đình. Công việc vất vả thầm lặng, ít người biết tới nhưng - như Đại tá Nguyễn Đức Đoái chia sẻ - chưa bao giờ các anh, chị thấy chạnh lòng. Thậm chí các anh luôn tự hào về công việc, trách nhiệm của mình. Bởi nhờ có các anh, nhiều tấm gương anh dũng đã được vinh danh để rồi từ đó, gia đình họ đã được hưởng quyền lợi xứng đáng dành cho những gia đình chính sách

Thảo Duyên
.
.